Đạo diễn Đinh Anh Dũng: Đừng 'nhố nhăng' mà tội cho MV đứng đắn
Năm 2013 chứng kiến sự trỗi lên mạnh mẽ của những MV. Hàng loạt các kênh truyền hình âm nhạc, các trang nghe/xem nhạc trực tuyến, mạng xã hội… đang phủ đầy các MV made in Vietnam. Liệu đây có phải là một tín hiệu lạc quan cho một nền âm nhạc phổ thông đang rất thiếu tín hiệu?
Để trả lời cho câu hỏi ấy, không gì khác hơn đặt thẳng vấn đề với Đinh Anh Dũng. Anh không phải là một người xa lạ trong làng MV mà chính xác hơn, đạo diễn Đinh Anh Dũng là một trong những người đầu tiên mở đường cho phong trào làm video ca nhạc tại Việt Nam những năm đầu thời mở cửa ở thập niên 1990. Sự thành công của anh để lại dấu ấn trong những video ca nhạc như
Văn Cao - Giấc mơ một đời người, Trịnh Công Sơn - Xin trả nợ người, Nhớ về Hà Nội, Đoàn Chuẩn - Từ Linh - Gửi gió cho mây ngàn bay, Văn Cao - Buổi sáng có trong sự thật, Nhớ Huế,...
* Theo như công bố từ Zing Music, trong năm 2013, trang âm nhạc này đã phát khoảng 3.000 MV mới. Cũng trong năm qua, số lượng MV đã phát trên YanTV, MTV Việt Nam cũng từ 200 - 300 MV. Theo anh con số này có nói lên điều gì?
- Tôi ngạc nhiên về con số này! Nếu đúng như công bố thì nó nói lên số lượng MV của chúng ta đang được làm với tốc độ chóng mặt, bình quân mỗi ngày có gần 10 MV ra đời. Nhưng theo tôi, số lượng chưa hẳn đã phản ảnh được tình hình âm nhạc cũng như MV chúng ta hiện tại.
* Hơn 10 năm trước, những MV của Bài hát tôi yêu đã được quan tâm rất lớn và nhiều người đã nghĩ rằng làn sóng MV sau đó sẽ rất phát triển. Bản thân anh trước đó rất thành công trong việc đạo diễn những MV tiếng tăm. Nhưng thực tế thì lượng MV sau này tăng mỗi năm, các kênh âm nhạc cũng được mở ra nhiều hơn nhưng sự thu hút của MV vẫn chưa nhiều. Ngay như năm 2011 kênh MTV Việt Nam còn phải hỗ trợ 40 triệu cho các ca sĩ để làm MV… Nhưng năm 2013 này, con số 3.000 MV quả thật rất lớn. Vậy thì rất đáng để lạc quan đúng không, thưa anh?
- Tôi không lo lắng nhưng cũng chẳng lạc quan! Có lẽ là thời đại bây giờ như thế chăng? Năm 1992, khi tôi bắt đầu bước vào lĩnh vực này, chúng tôi quay kỳ công lắm. Suy nghĩ để tìm ý tưởng, đi chọn bối cảnh phù hợp... Vài ba ngày quay cho một MV, đi năm bảy nơi là chuyện bình thường. Còn bây giờ điều kiện tốt hơn nên có lẽ quay nhanh hơn nhưng hình như các bạn trẻ cũng dễ dãi hơn...
Tôi xem nhiều MV ngày nay thấy na ná nhau, từ bối cảnh, cách thể hiện tới dựng phim. Đôi khi lại có chút Mỹ chút Tây chút Hàn Quốc trong đó. Thật tình là đôi lúc xem tôi chẳng hiểu một vài MV muốn chuyển tải điều gì? Tôi đành tự nhủ rằng có lẽ do mình lỗi thời rồi...
MV Xin hãy thứ tha của Hồ Ngọc Hà dù được đầu tư rất công phu và kỹ lưỡng nhưng vẫn
không “hot” bằng các MV khác của cô trong năm 2012
* Anh nói các bạn trẻ thời nay dễ dãi hơn nhưng thật sự kỹ thuật hôm nay đã phát triển vượt bậc rồi. Điều đó là tốt chứ?
- Nó có hai mặt. Tốt với người đam mê nó và không tốt với người lạm dụng (hay lợi dụng) nó!
* Phong trào MV tại VN đang thay thế single audio để trở thành một cầu nối giữa ca sĩ và công chúng. Nếu như bản chất của một single là một sự báo hiệu cho một album mới sắp trình làng thì gần như các ca sĩ tại VN ra MV mà chẳng có album nào mới. Anh có nghĩ rằng việc ra MV quá dễ dàng sẽ làm ca sĩ “lười” hơn?
- Có thể do làm một MV nhanh hơn, dễ dàng hơn, ít tốn kém hơn mà nếu may mắn thì họ cũng có cơ hội nổi tiếng. Để làm một CD họ phải có đủ khả năng và thực lực, đòi hỏi nhiều công sức nữa. MV trong trường hợp này có thể hiểu là một cách “ăn xổi”, vì có lẽ giới trẻ thấy rằng không có gì dễ nổi tiếng và kiếm nhiều tiền bằng làm... ca sĩ ngày nay!
Khởi My với MV Gửi cho anh 2 đã thu hút 7,5 triệu người xem
* Theo quan điểm của anh, thế nào là một MV?
- Có nhiều quan niệm về một MV. Tùy thể loại âm nhạc, tùy ca sĩ thể hiện, tùy hoàn cảnh cho phép mà người đạo diễn tìm ra cách tốt nhất để làm MV cho mình, chẳng có công thức cụ thể nào cả. Nhưng điều quan trọng nhất, là cuối cùng làm được một MV hay, mang cho người xem sự thú vị và xúc cảm khi xem nó.
* Trong 3.000 MV phát hành năm nay, anh có chú ý đặc biệt đến MV nào hay không?
- Có thể tôi không xem được tất cả nhưng MV Where did we go wrong của Thu Minh và Thanh Bùi tôi khá thích.
* Theo cảm nhận của anh, trong những năm gần đây khi lượng MV tăng trưởng một cách đáng kể thì chất lượng nghệ thuật của nó có phát triển song hành?
- Nếu những người thực hiện nó thực sự có tài năng và nghiêm túc thì việc tăng trưởng số lượng MV là một cơ hội tốt nhưng có lẽ số đó hơi ít nên tôi không dám tin nhiều trong thời gian trước mắt. Nhưng về lâu về dài thì có thể, chúng ta có quyền hy vọng thế.
Ca sĩ Tuấn Hưng cũng thu hút được 6 triệu người xem qua MV Anh nhớ em
* Ở nước ngoài luôn có những giải thưởng được trao cho đạo diễn MV xuất sắc nhất và có rất nhiều đạo diễn màn bạc nhận giải thưởng này, điều đó chứng tỏ MV là một thị trường đầy sáng tạo và có những ca sĩ rất muốn một tên tuổi nào đó làm MV để thể hiện chất riêng trong âm nhạc của họ. Ở VN bây giờ, để làm được điều đó có khó không, thưa anh?
- Cũng không khó lắm! Nếu có sự đồng cảm, tin cậy thực sự giữa 2 người nổi tiếng: ca sĩ – đạo diễn (điện ảnh) thì điều đó sẽ xảy ra. Theo tôi biết ở ta cũng có nhưng rất hiếm hoi, tiếc rằng nó không tạo được tiếng vang lắm, chỉ gói gọn trong một số giới nào đó. Trước đây giải Mai vàng hàng năm có trao giải cho đạo diễn MV và các chương trình ca nhạc hay nhưng vài năm gần đây họ bỏ giải thưởng này, có lẽ do tác động xã hội của nó chưa thực sự mạnh mẽ.
* Cũng cần phải hỏi thêm anh, một người gạo cội của thị trường MV, trong bài toán tăng trưởng MV thì lấy đâu cho đủ thời lượng để phát? Nếu chỉ mong phát hành online thì đó là một thị trường khó kiểm soát. Và trong 3.000 MV phát hành trong 2013, đầu ra thật sự của những MV này ở chỗ nào?
- Nói thật là tôi hơi “choáng” khi nghe con số này! Theo nghĩa nghiêm túc MV là một tác phẩm hoàn chỉnh, được thực hiện và dàn dựng công phu, có cả chất lượng nghệ thuật... Nếu dùng bất cứ phương tiện ghi hình nào, quay nhố nhăng, ghép nối vớ vẩn và tung lên mạng mà gọi đó là MV thì “tội” cho MV đứng đắn lắm!
(Nguồn: http://thethaovanhoa.vn)