Đào tạo tài năng âm nhạc trong xu thế hội nhập

12/12/2016

Trong giai đoạn hội nhập và phát triển, với quá trình cải cách mạnh mẽ và mở cửa đất nước, âm nhạc Việt Nam đã có cơ hội hòa mình vào tiến trình hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, âm nhạc Việt Nam đang phải đối mặt với hai yêu cầu: Đào tạo nhân tài để đoạt giải trong các cuộc thi âm nhạc chuyên nghiệp quốc tế, đồng thời cung cấp nhân lực trình độ cao phục vụ xã hội và yêu cầu hội nhập.


Trao học bổng tài năng âm nhạc trẻ tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

30 năm qua, đào tạo tài năng âm nhạc được coi như nhiệm vụ chiến lược trong sự nghiệp đào tạo cán bộ văn hóa, nghệ thuật cho đất nước. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện nay, việc đào tạo tài năng âm nhạc đỉnh cao đang gặp khó. Điển hình là tình trạng thí sinh thi vào trường vừa ít về số lượng, vừa kém về chất lượng; nhiều cơ sở đào tạo cho ngành văn hóa, nghệ thuật đang có nguy cơ bị giải thể. Cùng với đó, thực trạng “nghiệp dư hóa” các loại hình nghệ thuật, lệch lạc về thẩm mỹ, nghệ thuật giải trí đang ngày càng có xu hướng gia tăng... Việc phải tìm ra những cách đi mới, có chính sách, quy trình, phương pháp mới, tạo ra động lực cho sự nghiệp đào tạo tài năng âm nhạc là vô cùng cần thiết.

Những bất cập trong đào tạo

Cho tới nay, kết quả đào tạo tài năng âm nhạc ở Việt Nam còn khá hạn chế. Chúng ta từng đào tạo được một số tài năng âm nhạc, nhưng những “sản phẩm” này còn ít nhiều mang tính tự phát, ngẫu nhiên, đặc biệt khi được nhìn nhận dưới góc độ quy mô đào tạo của một quốc gia. Những tài năng này phần lớn được phát hiện sớm, thường sống trong gia đình có truyền thống âm nhạc, và do vậy, được tiếp xúc với âm nhạc thuận lợi hơn. Thế nhưng so với các nước láng giềng trong khu vực và châu Á, chúng ta mới chỉ có những bước tiến khá khiêm tốn bởi vẫn duy trì hệ thống, thiết chế, phương thức đào tạo cũ, chưa có đột phá tư duy và phương pháp đào tạo tài năng âm nhạc. Đến nay, cả nước chỉ còn vài nhạc viện lớn vẫn kiên trì đào tạo tài năng ở một số môn nghệ thuật nhất định. Hầu hết quy mô đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp bị thu hẹp, chỉ còn được duy trì một cách “đối phó”, khiến nguồn nhân lực bị suy giảm dần. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo cũng rất lúng túng khi bị chi phối bởi cơ chế thị trường, hoặc “bất đắc dĩ” chạy theo cơ chế thị trường, không có cơ chế tự chủ rõ ràng để có thể mạnh dạn xây dựng những khung chương trình theo chuẩn quốc tế.

Nhiều đơn vị đào tạo không thể tự kiểm định được chất lượng và gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định những tiêu chí chuẩn về nội dung, quy trình, phương pháp và mục đích của quá trình đào tạo. Hơn thế nữa, chúng ta cũng chưa đưa ra được những hình thức nhằm đa dạng hóa các chương trình đào tạo với các mục tiêu cụ thể; khung chương trình đào tạo tài năng đỉnh cao thì chưa được xây dựng; không có đầu tư trọng điểm cho những chuyên ngành, tập trung cho những cá nhân nổi bật…

Về phương pháp giảng dạy, chúng ta vẫn áp dụng tư duy dạy học theo kinh nghiệm truyền nghề là chính, các giảng viên, bộ môn, khoa ít có sự phối hợp đồng bộ, kiến thức dàn trải, học sinh ít được tiếp xúc với khuynh hướng sáng tạo độc lập. Chương trình, giáo trình còn nặng về lý thuyết, không tập trung cho mục đích đào tạo tài năng, xa với yêu cầu chuyên môn và đặc biệt phải học quá tải văn hóa, các em nhỏ không còn đủ sức lực để tập đàn. Hệ quả là, khi đi thi quốc tế, tay đàn của thí sinh Việt Nam có thể không thua kém nhiều nước khác về phương diện kỹ thuật chạy ngón, nhưng những vấn đề liên quan đến kiến thức âm nhạc, kiến thức xã hội, kiến thức khoa học là điều đáng suy nghĩ, trao đổi và nghiên cứu. Đặc biệt trên thế giới hiện nay, tài năng âm nhạc biểu diễn chuyên nghiệp đã vượt lên bản năng, năng khiếu, các tài năng trẻ được rèn luyện ngay từ nhỏ thông qua nhận thức khoa học, biết tiếp thu kiến thức bằng hệ thống tư duy sáng tạo. Trên phương diện nghệ thuật biểu diễn, cảm xúc âm thanh thực chất cũng là nghệ thuật của trí tuệ.

Thực tế, chúng ta đang thiếu hụt những tài năng âm nhạc có thể cạnh tranh tại những cuộc thi lớn trong khu vực và trên thế giới.

Một số đề xuất giải pháp

Nhà nước nên tập trung kinh phí cho các ngành đào tạo tài năng mũi nhọn có trình độ cao để tập trung phục vụ mục tiêu hội nhập quốc tế, không dàn trải nguồn kinh phí cho mục tiêu đào tạo đại trà. Cần đầu tư theo hướng trọng điểm, tuyển chọn và đào tạo tập trung các tài năng âm nhạc đỉnh cao.

Xây dựng đề án đào tạo tài năng tại các trung tâm đào tạo âm nhạc của từng khu vực trong một mạng lưới có quy mô toàn quốc. Theo đó, các chi nhánh của trung tâm đào tạo âm nhạc được phân bổ đến từng đơn vị đào tạo văn hóa, nghệ thuật trong cả nước nhưng vẫn hoạt động theo một cơ chế thống nhất. Cơ chế đó tập trung kinh phí để thu hút nhân tài, sử dụng đội ngũ các chuyên gia đầu ngành nhằm tập trung nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo tài năng nhỏ tuổi. Bên cạnh đó, khi các chuyên gia đầu ngành của Việt Nam ngày càng ít trong khi đội ngũ giảng viên trẻ có năng lực chưa thật sự dồi dào, việc mời, thuê chuyên gia nước ngoài xuất sắc đến trực tiếp huấn luyện, đào tạo tài năng trẻ sẽ mang lại hiệu quả tích cực. Môi trường học tập “quốc tế hóa” sẽ thúc đẩy việc dạy và học, kích thích sự cạnh tranh lành mạnh, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo tiến gần đến trình độ quốc tế. Những tài năng trẻ sẽ được rèn luyện trong môi trường chuyên nghiệp. Cần sớm thành lập Trung tâm Đào tạo tài năng trẻ biểu diễn âm nhạc, được Nhà nước tạo điều kiện, cơ chế, chính sách, tài chính và chế độ đãi ngộ thích đáng cho đội ngũ giảng viên và học sinh tài năng.

Xây dựng đề án mở các cuộc thi tài năng âm nhạc chuyên nghiệp cấp quốc gia, quốc tế, mở các cuộc thi từ trình độ thấp đến cao theo hướng chuyên nghiệp, tạo điều kiện cho các học sinh tài năng có môi trường phát triển.

Phát triển mạng lưới phát hiện năng khiếu âm nhạc đặc biệt trên phạm vi toàn quốc làm nguồn cung cấp cho các lớp âm nhạc chuyên biệt.

Thường xuyên tổ chức hội thảo khoa học chuyên đề về đào tạo tài năng âm nhạc cho từng bộ môn và từng chuyên ngành. Mời các chuyên gia tầm cỡ thế giới có uy tín trong lĩnh vực chuyên môn, phối hợp với các chuyên gia đầu ngành của Việt Nam tham gia tư vấn, chuyển giao các phương pháp đào tạo tài năng âm nhạc.

Đ.Coi-li, một học giả người Mỹ, tác giả cuốn sách Giải mã tài năng từng viết: “Sự vĩ đại không tự nhiên sinh ra mà được ươm trồng”. Vì vậy việc đào tạo tài năng âm nhạc trong giai đoạn mới phụ thuộc vào những yếu tố quyết định, đó là cơ chế, chính sách của Nhà nước; quy trình, chương trình, phương pháp đào tạo và môi trường thuận lợi cho sự phát triển những hạt nhân mang những tố chất tài năng âm nhạc.

(Nguồn: http://www.nhandan.org.vn)

T

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...