Đại hội cơ sở Chi hội Nhạc sĩ Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương

15/06/2020

Chiều 13 tháng 6 năm 2020, tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức Đại hội cơ sở Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, nhằm đánh giá tổng kết công tác nhiệm kỳ (2015-2020) và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ (2020-2025), bầu Đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc khóa X Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Tới dự Đại hội có: GS.TSKH Phạm Lê Hòa – Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương; PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội; nhạc sĩ Đinh Công Thuận - Chánh Văn phòng Hội; các thành viên Ban chỉ đạo, Ban tổ chức Đại hội...

Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương được thành lập năm 2014, đến nay đã có 29 hội viên thuộc các chuyên ngành: Sáng tác, Đào tạo, Lý luận và Biểu diễn.

Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương là đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, là Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật đầu tiên và duy nhất của Việt Nam chuyên đào tạo giáo viên làm nghệ thuật trong ngành giáo dục. Được thành lập từ năm 1970, trải qua 50 năm xây dựng và trưởng thành, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đã đào tạo được hàng chục nghìn giáo viên nghệ thuật cho ngành giáo dục, cho các cơ sở đào tạo nghệ thuật của Việt Nam. Đặc biệt, từ năm 2012, Trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ đào tạo trình độ thạc sĩ các ngành Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Quản lý văn hóa và Tiến sĩ ngành Sư phạm Âm nhạc. Đây là vinh dự lớn lao nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề đối với tập thể cán bộ, giảng viên của nhà trường.

Được sự quan tâm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đã được thành lập vào năm 2014, tập hợp các nhạc sĩ hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã và đang công tác tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Chính vinh dự này cũng là một trong những cơ sở khẳng định sự lớn mạnh, trưởng thành của đội ngũ cán bộ - giảng viên nói chung, của đội ngũ cán bộ - giảng viên - hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam nói riêng.

Về công tác đào tạo

Đây là nhiệm vụ chính của một trường Đại học, cơ sở để khẳng định chất lượng đào tạo, khẳng định thương hiệu của nhà trường. Các giảng viên là Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã đóng góp vai trò quan trọng thông qua hoạt động giảng dạy, hướng dẫn học viên cao học, nghiên cứu sinh. Trong thời gian qua, các đồng chí cán bộ, giảng viên, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam luôn khẳng định là hạt nhân đi đầu trong công tác đào tạo các chuyên ngành âm nhạc của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.

Các giờ giảng của giảng viên – nhạc sĩ luôn được nhà trường đánh giá cao bởi nhiệt tình và chất lượng giảng dạy. Không có giảng viên – nhạc sĩ nào không được đánh giá cao trong các giờ lên lớp. Phẩm chất và năng lực của người hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam trong môi trường sư phạm âm nhạc luôn được coi trọng.

Ngoài ra, nhiều giảng viên – nhạc sĩ tuy đã về hưu vẫn tiếp tục cộng tác cùng nhà trường trong các hoạt động giáo dục nghệ thuật như: lên lớp giảng bài, hướng dẫn học sinh/nghiên cứu sinh, tham gia các Hội đồng khoa học, Hội đồng đánh giá Luận văn/Luận án... Các thầy cô - nhạc sĩ đã góp phần tích cực cho việc đào tạo các giảng viên/giáo viên âm nhạc, cho sự phát triển của nền âm nhạc ở Việt Nam.

Về nghiên cứu khoa học

Không thể giảng dạy tốt nếu không có nghiên cứu khoa học. Tập thể cán bộ - giảng viên Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương luôn coi trọng và có những hoạt động tích cực đối với công tác này. Cho đến hôm nay, có thể khẳng định: Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương là một trong những cơ sở đào tạo nghệ thuật làm tốt nhất công tác nghiên cứu khoa học. Hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở/cấp Bộ/ cấp Bộ trọng điểm/cấp Nhà nước trong thời gian qua được thực hiện và đã nghiệm thu thành công bởi cán bộ - giảng viên nhà trường là những minh chứng rõ nét cho hoạt động này.

Về hoạt động biểu diễn

Các cán bộ - giảng viên – nhạc sĩ của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đã tích cực tham gia các hoạt động biểu diễn trong và ngoài nước. Đội Hợp xướng của Trường đã là đơn vị nghệ thuật đầu tiên giành được Huy chương Vàng tại một Cuộc thi Hợp xướng Quốc tế: “Festival và Hội thi hợp xướng quốc tế lần thứ nhất” tại Hội An. Và sau đó là nhiều Huy chương Vàng tại “Festival và Hội thi hợp xướng quốc tế lần thứ hai” tại Huế. Ngoài ra, Hợp xướng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương còn tham gia tích cực trong các hoạt động âm nhạc khác như: Ngày Âm nhạc Việt Nam do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức, Hòa nhạc Điều còn mãi do báo Vietnamnet tổ chức, các hoạt động của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo...

Nhiều giảng viên, sinh viên của nhà trường thường xuyên tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật và đạt được giải thưởng ở trong và ngoài nước như: Mai Tuyết, Đào Tiến Lợi, Hương Giang, Tân Phương, Đoàn Thúy Trang, Sông Thao...

Các hoạt động khác

Các cán bộ - giảng viên – nhạc sĩ luôn nghiêm chỉnh thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác và sinh hoạt hàng ngày.

Nhiều cán bộ, giảng viên của trường thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện, hoạt động hiến máu nhân đạo... Những hoạt động này đã gây được tiếng vang - khẳng định tấm lòng của những giảng viên - nhạc sĩ trước những khó khăn của đất nước.

Công tác phát triển hội viên đã có những cố gắng bước đầu nhưng nhìn chung vẫn còn chưa đạt được như khả năng vốn có của đội ngũ cán bộ, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương: Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương là số ít trong các cơ sở đào tạo âm nhạc hiện có hơn 100 giảng viên – nhạc sĩ có trình độ sau đại học ngành âm nhạc.

Tại Đại hội, các nhạc sĩ Nguyễn Thị Tố Mai; Lê Vinh Hưng; Phạm Trọng Toàn… đã phát biểu đóng góp một số ý kiến về công tác đào tạo, các nhạc sĩ của Chi hội đã tham gia biên soạn các công trình khoa học, sách, giáo trình âm nhạc...

Đại hội đã thành công và bầu được 7 nhạc sĩ đi dự Đại hội Đại biểu toàn quốc Khóa X (nhiệm kỳ 2020 – 2025) tại Thủ đô Hà Nội năm 2020 là: GS.TSKH Phạm Lê Hòa; PGS.TS Nguyễn Thị Tố Mai; TS Ngô Thị Nam; nhạc sĩ Lê Vinh Hưng; Nguyễn Thị Bích Lợi; Phạm Trọng Toàn; Trần Mai Tuyết; và 1 đại biểu dự bị là nhạc sĩ Lương Diệu Ánh.

*
*      *

Trước đó, Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đã tiến hành Đại hội Chi hội lần thứ II, với nội dung báo cáo tổng kết hoạt động nhiệm kỳ I (2014 – 2020), phương hướng hoạt động nhiệm kỳ II (2020 – 2025), bầu Ban Chấp hành mới.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chúc mừng Ban Chấp hành Chi hội mới

Đại hội đã tín nhiệm bầu ra Ban Chấp hành Chi hội khóa II, nhiệm kỳ (2020 – 2025) gồm 3 thành viên: Chi hội trưởng là GS.TSKH Phạm Lê Hòa; 2 Chi hội phó là PGS.TS Nguyễn Thị Tố Mai và nhạc sĩ Lê Vinh Hưng.

GS.TSKH Phạm Lê Hòa – Chi hội trưởng, báo cáo công tác nhiệm kỳ vừa qua của Chi hội

Phát huy những thành tích đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đã đề ra phương hướng nhiệm vụ cho nhiệm kỳ tới:

Với công tác đào tạo: tiếp tục truyền thống của 50 năm sự nghiệp giáo dục âm nhạc, các giảng viên – nhạc sĩ sẽ tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng trong công tác đào tạo giáo viên âm nhạc cho sự nghiệp giáo dục con người mới Việt Nam phát triển toàn diện. Các cán bộ - giảng viên – nhạc sĩ không ngừng tiếp tục nâng cao trình độ chính trị và chuyên môn nghiệp vụ. Phấn đấu 100% giảng viên – nhạc sĩ có trình độ sau đại học, trong đó ít nhất 30% có trình độ TS. Đảm bảo tham gia công tác đào tạo âm nhạc tại trường với chất lượng cao.

Công tác Nghiên cứu khoa học: Tiếp tục tham gia một cách hiệu quả các hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm phục vụ cho công tác giảng dạy và theo yêu cầu/đòi hỏi của xã hội. Phấn đấu 100% giảng viên – nhạc sĩ tham gia nghiên cứu khoa học ở các hình thức khác nhau.

Hoạt động biểu diễn: Tích cực tham gia và động viên giảng viên, sinh viên tham gia các hoạt động biểu diễn trong và ngoài nước.

Các hoạt động khác: Tiếp tục các chương trình thiện nguyện, ủng hộ đồng bào những nơi khó khăn và ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt...; tuyên truyền, động viên và triển khai hiệu quả công tác phát triển hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam; tăng cường sự phối hợp với Hội nhạc sĩ Việt Nam và các cơ quan hữu quan trong các hoạt động phục vụ cho công tác đào tạo và phát triển âm nhạc trong cộng đồng.

Một số hình ảnh tại Đại hội:

Tập thể Chi hội chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Hội

Tin liên quan

06/03/2021
Tối 5 tháng 10 năm 2020, tại Nhà hát Chèo Việt Nam, Hà Nội, đã diễn ra Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020, do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du ...
18/02/2021
Tất cả Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam có quyền gửi tác phẩm, công trình dự xét Giải  thưởng Âm nhạc 2021. Tác giả, nhóm tác giả tham dự 01 tác phẩm duy nhất thuộc một trong các chuyên ngành sau: Lý luận phê bình, Sáng tác, Biểu diễn ...
18/02/2021
Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 8 tháng 9 năm 2020, tại Hà Nội, Đảng bộ Liên hiệp các ...
17/02/2021
Chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ XI (3/9/2010 – 3/9/2020), chào mừng thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ X (2020-2025), Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tổ ...