“Đà Giang đại hợp xướng” - Ấn tượng đầu tiên về bản trường ca của núi rừng Tây Bắc.

31/08/2016

Nhân kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh Hòa Bình, trung tuần tháng 7 năm 2016 vừa qua nhạc sĩ Nguyễn Cường đã cho ra mắt một tác phẩm Âm nhạc mới công phu, đồ sộ: Đà giang đại hợp xướng, gồm bốn chương:

Chương 1: Nền tảng văn hóa vĩ đại của người Mường
Chương 2: Thuyền du bến nước sông trăng
Chương 3: Đường lên Tây Bắc
Chương 4: Xây dựng Hòa Bình.

Để hoàn thành tác phẩm, anh đã dày công đầu tư rất nhiều thời gian, công sức, trí tuệ tìm hiểu nền văn hóa Hòa Bình, bản sắc văn hóa dân tộc Mường, sau bốn tháng miệt mài sáng tạo anh cùng nhạc sĩ phối khí Minh Đạo đã hoàn thành tác phẩm với sự tài trợ đặc biệt của Công ty cổ phần Du lịch Hòa Bình,TGĐ doanh nhân văn hóa- ông Vũ Duy Bổng.

Buổi họp báo ra mắt Đà Giang đại hợp xướng tại khách sạn Hòa Bình, trong một không khí trang trọng, đông vui đầm ấm, nhạc sĩ Nguyễn Cường đã xúc động nói lên những tâm tư của mình khi viết bản hợp xướng, anh vui mừng lắng nghe, đón nhận những lời chúc mừng của các vị lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, những ý kiến đóng góp, luận bàn của các nhạc sĩ đồng nghiệp, các nhà văn, nhà báo…

NSND Phạm Ngọc Khôi, Phó chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam: Ở đây qua bản hợp xướng, nhạc sĩ Nguyễn Cường muốn bày tỏ những khát vọng của mình, anh đã chắt lọc những tinh hoa của văn hóa Việt và người Mường cổ đã hội tụ bao đời để đưa vào tác phẩm một cách sáng tạo cô đọng. Có thể nói đại hợp xướng mang tính tư tưởng cao, chuyển tải được những vấn đề nóng của đất nước cũng như tỉnh Hòa Bình đã đạt được trong cuộc sống thực tại, thành bản hợp xướng tươi mới..

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu - Phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam: Xin chúc mừng nhạc sĩ đã hoàn thành một tác phẩm “tỉnh ca” không phải ca khúc mà có hình thức lớn, hoành tráng. Tính học thuật ở đây được thấy rõ, xuyên suốt bốn chương là một âm hình chủ đạo (leitmotif) lấy từ âm nhạc dân gian Mường: “Bình - boong - bính - khẳm”. Ấn tượng mạnh là những đoạn sử dụng nhạc dân gian: tiếng hát ru và tiếng khấn của thầy mo làm âm nền tựa như truyền thống ngàn đời là điểm tựa cho sự phát triển hôm nay trên mảnh đất này. Giá như tác giả sử dụng thêm âm sắc nhạc cụ cổ truyền, giá như tác giả cân bằng âm lượng và tính cách mà theo tôi quá căng thẳng, quá nặng về phần “dương”, tức là cần thêm chút “âm”, vì có chất trữ tình dịu êm mới tạo sự tương phản để thấy rõ hơn sự mạnh mẽ của các cao trào. Điều cuối cùng là quảng bá tác phẩm, mong sao tỉnh Hòa Bình làm được điều này để tác phẩm công phu đồ sộ đến được với người nghe

Nhạc sĩ Cát Vận: Nguyễn Cường đưa âm điệu dân gian là tiếng cồng chiêng của người Mường vào tác phẩm, say sưa miệt mài cùng nhạc sĩ phối khí Minh Đạo hướng người nghe vào không gian của âm nhạc đương đại, tạo nên một bản hợp xướng đầy ắp tính dân gian, đương đại…

Nhà văn Nguyễn Đình Chính: Đại hợp xướng rất mạnh mẽ, âm nhạc như phương tiện thức tỉnh mọi người hiểu rõ hơn và có những suy nghĩ thấu đáo hơn về mảnh đất và con người Hòa Bình gắn với những mốc son lịch sử của dân tộc…

Nhà báo Thụy Kha: Xin đưa bốn câu thơ:

Dựng ngược Đà Giang lên âm nghiêng
Vít núi Tản ngả xuống ngựa cồng chiêng
Bình bong bính khẳm đại hợp xướng
Hòa Bình mới lựng một hoang nguyên.

Nhà thơ Vi Thùy Linh: Khâm phục nhạc sĩ về sức sáng tạo dồi dào của anh, Linh tự nhận rằng bản thân mình dù nỗ lực phấn đấu tới mười năm nữa cũng không có đủ khả năng để viết nổi một tác phẩm mới mang sắc thái hoành tráng như nhạc sĩ Nguyễn Cường, Linh cũng tin rằng với sức sáng tạo dồi dào ấy, chắc chắn nhạc sĩ sẽ còn nhiều tác phẩm đang ấp ủ chờ ra đời.

PGS Chu Minh: Bốn chương hợp xướng tốt, rất công phu, mỗi chương đều có những xử lý khéo, chất dân gian cồng chiêng đưa vào hợp lý. Dàn nhạc phối hợp với các chương hài hòa, mở ra những điều cho âm nhạc phát triển sau này. Duy có một điều theo ý kiến riêng cá nhân tôi chất trữ tình còn ít, người Mường rất giàu chất dân gian trữ tình, nếu nhạc sĩ khai thác triệt để hơn thì tác phẩm sẽ tốt hơn nhiều. Bản thân tác phẩm gây được ấn tượng tốt, rất đáng trân trọng sức lao động và tìm tòi sáng tạo của nhạc sĩ Nguyễn Cường và nhạc sĩ phối khí Minh Đạo.

Ngoài ra còn có những phát biểu cảm tưởng của nhà sử học Dương Trung Quốc, nhạc sĩ Giáng Son, nhà văn Trần Thị Trường, nhạc sĩ Dương Thụ... Tất cả đều chia sẻ niềm vui, sự cảm phục, những đóng góp cởi mở chân thành với những lời chúc mừng tốt đẹp, Và có “bột mới gột nên hồ”, nhạc sĩ Nguyễn Cường luôn tâm niệm rằng để anh sáng tác thành công Đại hợp xướng, TGĐ Vũ Duy Bổng - doanh nhân văn hóa người Hà Nội - người rất yêu và gắn bó với mảnh đất, văn hóa con người Hòa Bình đã đầu tư và tài trợ hơn cả sự mong đợi để anh thỏa sức sáng tạo, nhà phối khí Minh Đạo cùng ê-kíp đã lăn lộn cùng anh để hoàn thành tác phẩm.

Đà giang đại hợp xướng là một bản trường ca hoành tráng mang âm hưởng dân ca Mường nơi núi rừng Tây Bắc, khiến người nghe liên tưởng tới những câu thơ của Tản Đà:

Đà giang ai vặn một dòng quanh
Thi nhân lênh đênh một gánh tình.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường từ đại ngàn Tây Nguyên đã đến với núi rừng Tây Bắc, những cảm xúc mới ào ạt thăng hoa, tạo cho anh những thêm thành công mới.

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.