Đề tài biển đảo trong âm nhạc cách mạng Việt Nam

03/06/2013

Trong nhiều năm trở lại đây, đề tài về biển đảo luôn là chủ đề “nóng” trong các loại hình văn học nghệ thuật Việt Nam trong đó có âm nhạc. Với đặc thù của mình và với tính phổ cập cao âm nhạc luôn là mũi nhọn xung kích đặc biệt là ca khúc có sức lan truyền nhanh trong đời sống văn hoá, tinh thần của cộng đồng. Và chính nó đã tạo nên một tuyến đề tài mới mang tính cập nhật, thời sự nóng bỏng so với các đề tài khác trong âm nhạc cách mạng Việt Nam.

Nhiều bài hát hay, có giá trị nghệ thuật cao được công chúng yêu thích và luôn vang lên trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các sàn diễn và cả trong sinh hoạt quần chúng ở các tỉnh, thành phố, các địa phương và ngoài biển đảo.

Đã đến lúc chúng ta cần phải nhận diện tuyến đề tài này trong sự phát triển chung của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, đánh giá đúng vị trí, vai trò, tác dụng của nó trong xu thế đi lên, phản ánh hiện thực với tinh thần “ÂM NHẠC LÀ MỘT VŨ KHÍ ĐẤU TRANH SẮC BÉN” – một trong những xung lực mang tính truyền thống của ca khúc cách mạng Việt Nam.

Đề tài về biển đảo từ rất lâu đã xuất hiện trong âm nhạc – vốn là đề tài rất dễ cảm xúc, tạo “thi hứng” và “nhạc hứng” cho các nghệ sĩ, nhạc sĩ nên đã có nhiều tác phẩm thành công trong tuyến đề tài này. Chúng ta không quên bài hát “Côn Đảo” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận viết năm 1943 “Kìa xa xa nơi Côn Đảo, sóng nước muôn trùng... nói lên nỗi nhớ đất liền của các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm nơi đây với lời “thề hun đúc cho tim máu sôi mong thù kia trả xong mới thôi”, 20 năm sau, nhạc sĩ lại có bài “Lớn lên trên biển cả” cùng với quyết tâm giữ gìn biển đảo quê mình. Và chúng ta cũng không quên tác giả của “Tiến quân ca” (Quốc ca của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam) là nhạc sĩ Văn Cao lại là tác giả của một bài chính ca khác là bài “Hải quân Việt Nam” viết vào những năm 1945 – 1946. Ông là người “khai sinh ra quần chủng Hải quân. từ những ngày ta chưa có lực lượng này như anh chị em nghệ sĩ thường nói vui với nhau. Phải tới hơn 1 thập niên sau thì quân chủng Hải quân mới có bài hát chính thức của mình - Đó là bài “Lướt sóng ra khơi” của nhạc sĩ Thế Dương. Bài hát đã được Bộ Tư lệnh Hải quân tặng thưởng và được hầu hết các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân yêu thích, thuộc lòng và giờ đây vẫn vang lên trên các quần đảo cổ vũ “công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo và thềm lục địa của Tổ quốc”. Thời kỳ này cũng nổi bật lên một bài hát của nhạc sĩ Thái Quý “Tiếng hát trên tiền tiêu Tổ quốc”, một khúc nhạc đầy yêu thương, thơ mộng đối với biển đảo quê nhà.

Bước vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước, đề tài về biển đảo đã được định hình qua các tác phẩm của nhạc sĩ Huy Du “Bạch long vĩ đảo quê hương”, “Có chúng tôi trên hải đảo xa xôi”, nhạc sĩ Lương Ngọc Trác với “Bài ca gửi đất liền” (lời Phan Ngạn), nhạc sĩ Đỗ Nhuận với “Tình ca Biển cả” người lần đầu tiên đưa được khẩu hiệu của Hải quân nhân dân vào bài ca “Tàu là nhà, biển cả là quê hương”.

Trong những năm tháng “chống Mỹ” nhiều bài hát về đề tài biển đảo liên tục được các nhạc sĩ quan tâm sáng tác. Những bài hát về đề tài này đã được phổ biến rộng rãi như “Thái Văn A đứng đó “ của Văn An, “Gửi anh chiến sĩ thông tin trên đảo” của Hồ Bắc, “Khúc hát đảo quê hương “, “Những thành phố bên bờ biển cả” của Phạm Đình Sáu (thơ: Huy Cận)... Những tác phẩm này đã trở thành “cột mốc”, “điểm tựa” cho những bài hát mới về đề tài này ra đời như “Thư ra đảo” của Văn Dung, “Chiều Cát Bà” của Văn Lương, “Tình yêu Cát Bà” của Cát Vận, “Nếu em đến thăm đảo” của Trọng Loan, “Biển gọi” của Nguyễn Kim, “Biển hát chiều nay” của Hồng Đăng, “Sao biển” của Phạm Minh Tuấn, “Trên Biển quê hương” của Đức Minh, “Tình em biển cả” của Nguyễn Đức Toàn vv...

Trong những năm 80, 90 của thế kỷ XX đề tài biển đã được khai thác khá đậm, những tác phẩm viết nhiều khía cạnh về biển đã xuất hiện ngày một nhiều trong đó có những bài tình ca viết về biển, những bài hát trẻ trung viết về ngành dầu khí, viết về các tỉnh, thành phố ven biển đảo Cà Mau, Kiên Giang - Phú Quốc, Hạ long – Quảng Ninh, Cát Bà - Hải Phòng, Nha Trang – Khánh Hoà vv... Những bài hát giới thiệu ở trên chỉ là một phần rất nhỏ trong số đó.

Riêng về Trường Sa, Hoàng Sa phải đến cuối những năm 90 của thế kỷ trước. Những bài hát về đề tài này mới xuất hiện qua cuộc vận động sáng tác ca khúc của Đài Tiếng nói Việt Nam. Lần đầu tiên trên làn sóng quốc gia, thính giả mới được nghe hai tiếng Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu qua các giai điệu đủ sắc màu từ trữ tình, lãng mạn đến khỏe khoắn, mạnh mẽ. Đó là các bài “Gần lắm Trường Sa” của Huỳnh Phước Long, “Quần đảo đồng đội” của Hoàng Tạo, “Làng lính trên đảo” của Doãn Nho, “Trường Sa chiều biển nhớ” của Vũ Trọng Tường, “Màu xanh Trường Sa” của Lương Minh, “Đợi mưa trên đảo” của Nguyễn Thịnh (phổ thơ Trần Đăng Khoa)... Một tác phẩm nổi bật trong thời kỳ này đó là bài hát “Nơi đảo xa” của Nhạc sĩ Thế Song, phút xuất thần trong những giây phút đi thục tế với các chiến sĩ Hải Quân đã tạo cho anh có một tác phẩm để đời, vang mãi trong trái tim những người yêu biển đảo quê nhà.

Rất đáng mừng, từ những năm đầu của thế kỷ này, đề tài về biển đảo lại “nóng” lên qua các cuộc thi, các cuộc vận động sáng tác ca khúc về đề tài trên. Đáng ghi nhận là cuộc thi sáng tác ca khúc về biển đảo của Hội Nhạc sĩ và Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp tổ chức, tiếp đó là cuộc thi “Đây biển Việt Nam” do báo điện tử VietNamNet đứng ra chủ trì. Những cuộc thi này đã tạo điều kiện cho hàng trăm tác giả chuyên nghiệp và không chuyên tham gia để Ban tổ chức có được gần ngàn tác phẩm với nhiều nội dung phong phú, đa dạng.

Sự thành công của các cuộc vận động và các cuộc thi này cho chúng ta nhiều tác phẩm xuất sắc. Đó là “Trụ biển” của Đỗ Hoà An, “Giữa biển Đông nghe khúc Tiến quân ca” của Vũ Trung, “Lá phong ba, lời độc thoại” của Ngọc Anh, “Hải đội Hoàng Sa” của Trần Bắc Hải, “Lính đảo về phố” của Ngọc Hoà, “Lời ru Trường Sa” của Vũ Việt Hùng, “Phút lặng im trên biển” của Nguyễn Hồng Sơn, “Nơi ấy Trường Sa” của Xuân Nghĩa, “Tổ quốc nhìn từ biển” của Quỳnh Hợp – Nguyễn Việt Chiến, “Điệu nắng, điệu gió Trường Sa” của Đức Nghĩa, “Ru đảo” của Lê Tịnh. Đặc biệt hai bài hát của nhạc sĩ Vũ Thiết, là những điểm sáng của các cuộc thi này. Đó là bài “Khúc tráng ca Biển” “Lời sóng hát” đều phổ thơ của Trịnh Công Lộc.

Kết thúc một thập niên đầu của thế kỷ này, đề tài Trường Sa, Hoàng Sa đã sáng lên như một cột mốc chủ quyền, như một ngọn hải đăng trước sóng gió biển khơi, nó gợi mở cho các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam và những người yêu âm nhạc, yêu biển đảo đi tiếp, viết tiếp, sáng tạo tiếp về một tuyến đề tài luôn tạo ra những nguồn cảm hứng vô tận.

Tiếp tục dòng chảy ấy, trong các năm gần đây, Hội Nhạc sĩ đã tạo nhiều điều kiện để anh chị em nhạc sĩ, Hội viên của mình đến với Trường Sa. Chúng ta không quên những chuyến đi được tổ chức liên tục trong những năm gần đây để các nhạc sĩ có được những tác phẩm tốt như Vũ Duy Cương với “Phía ấy Trường Sa”, Lê Minh Sơn với “Này là Biển của ta” Nguyễn Văn Hiên có “Thương lắm Trường Sa”...

Tháng 5 vừa qua các nhạc sĩ Cát Vận, Nguyễn Cường, Quỳnh Hợp, Giáng Son cùng các nhạc sĩ trẻ Trần Ngọc Lâm (Nhà Văn hoá Hải quân), Nguyễn Việt Hùng (VTV3) đã có mặt tại Trường Sa. Chuyến đi thực tế qua 10 đảo chìm và đảo nổi như Nam Yết, Đá Lát,Trường Sa Đông, Trường Sa Lớn... đã để lại những ấn tượng mạnh cho các nhạc sĩ. Hơn 10 ngày lênh đênh trên biển và giao lưu với cán bộ, chiến sĩ nơi đây các anh đã có những sáng tác kịp thời như nhạc sĩ Nguyễn Cường với “Trống quân lính đảo”,”Sóng xô Trường Sa”, nhạc sĩ Cát Vận với “Mơ thanh bình sóng biển Việt Nam”, “Nghe tiếng A di đà ở Trường Sa”, Quỳnh Hợp với “Làng đảo” (phổ thơ Nguyễn Hữu Quý), Trần Ngọc Lâm với “Hành trình xanh Trường Sa”, Nguyễn Việt Hùng với “Mênh mang biển đảo quê hương”...

Cho đến nay có thể nói, đề tài Trường Sa đã trở thành một tuyến đề tài định hình, có sức hấp dẫn cao đối với các nhạc sĩ. Giờ đây, chúng ta mong muốn có những tác phẩm lớn, bề thế, hoành tráng tương xứng với vị trí của Biển đảo Việt Nam trong thời kỳ này, góp một tiếng nói vào việc bảo vệ chủ quyền biển đảo và thềm lục địa của chúng ta, Và như vậy, trong sự phát triển của âm nhạc Việt Nam đương đại, chúng ta tự hào có một tuyến đề tài mới về biển đảo làm cho âm nhạc cách mạng của chúng ta thêm đa dạng, phong phú trong cuộc hành trình cùng lịch sử nước nhà.
 

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...