Đêm Xuân và lời ru êm…

09/04/2013

Ca khúc “Bài hát ru mùa xuân” có người hát là “ru con”, có người hát là “ru em”. Tôi không biết nhạc sĩ Dương Thụ viết ca khúc này cho người mẹ ru con, hay ru một người tình, nhưng tôi thích cách Khánh Linh hát ca khúc này như một nàng thơ.

Giai điệu bài hát cất lên giản dị mà da diết. Những sáng tác khác của Dương Thụ khi được các ca sĩ thể hiện cũng tiết chế nhất ảnh hưởng của hòa âm phối khí lên sự mộc mạc nhưng sang trọng của ca khúc. “Bài hát ru mùa xuân” cũng không ngoại lệ, mở đầu bài hát là giọng ca Khánh Linh da diết và truyền cảm mà không cần sự trợ lực của bất cứ loại nhạc cụ nào. Nàng ru ta vào đêm xuân bằng giai điệu dịu dàng và ca từ đẹp như thơ.

Nếu Thanh Tùng thành công với những ca khúc viết về con người thì Dương Thụ lại ru ta bằng gió, bằng hoa, bằng trăng.... Thiên nhiên nhìn qua lăng kính của ông bao giờ cũng trong veo và dịu dàng như gót chân thẹn thùng của thiếu nữ đôi tám. Hoa nở dưới vầng trăng thanh mát, trăng sáng đến nỗi ta thấy được từng cánh hoa đang mở ra mùa xuân dịu dàng. Vườn xuân vây quanh ta mà không cần đến một trí tưởng tượng phong phú, như thể âm nhạc tự vẽ lên vầng trăng, giọt sao, cánh hoa, giai điệu tự nó thổi cái mát dịu và thoang thoảng mùi hương của khu vườn đêm tĩnh lặng có tiếng chim hót khẽ. Dương Thụ đã làm hết tất cả mọi việc, người thưởng thức âm nhạc của ông chỉ cần nhắm mắt và nghe nàng thơ Khánh Linh ru hời.

Đêm xuân là đêm của lứa đôi, là đêm của tình nhân, là đêm của những khát khao cháy bỏng. Thế nhưng trong mắt Dương Thụ, đêm xuân là một đêm trong vắt và tĩnh lặng. Bản thân giai điệu cho đến ca từ của bài hát không hề nhuốm một chút nhục dục. Khi nhắm mắt nghe ca khúc này, tôi thấy mình cũng hóa thành nàng thơ nằm lơ lửng trong khu vườn thanh khiết. Người tình của nàng (hay của tôi) là thiên nhiên, là đêm xuân trinh nguyên. Nàng ngủ say như công chúa trong truyện cổ Grim với nụ cười hé nở một đóa hoa e thẹn trên môi. Tôi có thể tưởng tượng được rằng Khánh Linh khoác váy trắng mỏng manh và bay bổng, chạm nhẹ từng bước chân trong khu vườn xuân và cất lên giai điệu-thơ bồng bềnh bồng bềnh.

Nhạc của Dương Thụ có gần một chút với cổ điển, gần một chút với dân gian, gần một chút với nhạc nhẹ, nhưng không là một loại nào trong ba thể nhạc đó. “Bài hát ru mùa xuân” cũng vậy, không thể nói là một bài hát ru, cũng không thể cho là nhạc cũ, cũng không hoàn toàn là một sáng tác nhạc nhẹ. Ba phong cách đó hòa quyện vào nhau với một liều lượng vừa đủ để chạm vào nơi trong suốt nhất của lòng người.

Khi Khánh Linh hát ca khúc này, giọng hát của nàng cũng không quá tha thiết như người mẹ hát ru con, cũng không là một giọng ca clasic, mà cũng không quá dễ nghe như những các ca sĩ hát pop. Nàng hát rất tự nhiên, cách nàng thủ thỉ, cách nàng luyến láy mà như không luyến láy, cách nàng cất cao giọng trong vắt, đều dịu dàng, phiêu lãng và đầy sức hấp dẫn. Như thể lời ru này phát ra tự trong không gian, tự trong đêm xuân thanh mát, và tôi chìm vào cơn mộng đẹp cùng lúc với tiếng nhạc đệm nhẹ nhàng cất lên vỗ về giấc ngủ. Nhịp ¾ của ca khúc này tinh tế đến độ phải tỉnh táo lắm và phải nghe bằng trí não ta mới nhận ra. Tiết tấu đạt đến sự đơn giản một cách tinh tế, không có một đảo phách nào có thể làm giật mình, không có một móc kép nào có thể đánh thức nàng thơ.

Nghe “Bài hát ru mùa xuân” qua giọng của nàng thơ Khánh Linh, tôi đã ngủ say nồng trong vườn xuân đêm vắng của Dương Thụ mà không một trở mình.

Nguồnhttp://www.giaidieuxanh.vn)

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.