Đệm đàn Piano – Những bước đường phát triển

22/09/2016

Sau này tôi có dịp được biểu diễn cùng bà trên sân khấu nhiều lần nhưng không biết cách cúi chào, không biết nên tập trung nhìn vào đâu hoặc đi cách sau bà bao nhiêu bước. Tôi cứ bước đi như một cái bóng mà không nhìn xuống khán giả. Tôi cứ thế ngồi xuống ghế, nhìn xuống đất và sau đó đặt tay lên phím đàn”.

Bà Nina Berberova[1]  đã viết những dòng này vào năm 1936 trong cuốn tiểu thuyết Người đệm đàn. Liệu đây có phải là hình ảnh chính xác về cuộc sống của người đệm đàn, hay là đã có cách nhìn nhận khác về vai trò của nghệ sĩ . Trong ngành y, bác sĩ gây mê - hồi sức được đào tạo thậm chí còn hơn cả bác sĩ phẫu thuật. Trước, trong và cả sau cuộc phẫu thuật, bác sĩ gây mê - hồi sức thể hiện tài năng và sức lực của mình để cẩn thận đảm bảo an toàn cho sinh mệnh người bệnh. Nhưng cuối cùng, người ta chỉ còn nhớ đến bác sĩ phẫu thuật. Giữa bác sĩ gây mê - hồi sức và người đệm đàn có vẻ như có những điểm tương đồng. Không phải mọi người không biết đến điều đó, nhưng sự quan tâm mọi mặt đối với lĩnh vực này có lẽ chưa được đầy đủ.

Nói riêng về đệm đàn piano, lĩnh vực này đã có một quá trình thăng trầm hình thành và phát triển, nhưng điểm quan trọng là nó đã tạo nên vai trò hoàn toàn mới trong lịch sử phát triển nhạc cổ điển.

Thời kỳ ban đầu, người ta dùng đàn lute để đệm. Sau đó, vào thời kỳ baroque, người ta chủ yếu dùng đàn harpsichord, chơi basso continuo (âm nền trì tục). Người chơi đàn harpsichord (hay còn gọi là đàn Clavecin) phải chơi đệm ngẫu hứng dựa trên bản nhạc hòa tấu của người soạn nhạc. Các đoạn hát nói trong opera Ý vẫn sử dụng nhạc đệm nhưng vai trò của nhạc đệm đã trở nên quan trọng hơn trong hát đơn aria. Những nhà soạn nhạc tài danh của thời kỳ này đã tạo ra những bản đệm dày dặn hơn, chuyển hát đơn aria sang thành những bản duet giữa giọng ca và một nhạc cụ nhất định.

Đến cuối thế kỷ 18, piano đã thay thế đàn harpsichord để trở thành nhạc cụ đệm và dùng trong nhạc thính phòng. Alberti bass[2] trở thành phong cách đệm thông dụng nhất. Dần dần, nghệ thuật hòa âm phát triển và đạt đến đỉnh cao trong nhạc Schubert khi mà piano có vai trò ngang với giọng hát trong việc biểu đạt cảnh đẹp hoặc gợi nên những cảm xúc ẩn sâu trong thi ca. Ví dụ như hiệu ứng bánh xe quay mà người nghệ sĩ piano đạt tới trong bản Gretchen am Spinnrade hay những cảm xúc vui nhộn trong bản Die Forelle. Schumann và Brahms đã giữ được tầm quan trọng của piano trong những bản nhạc của họ trong khi vẫn trung thành với model của Schubert. Trong nhạc của Liszt, Wolf và Mahler, việc đệm đàn giữ vai trò tinh thần: nó bổ sung ý nghĩa của ca từ và truyền đạt cảm xúc. Trong thế kỷ 19, nghệ sĩ piano có vai trò quan trọng đối với nghệ sĩ hát solo bằng cách tạo nhịp, tạo không gian và hòa âm cho ca từ.

Đến cuối thế kỷ 19, vai trò của nghệ sĩ đệm đàn bắt đầu bị giảm sút. Khán giả không chấp nhận và người biểu diễn solo, đặc biệt là ca sĩ, coi thường nghệ sĩ đệm đàn. Tuy nhiên, định kiến đó của khán giả đã dần dần thay đổi khi mà một số nghệ sĩ đệm đàn giỏi xuất hiện. Trong số họ, phải kể đến nghệ sĩ piano người Anh, Gerald Moore (1899 – 1987),  người trở nên nổi tiếng nhờ đệm đàn cho những ngôi sao như Dietrich Fischer-Diskau, Victoria de Los Angeles, Elisabeth Schwarzkopf, Pablo Casals và Yehudi Menuhin, và cũng là người miêu tả rõ ràng vai trò của người đệm đàn trong cuốn hồi ký của mình. Và thậm chí, rất nhiều những nghệ sĩ độc tấu piano nổi tiếng như Arthur Rubinstein, Sviatoslav Richter Vladimir Askhennazy, Daniel Barenboim , Christoph Eschenbach, , hay nhưng nhạc trưởng bậc thày như James Levine và George Solti , tất cả họ đều là những nghệ sĩ đệm đàn kiệt xuất.

Để trở thành người đệm đàn piano tốt, ngoài kỹ năng phối hợp nhuần nhuyễn với nghệ sĩ solo, tiếng đàn đệm phải thật sự hòa quyện với âm thanh của nghệ sĩ solo. Việc phối hợp âm thanh phải được tính toán cẩn thận để đạt được độ hòa quyện như mong muốn, hơi thở phải được kiểm soát nhưng không nên để quá căng thẳng. Người đệm đàn phải cố gắng đạt được sắc thái legato càng giống càng tốt với giọng hát của ca sĩ hoặc âm thanh của nhạc cụ của người biểu diễn. Ngoài ra, người đệm đàn cũng cần ý thức được rằng vì piano chỉ là một loại nhạc cụ có tính năng như bộ gõ, âm thanh được phát ra nhờ búa gõ lên dây đàn, nên dù có muốn đến đâu thì kết quả cũng sẽ không bao giờ đạt được sự hoàn hảo.

Một trong những thách thức lớn đối với người đệm đàn là phải duy trì cân bằng giữa giọng hát/âm thanh nhạc cụ solo và âm thanh của piano. Người đệm không thể áp dụng những chuẩn mực hòa âm của riêng mình. Ví dụ, khi nghệ sĩ piano thể hiện các bản nhạc của Brahm thì không thể áp dụng cường độ như vậy để thể hiện các giai điệu Debussy. Người đệm phải tính tới quãng giọng của ca sĩ hoặc nhạc cụ chơi cùng, biết điểm mạnh và điểm yếu của nghệ sĩ solo, biết chất lượng âm thanh khán phòng và chất lượng piano mình đang sử dụng. Âm thanh mà nghệ sĩ cảm nhận trên sân khấu sẽ không giống với âm thanh nghe được trong khán phòng, vì vậy rất cần tới kinh nghiệm của người đệm.

Có một sự khác biệt cơ bản giữa việc đệm đàn cho ca sĩ và đệm đàn cho một nhạc cụ khác. Khi biểu diễn cùng với ca sĩ, nghệ sĩ piano phải có trách nhiệm chính trong việc tạo ra mức cân bằng hợp lý giữa giọng ca và tiếng đàn đệm. Nhưng khi biểu diễn thể loại sonata, nghệ sĩ độc tấu và người đệm piano đều có vai trò tương đối ngang bằng nhau, đó gần như là sự song tấu , đối đáp vô cùng tinh tế giữa  hai nhạc nhạc cụ. Khi nghệ sĩ độc tấu phát ra giai điệu, người đệm đàn piano phải điều chỉnh âm lượng phần của mình xuống để tôn lên phần giai điệu chính, và nghệ sĩ độc tấu cũng làm điều tương tụ như vậy khi phần giai điệu chính được viết cho piano... (phiên bản đầu tiên của sonatas dành cho violin của Beethoven được đặt tên là sonata dành cho piano và violin chứ không phải ngược lại!).

Khó khăn tồi tệ nhất đối với nghệ sĩ đệm đàn là việc chuyển dịch giọng. Rất nhiều ca sĩ chỉ vài giờ trước khi biểu diễn đột nhiên yêu cầu người đệm phải dịch xuống một tông hoặc cao lên một tông. Đối với ca sĩ, sự khác biệt giữa hát nốt này và nốt khác thường không lớn, nhưng đối với người đệm đàn piano thì đó là cả một vấn đề. Việc chuyển nốt cần phải được điều chỉnh và thường thì bản nhạc một khi đã được soạn với một số nốt chủ đạo rồi (đừng quên rằng phần lớn những nhạc sĩ thường là nghệ sĩ piano) thì rất khó để chuyển sang các nốt khác.

Những khó khăn về kỹ thuật kể trên mới chỉ là lướt qua những vấn đề mà người đệm đàn thường phải đối mặt và phải có đủ bản lĩnh để vượt qua. Hơn hết, người đệm đàn cần phải có phẩm chất cơ bản là biết hy sinh cá nhân, tính cách mạnh mẽ và biết linh hoạt như một nhà ngoại giao. Trong một số trường hợp, bằng kinh nghiệm và trình độ của mình, người đệm đàn có thể đưa ra đề xuất với nghệ sĩ solo. Người đệm đàn phải biết khi nào nên nói và biết cách đáp lại trước những lời trách móc, vì “cái tôi” của nghệ sĩ solo thường rất dễ bị tổn thương. Bất kể điều gì diễn ra trong buổi tập, nhưng tại buổi biểu diễn, nghệ sĩ solo luôn là nhân vật chính và người đệm đàn vì thế cần phải bình tĩnh và linh hoạt xử lý tình huống.

Đối với bất kỳ một người học piano chuyên nghiệp nào thì hoài bão và mục tiêu hàng đầu của họ là trở thành nghệ sĩ độc tấu. Nhưng có một thức tế khá buồn khi có không ít người cho rằng việc ai đó trở thành một nghệ sĩ đệm đàn là bởi vì người đấy đã không thành công trong lĩnh vực độc tấu. Có thể khẳng định rằng đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm và có phần thiếu tôn trọng đối với những nghệ sĩ đệm đàn piano thực thụ. Đệm đàn piano, nghe có vẻ đơn giản, nhưng đó là cả một nghệ thuật. và thậm chí công việc của một nghệ sĩ đệm đàn còn khó hơn nhiều so với một nghệ sĩ độc tấu. Đệm đàn - đó là một nghề, trở thành người đệm đàn là do sự lựa chọn của người nghệ sĩ. Nghề này không nên được xem như là một giải pháp trong khi chờ đợi để trở thành nghệ sĩ solo. Có rất nhiều niềm vui được xem như những phần thưởng lớn trong cuộc đời người nghệ sĩ đệm đàn piano, đó là được làm việc với các nghệ sĩ biết ghi nhận thành quả của mình, là được học các trích đoạn biểu diễn nổi tiếng, là được khám phá nhân cách đáng trân trọng của nghệ sĩ biểu diễn và hơn hết là được biểu diễn âm nhạc.

Về lĩnh vực đệm đàn piano ở Việt nam, có lẽ các hoạt động trong lĩnh vực đệm đàn ở nước ta mới chỉ thực sự phát triển từ khi Trường Âm nhạc Việt Nam được thành lập (1956). Trải qua hơn 50 năm hoạt động, Trường Âm nhạc Việt Nam nay đã trở thành Học viện Âm nhạc Quốc gia và đã xây dựng được bộ môn đào tạo về đệm thanh nhạc và hòa tấu thính phòng. Trong thời gian từ đó đến nay xuất hiện nhiều thế hệ giảng viên, nghệ sĩ piano đã và đang thầm lặng làm nhiệm vụ đệm đàn, hình thành nên phong cách riêng được ghi nhận. Trong số đó Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tự hào với các tên tuổi như NSƯT Nguyễn Hữu Tuấn, NGND Trần Thu Hà, NSƯT Trần Tuyết Minh, NSUT Hà Ngọc Thoa và rất nhiều giảng viên, nghệ sĩ khác… Ở phía Nam, Nhạc viện TP HCM cũng có các pianist tên tuổi, có nhiều kinh nghiệm với công việc thầm lặng này như: Cổ Tấn Thu Hương, Phương Hạnh, Trần Ánh Minh, Vĩnh Hưng, Đặng Tất Hùng...  Tuy nhiên những kết quả đạt được trong lĩnh vực này mới chủ yếu dựa trên tài năng cá nhân của các giảng viên, nghệ sĩ, còn thiếu sự đầu tư mang tính chất vĩ mô có chiều sâu.

 Để lĩnh vực đệm đàn tiếp tục được phát triển một cách vững chắc, cần có các hoạt động nghiên cứu khoa học nghiêm túc, sâu sắc hơn mà mục tiêu hướng tới là xây dựng một nền tảng lý luận khoa học về đệm đàn trên cơ sở phát huy thành tựu mà các giảng viên, các nghệ sĩ Việt Nam đã đạt được, kết hợp với yêu cầu thực tiễn ở Việt Nam và với việc áp dụng các thành tựu đã đạt được trên thế giới, nhằm trước mắt làm cơ sở để nâng cao chất lượng đào tạo, giảng dạy bộ môn đệm, hòa tấu tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và các cơ sở đào tạo âm nhạc khác trong cả nước.

 

[1] Bà Nina Nikolayevna Berberova (Нина Николаевна Берберова), người Nga, sinh 26-7-1901 tại Sant Peterburg (Nga), mất 26-9-1993 tại Philadelphia (Mỹ). Tiểu thuyết Người đệm đàn được nhà xuất bản New Directions xuất bản năm 2003 với tên tiếng Anh The Accompanist.

[2] Alberti bass là phong cách đệm đàn được đặt theo tên của nhạc sĩ Domenico Alberti (1710 - 1740), sử dụng các hợp âm  arpeggiato (broken chord) , các nốt nhạc của hợp âm không chơi cùng nhau mà được chơi nối tiếp nhau bắt đầu từ nốt nhạc có âm vực thấp nhất sang các nốt cao hơn và ngược lại. Phong cách đệm này được Mozart sử dụng rất thành công.

Tags:

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...