Đàn Đá và Kèn Đá Tuy An dưới gốc độ âm thanh học
GSTS Trần Quang Hải (Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia , Pháp)
Đàn đá và kèn đá là hai nhạc cụ được tìm thấy tại huyện Tuy An . Đàn đá được khám phá tại Hòn Núi Một thuộc thôn Trung Lương, xã An Nghiệp, huyện Tuy An vào năm 1990 cho tới năm 1991 thì tìm được tất cả 8 thanh đá. Bộ đàn đá này được đánh giá là có thang âm thuộc loại chuẩn nhất trong số những đàn đá thời tiền sử được phát hiện tại Việt Nam. Kèn đá được phát hiện dưới lòng một phế tích Chăm Pa ở thôn Phú Cần, xã An Tho, huyện Tuy An và đã được giữ gìn và sử dụng qua bảy đời các vị trụ trì của chùa Hậu Sơn ước khoảng trên 150 năm , và được xem là nhạc cụ độc nhất vô nhị trên thế giới .
Đứng về mặt âm thanh học, đàn đá đã được đo âm thanh và tần số vào năm 1992 tại phòng thu thanh của hội âm nhạc TP HCM và đã công bố kết quả các tần số . Hội đồng khoa học đàn đá Tuy An đã phát hành một tư liệu khoa học về đàn đá Tuy An, tỉnh Phú Yên vào tháng 9, 1992 gồm một số bài báo cáo kết quả sơ khởi về âm thanh và tần số 8 thanh đá .
GS Tô Vũ có viết một bài về Kèn Đá với đề tài « Cặp kèn đá tiền sử , hai hiện vật lạ bằng đá ở Phú Yên dưới gốc độ âm thanh nhạc học và nhạc khí học lý luận » đăng trong tư liệu « các báo cáo chuyên đề » (Phú Yên, 2 tháng 10, 1996). Kết quả việc đo hai kèn đá do NSND Đỗ Lộc thổi và được các chuyên viên kỹ thuật của Z.755 (cơ quan đã đo 8 thanh đá trước đây) thực hiện vào ngày 29 tháng 6 năm 1995 tại TP HCM.
Trong bài tham luận này, tôi sử dụng bộ phận mềm « Overtone Analyzer » do một bạn người Đức tên là Bodo Maass có thể đo chính xác cao độ các tần số 8 thanh đá và kèn đá. Qua cách đo này có thể đối chiếu với kết quả đo năm 1992 và hiện nay để xác định thang âm của 8 thanh đá Tuy An và khẳng định giá trị của hai nhạc cụ bằng đá , đồng thời cho thấy giá trị của hai hiện vật âm nhạc hiếm có và tiêu biểu cho nền hóa nghệ thuật của tỉnh Phú Yên .
Những khám phá đàn đá tại Việt Nam trước đàn đá Tuy An
Năm 1949, những người phu làm đường phát hiện tại tại Ndut Liêng Krak, Đắc Lắc, Tây Nguyên một bộ 11 thanh đá xám có dấu hiệu ghè đẽo bởi bàn tay con người, kích thước từ to đến nhỏ trong đó thanh dài nhất 101,7 cm nặng 11,210 kg; thanh ngắn nhất 65,5 cm nặng 5,820 kg. Phát hiện này được báo cho Georges Condominas, một nhà khảo cổ người Pháp làm việc tại Trường Viễn Đông Bác Cổ (Ecole Française d’Extrême Orient). Tháng 6 năm 1950 giáo sư Georges Condominas đưa những thanh đá này về Paris và chúng được nghiên cứu bởi giáo sư âm nhạc André Schaeffner. Sau đó, Georges Condominas công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí Âm nhạc học (năm thứ 33 – bộ mới) số 97-98 tháng 7 năm 1951, khẳng định về loại đàn lithophone ở Ndut Liêng Krak, "“nó không giống bất cứ một nhạc cụ bằng đá nào mà khoa học đã biết" . Hiện bộ đàn đá này được trưng bày ở Viện Bảo Tàng Quai Branly (Musée du Quai Branly), Paris (Pháp).
Năm 1956, trong chiến tranh Việt Nam bộ đàn đá thứ hai được phát hiện và một đại úy Mỹ mang về trưng bày ở New York.
Năm 1980, Georges Condominas lại phát hiện bộ đàn đá thứ ba có 6 thanh tại buôn Bù Đơ thuộc xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Đây là bộ đàn do dòng họ Ksiêng (người Mạ) lưu giữ qua 7 đời.
Từ những năm 1979 vấn đề nghiên cứu, sưu tầm về đàn đá được giới khoa học Việt Nam khơi dậy và cho đến những năm đầu thập niên 1990, người ta tìm được khoảng 200 thanh đàn đá rải rác ở Đắc Lắc, Khánh Hòa , Đồng Nai, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Sông Bé và Phú Yên...; mỗi bộ đàn này có từ 3 đến 15 thanh. Nổi tiếng trong đó là các bộ đàn đá Khánh Sơn, đàn đá Bắc Ái, đàn đá Tuy An, đàn đá Bình Đa (gọi theo địa danh phát hiện). Căn cứ vào loại đàn đá tìm được ở di chỉ khảo cổ Bình Đa, các nhà khoa học cho biết những thanh đá để làm đàn này có tuổi đời khoảng 3.000 năm.
Đàn đá Khánh Sơn
Các nhà nghiên cứu sau khi khai quật và khảo sát tại đỉnh núi Dốc Gạo, thuộc địa phận thôn Tô Hạp, xã Trung Hạp, Khánh Sơn đã tìm ra nhiều dấu tích chứng tỏ người xưa đã chế tác đàn đá tại đây với nhiều khối đá và mảnh tước thuộc loại đá phún trào có nhiều ở Khánh Sơn, cũng là loại đá để chế tác đàn đá Khánh Sơn. Những dấu hiệu chế tác đàn đá tại chỗ chứng tỏ những cư dân từ xưa ở nơi này, dân tộc Raglai, là những người chủ thực sự của những bộ đàn đá.
Những khám phá đàn đá sau đàn đá Tuy An
Tháng 6, năm 2003, ông K’Branh (dân tộc Cơ Hơ) ở buôn Bờ Nôm, Lâm Đồng phát hiện bộ đàn đá 20 thanh. Hai thanh dài nhất rộng bản 22cm và dài 151cm và 127cm. Thanh ngắn nhất rộng bản khoảng 10cm, chiều dài 43cm. Số còn lại có độ dài từ 71cm đến 75cm và độ rộng bản trên dưới 15cm. Đây là bộ đàn đá cổ có nhiều thanh nhất được phát hiện.
Đàn đá Bình Thuận
Tháng 7 năm 2006, một bộ đàn đá được phát hiện ở Bình Thuận gồm 8 thanh trong đó thanh dài nhất là 95cm rộng 17cm và nặng 12,5kg. Các thanh khác có chiều dài thấp dần đến thanh cuối cùng là 52,5cm nặng 4,5kg. Cả 8 thanh đều được ghè đẽo tinh xảo, có hình dạng giống nhau với hai đầu dày và hơi phình to, ở giữa có eo nhỏ lại và là nơi mỏng nhất. Giới khảo cổ học xôn xao vì khu vực phát hiện bộ đàn đá này nằm gần biển, tại vùng ảnh hưởng đậm của văn hóa Sa Huỳnh, trong khi từ trước tới nay tất cả các bộ đàn đá được phát hiện đều tại các vùng rừng, núi cao .
Bộ đàn đá hiện đại 100 thanh do hai anh em nghệ sĩ Nguyễn Chí Trung và Nguyễn Đức Lộc sáng tạo, gồm 2 giàn đàn mỗi giàn 50 thanh. Hiện bộ đàn đá này giữ kỷ lục là bộ đàn đá nhiều thanh nhất Việt Nam.
Đàn đá Tuy An
Được phát hiện tại Hòn Núi Một thuộc thôn Trung Lương, xã An Nghiệp, huyện Tuy An. Năm 1990 tìm thấy thanh đá đầu tiên khi gõ phát ra âm thanh và hơn một năm sau mới tìm thấy thanh đá thứ tám. Chúng không phải là “đá kêu” mà là một bộ đàn đá được đánh giá là hoàn chỉnh nhất trong tất cả các bộ đoàn đá đã được phát hiện tại Việt Nam, kể cả bộ đàn đá đang lưu giữ tại Viện Bảo tàng Quai Branly ở Pari (Pháp).
Theo kết quả nghiên cứu khoa học thì bộ đàn đá Tuy An là sản phẩm lâu đời của cộng đồng người đã từng sinh sống trên đất nước Việt Nam, có niên đại vào khoảng nửa đầu thiên niên kỷ I trước Công Nguyên, thuộc loại thang âm điệu thức gần gũi với các loại thang âm dân tộc khu vực Nam Á, Đông Nam Á và có khả năng diễn tấu một số bài dân ca, dân nhạc của một vài tộc người đã từng cư ngụ trên lãnh thổ Việt Nam. Đây là di sản văn hoá có giá trị lịch sử của cộng đồng dân tộc Việt Nam nói chung và của miền Trung cũng như tỉnh Phú Yên nói riêng.
Hội đồng khoa học đàn đá Tuy An đã phát hành một tư liệu nhan đề « Tư liệu khoa học về Đàn Đá Tuy An, tỉnh Phú Yên » vào tháng 9, năm 1992 có giá trị về mặt địa chất học, âm nhạc học và âm thanh học với sự cộng tác của GS Tô Vũ, nhạc sĩ Ngô Đông Hải và nhạc sĩ Lư Nhất Vũ cùng với ban kỹ thuật của đơn vị X, thuộc Tổng cục kỹ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam (1)
Kết quả sơ khởi 8 thanh đá vào ngày 24 tháng 7, năm 1992 tại phòng thu thanh của hội âm nhạc TP HCM, số 81, đường Trần Quốc Thảo, quận 3 cho biết kết quả như sau :
Thanh đá số 1 : tần số : 822 Hz
Thanh đá số 2 : tần số : 973 Hz
Thanh đá số 3 : tần số : 1076 Hz
Thanh đá số 4 : tần số : 1214 Hz
Thanh đá số 5 : tần số : 1474 Hz
Thanh đá số 6 : tần số : 1592 Hz
Thanh đá số 7 : tần số : 1856 Hz
Thanh đá số 8 : tần số : 1940 Hz
Sau khi rửa sạch các thanh đá , ban kỹ thuật lại đo lần thứ nhì với kết quả như sau :
Thanh đá 1 : tần số : 816 Hz
Thanh đá 2 : tần số : 938 Hz
Thanh đá 3 : tần số : 1056 Hz
Thanh đá 4 : tần số : 1197 Hz
Thanh đá 5 : tần số : 1447 Hz
Thanh đá 6 : tần số : 1558 Hz
Thanh đá 7 : tần số : 1834 Hz
Thanh đá 8 : tần số : 1893 Hz
Phương pháp đo tần số này chỉ cho thấy cao độ cơ bản của 8 thanh đá mà thôi. Phần âm vang các bội âm phía trên âm cơ bản đóng một vai trò quan trọng về âm sắc của mỗi thanh đá . Nhưng ban kỹ thuật không lưu ý tới hay không đủ thì giờ để đi sâu vào khía cạnh này.
Tám thanh đá có hình dáng và kích thước khác nhau với độ dày mỏng không giống . Do đó âm thanh của từng thanh đá có độ kêu trong / đục không cùng một cường độ.
Kết quả việc đo cao độ với bộ phận mềm "Overtone Analyzer"
Bộ phận mềm « Overtone Analyzer » do anh Bodo Maas, người Đức và là bạn của tôi, kỹ sư âm thanh học , và ca sĩ Wolfgang Saus đã sáng chế bộ phần mềm đặc biệt cho tôi dùng để đo các tần số bội âm của kỹ thuật hát đồng song thanh mà tôi đã nghiên cứu từ hơn 40 năm tại Pháp .
Bộ phận mềm có một bàn đàn piano với âm giai bình quân (tempered scale) để có thể so sánh với giọng hát gồm những bội âm của thang âm thiên nhiên (natural scale hay harmonic scale). Những tần số các âm thanh được ghi bằng hệ thống Hertz và cent (đơn vị đo cao độ về âm thanh học). Mỗi thanh đá gồm có 1 âm cơ bản (fundamental degree) và từ 2 tới 5 bội âm tùy theo từng thanh đá . Những bội âm (harmonics / overtones) của những nhạc cụ thuộc bộ « roi » hay « tự âm vang » (idiophone) như đá, các bộ gõ bằng kim loại, gỗ, sừng, phát ra không cùng khoảng cách như bội âm của giọng hát.
Sau đây là kết quả của việc đo tần số 8 thanh đá với hình ảnh và tổng số bội âm .
Thanh đá 1
Thanh đá 1 : tần số : 837,1Hz (Ab5+13ct)
Bội âm 1 :1520,8 Hz (Gb6+47ct)
Bội âm 2 :2266,4 Hz (Db7+38ct)
Bội âm 3 : 2484,4 Hz (Eb7-3ct)
Bội âm 4 : 3746,8 Hz (Bb7+8ct)
Bội âm 5 : 4050,9 Hz (B7+43ct)
Thanh đá 2
Thanh đá 2 : tần số : 985,1 Hz (B5-5ct)
Bội âm 1 : 2104,9 Hz (C7+10ct) dày
Bội âm 2 : 2543,6 Hz (Eb7+38ct) dày+mỏng
Bội âm 3 : 2907 Hz (Gb7-31ct) mỏng
Bội âm 4 : 3943,3 Hz (B7-3ct) dày
Bội âm 5 : 4406,2 Hz (Db8-11ct) mỏng
Thanh đá 3
Thanh đá 3 : tần số : 1084,7 Hz (Db6-38ct)
Bội âm 1 : 2142,6 Hz (C7+41ct)
Bội âm 2 : 2379,4 Hz (D7+22ct)
Bội âm 3 : 2917,7 Hz (Gb7-25ct)
Thanh đá 4
Thanh đá 4 : tần số 1235,5 Hz (Eb6-13ct)
Bội âm 1 : 2333,7 Hz (D7-12ct)
Bội âm 2 : 2648,6 Hz (E7+8ct)
Bội âm 3 : 3055 Hz (G7-45ct)
Bội âm 4 : 3695,6 Hz (Bb7-16ct)
Bội âm 5 : 4341,6 Hz (Db8-37ct)
Thanh đá 5
Thanh đá 5 : tần số : 1535,5 Hz (G6-50ct)
Bội âm 1 : 2799,3 Hz (F7+3ct)
Bội âm 2 : 4104,8 Hz (C8-34ct)
Bội âm 3 : 4390,1 Hz (Db8-18ct)
Thanh đá 6
Thanh đá 6 có 2 cao độ khác nhau tùy theo nơi gõ
Cao độ 1 : tần số :1706,5 Hz (Ab6+47ct)
Bội âm 1 : 2866,6 Hz (F7+45ct)
Bội âm 2 : 3682,2 Hz (Bb7-22ct)
Bội âm 3 : 4145,1 Hz (C8-17ct)
Cao độ 2 : tần số : 1652,7 Hz (Ab6-9ct)
Bội âm 1 : 2869,3 Hz (F7+46ct)
Bội âm 2 : A3616,1 Hz (Ab7-3ct)
Bội âm 3: 3671,4 Hz (Bb7-27ct)
Bội âm 4: 4115,5 Hz (C8-29ct)
Thanh đá 7
Thanh đá 7 có hai cao độ cách nhau một quãng 5
tần số : 1862,6 Hz (Bb6 – 2ct)
Bội âm 1 : 2847,8 Hz (F7+33ct)
Bội âm 2 : 3722,6 Hz (Bb7-3ct)
Bội âm 3: 4263,6 Hz (C8+32ct)
Hai âm Bb6 và F7 nghe rõ ràng khi gõ ở một vài nơi trên thanh đá .
Thanh đá 8
Thanh đá 8:tần số : 1975,7 Hz (B6)
Bội âm 1 : 3972,9 Hz (B7+10ct)
Bội âm 2 : 4182,8 Hz (C8+1ct)
So sánh giữa hai kết quả đo tần số của nhà máy Z755 thuộc tổng cục kỹ thuật quân đội nhân dân Việt Nam năm 1992 khi chưa rửa các thanh đá và của tôi năm 2011 không có cách biệt nhiều lắm
Tần số đo: 1992 2011
Đá 1 822 Hz 837,1Hz
Đá 2 973 Hz 985,1Hz
Đá 3 1076Hz 1084,7Hz
Đá 4 1214 Hz 1235,5Hz
Đá 5 1474 Hz 1525,5Hz
Đá 6 1592 Hz 1652,7Hz
Đá 7 1856 Hz 1862,6Hz
Đá 8 1940 Hz 1975,7Hz
Đối chiếu hai đề nghị thang âm của đàn đá Tuy An:
Sol#5 Si 5 Do#6 Ré#6 Fa#6, Sol#6, La#6, Si6 - 1992
Sol#5 Si 5 Do#6 Ré#6 Sol-6, Sol#6, La#6, Si6 - 2011
Về âm sắc có thể thay đổi tùy theo dụng cụ dùng để gõ như gỗ, sừng hay đá vì độ vang với bội âm có thể nhiều hay ít làm thay đổi độ âm vang của thanh đá .
Tôi không đồng ý về sự cho rằng thang âm của bộ đàn đá giống như thang âm dây Nam của Việt Nam . Nên biết rằng dây Nam của nhạc miền Nam chỉ có chừng 100 năm nay thì làm sao thang âm của đàn đá được tạo ra cả ngàn năm trước . Ngoài ra phải biết bộ đàn đá này do bộ lạc nào sáng chế ra và bộ lạc đó có thang âm như thế nào . Đa số nhạc sĩ người Kinh khi sáng tác nhạc Tây nguyên đều chỉ dùng có một thang âm của dân tộc Gia rai và Ba na chứ không biết thang âm của các bộ lạc khác ở Tây nguyên như người Mờ Nông Ga, Lắc, Mạ, Xê Đăng, Rờ glai, Ê đê, vv….
Do đó việc đưa ra giả thuyết là nhạc cụ đàn đá Tuy An có thể hòa chung với các nhạc cụ của người Kinh hay Tây phương là điều không chính xác .
Kèn Đá
Năm 1994-1995, việc phát hiện cặp kèn đá (tù và) hình hai con cóc tại huyện Tuy An (Phú Yên) đã làm chấn động giới khảo cổ học. Đây là báu vật vô giá bởi sự độc đáo và là nhạc khí thời cổ đại bằng đá thuộc bộ hơi duy nhất phát hiện được ở nước ta.
Cặp “cóc kêu” này đang nằm trong một kho chứa trên đường Trần Hưng Đạo (TP Tuy Hòa), bởi cơ sở trưng bày của Bảo tàng tỉnh Phú Yên phải đến năm 2011 mới xây xong. Đây là một trong những hiện vật đã được tỉnh hoàn thành hồ sơ đăng ký bảo vật quốc gia.
Được phát hiện dưới lòng một phế tích Chăm Pa ở thôn Phú Cần, xã An Thọ, huyện Tuy An và đã được giữ gìn và sử dụng qua bảy đời các vị trụ trì của chùa Hậu Sơn, ước khoảng trên 150 năm.
T heo các nhà nghiên cứu khoa học: hai cổ vật này được con người (có khả năng là sản phẩm của tổ tiên người Chăm) chế tác từ đá bazan có tại địa phương, niên đại của hai cổ vật ở vào khoảng trước thế kỷ VII. Việc phát hiện ra cặp kèn đá này có ý nghĩa rất lớn về nhiều mặt, trong đó có việc phục vụ cho tham quan du lịch, nghiên cứu khoa học, tìm hiểu văn hoá lịch sử dân tộc
Chi tiết chính về cặp kèn đá hình hai con cóc, một lớn (cái) một nhỏ (đực). Kèn “cái” nặng 75 kg, kích thước đáy 40 cm, cao 35 cm, chiều cong của lưng 55 cm, lỗ thổi rộng 2,5 cm; từ lỗ thổi đến lỗ thoát hơi (có chiều hơi cong) dài 29,6 cm có một lỗ xoáy sâu vào trong 11,7 cm, miệng lỗ rộng 33 cm. Kèn “đực” nặng 34,5 kg, kích thước đáy 29 cm, cao 35 cm, chiều cong của lưng 52 cm; từ lỗ thổi đến lỗ thông hơi dài 29,5 cm, lỗ thổi rộng 1,8 cm, chỗ thoát hơi mở rộng thêm 6,7 cm; một bên có lỗ xoáy sâu 8,7 cm.
Những nhát ghè đẽo nhỏ ở phần lỗ thổi, điều này để tiện lợi hơn khi đưa miệng vào thổi; còn phần đế có những nhát ghè đẽo lớn, tạo một độ phẳng để khi thổi không bị rung; còn các lỗ xoáy sâu là nơi đặt ngón tay cái vào để tì trong khi thổi.
Theo nhạc sĩ Ngọc Quang, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Phú Yên, cặp kèn đá này là loại nhạc cụ “nặng đô” của bộ hơi, người thổi phải có làn hơi khỏe thì mới có thể chơi được, nhiều người đã thổi kèn trumpet nhưng qua kèn đá này cũng “bó tay”; thế nhưng cũng có người thuộc loại “thấp bé, nhẹ cân” nhưng có phương pháp nén hơi phù hợp thì vẫn có thể thổi kèn đá rất hay.
Chính nhạc sĩ Ngọc Quang và nhiều nghệ sĩ “thư sinh” ở Đoàn ca múa dân gian Sao Biển (Phú Yên) đã nhiều lần biểu diễn thành công trong và ngoài nước bằng nhạc cụ độc đáo này; ông cũng là người viết ca khúc Hồn đá khá thành công với cảm hứng từ cặp kèn đá này. Nhạc sĩ Ngọc Quang sôi nổi: “Những giai điệu trầm hồn, âm sắc nguyên sơ vang vọng từ cặp kèn đá Tuy An hiện thuộc hàng “đặc sản” có một không hai trên thế giới. Và âm thanh của kèn “cái” luôn có sự vang vọng, sắc sảo hơn kèn “đực”, thế nhưng khi cả hai cùng hòa tấu thì có một sự hòa quyện hết sức... hút hồn!”
GS Tô Vũ đã viết một bài « cặp kèn đá « tiền sử », hai « hiện vật lạ » bằng đá ở Phú Yên dưới gốc độ âm thanh nhạc học và nhạc khí học lý luận » trong bản tư liệu của UBND tỉnh Phú Yên sở văn hóa và thông tin phát hành ngày 2 tháng 10, 1996. Ông đã công bố kết quả cao độ và tần số của hai kèn đá cổ qua nghệ thuật thổi của NSND Đỗ Lộc và được nhà máy Z755 đảm nhận việc đo tần số vào ngày 29 tháng 6, năm 1995 tại TP HCM.(2)
Cao độ của hai kèn đá chỉ quan trọng khi đo cao độ cơ bản (fundamental degree). Còn việc thay đổi cao độ lên xuống là do nơi tài nghệ của người thổi . Anh Đỗ Lộc là một nghệ nhân chuyên nghiệp biết cách dùng dăm môi để thổi thì có thể biến chuyển cao độ lên xuống . NSUT Thanh Hải cũng là nhạc sĩ chuyên nghiệp biết thổi kèn trumpet nên việc sử dụng môi, miệng để thổi tạo âm thanh hoàn chỉnh . Còn tôi là một người không biết thổi , chỉ tạo được âm cơ bản của hai kèn đá . Dù sao âm cơ bản chỉ xê xích chút đỉnh tùy theo hơi thổi vào mạnh hay nhẹ .
Sau đây là kết quả của việc đo cao độ hai kèn đá của Thanh Hải và của tôi vào ngày 21 tháng 2, 2011 vừa qua .
Trần Quang Hải thổi :
Kèn đá 1 – Cóc lớn
Âm cơ bản : tần số : 314,9 Hz (Eb4+21ct)
Bội âm mạnh từ 2 tới 6
Bội âm nhẹ từ 13 tới 14
Kèn đá 2 – Cóc nhỏ
Âm cơ bản : tần số : 333,8Hz (E4+22ct)
Bội âm mạnh từ 2 tới 5
Thanh Hải thổi
Kèn đá 1 – Cóc lớn
Âm cơ bản : tần số : 304,2Hz (Eb4-39ct)
Có thể thổi xuống thấp tới 271,9Hz (Db4-34ct)
Kèn đá 2 – cóc nhỏ
Âm cơ bản : tần số : 323Hz (E4-35ct)
Qua cách thổi của mỗi người cho thấy sự xê dịch cao độ rất nhỏ
TQH Thanh Hải Đỗ Lộc
Kèn đá 1 cơ bản 314,9Hz 304,2Hz 316Hz
Kèn đá 2 cơ bản 333,8Hz 323Hz 329Hz
KẾT LUẬN
Qua việc đo tần số các thanh đá Tuy An, tôi nhận thấy bộ đàn đà nay có cao độ khá chính xác và tạo một thang âm hoàn chỉnh hơn những bộ đàn đá trước . Hai thanh đá số 7 và 8 có thể thuộc vào một bộ đàn đá khác vì không có liên hệ vào thang âm của 6 thanh đá của bộ này . Thang âm gồm một bát độ không giống với những thang âm hiện có của Việt Nam .
Hai kèn đá có âm thanh giống như âm thanh của tù và hay hải loa. Có thể chỉ dùng để thổi thay thế cho tù và kèn sừng trong các lễ hội làng xã.
Việc thể nghiệm dung đàn đá và kèn đá trong những sáng tác đương đại cần phải xem lại vì cao độ của đàn đá và kèn đá không hạp với thang âm bình quân của Tây phương.
Đàn đá Tuy An và kèn đá là hai nhạc cụ cổ được xem là báu vật của kho tàng văn hóa Phú Yên . Không nên mang đi khắp nơi để trình diễn mà nên giữ gìn ở viện bảo tàng cho hậu thế . Có thể phục chế những nhạc cụ này để đi trình diễn hơn là sử dụng báu vật gốc có thể bị hư hao trong việc di chuyển.
Đàn đá và kèn đá Phú Yên xứng đáng được tôn vinh và được xem là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại .
Tài liệu tham khảo:
(1)Hội đồng khoa học đàn đà Tuy An: Tư liệu khoa học về Đàn đá Tuy An tỉnh Phú Yên, 59 trang, Phú Yên, tháng 9, năm 1992
(2) Hội đồng khoa học nghiên cứu hai hiện vật bằng đá : Các báo cáo chuyên đề, UBND tỉnh Phú Yên, sở Văn Hóa và Thông Tin, 88 trang, Phú Yên, 2 tháng 10, 1996.