Diễn tấu đàn bầu trong dàn nhạc múa và tuồng cung đình Huế

18/09/2014

Trong một số tài liệu về âm nhạc cung đình của những tác giả tiền bối, cây đàn bầu Việt Nam đã được dự đoán về niên đại ra đời của nó, về sự thăng trầm song hành cùng với chiều dài lịch sử dân tộc.

Và cũng như nhiều tác giả khác, nhà nghiên cứu Phạm Phúc Minh trong công trình nghiên cứu Cây đàn bầu, những âm thanh kỳ diệu đã dày công nghiên cứu với những lập luận mang tính tương đối để có bằng chứng cụ thể khẳng định một cách đúng đắn sự có mặt hay không của cây đàn bầu trong dàn nhạc cung đình Huế vẫn là vấn đề đang nằm trong dự đoán. Tuy nhiên, dù có hay không việc cây dàn bầu được sử dụng trong dàn nhạc cung đình, thì việc trong gần 10 năm vừa qua Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế thử nghiệm đàn bầu diễn tấu trong dàn nhạc múa và tuồng cung đình Huế cũng đã đem đến một sắc thái mới đối với nghệ thuật truyền thống của một vùng đất Cố đô.

Sự ra đời và phát triển của đàn bầu

Cây đàn bầu là nhạc cụ một dây độc đáo, đặc trưng của Việt Nam; vẫn biết đàn bầu ra đời rất lâu nhưng chưa thấy tài liệu nào ghi rõ thời gian ra đời của nó. Từ những truyền thuyết “cây đàn bầu của Thị Phương”, “cây đàn một dây của ông Thiện”, “Cái trống đất trên đường tiến quân của Nguyễn Huệ” hay “Ông tổ của nghề hát Xẩm với cây đàn bầu”… Cho đến những nhận định của các nhà nghiên cứu âm nhạc thì sự ra đời của đàn bầu lại có những thời gian khác nhau:

- “Đàn bầu nguồn gốc ở Bắc Kỳ, mãi đến năm Thành Thái thứ 8 (1896) mới được đưa vào Kinh thành Huế do một gánh hát Xẩm” (Hoàng Yến: La musique à Huế. Bulletin des Amis du Vieux Huế, số 3, 1919).

- G. Cordier đã viết trong nghiên cứu về văn học Việt Nam: “Đàn bầu nguồn gốc từ Bắc Kỳ và rất có thể đã ra đời cùng với chiếc Khèn, một nhạc cụ cổ truyền đã có từ lâu đời ở Việt Nam” (G. Cordier: Étude sur la littérature annamite, Imprimerie Trung Bắc, Hà Nội,1940)

- “Cây đàn bầu ra đời vào khoảng thế kỷ IX - X” (Phạm Phúc Minh: Cây đàn bầu những âm thanh kỳ diệu)…

Cho dù khác nhau về thời gian ra đời nhưng điểm chung nhất là đàn bầu đã có từ xa xưa; trải qua bao thăng trầm và những biến động của lịch sử, đàn bầu từ những buổi sơ khai mới hình thành đã gắn bó với người hát xẩm, với người dân lao động, nay đàn bầu đã có vị trí trong các dàn nhạc truyền thống của nhiều đơn vị nghệ thuật trên toàn quốc; hơn thế nữa, đàn bầu đã vươn ra với với thế giới, có mặt trên những sân khấu lớn để khẳng định vị thế quan trọng của một nhạc cụ truyền thống Việt Nam.

Vì sao đàn bầu không có trong dàn Nhã nhạc cung đình, thử đi tìm một số nguyên nhân?

Nhà vua được sùng thượng ngang với trời đất, thánh thần, nên âm nhạc dùng trong lễ tế cũng có thể diễn tấu trong yến tiệc cung đình để vua giải trí. Do đó, triều đình đặt ra các tổ chức âm nhạc chủ yếu để phục vụ lễ nghi, cúng tế. Và những nhạc cụ lưu hành trong cung phải có âm thanh uy nghi, hùng dũng, trang trọng, tạo không khí linh thiêng, trang nghiêm trong buổi lễ. Có lẽ chính vì điều này nên đàn bầu - một nhạc cụ quốc hồn, quốc túy được chúng ta quý trọng, nhưng dưới triều Nguyễn nó bị xem là cây đàn có âm dung tục, ngâm ngợi, ẻo lả nên tuyệt đối không được đưa vào dàn nhạc cung đình. Bên cạnh đó, triều đình nhà Nguyễn bấy giờ không xem trọng các dân tộc thiểu số sống trên dải đất Việt Nam, nên nghệ thuật âm nhạc của họ cũng ít được triều đình chú ý đến. Các nhạc cụ độc đáo của các dân tộc Tây Nguyên, Tây Bắc, Trung du Bắc bộ… đều không được đưa vào dàn nhạc cung đình Nguyễn.

Ngoài ra, do hoàn cảnh lịch sử nước ta bị Bắc thuộc hơn một ngàn năm và bị những cuộc xâm lấn liên tục của phong kiến Trung Hoa nên văn hóa nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng ở nước ta chịu ảnh hưởng của Trung Hoa khá sâu đậm. Âm nhạc cung đình Huế chủ yếu dựa trên cơ chế tổ chức âm nhạc triều Lê. Dàn nhạc cung đình Lê lại phỏng theo dàn nhạc nhà Minh, Trung Quốc. Sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn có ghi: “Sau đó Lương Đăng dâng nhã nhạc mới, sáng tác theo quy chế nhạc nhà Minh. Về nhạc dùng trên triều đường thì có tám âm: Trống lớn, bộ phận khánh và bộ phận chuông, đàn cầm và đàn sắt, sinh và dung, quản và thực, chúc và ngữ, huyên và tri; về nhạc dùng dưới triều đường thì có phương hưởng, không hầu, đàn tỳ bà, quản cổ và quản địch”. Sự sao chép một cách thụ động dàn nhạc nhà Minh, Trung Hoa đã làm giảm thiểu một cách đáng tiếc tính dân tộc trong dàn nhạc cung đình nhà Lê, và sự đáng tiếc này đã kéo dài đến triều Nguyễn. Cũng có thể cây đàn bầu Việt Nam không được đưa vào dàn nhạc cung đình Nguyễn ngoài lý do quan niệm phong kiến bấy giờ cho rằng đàn bầu có âm thanh dung tục còn có lý do vì dàn nhạc triều Minh không hề có đàn bầu.

Với hai quan niệm nêu trên, quan niệm nào có tính khoa học và thuyết phục nhất? Nếu theo quan niệm phong kiến: Cho rằng đàn bầu là đàn của người nghèo, đàn của tầng lớp hạ lưu, hay đàn của người hát Xẩm… Có lẽ do quan niệm xem thường những nhạc cụ xuất thân từ ngoài dân gian của các tầng lớp quý tộc; hơn nữa vào những buổi sơ khai khi đàn bầu mới ra đời còn đơn sơ, hình thức không được bắt mắt, làm bằng chất liệu đơn giản (tre và quả bầu khô), chưa có thể đứng cạnh với những nhạc cụ du nhập từ các nước lân cận; một mặt người chơi đàn bầu là những người dân nghèo, trình độ kỹ thuật sử dụng nhạc cụ mới này chưa phát triển, một mặt sử dụng đàn bầu như một nhạc cụ để kiếm sống nên các triều đại trước đây còn gọi tên là “đàn Xẩm” với ý miệt thị. Cũng có lẽ, do quan niệm của xã hội phong kiến thì những người làm nghề ca hát bị “coi như một tầng lớp thấp kém trong xã hội”.

Như vậy, những nhạc cụ sử dụng trong dàn cung đình thời bấy giờ là những nhạc cụ gì? Chúng ta hãy xem xét quan niệm thứ hai: Sau sự kiện Lương Đăng sao chép một cách thụ động dàn nhạc nhà Minh, Trung Hoa đã làm giảm thiểu một cách đáng tiếc tính dân tộc trong dàn nhạc cung đình nhà Lê. Và sự đáng tiếc này đã kéo dài đến triều Nguyễn. Đặt giả sử nếu Lương Đăng không sao chép dàn nhạc nhà Minh mà xem xét tính dân tộc là trên hết thì liệu đàn bầu có được diễn tấu cùng dàn nhạc cung đình không, bởi lẽ đàn bầu là nhạc cụ của chính dân tộc Việt Nam? Xét hai quan niệm, yếu tố ngoại lai vẫn còn đặt nặng trong định chế dàn nhạc cũng như trong việc xây dựng các trình thức lễ nghi và sáng tạo bài bản. Sự ảnh hưởng yếu tố nước ngoài đó đã kéo dài cho đến các triều đại nhà Nguyễn.

Như vậy, nếu so sánh hai quan niệm thì quan niệm thứ nhất đã có trong quan niệm thứ hai; có nghĩa là yếu tố ngoại lai không phải là thứ yếu của những triều đại trước đây.


Người đàn ông mù chơi đàn bầu (sơn dầu trên carton 100 x 110 cm) – Bửu Chỉ, 1995.- Ảnh: sangtao.org

Diễn tấu đàn bầu trong dàn nhạc múa và tuồng cung đình Huế - một sắc thái mới của những giá trị âm nhạc

Trong tài liệu (Hoàng Yến (đã dẫn) số 3, 1919): “Đàn bầu nguồn gốc ở Bắc Kỳ, mãi đến năm Thành Thái thứ 8 (1896) thì mới được đưa vào Kinh thành Huế do một gánh hát Xẩm…” và vào “khoảng đầu thế kỷ XX, người ta mới thấy một số nhạc sĩ Tài tử dùng đàn bầu để hòa tấu trong dàn nhạc ngũ tuyệt ở Huế”. Tài liệu (GS. Tô V điển hình là cây đàn bầu trước là đàn của những người hát rong, sau được nâng cao về hình thức và tính năng trở thành một nhạc khí đệm cho Ca Huế, sánh ngang với tranh, nhị, tỳ bà…”.

Như vậy, sau một thời gian dài thăng trầm và lớn lên, cây đàn bầu đã được tích tụ sinh khí của người Việt, vóc dáng của người Việt và vẻ đẹp thuần khiết của người Việt; để từ đó vua quan nhà nguyễn đã không còn những cái nhìn miệt thị nữa, đã hiểu cây đàn bầu như hiểu con người Việt, và dĩ nhiên với cái nhìn thiện cảm đó, đàn bầu đã được đưa vào cùng sánh ngang với các nhạc cụ cung đình đệm cho thể loại ca nhạc thính phòng đó là Ca Huế.

Như các bài bản múa cung đình, Ca Huế ngoài những bài bản do các vua quan sáng tác như: Tứ Đại Cảnh do vua Tự Đức sáng tác, Long Ngâm do quan Trịnh Trọng Tử sáng tác… phần lớn các bài bản được dựa trên các bản tiểu nhạc, đại nhạc, sáng tác thêm lời để ca ngợi hoặc chúc tụng như Tiểu nhạc: Thập Thủ Liên Hoàn (Mười bản ngự), Năm bài ngũ đối (Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Tiểu khúc); Đại nhạc: Đăng đàn cung, Mã vũ…

Khi đàn bầu đã sánh ngang cùng với các nhạc cụ cung đình, đã tham gia đệm cho thể loại ca nhạc thính phòng cũng đồng nghĩa với sự đảm đương được các bài bản mà các nhạc cụ trong dàn tiểu nhạc từng diễn tấu. Do đó, với cái nhìn tổng quan, chắt lọc và phân tích các nghiên cứu của những vị tiền bối, chúng tôi đã mạnh dạn đưa đàn bầu vào thử nghiệm diễn tấu cùng dàn nhạc trong múa và tuồng cung đình Huế đến nay đã được 10 năm kể từ khi Nhã nhạc được UNESCO vinh danh là “Kiệt tác Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện của nhân loại”.

Múa và tuồng cung đình có lịch sử lâu đời, đã theo chân chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613 - 1635) vào định cư tại Thuận Hóa, là tiền đề cho sự phát triển của các loại hình nghệ thuật cung đình dưới các triều đại nhà Nguyễn về sau. Đào Duy Từ là người đầu tiên tạo tiền đề cho múa hát cung đình Huế sau khi quyết tâm vào Nam phò giúp chúa Nguyễn.

Do định kiến xã hội của các thời vua chúa trước đây xem thường âm nhạc dân gian mà đặc biệt là các nhạc cụ ngoài dân gian trong đó có đàn Bầu; một mặt nước ta đã trải qua hàng ngàn năm Bắc thuộc, các yếu tố ngoại lai ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa nghệ thuật của nước ta, đặc biệt là ảnh hưởng về các lễ nghi cung đình nhà Thanh, nhà Minh - Trung Hoa đến các triều đại từ nhà Lý kéo dài cho đến triều đại các vua Nguyễn.

Cũng như vậy, đàn bầu ra đời và trải qua nhiều thăng trầm theo sự biến động của chiều dài lịch sử Việt Nam, tích tụ tinh hoa, vẻ đẹp tâm hồn người Việt,… và đã trở thành một nhạc cụ quốc hồn quốc túy của con người Việt Nam.

Sau mười năm thử nghiệm đưa đàn bầu vào diễn tấu cùng dàn nhạc múa và tuồng cung đình Huế, đàn bầu đã chứng tỏ được khả năng vượt trội của mình so với một số nhạc cụ cung đình; đã thể hiện vai trò là một phương tiện dẫn giai điệu, là phương tiện biểu cảm mà nhiều nhạc cụ cung đình không thể sánh kịp; đặc biệt là sự độc đáo về hình thức lẫn âm sắc, tô điểm thêm cho những bức tranh về âm thanh trong các điệu múa cung đình và trong các làn điệu tuồng cung đình. Đàn bầu không còn bị miệt thị, xem thường như nhận định của các tác giả tiền bối, mà ngược lại, đàn bầu đã chiếm một vị trí thượng phong và không thể thiếu trong dàn nhạc múa và tuồng cung đình Huế.

(Nguồn: http://tapchisonghuong.com.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...