Đã mang lấy nghiệp vào thân thì hãy để sáng danh cho Tổ nghiệp
Việc được quốc tế lưu tâm khiến ca trù trở nên “thiêng” hơn với người nghe trong nước, nhưng đại đa số vẫn không thể biết thế nào là hay là đúng. Vì với chính người trong nghề, ca trù vẫn còn là một ẩn số. Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền chia sẻ.
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền bên cạnh cụ Nguyễn Phú Đẹ - nghệ nhân đàn đáy nhà nghề
duy nhất còn sống. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền bên cạnh cụ Nguyễn Phú Đẹ - nghệ nhân đàn đáy nhà nghề duy nhất còn sống. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Thậm chí ca trù vẫn gây kinh ngạc cho nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền khi anh bắt tay vào khai phá những tư liệu ghi âm quý hiếm đầu thế kỷ trước được phục hồi từ gánh đồng nát. Thành quả đầu tiên của quá trình nghiên cứu là việc chuyển giao trọn vẹn chầu hát cửa đình từ nghệ nhân đàn đáy cuối cùng của thế kỷ XX- cụ Nguyễn Phú Đẹ.
Từ một cuốn băng cối mua ở hàng… đồng nát
Nghiên cứu của anh có điểm gì khác biệt và đem lại điều gì mới trong khi từ lâu ca trù đã được đào xới mổ xẻ tưởng chừng khá kỹ lưỡng?
Có nhiều công trình nghiên cứu ca trù trong khoảng một thế kỷ qua, chủ yếu dưới góc độ lịch sử. Không hiếm những tác giả chỉ nghiên cứu ca trù qua tư liệu văn bản mà không tiếp cận âm nhạc. Với một đối tượng thuộc dạng nghệ thuật hóc hiểm như ca trù, tồn đọng quá nhiều điều chưa lý giải dưới ánh sáng khoa học hiện đại. Mục tiêu lớn nhất của tôi là tập trung toàn lực giải mã từ toàn bộ đến từng phần quy luật âm điệu các thể cách ca trù dưới góc quy chiếu của âm nhạc học đương thời, hy vọng có thể đúc kết thành hệ thống lý thuyết cơ bản nhạc ca trù.
Nhờ đâu anh có được những tư liệu ghi âm quý về ca trù? Những tư liệu nào đem lại cho anh nhiều hứng khởi nhất trong quá trình nghiên cứu?
Khi biết tôi quyết định lao vào ca trù, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan đã chuyển giao toàn bộ những gì anh đã sưu tầm trong sự nghiệp, thật cảm động! Bên cạnh đó, tôi cũng bắt tay săn lùng thêm tư liệu từ nhiều nguồn khác nữa, cái thì đi xin, cái thì bỏ tiền mua, cái thì được những người bạn tâm huyết trao tặng. Điều tưởng như… không tưởng là xin được một băng tư liệu vô giá- vốn được phục chế vô tình từ một cuốn băng cối mua lại của hàng đồng nát! Trong số đó, di cảo khiến tôi cảm hứng nhất là nguồn tư liệu của những đào kép được thu thanh từ những năm 1930- 1935, những giọng ca huyền thoại mà nhà văn Vũ Bằng từng trân trọng nhắc đến trong Thương nhớ mười hai như Chu Thị Năm, Đàm Mộng Hoàn… Tôi tìm được cả giọng hát của đào nương Ba Thỉnh phố Khâm Thiên- ca nương duy nhất của Việt Nam trong album hợp tuyển những giọng ca nữ đặc sắc các vùng nhiệt đới trên thế giới (Hot Women: Women Singers From The Torrid Regions Of The World). Đây là đĩa nhựa 78 vòng được nhà sưu tầm người Mỹ Robert Crumb thu thanh từ 1925- 1935. Tôi còn tìm được giọng ca vàng Đinh Thị Bản, chị ruột của kép đàn nổi tiếng Đinh Khắc Ban, kể cả những tư liệu của bà được người Mỹ thu thanh từ 1971. Sau bao năm lăn lộn nghiên cứu cổ nhạc, trong đêm khuya nghe băng tư liệu, tôi chợt như một cậu bé nhỏ dại trước những tiếng nhạc ả đào huyền thoại của cả một thế kỷ. Có những phát hiện bất ngờ đến không thể tưởng tượng, có những bài ca mới lạ, nghe cảm động đến trào nước mắt! Hơn 90 đêm thức trắng miệt mài, cứ tập hợp được mớ câu hỏi là vợ chồng tôi lại ôm đồ nghề phóng xe đi Hải Dương làm việc với cụ Đẹ, rồi lại về nhà hì hụi gỡ băng phân tích…
Cụ Đẹ truyền nghề cho CLB Ca trù Hải Phòng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Nghệ nhân đàn đáy duy nhất còn sống của thế kỷ XX
Ngày nay lực lượng đào kép trẻ có thể nói khá hùng hậu, còn chuyên môn của họ so với tiền nhân ra sao khó mà đánh giá được. Anh nghĩ sao về thực trạng này sau thời gian lục tìm và nghiền ngẫm những tư liệu quý về ca trù?
Căn cứ vào những giọng ca, ngón đàn kinh điển của thế hệ đào kép lừng danh trong quá khứ, cứ sau dăm ngày phân tích xong một thể cách, tôi lập tức nghe đối sánh với những giọng ca của thế hệ tiếp nối thời nay để tìm ra sự đúng/sai, hay/dở của họ, kể cả những người đã thành danh, có băng đĩa xuất bản. Với phương tiện đo đạc hiện đại, có thể phân tích chính xác độ sai lệch từ toàn bộ đến từng chi tiết nhỏ nhất. Đáng quan ngại là hiện nay, độ lệch chuẩn của đa số thế hệ đào kép tiếp nối so với quá khứ là rất lớn. Nhiều người hiểu sai hoàn toàn về kỹ thuật thanh nhạc, kỹ thuật đàn, kỹ thuật phách… Điều lạ lùng là nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ vẫn còn đó, nhưng không hiểu sao chẳng mấy ai quan tâm hay tìm đến học hỏi đến tận cùng dù ông luôn mở lòng.
Dựa trên hệ thống tư liệu và kết quả nghiên cứu mà anh có được, liệu có thêm bao nhiêu làn điệu, thể cách của ca trù có khả năng được phục hồi?
Với phương pháp nghiên cứu cập nhật hiện nay, cứ tiến hành khảo sát, phân tích đo đạc xong thể cách nào là có thể phục hồi và bảo tồn tương đối hoàn thiện thể cách đó. Điều đáng mừng là có những thể cách lâu nay tưởng chừng như đã thất truyền thì hiện đã xác định là vẫn còn đó. Dù những gì còn lại chỉ là những mảnh vỡ của truyền thống, nhưng vẫn còn cơ hội ghép nối để phác họa nên diện mạo huy hoàng của hệ thống âm điệu một thời.
Mới đây, ca nương Đỗ Quyên, chủ nhiệm CLB Ca trù Hải Phòng quyết định đưa đào kép về cụ Đẹ xin thụ giáo toàn bộ vốn liếng thể cách hát cửa đình người Việt- kho tàng vô giá mà hiện chỉ còn mình ông là người từng thực hành và lưu giữ. Từ đó, cứ 1-2 ngày/tuần, họ lại về ông học tập miệt mài từ sáng đến chiều tối. Người đi học thu thanh lại toàn bộ rồi về dạy lại cho người ở nhà. Liên tục 2 tháng trời lao động miệt mài, ngày 14/11, CLB đã tổ chức lễ báo cáo long trọng tại nhà thầy để ông đánh giá toàn bộ kết quả học tập. Đáng mừng là nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ đã hài lòng. Vào 14/1/2015, CLB dự định sẽ tổ chức lễ ra mắt chầu hát cửa đình một cách đầy đủ nhất tại đình Hàng Kênh- Hải Phòng.
Theo anh, việc bảo tồn ca trù hiện nay có gì ổn và chưa ổn?
Chúng ta đã cố gắng rất nhiều, hy vọng rất nhiều, song những gì đang có là chưa thể hài lòng, thậm chí có nhiều điều không thể chấp nhận. Cũng có suy nghĩ thôi thì méo mó có hơn không, còn hơn mất hẳn. Nhưng điều đáng mừng là thái độ của xã hội đã thay đổi cơ bản. Sự trân trọng ca trù trong công chúng đã và đang tiếp tục hình thành. Mong sao giới đào kép còn tận tâm với nghề hãy thực sự đoàn kết, thương yêu đùm bọc, chia ngọt sẻ bùi với nhau đúng như truyền thống của các cụ xưa. Tôi nói thế bởi đã có nhiều chuyện không mấy tử tế trong giới trẻ, sự ghen ghét đố kỵ, thậm chí “dìm hàng”, kèn cựa, thật khó nói! Dù biết rằng họ phải tự vật lộn kiếm sống giữ nghề mà chưa nhận được sự bảo trợ đáng có của Nhà nước. Song đã mang lấy nghiệp vào thân thì hãy để sáng danh cho Tổ nghiệp!.
Cho đến Liên hoan Ca trù toàn quốc cuối tháng 8/2014, tôi được mời làm giám khảo cùng nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ. Ngồi bên ông suốt những ngày chấm thi, chứng kiến mọi thực trạng nghệ thuật của giới đào kép thế hệ tiếp nối trên sân khấu, tôi mới thực sự tỉnh ngộ. Rằng ông là nghệ nhân nhà nghề duy nhất còn lại của thế kỷ XX từng hát cửa đình, từng đàn ca quán. Có vô số điều mà chỉ ông mới có đủ tư cách thẩm định, vô số những câu hỏi mà chỉ ông mới có thể giải đáp… Mà ông đã ngoài cái tuổi cửu thập. Giật mình, mất ngủ cả tuần sau đó. Rồi tính toán rất nhanh với vợ, tạm gác toàn bộ công việc sinh nhai, xách balô lên đường về với ông… - Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền |
(Nguồn: http://www.tienphong.vn)