Đạo tạo nhân lực PIANO ở Việt Nam
Hiện nay, nhiều trường nghệ thuật được đầu tư về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên tốt như ba trường âm nhạc lớn là: Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Nhạc viện TP.HCM và Học viện Âm nhạc Huế với số lượng phòng học, đàn, thư viện, phòng hòa nhạc lớn có thể đáp ứng tốt cho các học viên chuyên ngành piano.
Ảnh minh họa. Nguồn: http://vhu.edu.vn
Âm nhạc bắt nguồn từ cuộc sống, là nghệ thuật của âm thanh, là phương tiện biểu lộ cảm xúc nội tâm, từ nỗi đau, niềm vui sướng, ước mơ, khát vọng hay những diễn biến thầm kín của tâm lý con người… Đóng vai trò rất lớn trong đời sống con người từ nông thôn cho đến thành thị, từ khi chào đời qua những bài hát ru của mẹ cho đến khúc hát tiễn đưa về cát bụi, muôn vẻ âm nhạc gắn liền với cuộc sống đời thường. Âm nhạc giúp bồi đắp tâm hồn, cảm xúc, thậm chí giúp con người tăng cường trí não hay cải thiện trí nhớ…vì bản chất của âm nhạc, nghệ thuật là cái đẹp và cái thiện.
Âm nhạc được chia làm 2 phương thức biểu hiện chính đó là âm nhạc có lời (thanh nhạc) và âm nhạc không lời (khí nhạc). Được xem như là ông hoàng của các loại nhạc cụ, cây đàn piano với âm vực rộng, âm sắc thánh thót, kiều diễm, có khả năng biểu hiện phong phú, nhất là về mặt xử lý cường độ tinh tế - như chính tên gọi của nó. Cây đàn piano xuất hiện ở Việt Nam cùng với việc xuất hiện các nhà truyền giáo phương Tây và nhất là khi đội quân viễn chinh Pháp đến Việt Nam 1858 chủ yếu xuất hiện trong nhà thờ. Là nhạc cụ thuộc bộ gõ có bàn phím xuất phát từ châu Âu, đàn piano tạo ra âm thanh bằng cách gõ búa bọc nỉ vào các sợi dây thép. Ban đầu, khoảng năm 1700, đàn piano chỉ có bốn hay năm quãng tám và có tên là pianoforter. Qua nhiều thời kỳ, chiếc đàn piano đã được cải tiến và phát triển bởi nhiều nhà chế tạo piano và cho đến khoảng năm 1859, tên pianoforter chính thức được thay thế bởi tên gọi piano và âm vực của cây đàn được mở rộng trên bảy quãng tám.
Đàn piano ngày nay có hai hình dạng cơ bản là piano cánh (grand piano) và piano đứng (upright piano hay vertical piano). Khả năng diễn cảm rất phong phú, đa dạng: chuẩn xác về cao độ, vẻ đẹp của âm thanh biểu hiện được nhiều loại sắc thái, sự tinh tế của phím đàn, sự thuận lợi trong việc kết hợp các chồng âm cùng lúc tạo nên màu sắc hòa âm có thể thay thế dàn nhạc... đã tạo nên hiệu quả nghệ thuật rất lớn của cây đàn piano khi sử dụng. Tại các trường âm nhạc, piano là môn học bổ trợ rất cần thiết đối với mọi chuyên ngành (sáng tác, lý luận, chỉ huy, thanh nhạc, nhóm các nhạc cụ giao hưởng, nhạc cụ dân tộc...). Yêu cầu, tiêu chuẩn của những học viên ngành lý luận âm nhạc là không thể chỉ nghiên cứu lý thuyết mà phải có sự cảm nhận âm nhạc thông qua đàn piano, vì vậy, khi tuyển chọn học sinh lý luận, sáng tác, chỉ huy thì piano là một môn thi bắt buộc. Ngoài khả năng biểu diễn độc tấu, piano còn đệm cho các nhạc cụ khác như violon, cello, các loại đàn dân tộc, hát hoặc hòa tấu cùng dàn nhạc…
Từ sau cách mạng tháng tám năm 1945 với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, công tác giáo dục, đào tạo âm nhạc nói chung và đào tạo chuyên ngành piano nói riêng đã bước vào một trang sử mới và trở thành một bộ phận của nền giáo dục cách mạng, một vũ khí sắc bén, nhạy cảm của nền văn hóa nghệ thuật cách mạng trên mặt trận văn hóa tư tưởng do Đảng và Nhà nước ta lãnh đạo. Trường Âm nhạc Việt Nam đầu tiên ra đời năm 1956 tại Hà Nội là cột mốc đáng nhớ, bởi lúc bấy giờ đất nước ta đang phải trải qua công cuộc khôi phục kinh tế và sau đó là cuộc chiến tranh chống lại đế quốc Mỹ. Nhà trường đang trong quá trình phát triển đã phải sơ tán toàn bộ về vùng nông thôn - bao gồm tất cả các cây đàn piano. Trong hoàn cảnh biết bao khó khăn vất vả của dân tộc như vậy, mà ngành âm nhạc của chúng ta vẫn sản sinh ra tài năng như nghệ sĩ, NGND Thái Thị Liên trở thành trụ cột đầu tiên của khoa piano Việt Nam. Bà là thân mẫu của NSND Đặng Thái Sơn, người đã trở thành nghệ sĩ dương cầm gốc Á đầu tiên đoạt giải cao nhất tại một cuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin tại Warzawa - Ba Lan.
Cùng với những thành tựu to lớn trong sự nghiệp đổi mới trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, những năm qua, công tác giáo dục - đào tạo đã được quan tâm đặc biệt. Chúng ta đã và đang tiến hành nhiều chương trình cải cách giáo dục (phổ thông, đại học, cao đẳng, dạy nghề…) một cách tích cực. Sự nghiệp giáo dục toàn dân đã và đang đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Công tác giáo dục đào tạo nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng đã giành được những thành tựu to lớn rất đáng tự hào.
Trường Âm nhạc Việt Nam - năm 1956 (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), Trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn - năm 1956 (nay là Nhạc viện TP.HCM), Trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Huế - năm 1962 (nay là Học viện Âm nhạc Huế) là ba cái nôi âm nhạc lớn nhất cả nước đào tạo môn piano chuyên nghiệp. Bên cạnh đó các trường như Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội, Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Quân đội, Cao đẳng nghệ thuật Huế… đều có khoa piano. Hàng năm, các trường nghệ thuật trên đều có một số lượng lớn các em học sinh, sinh viên ở các cấp độ (hệ sơ trung 9 năm dành cho lứa tuổi từ 9-12, hệ cao đẳng 3 năm từ 18-25 tuổi, hệ đại học 4 năm từ 18-25 tuổi, thạc sĩ, nghiên cứu sinh…). Như Học viện Âm nhạc Huế năm 2013 có 700 thí sinh tham gia tuyển sinh và có đến hơn 100 em đăng ký thi vào chuyên ngành piano. Tuy số lượng trên không phải là con số lớn so với các ngành nghề khác nhưng khá đông so với các môn nhạc cụ. Đặc thù là môn nghệ thuật đòi hỏi năng khiếu và sự khổ luyện nên khi các em thi vào trình độ sơ cấp hiện nay 5 năm (trước đây là 7 năm) thì ngoài phần thi năng khiếu như cao độ, tiết tấu, trí nhớ âm nhạc các em còn phải chơi được bốn bản nhạc ở bốn thể loại như: Etude, Bach, Sonatine, tiểu phẩm, tương đương với trình độ năm thứ ba trước đây. Như vậy để có thể thi đỗ bộ môn piano ở các trường chuyên nghiệp, các em cần phải có một quá trình học tập và rèn luyện bên ngoài. Thực tế cho thấy số lượng và chất lượng đầu vào các trường âm nhạc chuyên nghiệp chuyên ngành piano hàng năm tăng rõ rệt, đây là dấu hiệu đáng mừng cho sự phát triển ngành piano nói riêng và nền âm nhạc Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, cũng còn một số mặt hạn chế như: nhiều bậc phụ huynh phát hiện thấy con em mình có đam mê , năng khiếu âm nhạc thì rất lúng túng không biết phải tìm thầy dạy ở đâu, phải thi, học như thế nào hay những khó khăn thuận lợi gì khi cho con cái mình đi theo chuyên ngành piano chuyên nghiệp. Ở các nước phát triển, các em được làm quen, tiếp xúc với các bộ môn nghệ thuật rất sớm, thậm chí là từ trong bụng mẹ. Từ khi học mẫu giáo các em đã được học balet, kịch, hát, các loại nhạc cụ… và đến cấp I vẫn tiếp tục, các em sẽ dễ dàng nhận thấy niềm đam mê của mình hay các giáo viên có thể phát hiện ra những tài năng và định hướng một cách dễ dàng. Như vậy, con đường đến với âm nhạc, nghệ thuật của các em hết sức tự nhiên và chuẩn xác. Nếu chúng ta cũng có thể đưa âm nhạc nghệ thuật đến với trẻ thơ sớm, sâu và rộng thì tin rằng đất nước chúng ta sẽ sản sinh ra không ít tài năng trong các lĩnh vực âm nhạc nghệ thuật .
Trên thực tế, piano là một môn học đầy khó khăn và thách thức ngay cả với các học viên chuyên nghiệp. Ngoài sự thông minh, nhạy cảm, tinh tế thì rèn luyện là điều không thể thiếu nếu muốn thành công. Những nghệ sĩ hàng đầu thế giới, những người được mệnh danh là thần đồng âm nhạc đều tập đàn không dưới 8 tiếng mỗi ngày. Đây cũng là cái khó đối với các em học sinh theo học hệ sơ trung, khi vừa phải học văn hóa ở trường lại vừa học đàn, luôn luôn phải sắp xếp thời gian thật hợp lý, có nhiều em không có cả thời gian để nghỉ ngơi và vui chơi. Hàng năm các em có hai kỳ thi lớn vào cuối học kỳ I và cuối học kỳ II với 4-5 tác phẩm ở những thể loại khác nhau và khó dần theo từng năm học. Bên cạnh đó là hai kỳ kiểm tra (giữa học kỳ I và học kỳ II) với những loại gam và những bài kỹ thuật bắt buộc. Ngoài hai tiết (45 phút) học đàn mỗi tuần các em còn phải bắt buộc tham gia các môn như ký xướng âm, kiến thức âm nhạc… Chính vì gặp rất nhiều khó khăn nên những năm gần đây, số lượng thí sinh được tuyển vào chuyên ngành piano ở các học viện âm nhạc là 40 em nhưng sau 5 năm sơ cấp thì còn khoảng 20-25 em và đến khi thi lên đại học là khoảng 12-16 em. Như vậy chặng đường trở thành cử nhân piano là 13 năm. Với quãng đường dài như vậy thì hầu hết những em còn theo được phần lớn là những tài năng thực sự, đam mê và gia đình có điều kiện kinh tế. Để các em có thể theo học trong một quá trình dài và luyên tập gian khổ như vậy thì tối thiểu ở gia đình các em phải có một cây đàn piano với giá không dưới 2000USD, chính vì vậy, loại nhạc cụ này chỉ có thể phát triển ở những thành phố lớn. Với tính năng lớn của đàn piano nên các sinh viên ra trường, ngoài để trở thành nghệ sĩ biểu diễn solo hay giảng viên, các em còn có thể tham gia các hoạt động khác như hòa tấu, đệm cho các nhạc cụ khác hoặc cho người hát.
Hiện nay, nhiều trường nghệ thuật được đầu tư về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên tốt như ba trường âm nhạc lớn là: Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Nhạc viện TP.HCM và Học viện Âm nhạc Huế với số lượng phòng học, đàn, thư viện, phòng hòa nhạc lớn có thể đáp ứng tốt cho các học viên chuyên ngành piano. Tại Học viên Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Khoa piano với 15 phòng học, mỗi phòng đều có một đàn grand piano. Đội ngũ giảng viên của trường là các nghệ sĩ nổi tiếng được đào tạo từ các nhạc viện lớn ở Nga, Hungarie, Bungarie, Mỹ, Canada… với 32 người gồm 1 giáo sư, 1 phó giáo sư, 5 tiến sĩ, 18 thạc sĩ và 7 cử nhân. Học viện cũng thường xuyên tổ chức những lớp học master class với các chuyên gia nước ngoài, các buổi giao lưu với những nghệ sĩ nổi tiếng thế giới, biểu diễn của các giảng viên, học sinh xuất sắc hoặc tổng kết học kỳ… Năm 2010, một dấu ấn đáng nhớ, Học viện Âm nhạc Việt Nam đã tổ chức thành công cuộc thi piano quốc tế lần thứ nhất, tạo cơ hội lớn cho các tài năng piano trẻ của Việt Nam được giao lưu, học hỏi các nền piano quốc tế, qua đó, phát triển, giới thiệu các tài năng trẻ Việt Nam và quốc tế với công chúng.
Bên cạnh một số trường có cơ sở vật chất và điều kiện học tập tốt thì vẫn còn nhiều trường cao đẳng âm nhạc với cơ sở vật chất eo hẹp, chưa thể đáp ứng nhu cầu học tập của học viên. Như khoa piano của Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội, số lượng học viên là 120 em nhưng chỉ có 6 phòng học với đàn piano đứng với 8 giảng viên. Các giảng viên thường xuyên quá tải lượng học sinh, số tiết dạy và thường xuyên phải dạy ngoài giờ. Các hoạt động giao lưu, biểu diễn… còn quá ít.
Một vấn đề nhức nhối trong hệ thống đào tạo piano chuyên nghiệp ở Việt Nam đó là phần lớn (đến 90%) đội ngũ giảng viên đều được đào tạo với chuyên ngành piano biểu diễn chứ không phải là piano sư phạm. Không chỉ ở các nước có nền âm nhạc phát triển như Đức, Pháp, Mỹ… mà ngay tại các nước láng giềng như Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Nhật… thì họ đã phân chia rõ ràng về hai khái niệm chuyên ngành sư phạm và biểu diễn piano. Bởi, một nghệ sĩ biểu diễn nổi tiếng và thành công không có nghĩa sẽ là một người thày dạy tốt và một người có phương pháp sư phạm tốt có thể cũng không có tố chất thành một nghệ sĩ biểu diễn.
Bên cạnh việc đào tạo chuyên nghiệp thì xã hội hóa bộ môn piano chưa bao giờ phát triển mạnh như 5 năm trở lại đây. Các bậc phụ huynh hiểu được âm nhạc là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của con người, đặc biệt là với trẻ thơ, nó góp phần phát triển trí tuệ và nhân cách toàn diện cho các em. Ngoài việc cho con đến trường để học văn hóa, họ còn muốn con mình được chăm lo cả tâm hồn. Sau những giờ học toán, văn căng thẳng thì lúc này chơi đàn như một liệu pháp cân bằng và thư giãn với các em. Các nhà văn hóa quận, huyện, Cung Văn hóa thiếu nhi, Cung văn hóa Lao động, các trung tâm ngay tại các trường nhạc chuyên nghiệp hoặc tư nhân… với nhiều hình thức đào tạo tập thể hoặc cá nhân. Một số trung tâm uy tín với đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp, cơ sở vật chất tốt, giáo trình từ nước ngoài, các em được học một tuần 1 buổi/1 giờ với lớp học tập thể (12 em). Ngoài chơi đàn, các em còn được hát, nhảy, múa theo nhạc… khiến các em vô cùng thích thú và yêu mến việc học đàn piano. Ngoài ra, đây cũng là nơi tốt, một phương pháp mới nhằm tạo nguồn cho các em có năng khiếu trước khi thi quyết định thi vào các trường âm nhạc chuyên nghiệp. Hàng năm, có vô số các cuộc thi không chuyên được tổ chức thu hút đông đảo thí sinh tham gia. Đây cũng là sân chơi bổ ích giúp các em hào hứng, say mê, tạo động lực cho các em chơi đàn chăm chỉ hơn.
Trong việc đào tạo nhân lực chuyên ngành piano ở nước ta, chất lượng đào tạo là một kết quả tổng hòa của nhiều yếu tố, trong đó có những yếu tố cơ bản sau: chương trình đào tạo có tính khoa học và thực tiễn cao; đội ngũ giáo viên tương ứng với chương trình đào tạo; cơ sở vật chất, thiết bị, không gian môi trường đào tạo; chất lượng đầu vào và năng khiếu âm nhạc của sinh viên. Cả bốn yếu tố phải được đồng hành, đồng bộ thì chất lượng đào tạo mới có hiệu quả đích thực. Trong quá trình đào tạo phải luôn bám sát mục tiêu, nội dung, chương trình, căn chỉnh việc dạy và học để đảm bảo hiệu quả giáo dục đào tạo.
Để thực hiện được điều đó, cần quan tâm tạo điều kiện nâng cao cơ sở vật chất cho một số trường chưa đáp ứng được nhu cầu dạy và học; cần sớm xem xét phân chia bộ môn piano thành hai mảng đào tạo: piano biểu diễn và piano sư phạm; nâng cấp việc đãi ngộ đội ngũ giáo viên tốt hơn để các giảng viên có thể tâm huyết trong công tác giảng dạy; tạo điều kiện, cơ hội cho các sinh viên xuất sắc có nhiều cơ hội được học tập ở các nước có nền âm nhạc phát triển; xã hội hóa rộng rãi, tạo nguồn kinh phí hỗ trợ cho các thí sinh tham gia các cuộc thi piano trong nước và quốc tế./.
(Nguồn: http://vanhien.vn)