Dạy sáng tác âm nhạc không phát triển

31/10/2014

Trong dòng chảy của lịch sử âm nhạc thế giới, các nhà soạn nhạc ở khắp nơi đang liên tục cho ra đời những tác phẩm mới ngày càng đa dạng về phong cách, phong phú về chất liệu và mới mẻ về thủ pháp. Thông qua những sáng tác của mình, họ đang làm đầy thêm kho tàng nghệ thuật âm nhạc khổng lồ của nhân loại, tạo ra nhiều màu sắc mới cho âm nhạc thính phòng - giao hưởng - nhạc kịch ngày càng trở nên rực rỡ và mở ra cho ngành nghiên cứu giảng dạy nhiều tri thức mới


Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng
.

Hoà vào dòng chảy mãnh liệt ấy, các tổ bộ môn sáng tác của các trường đào tạo âm nhạc trên thế giới chắc hẳn là phải luôn vận động để bắt kịp với tốc độ của dòng chảy, thậm chí hơn thế, họ còn luôn chủ động đi trước và khuyến khích sinh viên vượt lên những thủ pháp đương thời để khai mở những kỹ thuật mới nhằm tạo ra nhiều âm thanh màu sắc cho các tác phẩm âm nhạc. Bởi vậy, tất cả các lý thuyết, sách vở và giáo trình sẽ luôn là cũ đối với những nhà sư phạm, những tác giả đương đại và cả những sinh viên đang theo học sáng tác ở bất cứ nơi đâu.

Nếu có một câu hỏi được đặt ra là, với gần 60 năm qua, kể từ khi bộ môn sáng tác âm nhạc chính thức được đưa vào đào tạo tại Việt Nam, chúng ta đã làm được gì, đang ở đâu và sẽ ra sao? Có lẽ câu trả lời đầy đủ không thể có từ một cá nhân hoặc một tổ bộ môn của chuyên ngành này trong một trường nào đó, cũng chưa thể có vào thời điểm hiện nay hoặc trong những năm tới đây. Tuy vậy, từ trải nghiệm của riêng tôi suốt quá trình là học sinh và sinh viên sáng tác của các trường nhạc lớn tại Hà Nội cho tới nay với khoảng 15 năm kinh nghiệm giảng dạy chuyên ngành ở nhiều trường nhạc trên lãnh thổ Việt Nam, tôi xin mạnh dạn đưa ra câu trả lời của riêng mình mà vốn dĩ nó đã giúp cho tôi và một số bạn sinh viên của tôi chủ động hơn trong việc học tập của bản thân. Câu trả lời của tôi chắc chắn không phải là đúng với góc nhìn của tất cả các đồng nghiệp và những người làm âm nhạc Việt Nam, nhưng có thể nó sẽ có ý nghĩa nhất định với các bạn sinh viên của ngày mai.

Tôi còn nhớ rằng khi học xong hệ sơ âm nhạc, tôi và các bạn cùng khoá thi lên học trung cấp sáng tác. Lúc này, có một số bạn không trải qua hệ sơ cấp nên lúc vào học đã khiến cho việc học của chúng tôi bị gián đoạn ở một số môn tập thể. Ví dụ như môn ký xướng âm, giáo viên phải hạ thấp bài học và bài thi để phù hợp với mặt bằng chung về trình độ của lớp, do vậy một số không ít học sinh (những người đã học qua hệ sơ cấp) buộc phải học lại những bài học từ hồi sơ cấp để cho những bạn mới (đa phần là chưa học sơ cấp âm nhạc) theo kịp.

Lên tới bậc học đại học, chuyện tương tự lại xảy ra ở nhiều môn học, giáo viên lại phải hạ thấp độ khó của giáo trình cho phù hợp với mặt bằng chung của lớp. Từ chỗ này, chúng ta thấy vấn đề tuyển sinh hẳn là chưa đạt nên xảy ra tình trạng chất lượng đầu vào của học sinh và sinh viên là không đồng đều, việc này gây ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng của việc học và thi. Thực tế là ở nhiều môn kiến thức âm nhạc, nhiều học sinh và sinh viên sáng tác có sức học yếu hơn các chuyên ngành biểu diễn. Có lẽ ở trên thế giới, chẳng đâu lại có nhiều những học sinh và sinh viên học sáng tác âm nhạc mà lại hạn chế về năng khiếu bẩm sinh, tay đàn và kiến thức âm nhạc như ở nước ta hiện nay, liệu có phải là có một số đông những bạn không thể đàn hát được thì sẽ tìm đến với sáng tác? Phải chăng thi vào học sáng tác âm nhạc ở Việt Nam dễ dàng quá? Liệu đã đến lúc chúng ta nên chấm dứt tình trạng này chưa?

Hầu hết các bạn học sinh và sinh viên khi bước chân vào cổng trường nhạc để học ngành sáng tác đều tin tưởng rằng thông qua việc học ở đây, họ sẽ viết được những tác phẩm đàng hoàng trong tương lai. Niềm tin ấy của các bạn là điều kiện tiên quyết cho thành công của chặng đường học tập về sau, nhưng nếu chỉ thụ động như vậy trong điều kiện hiện nay ở nước ta, các bạn sẽ không đạt được điều mình mong muốn.

Phải công bằng mà nói rằng bộ môn sáng tác âm nhạc của các trường nhạc Việt Nam, tiêu biểu là Nhạc Viện Hà Nội, đã hoàn thành một phần sứ mệnh của mình. Từ trong giai đoạn khốn khó của một thời đạn bom khói lửa, các thầy cô đã góp phần cùng cả giới âm nhạc Việt Nam gây dựng một nền móng cơ bản cho âm nhạc giao hưởng thính phòng chuyên nghiệp của nước nhà, dù chỉ trước đó không lâu, Việt Nam hoàn toàn chưa có một chút vốn liếng gì cho thể loại âm nhạc này.

Nhưng thật đáng tiếc, hơn nửa thế kỷ sau cái buổi đầu tiên ra đời bộ môn, đào tạo sáng tác âm nhạc vẫn giậm chân tại chỗ với những kiến thức từ ngày đầu. Phải khẳng định rằng, những môn kiến thức cơ bản đóng vai trò rất lớn trong việc cung cấp các phương tiện và thủ pháp sáng tác cho học sinh và sinh viên xây dựng và phát triển tác phẩm của riêng mình. Các bộ môn kiến thức âm nhạc phải luôn cập nhật các tri thức mới từ thực tiễn của âm nhạc thế giới, nếu không làm tốt việc này, công tác đào tạo chuyên ngành sáng tác âm nhạc sẽ thất bại nặng nề.

Hầu hết các môn học quan trọng trong gói hành trang kỹ năng mà nhà trường trao cho sinh viên vẫn loanh quanh ở những kiến thức có từ việc dịch sách của Nga hoặc Đông Âu từ trong khoảng thời gian Thế chiến thứ hai, tới giờ phút này đã lộ rõ sự hạn hẹp và lỗi thời. Xin lấy ví dụ về môn hoà âm để minh chứng cho sự hạn chế và lỗi thời của các môn kiến thức âm nhạc.

Chúng ta đều biết hoà âm là một trong những môn kiến thức âm nhạc quan trọng nhất mà nhà trường phải trang bị cho học sinh và sinh viên sáng tác ngay từ Trung cấp tới Đại học và Cao học, môn học hoà âm phải được hiểu là môn học bao quát gần như toàn bộ quá trình lịch sử của nó từ thời tiền cổ điển tới thời cổ điển rồi sang hoà âm thời lãng mạn tiếp nữa đến hoà âm TK 20 và cả hoà âm của nhạc Jazz. Nếu không cung cấp được cho sinh viên đầy đủ kiến thức về hoà âm, họ sẽ không bao giờ hội nhập vào dòng chảy của âm nhạc Thế giới. Hãy tưởng tượng xem sinh viên của chúng ta sẽ viết nhạc thế nào khi không có hoà âm? Có thể nói như vậy bởi cho đến hôm nay, hầu như toàn bộ các trường dạy nhạc lớn nhất của Việt Nam vẫn chỉ chủ yếu dạy cái kỹ thuật hoà âm của thời kỳ cổ điển dưới góc độ phân tích của người Nga từ trước Thế chiến thứ hai. Rõ ràng là đã quá hạn hẹp và lỗi thời, ấy vậy mà trong một hội thảo khoa học từ cách đây hơn 10 năm về việc đưa thêm hoà âm Thế kỷ 20 vào giảng dạy (hội thảo này được tổ chức từ thực tiễn vướng mắc của sinh viên trong việc sáng tác âm nhạc), có một vị tổ trưởng bộ môn hoà âm khi ấy đã tuyên bố khẳng định rằng: "Làm gì có hoà âm Thế kỷ 20 mà dạy” (!?) Thật đáng tiếc, trong khi các thầy cô bằng lòng với kiến thức mà mình đã học được từ cách đây mấy chục năm rồi bó hẹp các thế hệ sinh viên của mình với những kiến thức của những quyển sách xưa cũ, thì một số sinh viên không thụ động đã phải tự chủ động đi tìm kiếm các thông tin từ sách và từ mạng, tuy nhiên sách và mạng không bao giờ là đủ và đáng tin cậy hoàn toàn. Mong sao các thầy cô luôn nhớ rằng thực tiễn sáng tác luôn đi trước sách vở, các kiến thức của sách đều đã cũ, đang cũ hoặc sẽ cũ.

Cũng bởi nội dung của các môn kiến thức âm nhạc hạn hẹp và lỗi thời, nên nhiều nội dung ở hệ Trung cấp lại được nhắc lại bậc Đại học, gây mất thời gian, công sức và tiền tài vật chất cho nhà trường và cho người học. Rõ ràng là học sinh Trung cấp đã được học hoà âm cổ điển và bài thi đầu vào của Đại học đã tới chuyển điệu cập I, vậy mà lúc lên học ở bậc Đại học, sinh viên lại phải học lại từ đầu với môn hoà âm cổ điển, thay vì học hoà âm lãng mạn và hoà âm hiện đại. Do vậy, hầu hết sinh viên sáng tác lúng túng khi tập viết nhạc. Họ không thể dùng ngôn ngữ hoà âm của giai đoạn cách đây mấy trăm năm để viết những bản tứ tấu thính phòng hay những bản giao hưởng của ngày hôm nay. Có khác nào, bây giờ chúng ta đi ra đường tham gia giao thông hiện đại bằng xe ngựa thay cho dùng xe máy và xe hơi?

Từ cái bảo thủ của người dạy và thái độ bằng lòng với hệ thống giáo trình sách vở cũ của đa phần các tổ bộ môn kiến thức âm nhạc của các trường nhạc lớn, có những môn học mới mẻ bị từ chối đưa vào giảng dạy cho sinh viên, ví dụ như môn soạn tổng phổ trên máy tính chẳng hạn. Ở các trường nhạc trên Thế giới, việc đưa môn học này vào dạy cho các nhạc sĩ tương lai là cần thiết, bởi nó giúp cho sinh viên tự hoàn thiện tổng phổ và phân phổ theo thẩm mĩ của mình, tiết kiệm thời gian trong sáng tác, giảm chi phí học tập và hơn thế nữa, nó trang bị cho sinh viên một kỹ năng của một thế hệ nhà soạn nhạc trong thời đại công nghệ. Hiện tại, đa phần các nhà soạn nhạc của Việt Nam vẫn phải đi thuê người khác làm tổng phổ và phân phổ cho tác phẩm của mình.

Cách đây hơn một thập kỷ, có một môn học rất quan trọng đối với người học sáng tác có tên tiếng Anh là Arrangement (tạm dịch sang tiếng Việt là "Chuyển soạn") cũng đã bị các thầy cô và ban giám đốc của Học viện ANQGVN từ chối đưa vào chương trình giảng dạy của nhà trường, mặc cho vị giáo sư châu Âu đã mất bao nhiêu công sức để mang cả bộ giáo trình quý báu sang Việt Nam trong mấy năm. Lý do là bởi vì trước đây, các thầy cô của nhà trường chưa từng được học môn này và cũng bởi vì ngay cả cái tên gọi của môn học ấy cũng chưa từng được biết đến ở các trường nhạc của Việt Nam. Âm nhạc thế giới nói chung và đào tạo sáng tác âm nhạc nói riêng đang tiến về phía trước, trong khi các thầy cô và nhà trường của chúng ta vẫn quả quyết rằng cái gì mà ta chưa được học thì nó không tồn tại hoặc không có ý nghĩa gì hết.

Chưa có cuộc điều tra toàn diện và lấy ý kiến của các sinh viên học sáng tác ở khắp nơi trên lãnh thổ Việt Nam xem họ cảm nghĩ thế nào về hiệu quả của những giờ học chuyên môn, nhưng từ những phản hồi của nhiều sinh viên và từ kết quả học tập của các em, cá nhân tôi cho rằng các thầy cô chưa hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Chúng ta đều hiểu rằng các tổ bộ môn sáng tác của các trường âm nhạc ra đời để đào tạo nên những nhà soạn nhạc tương lai, sinh viên vào đây học để mong có ngày viết được các tác phẩm thính phòng, giao hưởng, nhạc kịch chứ không phải để viết các bài hát nhạc trẻ phổ thông. Cũng giống như khi người ta vào trường dạy viết văn để học viết truyện, viết tiểu thuyết chứ đâu phải chỉ để học làm thơ (ca khúc nhạc trẻ và thơ cũng có tính nghệ thuật cao, nhưng không nhất thiết phải đi học ở trường đại học). Với hơn nửa thế kỷ đào tạo sáng tác, chúng ta đã có được bao nhiêu tác giả tác phẩm từ chính những sinh viên được đào tạo trong nước, nếu loại trừ những bài viết trong thời gian đi học của họ? Đã có rất nhiều lý do để đổ lỗi cho sự khan hiếm các tác phẩm và tác giả mới của dòng nhạc thính phòng - giao hưởng - nhạc kịch hiện nay ở nước ta, nhưng cũng cần thêm một lý do mới, đó là do chất lượng đào tạo chuyên ngành sáng tác của Việt Nam đang rất thấp khiến cho hầu hết sinh viên chỉ cố gắng "viết cho xong" cái bài tốt nghiệp mà lấy bằng đi làm việc khác. Thực tế đã cho thấy, đa số các bạn sinh viên gặp khó khăn trong việc sáng tác ngay từ những năm học đầu tiên, nhà trường không cung cấp cho họ đủ kỹ năng để viết nhạc nên họ thường sáng tác bằng cảm hứng của vô thức là chính. Cảm hứng thì không phải lúc nào cũng đủ và vô thức thì không phải lúc nào cũng đúng, vậy nên học trò không có bài để tới lớp thì bỏ học, bỏ học nhiều thì càng không có ý tưởng gì để viết nên lại nợ bài thi, cái vòng luẩn quẩn ấy khiến cho sinh viên đi học luôn có cảm giác "bế tắc". Có nhiều sinh viên bế tắc quá thì làm liều, họ đi nhờ bạn bè viết hộ, nhờ không được thì lấy tác phẩm của ai đó ra làm bài thi, lấy bài của người khác làm bài thi bị các thầy phát hiện thì họ bỏ tiền ra thuê người viết bài thi cho mình... Chính tôi đã từng bị một sinh viên dấu mặt "đặt viết tác phẩm tốt nghiệp", nên tôi tin là đã có nhiều nhạc sĩ nhẫn tâm làm việc này.

Có lẽ chúng ta nên xót xa cho những sinh viên ấy hơn là trách phạt họ, bởi lỗi lớn thuộc về phía người dạy. Cho đến bây giờ, hầu hết các thầy dạy sáng tác âm nhạc đều không có giáo trình khi lên lớp, các bài giảng mấy chục năm nay rất sơ sài, khái quát chung chung, không cụ thể chi tiết, không khoa học và chắc chắn là không có tính sư phạm cao. Ở trên lớp, đa số giáo viên chỉ khuyến khích sinh viên là hãy đi nghe biểu diễn nhiều, xem nhiều tổng phổ, chơi nhiều tác phẩm kinh điển, tìm hiểu thêm âm nhạc truyền thống...rồi từ đó cảm nhận mà viết, nếu viết chưa hay thì người dạy yêu cầu về nhà viết lại. Cách dạy này chỉ có hiệu quả với các sinh viên có tài năng thiên bẩm của các nước có môi trường âm nhạc phát triển ở đỉnh cao mà thôi. Với học sinh và sinh viên viên sáng tác của Việt Nam, chương trình hệ thống bài giảng cần phải thật chi tiết và mang tính thực tiễn cao, phải dìu dắt học trò từng bước đi từ những thủ pháp nhỏ và cơ bản nhất, với những bài luyện tập cụ thể và chi tiết...

Tôi đang hồi tưởng lại quãng thời gian dài theo học chuyên ngành sáng tác của chính mình, của các anh em bạn bè đồng nghiệp và của các thế hệ học trò ngày nay, để cố tìm xem ở đâu đó đã có những lý do khiến cho con đường tới đích của chúng tôi trở nên xa xôi đến thế.

Ngay từ điểm xuất phát, nhiều người đã có sự lựa chọn không thích hợp khi quyết định theo học sáng tác, đây là một nghề khó và có tỉ lệ thành công thấp, trong khi ấy, nhiều người lựa chọn thi vào chuyên ngành này mà không có mục đích cuối cùng là sáng tác âm nhạc hàn lâm, lý do này sẽ gây khó khăn chung cho hoạt động dạy và học sau này.

Tất cả các bạn trẻ đều có quyền lựa chọn và gửi hồ sơ để thi tuyển vào sáng tác, đó là quyền của mỗi người, nhưng sau đó họ có đỗ vào học hay không lại là chuyện khác. Nếu nhà trường quả quyết rằng cách thức kiểm tra trình độ đầu vào của thí sinh bấy lâu nay là chuẩn, thì tại sao lại có nhiều trường hợp người mới nhập học không đủ sức để theo các chương trình học từ chuyên môn đến các môn kiến thức âm nhạc? Đào tạo sáng tác âm nhạc là đào tạo nhân lực hay đào tạo tài năng? Nếu coi việc đào tạo sáng tác là đào tạo ra các tài năng, thì tại sao có nhiều người không thể đàn hoặc hát tốt và không có năng khiếu âm nhạc lại vượt qua các cuộc tuyển sinh?

Cỗ xe ngựa đào tạo của các thầy cô bắt đầu chuyển bánh, ngay từ chặng đầu tiên nó đã phải giảm tốc độ để cho một phần lớn các trò (hạn chế về sức học) có thể cố theo kịp. Những đối tượng này thường kéo dài cái sự lê lết của cỗ xe ngựa của các thầy cô cho đến tận năm học cuối cùng, nếu không bị cho ở lại học với khoá sau. Rất hiếm, thậm chí tôi chưa từng thấy trường hợp học sinh và sinh viên sáng tác của Việt Nam bị cho điểm chuyên ngành dưới trung bình, bị cho thi lại chuyên ngành hay bị cho ở lại học với khoá sau hoặc bị buộc dừng việc học. Có nhiều thầy cô có ý tưởng là đừng để cho bảng điểm của lớp mình có sự chênh lệch quá về điểm, tức là đừng để cho có người điểm cao quá trong khi lại có người điểm thấp quá, điểm nào cao thì hạ bớt xuống, điểm nào thấp thì nâng lên...(!?)

Mà thực tế, kể cả khi loại hết những phần tử chậm tiến trong việc tiếp thu kiến thức, thì chắc gì cái cỗ xe cũ kỹ của nhà trường có thể chạy nhanh tới mức thỏa mãn được tốc độ của những sinh viên ở tốp đầu? Cái hệ thống bài giảng đa phần là lỗi thời hoặc hạn chế hoặc lặp lại về nội dung của các môn kiến thức âm nhạc cùng với những giờ lên lớp chuyên ngành không có giáo trình và bài giảng được chuẩn bị sẵn của phía người dạy sẽ tạo ra một lỗ hổng lớn trong hành trang kỹ năng nghề của người học, nó là lý do lớn nhất khiến cho hầu hết học sinh và sinh viên sáng tác âm nhạc của Việt Nam chỉ cố gắng lết được tới cái ngày tốt nghiệp bằng một tác phẩm giao hưởng, rồi sau đó chấm dứt hoàn toàn ý định viết nhạc thính phòng - giao hưởng - nhạc kịch...

Cái chặng đường của người học sáng tác âm nhạc ở Việt Nam mà tôi vẽ ra ở trên đây không diễn ra chính xác như vậy ở mọi nơi mọi lúc, cũng không hẳn môn học nào cũng có vấn đề, nhưng chắc chắn đã có một khoảng cách vô cùng lớn giữa cách đào tạo sáng tác của chúng ta với các nước tiên tiến trên thế giới.

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...