Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa X: Thành công với nhiều đổi mới

17/02/2021

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội các Hội Văn học nghệ thuật Trung ương và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam chúc mừng thành công của Đại hội

 

Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam Nhiệm kỳ X (2020 – 2025) diễn ra từ ngày 5 đến 7 tháng 8 năm 2020 tại Hà Nội, đã thành công tốt đẹp. Đại hội đã bầu được 21 ủy viên Ban Chấp hành Hội nhiệm kỳ X. Với sự tín nhiệm cao nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân tiếp tục tái đắc cử Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Phóng viên Website có cuộc phỏng vấn nhanh với PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân về những nét đổi mới trong Đại hội lần này.

- PV: Được biết Đại hội lần này có nhiều đổi mới. Xin nhạc sĩ cho biết những điểm đổi mới đó là gì?

- NS ĐHQ: Thứ nhất là việc đổi mới phương thức tiến hành Đại hội cơ sở. Các kỳ Đại hội trước, Đại hội cơ sở được tổ chức theo cụm như: cụm Đồng bằng Trung du Bắc Bộ, cụm Bắc Miền Trung, cụm Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, cụm Đồng bằng sông Cửu Long… Lần này Ban Chấp hành quyết định tổ chức Đại hội toàn thể tại tất cả các Chi hội trong cả nước (54 Chi hội), rồi Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chia làm 6 cụm, vì vậy đã tiếp thu được nhiều ý kiến trực tiếp từ hội viên.

- PV: Và điểm mới tiếp theo?

- NS ĐHQ: Là việc đổi mới Ban Chấp hành, trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo mà  từ trước đến nay chưa từng có. Nhiệm kỳ IX Ban Chấp hành gồm 21 vị thì tại Hội nghị Ban Chấp hành kỳ 11 diễn ra vào ngày 30 tháng 7 đã có 11 vị tự nguyện rút nhường chỗ cho lứa trẻ. Ban Chấp hành cũ còn lại 10 người đều được tín nhiệm cao của Đại hội. Các ủy viên Ban Chấp hành mới là những nhà chuyên môn xuất sắc, có nhiều cống hiến trong lĩnh vực sáng tác, lý luận, biểu diễn, giảng dạy – sư phạm. Một Ban Chấp hành có đến 6 NSND, 4 NSƯT, 3 PGS.TS, 5 Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Một Ban Chấp hành hội tụ đủ cả 3 miền Bắc – Trung – Nam, đại diện 3 “Tây”: Tây Bắc – Tây Nguyên – Tây Nam Bộ. Có các nhạc sĩ biểu diễn nhạc cụ phương Tây, và nhạc cụ dân tộc xuất sắc như: PGS.TS Nguyễn Huy Phương - Piano, NSND Ngô Hoàng Quân – Violoncello, NSƯT Nguyễn Thị Hải Phượng – Đàn Tranh…

- PV: Ấn tượng cảm xúc nhất về Đại hội của nhạc sĩ?

- NS ĐHQ: Trong những ngày dịch Covid-19 trở lại và gây nhiều tác hại nặng nề, nguy cơ lan rộng ra các địa phương và cả Hà Nội. Tâm lý các đại biểu hoang mang, do dự trong việc tham gia Đại hội, thì Ban Chỉ đạo đã quyết định cho phép Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam được tiến hành trong tình trạng cảnh giác cao, chấp hành nghiêm chỉnh quy định về phòng chống dịch. Chính từ quyết định sáng suốt này mà Đại hội “thở phào nhẹ nhõm”, đã phấn khởi, đoàn kết, tập trung làm việc trong 3 ngày đưa đến thành công của Đại hội.

Ấn tượng về không khí Đại hội là bầu không khí như trong một gia đình văn nghệ. Anh em lâu ngày gặp mặt, nhiều cảm xúc vui buồn xúc động, cảm thông, chia sẻ. Chỉ có chút nuối tiếc là một số đại biểu phía Nam vắng mặt làm không khí hơi không được vui. Những giây phút xúc động là khi được gặp lại các nhạc sĩ lão thành – những người đã có công xây dựng Hội từ ngày đầu  (năm 1957) như nhạc sĩ lão thành Trương Quang Lục, NSND Trần Hiếu, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, nhà giáo Lê Liên…

Đại hội vui mừng nhận được rất nhiều lẵng hoa, thư chúc mừng của các tổ chức, Bộ, Ban, Ngành và các Hội nghề nghiệp từ Trung ương đến các địa phương, đặc biệt nhận được điện chúc mừng từ Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Liên bang Nga, Tổng Thư ký Liên đoàn các nhà soạn nhạc Nhật Bản và Hiệp hội các nhà soạn nhạc châu Á (ACL)...

Ấn tượng sâu sắc với bài phát biểu của đồng chí Võ Văn Thưởng, ngoài việc đánh giá cao sự nghiệp âm nhạc cách mạng hơn 60 năm qua, đồng chí còn đi sâu vào phân tích những đặc điểm tình hình âm nhạc trong ngày hôm nay và yêu cầu giới âm nhạc cả nước định hình dòng âm nhạc tích cực, giàu sức biểu cảm phản ánh hơi thở cuộc sống, vì Tổ quốc, vì nhân dân và vì những giá trị tiến bộ chung của nhân loại. Những lời phát biểu của đồng chí đã tạo cảm hứng phấn khởi cho các đại biểu và đặt niềm tin vào những thành công cho nhiệm kỳ tới.

- PV: Nhạc sĩ cho biết những kế hoạch về âm nhạc trong 5 năm tới của Hội là gì?

- NS ĐHQ: Hội tiếp tục tập hợp đoàn kết anh chị em hội viên trong cả nước, củng cố và đổi mới từ Chi hội. Lấy Chi hội làm nòng cốt cho các hoạt động của Hội. Cụ thể là tổ chức những đợt đi thực tế sáng tác, lấy chất liệu cuộc sống cho những sáng tác mới; mở các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho hội viên. Tạo mọi điều kiện thuận lợi về vật chất và tinh thần để các nhạc sĩ tiếp tục đi sâu, tắm mình trong thực tiễn sinh động của công cuộc đổi mới đất nước và đời sống xã hội, để lấy tư liệu và cảm hứng sáng tác.

Chú trọng, chủ động phát hiện, bồi dưỡng nhạc sĩ trẻ để kết nạp vào Hội, nhằm trẻ hóa đội ngũ và tăng cường năng lực sáng tạo trong các loại hình từ thanh nhạc đến khí nhạc.

Mở rộng quy mô và địa bàn tổ chức Ngày Âm nhạc Việt Nam 3/9 hàng năm, để trở thành một ngày hội Âm nhạc toàn dân, trong tất cả các tỉnh thành có Chi hội, đặc biệt tại các thành phố lớn có Hội Âm nhạc như Hà Nội, TP Hải Phòng, Thừa Thiên – Huế, TP Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ…

Mong muốn Nhà nước cho phép tiếp tục tổ chức Festival quốc tế Âm nhạc mới Á – Âu 2 năm một lần để Việt Nam trở thành địa chỉ giao lưu âm nhạc đương đại của thế giới định kỳ.

Hội Nhạc sĩ Việt Nam chủ động phát huy vai trò phản biện xã hội, tư vấn cho các cơ quan quản lý về văn hóa, phối hợp hiệu quả với các cơ quan báo chí, truyền thông để góp phần định hướng thẩm mỹ đúng đắn cho công chúng, khán thính giả trên các phương tiện thông tin, đại chúng, tiến tới thành lập một kênh âm nhạc trên sóng Phát thanh – Truyền hình.

Bằng những hoạt động, chuyên môn sáng tác, nghiên cứu, biểu diễn nhằm có những công trình tác phẩm có chất lượng cao, hướng tới kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1957-2022).

- PV: Xin cám ơn nhạc sĩ.

 
Thanh Nhã (thực hiện)

Tin liên quan

15/03/2021
Năm 2021, được Hội VHNT tỉnh chọn là năm sân khấu và âm nhạc Quảng Ninh. Để có mùa âm nhạc bội thu, bên cạnh đẩy mạnh phong trào sáng tác thì cần phát triển lực lượng sáng tác đang còn khá mỏng hiện nay.
14/03/2021
Như một phép thử bản lĩnh nghệ sĩ, khi hình thức biểu diễn truyền thống “đóng băng” trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, các show diễn trực tuyến thực hiện trên nền tảng kỹ thuật số theo kiểu “nhà hát internet”, “nhà hát truyền hình” đã được nhiều nghệ ...