Đại hội Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ IV
Đại hội Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ IV (2019-2024) đã diễn ra tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa vào ngày 24 tháng 9 năm 2019, nhằm tổng kết hoạt động nhiệm kỳ III, và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ IV (2019-2024), bầu Ban Chấp hành Chi hội mới.
Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa hiện nay có 20 thành viên thuộc các chuyên ngành: Sáng tác, Lý luận và Đào tạo. Trong suốt nhiệm kỳ qua, Chi hội đã có nhiều hoạt động âm nhạc thiết thực, hiệu quả, tham gia tích cực vào các cuộc vận động sáng tác, các đợt đi thực tế về hầu hết các vùng miền trên quê hương Thanh Hóa và ngoài tỉnh để tạo nên những tác phẩm âm nhạc chất lượng, đóng góp chung cho hoạt động nghệ thuật của nước nhà. Các tác phẩm đã được biểu diễn trong nhiều chương trình nghệ thuật chuyên và không chuyên trên địa bàn tỉnh và khu vực. Tham gia đạo diễn, xây dựng kịch bản và dàn dựng nhiều chương trình nghệ thuật lễ hội, hội diễn, hội thi cấp trung ương và địa phương; tham nghiên cứu, biên soạn các công trình sách về âm nhạc, giảng dạy và hoạt động sáng tác âm nhạc tại trường Đại học Văn hóa Thể thao Du lịch Thanh hóa...
Về hoạt động sáng tác, các nhạc sĩ đã cho ra đời nhiều tác phẩm mới có nội dung và chất lượng tốt, các ca khúc mới mang chủ đề ca ngợi đất nước quê hương, Đảng, Bác Hồ đặc biệt là các chiến sĩ bảo vệ biên phòng Trường Sa, Hoàng Sa. Nhiều ca khúc đã được in ấn, giới thiệu trên các tạp chí văn nghệ của tỉnh, có nhiều công trình sáng tác và dàn dựng biểu diễn cho các đơn vị trong và ngoài tỉnh, nhiều tác phẩm dựng thành CD, DVD đã phát hành:
Nhạc sĩ Đồng Tâm với các ca khúc “Tìm về câu ca xưa”, “Miền tây quê Thanh”, “Đẹp cùng mây nuớc Hạ Long”; nhạc sĩ Xuân Liên với “Kim Qui hồ”, “Lụa Hồng Đô”, “Huế xưa và nay”; nhạc sĩ Mai Kiên đã sáng tác hơn 80 tác phẩm, phối hợp với các nhà thơ phát hành CD và DVD ca nhạc; nhạc sĩ Hoàng Hải với nhạc múa “Nhịp điệu Lam Kinh” và các ca khúc “Quê Thanh âm vang lời Bác”, “Khua luống đêm trăng”, “Họa mi Hàm Rồng”, “Giấc mơ cội nguồn”; nhạc sĩ Thế Việt đã được nhà xuất bản Thanh Hóa in ấn phát hành tập ca khúc tuyển chọn 165 ca khúc chọn lọc với tựa đề “Chiều sông mã” và đã tổ chức thành công đêm nhạc kỷ niệm “40 năm một chặng đường âm nhạc”; nhạc sĩ Nguyễn Liên đang hoàn thành tập sách “Âm nhạc dân xứ Thanh” cùng với ca khúc đạt giải Ba sáng tác về Công an nhân dân “Em hiểu rồi anh quản giáo ơi”; nhạc sĩ Thúy Hạnh với ca khúc thiếu nhi “Sao đất Việt” được phát sóng trên Đài tiếng nói Việt Nam và các ca khúc “Cây đàn da Cam”, “Cung đàn Trường Sa”, “Nhịp cầu sông xanh”; nhạc sĩ Đỗ Hoài Nam với hợp xướng “Kỷ niệm mái trường thân yêu” và các tác phẩm “Nghi Sơn bừng sáng”, “Quê mẹ An Giang”, “Sông nước Cà Mau”, “Hà Nội Đêm tháng Giêng”, “Non nước Tràng An”, “Gái bản, trai mường”, “Huế và em”, “Dòng sông”, “Mùa xuân tình rừng”, “Nghĩ suy trên biển”; nhạc sĩ Công Chí với các ca khúc “Bài ca Người cảnh sát nhân dân”, “Hải Tiến miền biển đẹp”, “Hãy giữ lấy chủ quyền thiêng liêng”, “Hãy đến với đất này”, “Mái trường tình bạn”, “Khát vọng bình yên”, “Võ Nhất Nam”, “Mời em về với Tràng An”; nhạc sĩ Mạnh Thống với các ca khúc “Thành Tây Đô”, “Việt Trì thành phố đất tổ Hùng Vương”, “Tổ quốc ơi”, “Tổ quốc nhìn từ biển”, “Nha Trang một thoáng hè sang”, “Trường Sa một thoáng mùa xuân” và liên khúc “Câu hò nối những dòng sông”; nhạc sĩ Đoàn Dũng là Chủ nhiệm đề tài Nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Phát huy giá trị các ca khúc viết về Thanh Hóa”, và các ca khúc “Nông thôn mới trên quê hương Đông Phú”, “Âm vang tiếng kèn Đội ta”, “Tiếng biển”, “Khát vọng tuổi trẻ PTSC Thanh Hoá”, “Nông Cống niềm tin tình yêu”, “Nông thôn mới trên quê hương Quảng Xương”; nhạc sĩ Lê Khanh với các ca khúc “Huyền thoại câu Xường”, “Chiều sông Mây”; nhạc sĩ Xuân Chung với “Tuổi trẻ Biên phòng”, “Hành khúc Lữ đoàn 368”; “Điệp khúc Tiến quân ca vì Biển đảo”; nhạc sĩ Băng Xuân với “Một thời thơ ấu”; nhạc sĩ Khánh Hoàng với “Huyền thoại một miền quê”, “Về Thanh Phong nối lại dòng đời”, “Về lại biển”, “Chiều sông Mã”, “Sóng và em”, “Khúc ca Nông Cống”; nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Giang với ca khúc “Xuân An Lành”, và các tác phẩm cho dàn nhạc “Trẩy Hội”, “Vào mùa”, âm nhạc cho các vở diễn kịch nói, và đang hoàn thiện tác phẩm Giao hưởng “Khúc tráng ca sông Mã”; nhạc sĩ Lê Hằng tham gia Đạo diễn chương trình: Liên khúc Tiếng Kèn Đội trên quê hương Thanh Hóa, Liên hoan Tiếng Kèn Đội ta các Cung, Nhà Thiêu nhi Khu vực phiá Bắc, Liên khúc Giai điệu quê hương tại Festival các Cung, Nhà Thiếu nhi, toàn quốc tại Nha Trang, và sáng tác các ca khúc “Trở lại miền Thanh”, “Hãy tin ở chúng tôi”.
Nhạc sĩ Hoàng Hiền trực tiếp tham gia công tác đào tạo, trong những năm qua đã có nhiều sinh viên đạt giải cao tại các cuộc thi âm nhạc, nhiều sinh viên trở thành các ca sĩ chuyên nghiệp đang phục vụ tại các đơn vị nghệ thuật trong và ngoài tỉnh; nhạc sĩ Văn Hòe đã hoàn thành tập sách nghiên cứu về “Âm nhạc dân gian Thanh Hóa”, tập 1 gồm 220 trang, sách nhà nước đặt hàng cùng nhiều bài tham luận cho các cuộc liên hoan hội thảo âm nhạc các khu vực do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức.
Có thể nói trong nhiệm kỳ qua, các nhạc sĩ Chi hội Thanh Hóa dù ở những hoàn cảnh khác nhau cùng với những điều kiện hoạt động khác nhau nhưng cùng có một niềm đam mê sáng tạo chung với nhiều hình thức hoạt động đa dạng, các nhạc sĩ đã cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị đi vào đời sống tinh thần của nhân dân.
Nhiệm kỳ vừa qua, Ban Chấp hành Chi hội đã có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn, duy trì sinh hoạt, tổng kết đánh giá hàng năm; tổ chức các chương trình Kỷ niệm Ngày Âm nhạc Việt Nam, tham gia các Liên hoan âm nhạc do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức; kết nối hoạt động của Chi hội với hoạt động chung của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh và Hội Nhạc sĩ Việt Nam; giới thiệu 04 hội viên mới đảm bảo chất lượng được Hội Nhạc sĩ Việt Nam kết nạp.
Phát huy những thành tích đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đề ra phương hướng hoạt động của Chi hội trong nhiệm kỳ 2019-2024: Các thành viên trong Chi hội đoàn kết một lòng tập trung thực hiện tốt Nghị quyết của Đại hội đã đề ra; tổ chức sinh hoạt Chi hội đều đặn hàng quý và tổ chức nội dung tốt. Chú trọng đến chất lượng chuyên môn, đặc biệt là tổ chức tốt ngày Âm nhạc Việt Nam 3/9 hàng năm; tổ chức các chuyến đi thực tế cơ sở về các địa phương vùng miền, khu công nghiệp, khu kinh tế, du lịch, nông thôn… để có cảm hứng sáng tác mới; làm tốt công tác giới thiệu và quảng bá tác phẩm trong và ngoài tỉnh; tiếp tục bám sát sự chỉ đạo và quan tâm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam; quan tâm đến đời sống và tinh thần của các thành viên chi hội, cùng với Ban Chấp hành mới, tiếp tục đưa Chi hội ngày càng phát triển lên tầm cao mới, tiếp tục phát triển hội viên trẻ có năng lực và chuyên môn để tăng số lượng và chất lượng hội viên.
Đại hội đã tín nhiệm bầu ra Ban Chấp hành Chi hội nhiệm kỳ IV (2019-2024) gồm: Nhạc sĩ Đoàn Dũng - Chi hội trưởng, Chi hội phó là nhạc sĩ Lê Mạnh Thống và nhạc sĩ Phạm Thúy Hạnh.