Điểm Album

01/07/2015

Album KHOẢNG LẶNG - RỰC LÊN MIỀN KÝ ỨC CỦA NGƯỜI LÍNH

Là một người lính sinh ra và lớn lên sau chiến tranh, tôi chưa thể có những cảm xúc thực sự về những mất mát, về những “cõi thực” của những người lính trận 40 năm trước trong đoàn quân tiến vào giải phóng Sài Gòn cho đến khi tôi được nghe album 'Khoảng lặng' trong không khí cả nước đang từng bừng, hân hoan kỷ niệm ngày vui chiến thắng - 40 năm thống nhất non sông (30/4/1975 – 30/4/2015).

Những câu chuyện chiến tranh được kể bằng giai điệu âm nhạc trong album 'Khoảng lặng' của 2 người lính nhà văn CCB Nguyễn Trọng Luân và nữ nhạc sĩ Quỳnh Hợp như khắc vào tâm can người nghe những lát cắt của đời lính ở nhiều bối cảnh khác nhau của cuộc chiến như những thước phim sinh động và cuốn hút và ám ảnh người nghe. Ở đó không có những mỹ từ mà chúng ta vẫn quen nghe, không có những thăng hoa của người viết mà chỉ giản đơn là những câu chuyện kể chân thực, đau đáu một niềm nhớ thương, xót xa của người lính già nhìn lại cuộc chiến mà mình và đồng đội đã trải qua với cái nhìn nhân văn và ân tình. Có lẽ, chỉ có những người đã xông pha trận mạc đã vượt qua những lằn ranh sinh tử, đã từng vuốt mắt chôn cất đồng đội trong mịt mùng khói lửa đạn bom mới có những nỗi niềm như vậy. Nỗi ám ảnh hằng đêm, những câu hỏi xoáy sâu trong tâm trí người lính già để rồi tuôn chảy những vần thơ day dứt, hoài niệm đắng lòng đến thế.

Như gặp được một sự đồng điệu, một đồng vọng từ người nữ nhạc sĩ một thời mặc áo lính, những vần thơ của nhà văn Nguyễn Trọng Luân đã được chắp cánh bằng những giai điệu đậm nữ tính mà rất lính: dịu dàng, đằm thắm và xôn xao hy vọng. Từng giọt âm thanh da diết, mênh mông và bồng bềnh để rồi lắng đọng trong trái tim người nghe nỗi nhớ thương đồng đội khôn nguôi. Tôi cứ cố hình dung gương mặt cô du kích Củ Chi trong 'Hoa cỏ may', 'Về bến Dược'; anh lính chơi đàn tính hy sinh trước của ngõ Sài Gòn năm ấy trong 'Đàn tính người ơi' để rồi thảng thốt, xót xa, bâng khuâng, thương cảm. Tôi như bay trong mênh mông một vùng đồi núi trập trùng để quặn đau, đó là Charlie, là cao điểm 1015, là nơi những người lính tuổi thanh xuân đã hóa thân vào đất mẹ trong 'Một vùng đồng đội'. Khúc tự sự như trầm xuống rồi lại vút bay lên mênh mông theo cảm xúc thăng trầm của người tướng già, tôi thấy những giọt nước mắt, tôi nghe tiếng khóc như gào thét nỗi lòng trong ông: 'Đồng đội ơi'!

Trong 'Khoảng lặng', những người tuổi trẻ như tôi được đặt chân đến Đồng Dù, Cầu Bông – nơi cửa ngõ sài Gòn vào đêm trước ngày thống nhất. Những hình ảnh “Bao đồng đội ướt bùn, mưa Cầu Bông khâm liệm ?” trong 'Nắng ở cầu Bông' như những thước phim sinh động về những chiến sĩ trinh sát trước của ngõ Sài Gòn đêm trước ngày toàn thắng, biết bao người lính vẫn mãi không về. Và, cả khuôn mặt những người lính trẻ măng, xanh xao sốt rét, ngây ngô, ngỡ ngàng trong ngày giải phóng trong 'Sân trường một sáng tháng 5' mà vẫn rực lên niềm vui, niềm hy vọng.v.v.

Nghe 'Khoảng lặng', chúng ta có thể cảm nhận được một khoảng không gian và thời gian nghẹt thở trước mỗi trận đánh, đó chính là khoảng lặng của lằn ranh sinh tử, là lúc người lính chiến gửi hết tâm tư về những gì thương nhớ nhất, để rồi họ bùng nổ, hóa thành những lửa đạn bi hùng chiến trận: 'Khoảng lặng đêm nay, dẫu còn hay mất/ gọi mẹ - gọi em, quên tuổi – quên tê' (Khoảng lặng trước bình minh) . Để lắng lòng ngắm nhìn những giàn hoa giấy rung rinh trong nắng Củ Chi (Chuyện tình hoa giấy), để thấy trong đó thấp thoáng những nụ cười tỏa nắng của cô du kích năm xưa (Hoa cỏ may), để lặng đi trong vầng trời xanh thẳm nơi tiếng cười lấp lóa như hư như thực.v.v.

12 ca khúc là 12 cung bậc khác nhau của nỗi niềm người lính Nguyễn Trọng Luân, ông đã đốt trái tim mình thành những vần thơ ma mị, nữ nhạc sĩ Quỳnh Hợp đã thổi vào đó những giai điệu vừa dịu dàng tha thiết, vừa trẩm hùng náo nức… để rồi, những Trang Nhung, Dương Quốc Hưng, Y Jang Tuyn, Đông Đào và nhóm nhạc Artista band tiếp tục đốt lên bằng giọng hát truyền cảm, sâu lắng của chính mình ru người nghe chìm trong miền ký ức xa thẳm đầy hình ảnh của người lính.

Tháng tư về, bao ước vọng gửi trong nắng vàng, vẫn còn đó giọt nước mắt mẹ già lần cuối ru tiễn đứa con thân yêu (Đêm cuối mẹ ru con), những lần 8 tháng 3 thiếu những bó hoa tặng các liệt sĩ nữ nằm lại trường Sơn (Hoa trinh nữ), những ngày mưa ngâu day dả trong 'Mưa tháng 7'.

Một 30/4 lại về rực nắng, rực lên một miền ký ức thẳm xa của những người lính già. Những giọt nước mắt không chỉ dành cho đồng đội đã mãi mãi nằm lại nơi chiến địa mà còn là giọt nước mắt của cả dân tộc dành cho những người lính đã nằm lại trên đường tiến quân vào giải phóng Sài Gòn thống nhất đất nước.

Hà Nội 14/4/2015

“TRANG YÊN TỬ” CỦA NHẠC SĨ THẾ PHÙNG

Thế Phùng là nhạc sĩ thuộc thế hệ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trước khi trở thành nhạc sĩ sáng tác anh từng là nghệ sĩ độc tấu sáo trúc nổi tiếng, được quân đội cử đi đào tạo sáng tác và biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại Trường Âm nhạc Việt Nam nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Vốn có năng khiếu và niềm say mê, việc học tập đã chắp cánh cho Thế Phùng trên con đường nghệ thuật để rồi anh đã gắn bó suốt đời với âm nhạc.

Cùng với việc biểu diễn và dàn dựng tác phẩm ở các hội diễn, anh vẫn lặng lẽ ghi lại những cảm xúc của mình về cuộc sống, quê hương, đất nước bằng những ca khúc.

Các sáng tác của anh được viết ra như một sự thôi thúc từ trong tâm hồn khá tự nhiên với những đề tài đa dạng luôn tươi trẻ, trong sáng như: Thành phố bình minh, Mưa từ lòng biển, Tiếng hát công đoàn… Những bài hát đượm chất dân gian và âm hưởng dân tộc như: Hai mùa lúa, Trăng Yên Tử, Lên chùa Đồng, Về Yên Sơn. . . Những bài mang tính chất hành khúc trữ tình như: Đêm tuần tra, Đồng Vông mến yêu, Vẫn màu áo lính… những bài lãng mạn trữ tình: Kỷ niệm ngày ấy, Rừng xanh quê em, Tình yêu Tam đảo. . . Đặc biệt mảng ca khúc viết về Yên Tử với chất hồn nhiên, đằm thắm nhưng vẫn mượt mà trong giai điệu mang đậm phong vị dân ca đã tạo nên nét đẹp riêng trong sáng tác của anh.

Sau đây, xin được trân trọng giới thiệu cùng các bạn yêu nhạc gần xa tập ca khúc Trăng Yên Tử của nhạc sĩ Thế Phùng và mong rằng trong tương lai ông sẽ vẫn còn tiếp tục chia sẻ với chúng ta nhiều tác phẩm hay và độc đáo hơn nữa.

ALBUM NHẠC SĨ PHAN KHANH-PHẠM TÙNG

Một album đầu tay với giọng hát mượt mà của ca sĩ Phượng Khánh, một giọng nữ trung dày và vang khoẻ cùng 12 ca khúc đậm nét trữ tình trong đó: (Nghiêng Nghiêng Bờ Vai, Trăng Xuân, Người Canh Giữ Tràm Chim, Điệp khúc Mưa(thơ Phạm Thị Cúc Vàng), Chiếc Kim Thời Gian (thơ Phạm thị Cúc Vàng), Tình Mãi Trong Mơ (thơ Phạm thị Cúc Vàng)- nhạc Phạm Tùng; Và nhạc của Phan Khanh gồm các ca khúc: Anh Cứ Đi , Mơ Hồ (thơ Phan Ngọc Thương Đoan), Đâu Biết Em Ra Đi (thơ Trương Đạm Thủy), Vội Vàng ft. Đoàn Giang , Biết Làm Sao (thơ Lê Thanh My)ft. Đoàn Giang, Thiên Thu Nỗi Nhớ(thơ Phạm Tùng) ft. Đoàn Giang .

Việc ra mắt album đầu tay "Nghiêng nghiêng bờ vai, biết làm sao”được biết họ đều là những nhạc sĩ làm âm nhạc từ rất sớm khoảng năm 1978, nhạc sĩ Phan Khanh và nhạc sĩ Phạm Tùng sau hơn 30 năm sáng tác và chọn lọc, cả hai cho ra đời album đầu tiên với các tác phẩm của hai nhạc sĩ với hai cá tính khác nhau. Hai cá tính này thể hiện rõ nét trong từng tác phẩm. Một bên là những bài hát về tình yêu, buồn, có sự chia ly (nhạc sĩ Phan Khanh), còn một bên là những niềm tin, tình yêu trong sáng (nhạc sĩ Phạm Tùng). Nhưng sự hòa quyện chung để có thể cùng chung tay ra sản phẩm âm nhạc này phải chăng đó chính là giọng ca của nữ ca sĩ quê ở Long Xuyên này.

(Nguồn: Tạp chí Âm nhạc Việt Nam)

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.