Đánh thức tình yêu âm nhạc dân tộc trong giới trẻ
Trước đây, âm nhạc dân tộc luôn là “món ăn” tinh thần, là niềm tự hào của mỗi người dân, thì nay đang có nguy cơ mai một dần. Giới trẻ có xu hướng chạy theo các thể loại âm nhạc hiện đại được du nhập từ nước ngoài, trong khi người nước ngoài lại tìm đến Việt Nam để tìm hiểu về các loại hình âm nhạc truyền thống...
Hoà tấu nhạc cụ dân tộc của nhóm Âm nhạc dân tộc Nét Việt - Nhạc viện TP.HCM
Vậy làm thế nào để âm nhạc dân tộc Việt Nam thực sự có sức sống giữa dòng chảy hội nhập? Đó vẫn là một nỗi băn khoăn, trăn trở của những người đang tâm huyết và nỗ lực gìn giữ những “hồn cốt” của dân tộc.
Chủ động tìm đến người trẻ
Thời gian gần đây, TP.HCM đã tổ chức thường xuyên các chương trình âm nhạc dân tộc với nhiều quy mô khác nhau tại các địa điểm công cộng như Phố đi bộ Nguyễn Huệ, Cung Văn hóa Lao động, Nhà văn hóa Sinh viên… cũng như tại hệ thống trường học với mong muốn truyền lửa cho thế hệ trẻ, thu hẹp dần khoảng cách giữa các loại hình âm nhạc dân tộc với nghệ thuật đương đại.
Việc người nước ngoài tìm đến âm nhạc dân tộc Việt Nam cũng giống như người trẻ ở nước ta tìm đến những loại hình âm nhạc hiện đại trên thế giới, bởi âm nhạc là “món ăn” tinh thần và mỗi cá nhân sẽ có một “khẩu vị” khác nhau, khi họ cảm thấy yêu thích, hiểu rõ và phù hợp thì họ sẽ “thưởng thức” một cách đầy thích thú. Do đó, muốn thế hệ trẻ đến gần hơn với âm nhạc truyền thống thì phải để các em có điều kiện được tiếp cận, tìm hiểu và yêu thích. Cái sự hiểu và yêu ấy phải được nuôi dưỡng từ ban đầu, không thể vội vàng và cũng không thể ép buộc. Tôn vinh giá trị âm nhạc dân tộc không có nghĩa là phủ nhận, là ngăn cản họ đến với những dòng âm nhạc khác.
Nhằm tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên và thanh niên trên toàn thành phố nâng cao “văn hóa thưởng thức”, tiếp cận với các thể loại âm nhạc dân tộc, nhà Văn hoá Sinh viên TP.HCM đã phối hợp cùng các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn thành phố tổ chức chương trình “Âm nhạc dân tộc học đường” năm 2020 với đa dạng các thể loại như: Hòa tấu nhạc cụ dân tộc, hát Bài chòi, Quan họ Bắc Ninh, các điệu Hò, điệu Lý, Vọng cổ, trích đoạn Cải lương và các ca khúc mang âm hưởng dân ca… Chương trình đã mang đến một không gian văn hóa âm nhạc đặc trưng của ba miền Bắc - Trung - Nam và được thể hiện bởi các CLB, đội, nhóm âm nhạc dân tộc đến từ các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn thành phố qua 4 chủ đề: “Đất phương Nam”, “Thanh âm Việt”, “Hồn dân tộc”, “Bài Chòi đất Hội”, thu hút sự quan tâm, tham gia cũng như hưởng ứng tích cực của hơn 1.000 bạn trẻ.
Thu hút sự tham gia đông đảo của các bạn trẻ
Lan tỏa rộng rãi hơn
Qua bốn chủ đề, chương trình “Âm nhạc dân tộc học đường” năm 2020 đã truyền tải trọn vẹn đến với các bạn trẻ những nét đẹp về văn hóa, nghệ thuật từ khắp các vùng miền trải dài trên đất nước Việt Nam. Thông qua đó, các bạn sinh viên nói riêng và tầng lớp thanh niên nói chung đã có cơ hội tiếp cận gần hơn với các thể loại âm nhạc dân tộc. Bạn Minh Thư, sinh viên Trường ĐH KHXH & NV TP.HCM chia sẻ: “Qua chương trình lần này, em có thêm nhiều kiến thức về các loại hình âm nhạc dân tộc Việt Nam hơn, cũng như được thưởng thức nhiều tiết mục đặc sắc từ ca hát cho đến hòa tấu nhạc cụ, nó hay và hấp dẫn thật sự”.
Anh Vòng Trong Minh, Phó trưởng phòng Văn hóa nghệ thuật, Nhà văn hóa Sinh viên TP.HCM cho rằng, chương trình “Âm nhạc dân tộc học đường” năm 2020 bước đầu đã thành công khi thu hút được sự quan tâm của nhiều bạn trẻ, qua đó để lại được dấu ấn và xây dựng cho các bạn trẻ ý thức giữ gìn những truyền thống tốt đẹp của dân tộc nói chung và văn hóa trong âm nhạc dân tộc Việt Nam nói riêng. Trong thời gian tới, BTC sẽ tiếp tục mang chương trình với đa dạng chủ đề đến nhiều trường học hơn nữa trên cả nước.
Dự kiến tháng 7.2020 sắp tới, Nhà Văn hóa Sinh viên TP.HCM sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị tổ chức các chương trình “Âm nhạc dân tộc học đường” tại các quận 6, quận 7, quận 12, quận Bình Tân, quận Phú Nhuận trong khuôn khổ chiến dịch Hoa Phượng Đỏ năm 2020, và tháng 9.2020 sẽ triển khai tại Đại học Tôn Đức Thắng với chủ đề “Âm sắc Việt” và toạ đàm “Giải pháp tổ chức hiệu quả chương trình Âm nhạc dân tộc học đường tại các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn TP.HCM”. Hứa hẹn mang đến nhiều hoạt động thú vị, hấp dẫn khi các bạn trẻ được tìm hiểu sâu hơn về các loại hình âm nhạc truyền thống của dân tộc ta, đây còn được xem như một sân chơi dành cho âm nhạc truyền thống.
Để đánh thức được tình yêu âm nhạc trong giới trẻ thì tuyên truyền, giới thiệu là chưa đủ. Tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, vẫn có những CLB tập hợp những nhóm bạn trẻ yêu thích và hát cải lương, đờn ca tài tử, vọng cổ nhưng số lượng vẫn còn khá khiêm tốn, môi trường để hoạt động cũng rất hạn chế. Về lâu dài, vẫn chưa có hướng phát triển đồng bộ và điểm nhấn để thu hút sự quan tâm của đông đảo giới trẻ đến với âm nhạc dân tộc. Do đó, cần sự quan tâm của các cấp với đa dạng hoạt động, tạo nhiều cơ hội để người trẻ tiếp xúc với âm nhạc dân tộc hơn nữa. Bên cạnh đó, các loại hình âm nhạc dân tộc, đặc biệt là cải lương, vọng cổ, đờn ca tài tử cần làm mới và đa dạng cách tiếp cận đối với người trẻ.
Những ca khúc nhạc trẻ “triệu view” sau một thời gian cũng có thể bị quên lãng, nhưng những làn điệu dân ca, câu hò, điệu lý, bài vọng cổ… thì dù có tuổi đời dài cả thế kỷ, nó vẫn mang một sức hút rất riêng đối với mọi lứa tuổi, vẫn được nhiều người tâm huyết giữ gìn và theo đuổi bằng tất cả niềm đam mê.
(Nguồn: http://baovanhoa.vn/)