Di sản văn hóa dễ bị mai một: Đau đáu nỗi lo bảo tồn

15/05/2015

Vừa mới hát véo von nghĩa tình đấy nhưng ra đến cánh gà sân khấu là lớn tiếng chia tiền bồi dưỡng. Những hình ảnh phản cảm như vậy ảnh hưởng cực xấu đến di sản văn hóa quan họ

Dân ca ví dặm là một trong những bộ môn nghệ thuật dân gian quý báu của Việt Nam, đã được UNESCO vinh danh. Thế nhưng, có hai đặc thù chính khiến loại hình này đến nay vẫn chỉ có thể phổ biến và gây ảnh hưởng đến một cộng đồng nhỏ ở khu vực xứ Nghệ (Nghệ An và Hà Tĩnh): Một là, ví dặm dùng quá nhiều phương ngữ khiến người vùng khác rất khó nghe, khó hiểu; hai là, không có bài lẻ mà là những cuộc đối đáp được thực hiện một cách ngẫu hứng trên các làn điệu chính.

Khó vượt “lũy tre làng”

Ví dặm có đặc tính tuyệt vời là chất trí tuệ sâu sắc và tính hài hước gây cười trong câu chữ đối đáp với nhau. Tất cả mọi chuyện trong đời sống bình thường của con người từ ăn, ngủ, lao động sản xuất đến yêu đương, ghen tuông… đều có thể trở thành câu ví dặm.


Hát ví dặm phường nón ở xứ Nghệ

Các nghệ nhân ví dặm ở CLB Ngọc Sơn (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) và tại phường nón (xã Phù Việt, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) thừa nhận chính vì đặc thù sử dụng phương ngữ và không có bài lẻ nên người nơi khác rất khó nghe ví dặm và chắc chắn là không thể thuộc nổi một bài nào. “Được vinh danh tất nhiên là rất vui, rất tự hào nhưng nếu ai đó tưởng rằng việc UNESCO công nhận ví dặm là di sản văn hóa là chuyện mừng không thôi thì họ đã nhầm. Bởi đó còn là nỗi lo, là trọng trách…” - NSND Hồng Lựu, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy dân ca xứ Nghệ, chia sẻ.

Nhà nghiên cứu Tô Ngọc Thanh, Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, nhấn mạnh những cảnh báo về việc đừng làm cho ví dặm bị “sân khấu hóa”, hãy cứ giữ nguyên tính chất dân gian của loại hình đặc biệt này dù phạm vi ảnh hưởng của nó có thể rất nhỏ nhưng còn hơn đến lúc không những không phổ biến được mà lại mất hết những tố chất quý hiện tại.

NSƯT Nguyễn Ngọc Ất, nghệ sĩ An Minh ở Đoàn Dân ca xứ Nghệ cũng đồng tình với nhận định: Để ví dặm thực sự “sống” trong đời sống của nó và trong lòng người dân ở các địa phương khác của Việt Nam đã khó, nói gì đến chuyện khẳng định được giá trị thực sự khi vượt ra khỏi “lũy tre làng”.

NSND Hồng Lựu đã nhận đào tạo khá nhiều học trò từ lứa tuổi lên 9, lên 10. Thế nhưng, bà vẫn khẳng định rằng sự nghiệp đào tạo và gìn giữ ví dặm mới chỉ đang là những bước đi chập chững đầu tiên.

Ngày càng thê thảm

Cố PGS-TS Minh Khang, Khoa Sáng tác - Lý luận - Chỉ huy của Nhạc viện Hà Nội từng tâm huyết khẳng định: “Quan họ chiếm một vị trí quan trọng trong kho tàng dân ca Việt Nam. Sự đóng góp của di sản văn hóa này không chỉ ở giá trị về mặt chất lượng mà còn là số lượng rất lớn các làn điệu”.

Tuy nhiên, Đồi Lim trong mùa lễ hội ngày nay luôn là sự lộn xộn của hàng trăm gian hàng, sự ầm ĩ của các loại âm thanh đối chọi vào nhau và tình trạng đầy rác thải. Những liền chị mặt bự phấn sáp, ngồi têm trầu cánh phượng nhưng là để… bán và cạnh tranh về doanh số với các lều khác chứ đâu phải “trầu tính trầu tình” như lời ca cổ. Và, những câu quan họ “mộc” không thể đối chọi lại với âm thanh loa đài ầm ĩ từ lều nọ vọng sang lán kia nên tiếng hát quan họ chìm nghỉm giữa các tạp âm đời thường.

Quan họ cửa đình là một hình thức văn hóa đặc sắc trong các lối hát cổ nhưng hiện tại đang được các liền anh, liền chị trình diễn trước mặt hồ với những đồng tiền của du khách ném xuống trong mùa hội - hình ảnh vô cùng phản cảm.

Khá nhiều nhà hàng, khách sạn tạo thêm những hiện tượng nổi cộm biến tướng của quan họ. Nghệ sĩ được gọi theo nhóm tới phục vụ tiệc của các đoàn khách du lịch. Gọi là nghệ sĩ thì quá lời nhưng không biết phải gọi họ là gì, đã không đẹp lại hát thương mại với trình độ thấp và thái độ cực kỳ rẻ rúng văn hóa, chạy theo mục đích tìm kiếm lợi nhuận đơn thuần. Vừa mới hát véo von nghĩa tình đấy nhưng ra đến cánh gà sân khấu là lớn tiếng chia tiền bồi dưỡng. Những hành vi như thế đã ảnh hưởng đến di sản quan họ.

Nói về tình trạng hiện tại của quan họ, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam) khẳng định: “Dự án làng quan họ phục cổ với nguyên trạng nhà ngói, sân gạch, không dùng điện mà dùng đèn dầu... chỉ là giấc mơ không thành. Vì lợi ích nhóm của một số ít người nào đó mà dự án đã không thành công. Trong khi đó, hiện trạng phổ biến lan tràn của quan họ đương đại thì càng lúc càng thê thảm hơn.

Cũng theo ông Hiền, ngày xưa có 49 làng quan họ, giờ đã nhân lên đến hơn 300 làng. Nghe số lượng thì tưởng là vui nhưng thực chất những làng đó được gọi là làng “quan họ thực hành”, tức là cứ có CLB hát quan họ thì được rồi chứ đâu phải như ngày xưa là bắt buộc theo đúng luật làng nọ phải kết hợp với làng kia mới được gọi là làng quan họ. Giờ thì cố mà kiếm cho đủ những người biết hát trong làng là may lắm rồi. Đặc biệt, giọng nam giờ rất khó kiếm; nghệ nhân mới trình độ chẳng đi đến đâu, toàn hát sai. Mà hát sai có dám chê họ không? Chê họ lại bỏ không hát nữa luôn thì khổ...!

Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An, xứ Nghệ vẫn tồn tại 260 làng có thực hành hát ví dặm tự nhiên, gần 100 CLB đội nhóm với 1.500 thành viên và hơn 800 nghệ nhân, trong đó có nhiều người đã hơn 100 tuổi mà vẫn hát.

(Nguồn: http://nld.com.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...