'Dạ khúc' - một bản nhạc dịu êm

10/03/2014

Âm nhạc là chìa khóa mở ra hy vọng gắn kết, cũng đặt dấu chấm hết cho những tiếc nuối thất vọng.

Tên sách: Dạ khúc

Tác giả: Kazuo Ishiguro

Nhẹ nhàng nhưng thấm đẫm nhịp điệu của sự tiếc nuối, Năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông của Kazuo Ishiguro đã mang đến cho người đọc nhiều xúc cảm lạ lùng về tình yêu, cuộc sống hiện đại và cách đối diện với những vấn đề xã hội của người trưởng thành.

Âm nhạc và văn học luôn có mối liên hệ sâu sắc từ lâu. Nhiều nhà soạn nhạc bị ảnh hưởng bởi các chất liệu văn học, và thêu dệt nên những bức tranh âm nhạc chứa đầy màu sắc thơ văn, như Gustav Mahle đã phát triển bài thơ "The Flute Chinese" thành bản nhạc tuyệt đẹp "Das Lied Von Der Erd", hay ban nhạc Metallica có ca khúc bi tráng "For whom the bell tolls" (Chuông nguyện hồn ai) lấy cảm hứng từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Ernest Hemingway...

Ngược lại, trong văn chương cũng có những tác giả đã mượn tiết tấu âm nhạc để mang tới câu chuyện giàu nhịp điệu và cảm xúc. Kazuo Ishiguro, nhà văn gốc Nhật từng đạt giải Booker, đã thành công khi sử dụng âm nhạc như một thủ pháp tuyệt vời để chuyển tải cốt truyện và cảm xúc đến người đọc qua tập truyện ngắn "Dạ khúc".

Mỗi truyện ngắn trong tập "Dạ khúc" đều thấm đẫm chất nhạc từ tên gọi, nhịp điệu đến tình tiết. Mỗi nhân vật đều có số phận liên quan đến âm nhạc, từ danh ca một thời, những nhạc công trẻ tuổi mộng mơ đang tìm kiếm danh tiếng đến người giáo viên không thành công trong cuộc sống, đôi vợ chồng trung niên thất vọng về nhau... Họ xuất hiện ở mọi nơi âm nhạc ngự trị: thượng tầng khách sạn xa xỉ Hollywood hay căn hộ nghèo ở London, những quảng trường Italy đầy chất jazz ngẫu hứng cho đến khu đồi Malvern nên thơ khơi nguồn sáng tác.

Mở đầu tập truyện là "Người hát tình ca" với nhiều tình huống lãng mạn giữa Italy mộng mơ, song kết thúc lại khiến người đọc choáng váng với những sắp xếp toan tính về đời sống tình cảm - hôn nhân, về cách nhân vật tỉnh-táo-yêu-thật-lòng trong từng giai đoạn. "Mưa đến hay nắng đến" lại mang đến kết thúc lửng lơ y như nhan đề, với nhiều đối thoại trong những tình huống bất ngờ liên kết với nhau bằng những ca khúc hay.

Độc giả sẽ bắt gặp sự thay đổi tâm lý phi logic của người vợ nghệ sĩ trong "Khu đồi Malvern", bắt gặp tuổi trẻ của chồng mình khi thấy anh ca sĩ đàn hát. Sang đến "Dạ khúc", Kazuo thể hiện sự cảm thông với những nghệ sĩ tài năng nhưng thiếu đi sắc đẹp phải giải phẫu thẩm mỹ đồng thời thể hiện sự châm biếm với những giải thưởng được sắp đặt sẵn trong giới nghệ thuật.

Khép lại tập truyện với "Người chơi cello", độc giả sẽ có đôi chút hẫng hụt như nhân vật chính khi phát hiện ra nàng thơ của mình rốt cuộc chưa từng biết chơi đàn. Song có lẽ đó cũng là ý đồ của tác giả, khi muốn thể hiện những góc khuất chân thực có phần nghiệt ngã trong cuộc sống của giới nghệ sĩ.


Âm nhạc trên đường phố.

Mỗi nhân vật ấy, có thể là chính chúng ta trên con đường tìm lại chính mình sau nhiều năm tháng sống vì những giá trị xã hội bề mặt, mà quên đi khao khát thực sự của bản thân về hạnh phúc, giấc mơ nghề nghiệp. Tuy nhiên, âm nhạc không phải chủ đề chính mà là nền tảng phát triển những mối quan hệ giữa người và người. Kazuo đã dùng âm nhạc như thủ pháp dẫn dắt người đọc khám phá mặt trái của các mối quan hệ, cái giá phải trả để có danh tiếng cũng như hạnh phúc, những thất bại mỗi người phải đối diện trong cuộc sống hiện đại.

Âm nhạc là chìa khóa mở ra hy vọng gắn kết, cũng đặt dấu chấm hết cho những tiếc nuối thất vọng của các nhân vật trong truyện. Đó là khi Lindy Gardner bật khóc khi nghe chồng mình - danh ca Tony Gardner hát những ca khúc ghi dấu thuở đầu yêu nhau (Người hát tình ca) mà không thay đổi quyết định sẽ ly dị để cả hai bước sang con đường mới sáng rỡ hơn tại Hollywood, hay là khi tay nhạc công saxophone Steven tự tặc lưỡi chấp nhận rằng tài năng âm nhạc không phải tất cả - danh tiếng sẽ đến khi anh ta xuất hiện với gương mặt đã chỉnh sửa cuốn hút hơn.

Người đọc sẽ thoáng có chút nuối tiếc như khi nghe một bản nhạc buồn. Nhưng cũng không ít người sẽ nhẹ nhàng gật đầu cảm thông với sự chia ly hay vỡ mộng của các nhân vật, bởi đó là thực tế cuộc sống ta đang đối diện mỗi ngày. Mỗi con người hiện đại không thể dừng lại, ngắm nhìn cuộc sống trôi như một bản nhạc không thể mãi mãi ở trạng thái "play". Tất cả cần được tiếp diễn, dẫu mỗi chúng ta sẽ phải bỏ lại sau lưng những dạ khúc đáng nhớ.

(Nguồn: http://giaitri.vnexpress.net)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...