Đi giữa Huế mơ

08/05/2018

Mấy ngày tham dự Festival ở Huế, tôi như người mộng mị miên man qua thành phố này. Giữa một đô thị vốn lặng lẽ, trầm mặc, sự kiện Festival như đánh thức giấc ngủ của thành phố, trỗi dậy bằng muôn vàn âm thanh sống động, ẩn sau đó là một nét u hoài khiến lòng người ngẩn ngơ.

Huế dịu dàng

Huế vẫn dịu dàng, đằm thắm, một cung cách ẩn, náu mình, khép nép, chẳng chịu cho người nhìn thấu suốt bề dày lịch sử. Nơi bến Ngự, bên Phú Vân Lâu, những con đò vẫn dửng dưng, lững lờ trôi giữa dòng Hương Giang êm đềm. Huế có cái chậm đáng yêu, âm thầm, cam chịu, người lái đò sông Hương chở khách, chở mình, chở cả dòng sông xuôi về dĩ vãng.

Festival là dịp thành phố trở mình, thức giấc cho hiện tại và quá khứ gặp lại nhau. Những màn trình diễn, tái hiện, phục dựng, sân khấu giả trang, cách điệu, biểu diễn trang phục truyền thống, âm nhạc đường phố… tất cả như những mảnh ghép rời rạc tạo nên miền huyễn tưởng cho tâm hồn trú ngụ. Trên chiều không gian, thời gian đồng hiện, con người lạc vào cõi mơ.

Vẻ dịu dàng của Huế vốn được mặc định bởi thiên nhiên, đất trời. Con người đến sau dựa vào thiên nhiên để tạo nên bản sắc văn hóa. Trong trật tự sắp xếp, người nơi này đều men theo chiều thuận của thiên nhiên. Vẻ dịu dàng của Huế ẩn mình trong chính sự mềm mại, uyển chuyển vi diệu, hài hòa giữa thiên nhiên, trời đất. Trải dài trên con sông Hương và phủ khắp Hoàng Cung, một vẻ trang nhã, lặng lờ, cổ kính, u trầm hiện lên qua dáng vẻ hòa quyện giữa sự uy nghiêm và nét mềm mại. Cảnh quan tác động vào cảm quan theo lối mòn suy tưởng, hoài niệm, những trăn trở không thốt nên lời. Có những thành phố sinh ra để tĩnh lặng, như Huế. Huế nhìn thời gian trôi lặng lẽ trong nỗi khắc khoải, mong chờ… đi giữa thực và mộng bằng vẻ điềm tĩnh - một cung cách dịu dàng đượm nét đài các, kiêu sa hóa thân trong cảnh sắc chiều tà. Dẫu có lìa xa dĩ vãng, thành phố này vẫn không  xoay chuyển cốt cách ẩn hiện một vẻ trìu mến, trầm tư, mê hoặc.

Nơi huyền thoại bắt đầu

Kể từ ngày công chúa Huyền Chân “đi lấy chồng xa”, nàng đã đặt chân đến đây để mở ra một huyền thoại cho xứ Thuận Hóa đi vào lịch sử. Huế đang từng bước thay da đổi thịt, nhưng hồn - phách vẫn nghẹn ngào, vẹn nguyên. Đi giữa đất trời cố đô, hương thời gian như ngừng lại lan tỏa quanh bờ hiện tại. Huế chẳng nói gì mà nói nên bao điều. Tất nhiên, Huế bây chừ bắt đầu vồn vã, xao động, khiến người qua kẻ lại không khỏi bối rối, bàng hoàng. Song, Huế gánh vác trên vai sứ mệnh giữ gìn nét xưa, chậm bước thong dong trên đường hiện tại để nhìn về quá khứ.

Đêm Hoàng Cung

Trung tâm Festival Huế diễn ra trong lòng Hoàng Cung. Ban đêm, khi ánh mặt trời tan biến, ánh điện thức giấc, Hoàng Cung hiện lên vẻ lung linh, huyền ảo, đầy chất ma mị. Các sân khấu lớn nhỏ bày la liệt khắp chốn Hoàng Cung lộng lẫy. Điện Thái Hòa, cung Diên Thọ, miếu Thế Tổ, điện Kiến Trung, Duyệt Thị Đường… tất cả trang hoàng lộng lẫy, biến quần thể kiến trúc thành không gian, bối cảnh trình diễn. Ánh sáng, âm thanh, cảnh diễn 3D như nhấn chìm cả Hoàng Cung rộng lớn vào biển âm thanh, sắc màu… rực rỡ và đằng sau là một sự uy nghi bất tận.

Hoàng Cung chính là nơi Cấm thành bao đời vua chúa triều Nguyễn ngự trị. Chúng được khoác lên vẻ quyền uy biểu trưng và trên thực tế, nơi đây từng là cấm địa, không dành cho cả những kẻ liều lĩnh, ưa thích mạo hiểm. Cung điện nguy nga, lầu son, gác tía, tất cả vẫn hiện diện, chí có vua chúa, hoàng hậu, vương phi… đều đã đi vắng. Sự tịch vắng bên trong những tòa thành chỉ ra bản chất của cuộc sống thực huyễn như mộng. Cấm cung giờ đã trở thành di tích, nhiều nơi chất đầy cỏ hoang - cho linh hồn trú ngụ. 

Về miền Hương Ngự

Cái nắng như thiêu như đốt đổ xuống tòa thành cổ, từng đoàn người bước vội qua cánh cổng sừng sững, uy nghiêm. Sau tuần lễ Festival, Hoàng Cung trở lại vẻ tĩnh mịch, vắng lặng. Có mấy vị khách uể oải đứng trước ngưỡng cửa phe phẩy chiếc mũ trên tay, mắt nhìn ra cõi xa xăm.

Dòng sông Hương tơ lụa vẫn lặng lờ trôi, êm đềm trải dài tít tắp. Đêm trăng lên, đôi bờ sương khói mịt mù, du khách tang bồng, một con thuyền chở bao ký ức, hoài niệm lững lờ trôi trên mặt nước phẳng lặng. Tiếng hát, tiếng đàn, tiếng phách văng vẳng xuôi dòng cổ tích, giọng người hát trầm đục, u buồn… đưa ta vào một cõi huyền mênh mang.

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...