Di sản âm nhạc nhìn từ góc độ nhân văn

26/02/2016

Là sản phẩm của trí tưởng tượng con người, cho nên nhạc là người, nhạc phản ánh ít nhiều nhân sinh quan, nhân cách, cá tính và thẩm mĩ của người sáng tạo (bao gồm cả người sáng tác và nghệ sĩ biểu diễn) cũng như người thưởng thức. Người có đủ loại thì nhạc cũng thế thôi, nhưng một khi đã được coi là di sản chung của nhân loại thì nhạc ấy trước hết phải có chất nhân văn - được khởi nguồn từ thiện tâm của người sáng tạo và khơi gợi những cảm xúc hướng thiện ở người thưởng thức.

Từ ngàn xưa âm nhạc đã gắn với con người, trước khi chào đời tới sau khi lìa đời - lúc còn là mầm sống nhỏ nhoi trong bụng người mẹ cho đến lúc hóa thành cát bụi trở về với đất mẹ. Chẳng hạn người Tày - Nùng - Thái hát Then trong mọi sự kiện của một vòng đời, kể từ lễ chăm sóc hoa cho thai nhi cho đến lễ tiễn đưa linh hồn đã trọn kiếp.

Âm nhạc sống trong nhân gian, truyền từ đời cụ kị ông bà sang đời con cháu chắt chít như một di sản vô hình. Di sản ấy không ngừng được trau chuốt từ vốn cổ đồng thời với sự bồi đắp thêm những nhân tố mới. Vốn cổ được chuyển tải qua hơi thở thời đại, được sống qua sức sáng tạo của con người mỗi thời đại để trường tồn, để tiếp tục nói lên tiếng nói nhân gian, nâng đỡ phần hồn và làm giàu đời sống tinh thần của con dân. Cũng dễ hiểu vì sao người đời hằng tin rằng: được sống trong thứ nhạc đẹp đẽ thánh thiện, được nuôi dưỡng bởi những âm thanh diệu kì thì con người ta làm sao có thể gây tội ác được! Chất nhân văn trong nhạc là ở đó.

Không chỉ làm cho mỗi cá thể trở nên tốt đẹp hơn, mà âm nhạc còn làm đẹp cho mỗi dân tộc. Một cường quốc âm nhạc là một đất nước có truyền thống âm nhạc giàu bản sắc dựa trên di sản vô giá của tổ tiên. Vì thế vốn cổ trong thế giới phẳng thời đại này càng được trân trọng hơn bao giờ hết. Âm nhạc góp thêm tiếng nói riêng của mỗi dân tộc cho nền văn hóa chung của nhân loại. Chất nhân văn trong nhạc cũng là ở đó.

Âm nhạc nâng ta lên cao thì cũng có thể hạ ta xuống thấp. Âm nhạc cho ta ấm lòng vững tin vào tình yêu và sức mạnh thì cũng lại làm ta u mê, loạn trí và mất kiềm chế đến mức làm càn. Vấn đề là làm sao phân biệt được đâu là nhạc sạch, làm sao xây dựng được một môi trường nhạc trong lành và hướng thiện. Ta đã làm gì để có được điều ấy?

Vai trò của âm nhạc trong đời sống xã hội và sự hình thành nhân cách của mỗi thành viên xã hội có thể rất lớn, cho dù có những giai đoạn lịch sử đã xem nhẹ vai trò ấy, thậm chí phủ nhận không thương tiếc, để nhiều thế hệ sau phải nuối tiếc những gì đánh mất. Lẽ ra ta phải có gia tài âm nhạc còn lớn hơn đang có. Ta đã làm gì với di sản âm nhạc của ta vậy?

Để giáo dục nhân cách qua âm nhạc, thiển nghĩ trước hết ta cần học ứng xử có nhân cách với âm nhạc, đặc biệt với di sản từ quá khứ, bởi nhận thức về di sản và thái độ đối xử với di sản cho thấy hệ tư tưởng của một chính quyền ưu việt đến đâu, chính sách văn hóa nghệ thuật của một nhà nước tiến bộ mức nào, vì nói cho cùng, sự trân trọng di sản âm nhạc dân tộc chính là sự ghi nhận vai trò lịch sử của quần chúng nhân dân.

Trong nhiều thập niên thế kỉ XX từng có bao nhiêu thể loại nhạc cổ bị quy tội oan uổng và bị cấm đoán: nào là không thể chấp nhận thứ nhạc phục vụ vua chúa phong kiến như nhã nhạc, thứ nhạc u hoài thiếu tính chiến đấu như đờn ca tài tử và xẩm; nào là phải loại trừ thú tiêu khiển sa đọa của ca trù, lối ăn chơi bài bạc của bài chòi; nào là cần ngăn cản quan hệ trai gái trong quan họ và hát xoan, mê tín dị đoan trong chầu văn, hát then, bóng rỗi, hầu đồng... Sau vài thập niên bài trừ cấm đoán triệt để, thật vô cùng khó khăn để cố nhặt nhạnh từng câu ca điệu nhạc đã rơi rụng, lắp ghép từng mảnh kí ức rời rạc của các cụ nghệ nhân để khục hồi phần nào những giá trị đã mất.

Lại có bao nhiêu nghệ nhân dân gian phải dấu nghề như dấu tội, không dám nhận mình biết đàn hát để được sống yên thân. Thậm chí từng có thầy đồng bị đội cải cách tử hình vì tội “tuyên truyền mê tín dị đoan, phản đạo đức cách mạng”. Khó mà làm như không hề có một quá khứ sai lầm đánh oan di sản âm nhạc và những người hành nghề nhạc. Đó không thể gọi là cách ứng xử có tính nhân văn.

Hơn chục năm gần đây, liên tiếp bảy thể loại nhạc cổ đã được UNESCO công nhận di sản âm nhạc của nhân loại hoặc di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, đi kèm theo là việc phong tặng danh hiệu nghệ nhân được tổ chức khá đều đặn. Song, trong cái thời buổi chuyên gian lận thành tích và lẫn lộn giá trị thật - giả này thì việc phong tặng đúng người, cũng như việc khôi phục di sản đúng cái hồn cổ truyền chứ không chạy theo mục tiêu thương mại, quả là điều không dễ dàng, bởi quá nhiều chuyện còn phụ thuộc vào cái tâm của các nhà quản lí các cấp, vào tinh thần nhân văn thực sự của các hoạt động âm nhạc.

Chúng ta tự hào về những gì đã có của nền âm nhạc nước nhà, nhưng chính vì càng tự hào và trân trọng di sản âm nhạc dân tộc càng không nên tránh nhắc lại những bài học đau buồn khiến nhiều thế hệ phải day dứt: liệu có thể khẳng định rằng âm nhạc và những người làm nhạc ở ta luôn được thực sự coi trọng đúng mức chưa? Chẳng cứ ở các triều đại xa xưa, ngay trong lịch sử hiện đại âm nhạc vẫn được tận dụng như công cụ tuyên truyền, mà đã là công cụ thì đôi khi bỏ qua luôn tính nghệ thuật và thẩm mĩ âm nhạc. Nay ta vẫn trách cứ giới trẻ viết bài hát gì mà nhạc không ra nhạc, lời thì nhảm nhí đến vô nghĩa, thô thiển đến vô văn hóa, nhưng chẳng lẽ cứ đổ hết lỗi cho con cháu chúng ta trong khi ta vẫn mặc cho các con lớn lên trong cái không gian âm nhạc thiếu tính nhạc do chính ta tạo nên.

Thử lục lại kho nhạc một thời chưa xa có thể thấy không ít những giai điệu thiếu tính nhạc với lời ca đầy những phân gio, trâu bò lợn gà... Còn đối với vốn cổ thì sao, cũng lại một thời chưa xa không ít làn điệu giao duyên rất đẹp, rất trữ tình được dùng để tải lời mới hô hào khẩu hiệu chính trị, cổ động chính sách đường lối nhất thời. Còn nay cũng không thiếu những biểu hiện lệch chuẩn loạn chuẩn trong thẩm mĩ âm nhạc chỉ vì chạy theo thành tích, đồng tiền và những mục tiêu “ngoài âm nhạc”. Như thế là tôn trọng âm nhạc, hay là “giết âm nhạc!”?

Thiếu coi trọng âm nhạc và xúc phạm di sản âm nhạc thì cái giá phải trả không hề nhỏ. Thực tế ngày càng cho thấy rõ điều đó. Vấn đề là ta thấu hiểu và thấm thía điều này mức nào, thực tâm hết lòng mức nào vì sự nghiệp gây dựng môi trường âm nhạc trong lành cho con cháu ta, một môi trường không có chỗ cho loại nhạc phi âm nhạc, phi nhân tính.

Nói thì đơn giản vậy và cũng đã nói rất nhiều về giải pháp, nhưng làm được thì vô cùng nan giải, bởi đời sống âm nhạc liên quan đến rất nhiều lĩnh vực: giáo dục đào tạo, báo chí truyền thông, công nghệ thông tin, in ấn xuất bản, quản lí nghệ thuật... Và đương nhiên không thể bỏ qua vai trò không nhỏ của ngành lí luận phê bình, nơi đúc kết và lí giải những đúng - sai, hay - dở, thật - giả; nơi có thể kịp thời tháo gỡ những mớ bòng bong được gọi là sai lầm từ trong ý thức.

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...