Đêm nhạc vinh danh nghệ sĩ, NGND Thái Thị Liên: “Trăm mùa thu vàng”
Tối 23 tháng 11 năm 2017, tại phòng hòa nhạc Lớn, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã diễn ra chương trình nghệ thuật “Trăm mùa thu vàng – Golden Century” - đêm nhạc vinh danh những cống hiến của nghệ sĩ, NGND Thái Thị Liên tròn 100 tuổi - 1 trong 7 người thầy đã sáng lập nên Trường Âm nhạc Việt Nam, cái nôi của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, tiền thân của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam hiện nay. Để kỷ niệm dấu mốc này, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và gia đình đã tổ chức một đêm nhạc đặc biệt dành tặng bà.
Đến dự đêm nhạc có: bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Thiếu tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Ngọc Thiện - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; các thế hệ lãnh đạo, các thế hệ giảng viên, học trò khoa Piano của Học viện, đặc biệt là các thế hệ học trò của nhà giáo Thái Thị Liên, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và khán giả hâm mộ…
Về phía Hội Nhạc sĩ Việt Nam có: PGS.TS.Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội; nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh – Phó Chủ tịch Thường trực Hội; NSND Phạm Ngọc Khôi - Phó Chủ tịch Hội; Nhà Lý luận phê bình Nguyễn Thị Minh Châu – Phó Chủ tịch Hội; GS, nhạc sĩ lão thành Chu Minh, và các nhạc sĩ, nghệ sĩ Hà Nội.
Chương trình nghệ thuật được chia làm 2 phần.
Phần I: Nghệ sĩ, nhà giáo Thái Thị Liên và các thế hệ học trò: Nghệ sĩ Thái Thị Liên đã biểu diễn mở màn tác phẩm “Mazurka in A minor” Op. 67 No 4, “Mazurka in G minor” Op. 67 No 2; và tiếp theo là thế hệ con cháu, học sinh của bà trình diễn (những thế hệ đầu tiên được NGND Thái Thị Liên đào tạo chơi piano 4 tay). Đó là phần biểu diễn của con gái: GS.NSND Trần Thu Hà và cháu ngoại Đan Thu Nga với “Slavonic dance” Op. 72 No 2 của A.Dvorak; “Hungarian dance” No 5 của J.Brahms, do 2 cựu học trò của bà là NSƯT Trần Tuyết Minh và NSƯT Hoàng Kim Dung trình bày.
Phần II: NSND Đặng Thái Sơn “Quà tặng mẹ tặng thầy”: NSND Đặng Thái Sơn là con trai và cũng là người học trò xuất sắc nhất của Nhà giáo nhân dân Thái Thị Liên. Với ông, mỗi tác phẩm âm nhạc được trình diễn hôm nay đều mang một ý nghĩa vô cùng đặc biệt gắn liền với những kỷ niệm về người mẹ - người thầy. Đầu tiên là bản “Polonaise” Son thứ - tác phẩm đầu tay của F.Chopin viết khi 7 tuổi và cũng là bài tập đầu tiên với nhạc của Chopin mà ông được học khi mới 9 tuổi tại nơi sơ tán. Tiếp theo là 2 tác phẩm “Jeux d‘eau” và “Alborada del Gracioso” của M. Ravel được mẹ ông “Má Liên” đặt riêng cho chương trình.
Tác phẩm thứ 4, theo kế hoạch Đặng Thái Sơn sẽ kết thúc phần trình diễn với bản “Andante spianato et grande polonaise" Op 22 giọng mi giáng trưởng, hùng tráng, gợi nhớ đến giải thưởng Concours Chopin 1980 – một mốc quan trọng ghi dấu sự nghiệp của ông: Người châu Á đầu tiên giành giải Nhất Cuộc thi Piano quốc tế Chopin. Nhưng tới phút chót, nghệ sĩ đã chọn tác phẩm “Norma” của nhà soạn nhạc F.Liszt để biểu diễn tặng mẹ. Ông chia sẻ: Đây là tác phẩm được trích từ một vở Opera đồ sộ của Vincenzo Bellini, mang âm hưởng anh hùng ca. Tác phẩm gợi nhớ tới “Má Liên” của ông, người vừa nghiêm khắc, cương nghị, sắt đá, thế mà rồi chuyện tình cảm, tình duyên lại trắc trở, mụ mị”.
Tại đêm nhạc, TS Lê Anh Tuấn - Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đã phát biểu: “Đêm nhạc thể hiện sự tri ân, tình cảm của những thế hệ học trò của Học viện với nghệ sĩ, giáo Thái Thị Liên đã có công lao, đóng góp cho sự phát triển của Học viện nói riêng và ngành âm nhạc Việt Nam nói chung. Cùng với các nhạc sĩ Tạ Phước, Lê Yên, Tô Vũ, Vũ Tuấn Đức, Doãn Mẫn, Lều Thọ Hợp, nghệ sĩ Thái Thị Liên có công sáng lập Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) và là Chủ nhiệm đầu tiên của khoa Piano, trong suốt 20 năm gắn bó kể cả trong những năm tháng chiến tranh, khó khăn thiếu thốn nơi sơ tán. NSND Thái Thị Liên đã biên soạn chương trình, giáo trình, bồi dưỡng, huấn luyện những giảng viên đầu tiên, trực tiếp đào tạo nhiều thế hệ giảng viên, nghệ sĩ piano. Nhiều người trong đó đã trở thành những nghệ sĩ, nhạc sĩ nhà giáo nổi tiếng như: Nguyễn Hữu Tuấn, Trần Thu Hà, Đỗ Hồng Quân, Hoàng My, Phương Chi, Trần Tuyết Minh,... Trong số đó, nổi bật nhất là NSND Đặng Thái Sơn - người châu Á đầu tiên giành giải nhất Cuộc thi Piano quốc tế Chopin”.
* Nghệ sĩ, NGND Thái Thị Liên sinh ngày 4-8-1918 trong một gia đình trí thức thượng lưu ở Sài Gòn. Bà học đàn piano từ năm 4 tuổi tại trường dòng và tiểu học dành cho con em người Pháp trong vòng 7 năm.
Năm 11 tuổi, khi theo học trường Trung học nữ sinh Pháp, bà đã học đàn chuyên nghiệp với bà giáo Armande Caron. Năm 16 tuổi, bà đã có buổi biểu diễn ra mắt công chúng tại tại tòa thị chính Sài Gòn.
Năm 1946, bà sang Pháp dự định học âm nhạc nhưng do biến động lịch sử, bà đã từ Paris sang Praha năm 1948 theo học ngành biểu diễn piano tại Nhạc viện Praha, và tốt nghiệp năm 1951.
Cuối năm 1951, bà theo chồng về Việt Bắc tham gia kháng chiến và công tác tại Đoàn văn công Trung ương.
Tháng 11-1956, bà là 1 trong 7 người thầy đã sáng lập Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Bà đã trực tiếp đào tạo nhiều thế hệ giảng viên, nghệ sĩ piano và là Chủ nhiệm đầu tiên của khoa Piano suốt 20 năm, trong đó có cả những năm tháng chiến tranh khốn khó cho tới năm nghỉ hưu 1977.
*
* *
Nhân dịp này, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đã ra mắt cuốn sách “Ký ức về người thầy”, tập hợp một số bài viết của các học trò của NGND Thái Thị Liên, ôn lại những kỷ niệm đẹp về người thầy, với tình cảm yêu thương, gắn bó, trân trọng, với sự tôn kính vô bờ. Website Hội Nhạc sĩ Việt Nam xin giới thiệu bài biết của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân dành cho người thầy của mình:
SUỐT ĐỜI KHÔNG QUÊN CÔNG ƠN THẦY!
Tôi may mắn được tiếp xúc với âm nhạc từ sớm, và còn may mắn hơn nữa là được học những nốt nhạc đầu tiên trên phím Piano với một người Thầy - như người mẹ hiền. Bác đã cầm tay, chỉ ngón cho tôi từ ô nhịp đầu tiên, những thăng giáng đầu tiên trên con đường âm nhạc.
Nhớ từ những nốt nhạc đầu tiên… Bác đã dạy
Giờ học đàn với bác (cháu xin phép được gọi bác là bác như từ ngày xưa đến giờ) bao giờ cũng bắt đầu bằng bài chạy gam. Bác yêu cầu ngồi thẳng lưng, thả lỏng cánh tay, giơ cao hai tay lên và thả xuống trúng phím đàn – đó là Non-legato. Rồi đến Staccato là mổ ngón tay trên phím đàn sao cho nhanh, gọn và thật nẩy. Rồi mới tới Lagato và chạy gam: xuôi chiều, ngược chiều, quãng ba, quãng 6… cứ thế từ gam, rồi đến Rải và sau mới tới bài tập Etude, tiểu phẩm, phức điệu…
Nhà tôi và nhà bác ở không xa nhau. Bố tôi (nhạc sĩ Đỗ Nhuận) chơi thân với bác trai (nhà thơ Đặng Đình Hưng). Hai ông đều là cán bộ chính trị trong quân đội. Từ đầu phố Nguyễn Thái Học – Cửa Nam, qua Đình Ngang sang Tống Duy Tân, khi đó còn có chợ Kỳ Đồng họp cả ngày đông vui tấp nập như một chợ quê, chỉ độ chừng 500 mét.
Gia đình bác ở trên gác ba ngôi nhà Pháp cổ, phải đi qua chiếc cầu thang gỗ hẹp và tối mới lên được căn phòng nhỏ của bác, vừa là nơi ở vừa là nơi lên lớp, dạy học.
Có những lần tôi đi học muộn, đứng chờ trước cửa nghe có tiếng đàn vọng ra là tim tôi đập thình thình, tôi sợ bác mắng. Bác ra mở cửa, nhìn thấy tôi bé nhỏ đứng đợi, bác nghiêm giọng nói: “Tại sao cháu đi học muộn? trễ 5 phút rồi đó!”. Và bác nói tiếp: “Trên đời này, bác quý nhất hai thứ: đó là cây đàn Piano và chiếc đồng hồ”. Chiếc đồng hồ - sau này lớn lên tôi mới hiểu hết ý nghĩa của nó, đó chính là thời gian.
Thời gian trôi đi thật nhanh và cũng thật chậm. Mới đó mà đã gần 60 năm kể từ giờ học đầu tiên với bác. Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Trường nhạc đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do bác và một số nhạc sĩ thành lập cũng đã qua tuổi 60. Và bác kính yêu – người thầy đầu tiên của ngành Piano, “bà đỡ” mát tay cho bao thế hệ học trò nay cũng đã bước sang tuổi “Bách niên”.
Nhớ thời sơ tán trên Yên Dũng, Hà Bắc (1965-1967)
Bác cùng gia đình (có chị Thu Hà, anh Bình, Sơn) ở nhà trong một gia đình bác nông dân xóm An Phú, nhưng bên cạnh nhà, dưới hầm đất vẫn kê một cây đàn Piano, hàng ngày bác vẫn lên lớp cho các học trò bình thường như khi nhà trường còn ở Cao Bá Quát, làng Láng, Ô Chợ Dừa – Hà Nội. Đúng là trong những năm tháng chiến tranh, không chỉ có “Tiếng hát át tiếng bom” mà còn có cả “Tiếng đàn át tiếng máy bay” nữa. Hình ảnh và cả giọng nói của bác khi lên lớp cho học trò Tuyết Minh (nay đã là NSƯT – cựu giảng viên khoa Piano Nhạc viện Hà Nội) còn được lưu lại trong bộ phim “Chúng em học đàn” là một tư liệu lịch sử quý hiếm, mỗi lần xem lại con cháu đều xúc động vô cùng.
Sau này khi trở thành sinh viên Nhạc viện Tchaikovsky Matxcơva – Chúng cháu còn được đón bác từ Hà Nội sang sau chiến thắng vẻ vang của Sơn tại Concours Chopin, Warszawa, 1980 – trở thành người châu Á đầu tiên đoạt giải nhất tại Cuộc thi lớn và khó nhất thế giới về Piano. Tên tuổi Đặng Thái Sơn là niềm tự hào của Việt Nam, trong đó có công lao của bác, người mẹ - người thầy đầu tiên của Sơn.
Lớp lớp học trò của bác, từ những ngày đầu thành lập Trường Âm nhạc Việt Nam (1956) đến nay đã khôn lớn trưởng thành, một số ít đã đi xa mãi, nhưng họ luôn tự hào về người thầy của mình và xứng đáng nhận các danh hiệu cao quý là Nghệ sĩ Nhân dân, Nhà Giáo Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, Giải thưởng Nhà nước, Giáo sư, Tiến sĩ, Anh hùng lao động…
Nhớ và viết lại những dòng cảm xúc này, khi mà Lễ mừng thọ Nhà giáo Nhân dân Thái Thị Liên đang tới gần. Ước gì thời gian nhanh hơn để chúng con, lớp lớp học trò của thầy được nắm chặt bàn tay, ôm hôn thầy, chúc mừng thầy trong ngày vui tròn thế kỷ. Với chúng con, chúng cháu, bác mãi mãi là người thầy, người thầy của những người thầy, một tấm gương sáng để con cháu noi theo.
Một nghị lực phi thường
Một sức sống bền bỉ
Một tinh thần lạc quan bát ngát
Một tình yêu nồng cháy
Bác đã hiến dâng tất cả cho Âm nhạc
Vì cái đẹp
Cái cao cả trong cuộc đời này
Xin ngàn lần cám ơn Bác!
Đỗ Hồng Quân
Xem thêm ảnh tại đây: http://www.hoinhacsi.vn/chum-anh-dem-nhac-vinh-danh-nghe-si-thai-thi-lie...