Đại hội cơ sở Chi hội Nhạc sĩ tỉnh Gia Lai

01/06/2020

Ngày 22 tháng 5 năm 2020, tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Gia Lai, tổ chức Đại hội cơ sở Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Gia Lai, nhằm đánh giá tổng kết công tác của Chi hội nhiệm kỳ (2015-2020) và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ (2020-2025), bầu Đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc khóa X Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Tới dự có: Ông Nguyễn Đức Hoàng - Phó Giám đốc sở Văn hóa Thể thao và Du lịch; nhạc sĩ Lê Xuân Hoan - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Gia Lai; NSƯT Đặng Công Hưng - Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Gia Lai; họa sĩ Lê Hùng - Chi Hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Gia Lai; nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Phong - Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tỉnh Gia Lai và các phóng viên Đài Phát thanh – Truyền hình Gia Lai, Báo Gia Lai, Tạp chí Văn Nghệ Gia Lai…

Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Gia Lai được thành lập năm 2005, hiện có 11 hội viên thuộc các chuyên ngành Sáng tác, Biểu diễn, Lý luận và Đào tạo. Trong nhiệm kỳ vừa qua được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo đặc biệt của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật Gia Lai, cũng như sự động viên cổ vũ của công chúng yêu nhạc trong và ngoài tỉnh, Chi hội và mỗi hội viên đều nỗ lực phấn đấu, đã và đang có nhiều cống hiến cho âm nhạc địa phương: Sáng tác, nghiên cứu, biểu diễn, đào tạo, giúp đỡ phong trào nghệ thuật quần chúng của địa phương, làm tư vấn, phản biện cho nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, viết nhận xét đánh giá nghệ thuật cho nhiều cuộc, hội thi, hội diễn nghệ thuật chuyên và không chuyên trong và ngoài tỉnh.

Chi hội tích cực tham gia các hoạt động âm nhạc của địa phương và trung ương, tham gia trại viết khí nhạc tại Nhà Sáng tác Nha Trang do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức; phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức Ngày Âm nhạc Việt Nam 03/9 hàng năm với nhiều hình thức phong phú như Tọa đàm ôn lại truyền thống Âm nhạc Việt Nam hơn 60 năm qua; biểu diễn các tác phẩm mới và mời các cháu thiếu niên Nhà Thiếu nhi tỉnh cùng tham gia biểu diễn với nhiều tiết mục biểu diễn nhạc cụ dân tộc và nhạc cụ phương Tây, đặc biệt là phối hợp với Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Đắc Lắc và Hội Văn học nghệ thuật Đắc Lắc tổ chức 2 chương trình biểu diễn Ca múa nhạc đặc sắc tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắc Lắc đúng vào ngày 03-9-2018 và 03-9-2019 tại thành phố Pleiku thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng yêu nhạc...

Trong nhiệm kỳ qua, hầu hết các nhạc sĩ đều có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp Âm nhạc:

- Nhạc sĩ Lê Xuân Hoan hoạt động đều trên cả hai lĩnh vực sáng tác và nghiên cứu âm nhạc, có nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng các cuộc thi trong và ngoài tỉnh, tiêu biểu là các tác phẩm “Xuân về trên Cao nguyên” đạt Giải B tại Liên hoan Âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam 2016, tại thành phố Huế; “Anh mang em đi mãi” thơ Hoàn Nguyễn, đạt Giải B tại Liên hoan Âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam 2017, tại thành phố Đà Nẵng; “Yêu Sao đất mẹ Ninh Bình” đạt Giải Khuyến khích Giải thưởng hàng năm Hội Nhạc sĩ Việt Nam 2017, và nhiều giải thưởng khác của Văn học nghệ thuật Gia Lai.

Về nghiên cứu - sưu tầm, có công trình nghiên cứu “Tìm hiểu thang âm điệu thức trong âm nhạc dân gian Bahnar” đạt Giải B Giải thường hàng năm Hội Nhạc sĩ Việt Nam 2015; năm 2016, bảo vệ thành công đề tài NCKH cấp tỉnh “Nghiên cứu xác định thang âm điệu thức đặc trưng trong âm nhạc dân gian Jrai ở Gia Lai”; năm 2017, được Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc xuất bản sách “Dân ca Jrai” (tập II) gồm 105 bài dân ca. Sách đã đạt giải C Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam 2018; năm 2019, được Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc xuất bản sách “Thang âm điệu thức trong âm nhạc dân gian; tham gia viết nhiều bài nghiên cứu đăng trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương.

- Nhạc sĩ Ngọc Tưng, ngoài sáng tác còn đạo diễn nhiều chương trình, tiết mục ca múa nhạc, tham gia với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai, Nhà hát Ca Múa Nhạc tổng hợp Đam San. Một số ca khúc tiêu biểu như “Sáu mươi năm một cuộc chơi”; “Doong khắp tơi” thơ Phạm Đức Long; “Nhớ” phát triển từ thơ khuyết danh; “Hải yên níu đời tôi”; “Nguồn sáng” thơ Quang Vinh; “Ngọc linh hoa”; “Bài ca cuộc đời”; “Xuân ca cho người yêu”… tham gia thực hiện nhiều chương trình ca nhạc truyền hình như “Giai điệu mùa xuân”; “Người viết tình ca Măng Đen” Đài Phát thanh – Truyền hình Kon Tum; “Ngọc Tường - Bản tình ca Tây NguyênĐài Phát thanh – Truyền hình Gia Lai; “Ngọc Tường miền rung cảm Tây Nguyên” VTV8 thực hiện…

Với những thành tích đóng góp cho âm nhạc của tỉnh Gia Lai và quốc gia, nhạc sĩ Ngọc Tường đã nhận được nhiều Bằng khen của các cấp từ Trung ương tới địa phương, phần thưởng cao nhất là Huân chương Lao động hạng II của Chủ tịch nước.

- Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Ánh - Chuyên ngành Đào tạo, hiện là Phó Hiệu trưởng Phụ trách Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Gia Lai, vừa công tác quản lý vừa giảng dạy bộ môn âm nhạc. Luôn tìm tòi, nghiên cứu các phương pháp giảng dạy để phối hợp, vận dụng có hiệu quả vào giảng dạy đối với từng đối tượng học sinh, đặc biệt là học sinh người dân tộc thiếu số (chủ yếu là Jrai và Bahnar). Trong nghiên cứu vận dụng cho công tác đào tạo của nhà trường, nhạc sĩ đã tập luyện cho học sinh tham gia các hội thi văn nghệ đạt giải cao; tích cực tham gia biên soạn giáo trình “Phương pháp dạy và học cồng chiêng của người Bahnar, Jrai trên địa bàn tỉnh Gia Lai”, được UBND tỉnh Gia Lai công nhận kết quả của đề tài và đưa vào ứng dụng thực nghiệm từ năm 2016; tham gia viết chuyên đề và phản biện đề tài “Nghiên cứu, xác định thang âm điệu thức trong âm nhạc dân gian Jrai ở Gia Lai” do thạc sĩ Lê Xuân Hoan làm chủ nhiệm đề tài.

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Ánh còn tích cực tham gia tập luyện, dàn dựng các chương trình nghệ thuật cho học sinh tham gia các cuộc thi học sinh chuyên nghiệp toàn quốc đạt giải cao như: Hội thi tài năng trẻ Học sinh sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật toàn quốc năm 2015 đạt 1 huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc và 1 huy chương Đồng; Hội thi tài năng trẻ Học sinh sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật toàn quốc năm 2017 đạt 1 huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc và 1 huy chương Đồng; tích cực tham gia đạo diễn các chương trình nghệ thuật phục vụ cho các đơn vị trong và ngoài tỉnh; được mời làm giám khảo cho các hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng trong tỉnh; tham gia viết tham luận và phản biện một số đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh trong lĩnh vực âm nhạc.

- Nhạc sĩ Hà Quang Minh - chuyên ngành Đào tạo, luôn nỗ lực sáng tạo trong công việc, hoàn thành công tác nghiên cứu khoa học và công tác chuyên môn. Trong 5 năm qua, ngoài công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, nhạc sĩ Hà Quang Minh còn tham gia sáng tác, dàn dựng nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật trong Nhà trường và các cơ quan, công nông trường, xí nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang ở địa phương, đạt nhiều giải thưởng lớn trong các hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng trong và ngoài tỉnh.

- NSƯT A Li Việt (Trần Duy Việt) - Chuyên ngành Biểu diễn, vừa giảng dạy thanh nhạc vừa tham gia biểu diễn, với lòng đam mê hoạt động và sáng tạo và đã đạt được những thành tích: Giải tác giả xuất sắc tại Hội thi Tài năng trẻ học sinh, Sinh viên các trường Văn hóa nghệ thuật 2015; Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai lần thứ 3 năm 2017; dàn dựng các tiết mục cho Hội thi Tài năng trẻ Học sinh, Sinh viên các cơ Sở Đào tạo Văn hóa nghệ thuật toàn quốc 2017, tại Thành phố Nha Trang, đạt 4 giải và Bằng khen của Bộ Văn Hóa Văn hóa Thể thao và Du lịch cho Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Gia Lai. NSƯT Ali Việt đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh Gia Lai tặng Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh năm 2018.

- Nhạc sĩ H’Mai - Chuyên ngành Lý luận, hiện là giáo viên Âm nhạc Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Gia Lai, ngoài công việc giảng dạy tại trường, nhạc sĩ H’Mai còn dành nhiều thời gian tham gia bồi dưỡng các lớp năng khiếu nghệ thuật tại Nhà Thiếu nhi của tỉnh; tham gia cố vấn nghệ thuật và trực tiếp dàn dựng một số chương trình nghệ thuật chuyên và không chuyên trong và ngoài tỉnh; làm phản biện cho một số đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh; tham gia và đạt Danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh” tại Hội thi Giáo viên dạy giỏi khối Trung học Chuyên nghiệp tỉnh Gia Lai năm 2015.

- Nhạc sĩ, NSƯT Trương Đức Hà, chuyên ngành biểu diễn, với lòng đam mê hoạt động sáng tạo âm nhạc, tích cực nghiên cứu cải tiến một số loại nhạc cụ dân tộc, sáng tác và biểu diễn nhiều tác phẩm khí nhạc do nhạc sĩ tự sáng tác, sáng tác nhiều ca khúc được công chúng yêu nhạc đón nhận và đạt giải thưởng cao trong các kỳ xét giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hội Văn học nghệ thuật Gia Lai, nhiều tác phẩm đạt huy chương Vàng, huy chương Bạc trong các hội thi, hội diễn, liên hoan các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức.

Về khí nhạc có “Hòa tấu nhạc cụ dân tộc”, “Độc tấu nhạc cụ dân tộc” 2015; về ca khúc có “Gia Lai Chào xuân mới”,“Mưa Ia Pa”; “Cô gái Tây Nguyên ra thăm Quảng Trị” đạt Huy chương Bạc tại Liên hoan Nghệ thuật 5 nước Lào, Campuchia, Mianma, Thái Lan và Việt Nam 2016, do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức tại Quảng trị.

- NGƯT, nhạc sĩ Măng Ngọc, chuyên ngành Đào tạo, Nguyên là Hiệu trưởng Trường Trung học Văn hóa nghệ thuật Gia Lai, nhạc sĩ đã có nhiều thành tích xuất sắc trong sự nghiệp đào tạo của Nhà trường trong nhiều năm qua. Nhiều thế hệ học trò do ông đào tạo và bồi dưỡng đã trở thành những diễn viên tiêu biểu trong các đơn vị nghệ thuật, những cán bộ quản lý trong các đơn vị sự nghiệp của ngành văn hóa thuộc các tỉnh Tây Nguyên. Ông thường xuyên quan tâm đến sự nghiệp đào tạo của Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật và phong trào âm nhạc của địa phương. Sau khi nghỉ hưu, ông đã dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu và sáng tác ca khúc.

- NSƯT Chu Thị Thúy Hà vừa làm diễn viên và làm công tác quản lý, hiện nay chị là Giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc tổng hợp Đam San, năng động và sáng tạo trong hoạt động chuyên môn, trong nhiệm kỳ qua chị đã lãnh đạo Nhà hát để đạt những thành tích đang ghi nhận.

Chỉ đạo Nhà hát Ca Múa Nhạc tổng hợp Đam San xây dựng chương trình nghệ thuật tham dự các Cuộc thi Nghệ thuật Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc từ 2015 đến nay, đạt nhiều Giải thưởng, Bằng khen, Huy chương Vàng, Bạc cho các tiết mục biểu diễn; tham dự “Liên hoan Nghệ thuật Ca múa nhạc chuyên nghiệp 5 nước Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam 2016 tại thành phố Đông Hà, Quảng Trị, đạt 1 Giải Vàng chương trình, 2 Huy chương Vàng tiết mục, 4 Huy chương Bạc tiết mục, Bằng khen của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị, Bằng khen của Ban Tổ chức Liên hoan; tham gia Liên hoan Âm nhạc toàn quốc khu vực phía Nam 2019 tại thành phố Hồ Chí Minh do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức; chỉ đạo Nhà hát xây dựng chương trình nghệ thuật phục vụ Lễ Khai mạc Triển lãm ảnh Nghệ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 24 tại thành phố Pleiku; chỉ đạo Nhà hát tham gia Hội thi “Độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc” do Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức tại thành phố Buôn Ma Thuột, năm 2020.

- Nhạc sĩ Thảo Nam Giang đã khẳng định tài năng của mình bằng những sáng tác vừa tươi trẻ vừa mang đậm bản sắc Tây Nguyên, đặc biệt là Bahnar. Tham gia các đợt đi thực tế sáng tác, các đêm thơ nhạc và phong trào chung của Chi hội. Các ca khúc tiêu biểu “Tình yêu Kon Chư Răng”; ca khúc “Tượng Mồ” đạt giải A tại Liên hoan Âm nhạc Khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên 2017; ca khúc “Tiếng cồng chiêng Tây Nguyên” đạt giải A tại Liên hoan Âm nhạc toàn quốc khu vực phía Nam 2019; nhạc múa “Những đứa con của rừng” đạt Huy Chương Bạc tại Hội diễn Nghệ thuật chuyên nghiệp năm 2016; nhạc múa “Đàn đá” đạt Huy chương Bạc tại Hội diễn Nghệ thuật chuyên nghiệp năm 2018. Nhiều bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai.

- Nhạc sĩ Phi Ưng, chuyên ngành Sáng tác. Trong nhiệm kỳ qua, nhạc sĩ đã tích cực tham gia các phong trào của Chi hội và Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai trong các đêm thơ nhạc, giao lưu, thực hiện các chương trình trên sóng phát thanh và truyền hình của Trung ương và của tỉnh; tham gia dàn dựng các chương trình cho các cơ quan ban ngành trong tỉnh. Tham gia sáng tác, biểu diễn, dàn dựng các chương trình Ca múa nhạc phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị của tỉnh như: Hội diễn Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc tại thành phố Đà Nẵng 2018 với tác phẩm nhạc múa cho Đoàn Ca Múa Nhạc Kon Tum; tham gia Liên hoan hát Dân ca, do Quân khu V tổ chức tại Đà Nẵng đoạt giải Xuất sắc; Hội diễn Nghệ thuật quần chúng ngành Cao su Việt Nam tại Gia Lai 2018; Liên hoan Tiếng hát Giáo viên, do Sở Giáo dục - Đào tạo Gia Lai tổ chức tại thành phố Pleiku 2018; các đợt liên hoan cồng chiêng và hát dân ca các huyện thị trong tỉnh; Lễ Hội hoa Dã quỳ - Núi lửa Chư Đang Ya 2018, tham gia chương trình “Chúng tôi là chiến sĩ; đặc biệt là Festival cồng chiêng Tây Nguyên 2018 do Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức tại thành phố Pleiku...

Nhạc sĩ Lê Xuân Hoan - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam phụ trách khu vực Tây Nguyên phát biểu chỉ đạo Đại hội

Đại hội đã thành công và bầu được 04 nhạc sĩ đi dự Đại hội Đại biểu toàn quốc Khóa X (nhiệm kỳ 2020 - 2025) tại Thủ đô Hà Nội năm 2020 là nhạc sĩ Lê Xuân Hoan, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Ánh, nhạc sĩ, NSƯT Chu Thị Thúy Hà, nhạc sĩ, NSƯT Trần Duy Việt; và 1 đại biểu dự bị là nhạc sĩ Thảo Nam Giang.

*
*      *

Trước đó Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Gia Lai đã tiến hành Đại hội nhiệm kỳ Chi hội lần thứ 4, với nội dung báo cáo tổng kết hoạt động nhiệm kỳ  III (2015 – 2020), phương hướng hoạt động nhiệm kỳ IV (2020 – 2025), bầu Ban Chấp hành mới.

Đại hội đã tín nhiệm bầu ra Ban Chấp hành Chi hội khóa IV, nhiệm kỳ (2020 - 2025) gồm 3 nhạc sĩ: Chi hội trưởng là nhạc sĩ Lê Xuân Hoan, Chi hội phó là nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Ánh; nhạc sĩ, NSƯT Chu Thị Thúy Hà - Ủy viên.

Từ những kết quả đã đạt được và những mặt còn hạn chế trong trong nhiệm kỳ vừa qua, Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Gia Lai đề ra mục tiêu phương hướng hoạt động cho nhiệm kỳ 2020-2025:

Phát huy tinh thần tự chủ, tự giác, phấn đấu xây dựng Chi hội thành tổ chức vững mạnh, đoàn kết, có thêm nhiều thành tích trên các lĩnh vực chuyên môn, sáng tác, lý luận, nghiên cứu - sưu tầm, biểu diễn và đào tạo; tổ chức sinh hoạt Chi hội thường kỳ cho hội viên gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp, hàng năm các hội viên báo cáo kết quả hoạt động âm nhạc để Chi hội tổng hợp báo cáo Trung ương Hội, mỗi hội viên tùy theo lĩnh vực chuyên môn của mình công bố các tác phẩm trên sách báo, tạp chí trung ương và địa phương; tích cực tham gia các hoạt động chuyên môn do Hội Văn học nghệ thuật Gia Lai và Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức, đặc biệt là Ngày Âm nhạc Việt Nam, Ngày Thơ Việt Nam, Liên hoan Âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam; tiếp tục phát hiện bồi dưỡng và giới thiệu những nhân tố mới đáp ứng các tiêu chí theo Điều lệ Hội, đề nghị Trung ương Hội xem xét kết nạp thêm hội viên mới.

Một số hình ảnh tại Đại hội:

Đoàn Chủ tịch

Văn nghệ chào mừng Đại hội của các nghệ sĩ Gia Lai

Tập thể Chi hội chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu

Tin liên quan

06/03/2021
Tối 5 tháng 10 năm 2020, tại Nhà hát Chèo Việt Nam, Hà Nội, đã diễn ra Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020, do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du ...
18/02/2021
Tất cả Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam có quyền gửi tác phẩm, công trình dự xét Giải  thưởng Âm nhạc 2021. Tác giả, nhóm tác giả tham dự 01 tác phẩm duy nhất thuộc một trong các chuyên ngành sau: Lý luận phê bình, Sáng tác, Biểu diễn ...
18/02/2021
Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 8 tháng 9 năm 2020, tại Hà Nội, Đảng bộ Liên hiệp các ...
17/02/2021
Chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ XI (3/9/2010 – 3/9/2020), chào mừng thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ X (2020-2025), Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tổ ...