Diễn văn của Chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN tại lễ đón nhận Danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân”

29/12/2014

Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước,

Kính thưa các quí vị đại biểu, các nhạc sĩ lão thành, các đồng chí, đồng nghiệp,

Trong âm hưởng hào hùng của những hoạt động kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 25 năm ngày hội quốc phòng toàn dân, hôm nay, trong không khí trang trọng tại Nhà hát Lớn Thủ đô Hà Nội – nơi đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, chúng ta vui mừng tổ chức Lễ đón nhận Danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” do Đảng và Nhà nước trao tặng cho các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam đúng vào dịp Hội ta tròn 57 năm kể từ khi thành lập. (1957 - 2014).


Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam

Đây là dịp để giới âm nhạc Việt Nam ôn lại những chặng đường vẻ vang của một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp do Đảng thành lập và lãnh đạo, là dịp để chúng ta tri ân các thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ đã hoạt động trên các lĩnh vực sáng tác, biểu diễn, nghiên cứu - lý luận và đào tạo âm nhạc trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Có được thành tích vẻ vang và rất đỗi tự hào này, chúng ta luôn tưởng nhớ đến công lao của các lớp nhạc sĩ đi trước đã có công đóng góp xây dựng cho Hội ta từ thuở ban đầu, ghi công những nhạc sĩ anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc, để lại cho đời những tác phẩm âm nhạc bất hủ mãi đi cùng năm tháng.

Trong 57 năm qua, khó có thể thống kê đầy đủ được số lượng tác phẩm, các chương trình biểu diễn, các công trình nghiên cứu sưu tầm của các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam với mục đích ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Bác Hồ muôn vàn kính yêu, ca ngợi những tấm gương hi sinh vì nước, vì dân,vì sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất đất nước.

“Cuộc trường chinh” của nền âm nhạc mới Việt Nam được bắt đầu từ khi Đảng ra đời với hành khúc “Cùng nhau đi hồng binh” của nhạc sĩ – liệt sĩ Đinh Nhu, tiếp nối nhịp bước “Vì nhân dân quên mình” tới “Hành quân xa”, “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”, và hôm nay vang mãi “Khúc quân hành” trong thời kỳ đổi mới.

Âm nhạc đã cắm những dấu mốc lịch sử bằng âm thanh, ghi lại những năm tháng, những giờ phút hào hùng trên mỗi bước đi, mỗi chặng đường của cách mạng. Với bài hát "Giải phóng Điện Biên" của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, bài "Tiến về Hà Nội" của nhạc sĩ Văn Cao đã đánh dấu cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi thì bài hát "Giải phóng miền Nam", "Tiến về Sài Gòn" của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (tức Huỳnh Minh Siêng) và bài ca "Như có Bác Hổ trong ngày vui đại thắng" của nhạc sĩ Phạm Tuyên cùng ca khúc “Đất nước trọn niềm vui" của nhạc sĩ Hoàng Hà là những nét son rực rỡ đánh dấu cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta thắng lợi, miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông nối liền một dải. Những âm thanh đã góp vào kỳ tích của dân tộc. Nhạc sĩ là chiến sĩ, bài ca là vũ khí, họ cũng là những anh hùng trong một binh chủng anh hùng đặc biệt. Thật đáng tự hào và xúc động trước hiện thực lịch sử, khi mỗi chiến sĩ ra trận đều mang theo những bài ca trong tim, họ đã hát vang những khúc quân hành trên mọi nẻo đường chiến trận, trong những lúc nguy nan nhất các chiến sĩ đã "vịn" vào bài ca để Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước mà lòng phơi phới dậy tương lai. Ngay cả đến khi hi sinh thì những cuốn nhật ký để lại của các liệt sĩ như: Đặng Thùy Trâm vẫn còn ghi đậm những giai điệu – lời ca một thời chống Mỹ liệt oanh.

Đặc biệt giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, âm nhạc bằng sức mạnh nghệ thuật của mình đã tạo nên phong trào Tiếng hát át tiếng bom hòa cùng phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe ở các vùng đô thị tạm chiếm ở miền Nam đã tạo nên một giá trị tinh thần vô cùng to lớn. Ca khúc cách mạng đã thực sự trở thành vũ khí đấu tranh sắc bén. Các nhạc sĩ đã có mặt ở khắp mọi nơi, mọi lúc, có người đã anh dũng hi sinh trên các chiến trường như các nhạc sĩ – liệt sĩ: Hoàng Việt, Văn Cận, Vĩnh Bảo... bằng xương máu của mình đã viết nên những bài ca hào hùng mà cho đến hôm nay âm hưởng của nó vẫn còn khích lệ niềm tự hào không chỉ riêng của giới âm nhạc mà còn của cả dân tộc Việt Nam.

Cũng trong những năm tháng gian khổ và hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các tác phẩm khí nhạc non trẻ ở nước ta bắt đầu xuất hiện, tạo điều kiện cho sự phát triển hài hòa của nền âm nhạc chuyên nghiệp cả thanh nhạc và khí nhạc. Đây cũng là một đặc điểm nổi bật trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, một nền âm nhạc được sinh ra từ Cách mạng Tháng Tám, được trưởng thành ngay trong những năm tháng chiến tranh và lại sớm tiếp thu được tinh hoa âm nhạc nhân loại. Nhạc kịch (Opera) đầu tiên "Cô Sao" (1964) của Đỗ Nhuận. Bản giao hưởng (Symphony) đầu tiên “Quê hương” của Hoàng Việt (1965); kịch múa (Ballet) "Ngọn lửa Nghệ Tĩnh" của tập thể các nhạc sĩ quân đội là những thành tựu nổi bật. Các tác giả và tập thể tác giả của những tác phẩm tiêu biểu kể trên đã xứng đáng được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Sau khi đất nước thống nhất, lực lượng những người hoạt động âm nhạc càng thêm đông đảo với sự bổ sung đội ngũ những người sáng tác và biểu diễn ở các tỉnh, thành phố phía Nam, đặc biệt là lực lượng âm nhạc từ Hội Văn nghệ Giải phóng. Chính điều này làm cho Hội Nhạc sĩ Việt Nam ngày càng lớn mạnh, phát triển đủ sức đáp ứng những yêu cầu của công cuộc Đổi mới cũng như sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.Trong những năm gần đây Hội tăng cường mở rộng hoạt động đối ngoại, tháng 10 năm 2014 đã tổ chức thành công Fesstival Âm nhạc mới Á – Âu lần thứ nhất. Ngày mồng 3 tháng 9 hàng năm ( từ năm 2010) đã trở thành ngày Âm nhạc Việt Nam, được các Hội âm nhạc và các chi hội trong cả nước hưởng ứng nhiệt tình với nhiều chương trình tác phẩm mới của các nhạc sĩ.

Trong suốt 57 năm qua, các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam đã lao động sáng tạo không ngừng nhằm có được những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, đáp ứng với kỳ vọng của công chúng yêu âm nhạc cả nước. Các nhạc sĩ đã sáng tác hàng ngàn tác phẩm,các ca sĩ nghệ sĩ, nhạc công đã biểu diễn hàng vạn chương trình nghệ thuật, hàng trăm công trình lý luận phê bình ,nghiên cứu sưu tầm âm nhạc đã ra đời. Nhiều tác phẩm trong số đó đã trở thành những giá trị tinh thần vô giá, những bài ca mãi đi cùng năm tháng.

Với bề dày hơn nửa thế kỷ hoạt động, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất(1987), Huân chương Hồ Chí Minh (1997), Huân chương Sao Vàng(2007) vào các dịp kỷ niệm 30 năm, 40 năm, 50 năm thành lập Hội. Nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ được phong tặng các danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú, Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú, học hàm Giáo sư, Phó giáo sư. Các nhạc sĩ: Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Hoàng Việt, Huy Du, Phan Huỳnh Điểu, Nguyễn Văn Tý, Hoàng Vân, Trần Hoàn, Xuân Hồng, Nguyễn Đức Toàn, Hoàng Hiệp, Nguyễn Văn Thương, Văn Chung và Phạm Tuyên đã vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh cùng hơn 100 nhạc sĩ được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, gần 50 nhạc sĩ đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động các hạng.

Bước vào giai đoạn mới, chúng ta vô cùng tự hào với truyền thống vẻ vang 57 năm qua của Hội, chúng ta trân trọng và cảm ơn sự đánh giá cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với đội ngũ những người làm công tác âm nhạc.. Toàn thể hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam nguyện sát cánh bên nhau, đoàn kết một lòng, phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cac về tư tưởng và nghệ thuật , đáp ứng kỳ vọng của nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Trong không khí tự hào, phấn khởi đón nhận Danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” thay mặt Ban chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam và toàn thể giới âm nhạc cả nước, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất tới các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Xin cám ơn các thế hệ nhạc sĩ đã có công dựng xây nên sự nghiệp vẻ vang của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.

Trước thềm năm mới 2015, kính chúc Quý vị đại biểu dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Xin chân thành cám ơn.

Nhạc sĩ TS Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN

 

 

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...