Để đờn ca tài tử đến gần với thiếu nhi
Tại Liên hoan Văn nghệ thiếu nhi TP Hồ Chí Minh hè 2018 diễn ra cuối tháng 7, ngoài tiết mục ca múa nhạc, các đội thi còn đem đến phần trình diễn đờn ca tài tử. Song, bài bản mà các em thể hiện vẫn là những bài người lớn và khá hiếm tác phẩm thực sự dành cho lứa tuổi thiếu nhi.
Những bài bản mà các em chọn lựa để tham gia liên hoan phần nhiều có nội dung ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình cảm với ông bà, cha mẹ... Lời ca rất già dặn, chiêm nghiệm chứ không hồn nhiên, dễ hiểu đúng với lứa tuổi các em. Chưa kể những lời mới này được viết trên các lòng bản mà ngay cả người lớn cũng rất vất vả để luyến láy, lấy hơi.
Số lượng các bài ca tài tử dành cho lứa tuổi măng non vô cùng khan hiếm. Đây cũng là điều nan giải với nghệ nhân truyền dạy vì bất đắc dĩ phải để các bé luyện giọng, đếm nhịp bằng bài ca người lớn.
Người ta trầm trồ khâm phục các em như những tài năng đặc biệt bao nhiêu thì lại khiến những em khác thấy đờn ca tài tử là bộ môn nghệ thuật khó nhằn bấy nhiêu. Có em học được nửa chừng thì bỏ vì không theo kịp hoặc không thích những bài ca có nội dung xa rời tâm lý lứa tuổi. Do đó, dù 24 quận, huyện của TP Hồ Chí Minh đều có lớp đào tạo đờn ca tài tử nhưng số lượng tài tử nhí hiện nay khá khiêm tốn. Thành phố có 200 đội nhóm đờn ca với 3.000 người nhưng số lượng người trẻ rất ít ỏi. Trong khi đó, lực lượng nghệ nhân lão làng đang ngày càng mai một.
Số lượng tài tử ca nhỏ tuổi đã ít thì tài tử đờn nhỏ tuổi càng khan hiếm hơn, thậm chí chỉ đếm trên đầu ngón tay vì các em phải có sự kiên trì, đam mê khổ luyện nhiều năm trời so với tài tử ca. Có thể điểm qua một số tài tử đờn được coi là "của hiếm" như: Lê Minh Khôi (đờn sến), Trần Nhựt Đức (guitar phím lõm), Nguyễn Như Cường (đờn kìm), Nguyễn Nguyệt Thu (đờn bầu)… Mỗi lần trình diễn, các em thể hiện nhiều bài bản khó khiến công chúng trầm trồ.
Bé Lê Minh Khôi độc tấu đờn sến.
Ông Trần Thanh Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP Hồ Chí Minh tâm tư: "Chúng tôi nhận thấy muốn gìn giữ và phát huy các giá trị của đờn ca tài tử phải có lực lượng kế thừa. Các em có năng khiếu, thích đờn ca tài tử nhưng lại không có bài để ca, phải ca bài của người lớn. Những bài có nội dung về tình yêu quê hương, ca ngợi tiền nhân có vẻ phù hợp với các em nhưng lại rất khó hát. Số lượng các bài như vậy cũng không nhiều so với bài có nội dung than thân trách phận, tình yêu đôi lứa, suy tư cuộc đời…".
Với trăn trở đó, từ năm 2015, Trung tâm Văn hóa TP Hồ Chí Minh tổ chức "Cuộc vận động sáng tác lời mới các làn điệu đờn ca tài tử dành cho thiếu nhi". Các tác giả sáng tác lời mới dành cho thiếu nhi trên cơ sở 20 bản Tổ nhạc tài tử Nam Bộ (gồm ba Nam, sáu Bắc, bảy Lễ, bốn Oán) hoặc điệu vọng cổ. Nội dung chủ yếu là ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương, đất nước, nhớ ơn cha mẹ, thầy cô, tình bạn bè...
Tuy nhiên, số lượng bài thi mà ban tổ chức nhận về không nhiều nhặn gì. "Nếu cuộc vận động sáng tác lời mới cho 20 bản Tổ và vọng cổ dành cho người lớn thu về hơn 1.000 tác phẩm thì cuộc vận động cho thiếu nhi chỉ được khoảng 300 tác phẩm của các tác giả chuyên và không chuyên trên toàn quốc. Dù vậy chúng tôi xem đây là thắng lợi ngoài dự đoán bởi đời sống của đờn ca tài tử gần như không có chỗ cho các tác phẩm thiếu nhi. Tuy số tác phẩm khiêm tốn nhưng cuối cùng các bé cũng có những bài ca tài tử dành cho riêng mình" - ông Trần Thanh Bình phấn khởi cho biết.
Cắt nghĩa thực trạng này, NSƯT Hải Phượng cho rằng: "Việc sáng tác bài bản đờn ca tài tử dành cho thiếu nhi là mảnh đất hoàn toàn trống trải nhưng cũng là thách thức không nhỏ vì sáng tác cho thiếu nhi không hề dễ. Lời buộc phải trong sáng, dễ thuộc, phù hợp tâm lý. Đã vậy, tác phẩm dành cho thiếu nhi khó tìm đầu ra ổn định".
Tuy nhiên việc đặt lời mới cũng chỉ gói gọn trong một số bài bản vắn (bài ngắn) như: Duyên kỳ ngộ, Kim Tiền Bản, Long Hổ Hội, Bình bán vắn, Lưu thủy đoạn, Ngựa ô Bắc, Thu Hồ, Phong ba đình, Sương chiều - Tú Anh, Ngũ điếm - bài tạ, Lạc xuân hoa… để các em dễ hát.
Theo nhà nghiên cứu âm nhạc, GS Trần Quang Hải, nếu chỉ gói gọn như vậy thì khó gọi là bảo tồn, phát huy di sản đờn ca tài tử Nam Bộ. Ông phân tích: "Đa phần các bài đó không thuộc vào những bài bản của đờn ca tài tử. Đó là những bài vắn thường dùng trong hát cải lương hay những bài ngắn của đàn tranh.
Như vậy khi đặt lời mới cho những bài này thuộc hệ dây Bắc thì đâu phải là bảo trì truyền thống đờn ca tài tử. Đây chỉ là mang một số bài bản ngắn với một điệu dây Bắc thì có thể gọi là sáng tác cho thiếu nhi hát cho vui, mà không cần phải luyện giọng hay hiểu gì về truyền thống đờn ca tài tử".
Số lượng những tài năng nhí của đờn ca tài tử vẫn còn khá khiêm tốn.
Nhờ các tác phẩm thu được từ cuộc vận động, Trung tâm Văn hóa TP Hồ Chí Minh mới "dám" tổ chức "Liên hoan Giọng ca tài tử thiếu nhi TP Hồ Chí Minh" năm 2016. Ngoài ra, tại các liên hoan văn nghệ khác dành cho thiếu nhi, thành phố luôn cố gắng đưa đờn ca tài tử thành một hạng mục không thể thiếu. Qua đó, ban tổ chức mong muốn phát hiện, tìm kiếm những tài tử nhí triển vọng để bồi dưỡng, đào tạo thành lớp nghệ sĩ kế cận tiếp thu và phát huy di sản cha ông. Song đáng buồn là những gương mặt xuất hiện tại các liên hoan như thế lại khá quen thuộc, gương mặt mới ít lộ diện.
Ngay cả chương trình truyền hình thực tế "Giọng ca nhí - Hò Xự Xang Xê Cống" của Đài Truyền hình Bạc Liêu nhằm tìm kiếm tài năng nhí từ 9 đến 15 tuổi cũng chỉ dừng lại ở một mùa năm 2015, còn sau đó im hơi lặng tiếng. Dường như việc tìm kiếm những thí sinh để đáp ứng cho sân chơi này, chưa kể việc tìm các bài bản phù hợp cho các em ca là thách thức rất lớn.
Chương trình "Đưa âm nhạc dân tộc vào học đường" của TP Hồ Chí Minh, trong đó có đờn ca tài tử, sau vài năm hô hào cũng rơi vào lặng lẽ. NSƯT Hải Phượng, người trực tiếp tham gia chương trình, thẳng thắn: "Dù đã triển khai một thời gian khá dài nhưng chương trình vẫn dừng lại ở mức giới thiệu sơ lược. Các em dự theo kiểu "cưỡi ngựa xem hoa", nghe cho vui vì không có tác phẩm phù hợp để học.
Những bản sáng tác gần đây lại không được phổ biến rộng rãi, chủ yếu để tập cho các em trong sinh hoạt gia đình hoặc một số nhóm đờn. Thậm chí, một số chương trình biểu diễn đờn ca tài tử phục vụ trong trường học không dùng các bài bản Tổ mà chỉ sử dụng các trích đoạn cải lương, tuồng cổ... khiến các em hiểu sai lệch về loại hình nghệ thuật này".
Anh Lê Minh Hùng, ngụ quận Gò Vấp, một phụ huynh có con đam mê đờn ca tài tử, cho rằng để đưa đờn ca tài tử đến gần với thiếu nhi, giúp các em yêu thích di sản nghệ thuật dân gian độc đáo này thì không chỉ dừng lại ở một vài cuộc thi, liên hoan mà cần cả quá trình lâu dài. Quá trình đó cần sự chung tay của các nhà quản lý, gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Trong khi đó, GS Trần Quang Khải lại cho rằng, điều cấp bách cần phải làm ngay trong việc bảo tồn đờn ca tài tử hiện nay là người lớn phải rèn luyện để có đủ trình độ nhạc lý, nắm vững căn bản đờn ca tài tử cả về mặt lý thuyết và thực hành vì hiện nay rất hiếm người biết chơi đờn ca tài tử đúng phong cách, thần thái và nắm vững 20 bài bản Tổ. Từ đó mới có thể truyền dạy một cách đàng hoàng cho thiếu nhi. Những buổi truyền dạy cần chuyên sâu, chuẩn hóa theo từng cấp học, mời các nghệ sĩ, nhạc sư nói chuyện và có những bài tài tử phù hợp để các em yêu thích và học theo.
Nguồn: http://vnca.cand.com.vn