Da diết Trường Sa
Đúng 16 giờ, ngày 28/4/2014, Tàu HQ 996 vang lên một hồi còi tạm biệt đất liền, chở theo 189 đại biểu đến từ các tỉnh, thành phố: Bắc Cạn, Hải Phòng, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu cùng nhiều tổ chức, đoàn thể, phóng viên báo chí... ra thăm huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DKI, từ từ rời Cảng Cam Ranh.
Bảy nhạc sĩ được Hội nhạc sĩ Việt Nam cử đi trong “Đoàn công tác số 8” chuyến đi lần ấy thực sự là một niềm vinh dự lớn, ai cũng háo hức lên đường. Mọi người mang theo tấm lòng của đất liền đến với vùng biển đảo quê hương thân thương, và nguyện sẽ làm những cánh thư mang cả nhịp điệu trái tim cùng với tình yêu khát khao cháy bỏng của quân và dân Trường Sa theo ngày trở về với đất liền
5 giờ sáng ngày 30/4/2014 tàu neo tại khu vực đảo Song Tử Tây, đoàn chia làm hai hướng, một nhóm lên thuyền nhỏ hướng về đảo Đá Nam và một nhóm lên ngay Song Tử Tây. Theo lịch trình, hai đoàn sẽ hợp lại vào lúc 9 giờ cùng ngày để giao lưu và tặng quà cho cán bộ, chiến sỹ, nhân dân trên đảo.
Nhạc sĩ Thế Phùng lỉnh kỉnh một túi sáo trúc. Những người yêu mến ông thường gọi ông với cái tên thân mật “Người thổi sáo dưới chân Yên Tử”. Là người cao tuổi nhất của nhóm nhưng luôn trong trạng thái đầy hứng khởi, ông hát và thổi sáo hầu như tất cả những cuộc giao lưu văn nghệ trong chuyến đi. Trông ông tươi vui, nhanh nhẹn và trẻ trung rất nhiều so với cái tuổi “Thất thập”, ông đã thổi “Tiếng sáo Mèo trên nương” giữa trụi trần san hô nắng gió, rồi ông lại hát “Mưa từ dưới biển mưa lên” và ông giải thích ấy là những cơn sóng biển va vào nhau vỡ tan ra thành mưa. Hình ảnh “Mưa” ấy thật tuyệt vời như muốn làm dịu đi những cơn khát mưa trên đảo của những người lính.
Nghe tiếng hát của ông, tôi chợt nhớ đến bài thơ “Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn” từ những năm 1985, của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Hòa vào những câu thơ ấy, thì giờ đây, chúng tôi đang đứng ngay trên đảo Sinh Tồn để hiểu thêm về những con người đang sống với một niềm tin vững chắc, với tình yêu quê hương đất nước vô bờ bến... “Dẫu chẳng có mưa, chúng tôi vẫn sinh tồn trên mặt đảo/ Đảo vẫn sinh tồn trên đại dương đầy gió bão/ Chúng tôi như đá ngàn năm trong nhịp đập tim người..”, những trái tim kiên trung chỉ mộc mạc giản dị vậy thôi ư. Ôi, cơn mưa từ những đám mây trên cao có thể chưa đến nhưng giai điệu cây sáo trúc ngọt ngào da diết tình quê hương và những lời ca mộc mạc của nhạc sĩ Thế Phùng đã đến với Trường Sa.
Với nhạc sĩ Vũ Trọng Tường, chuyến đi này gợi lại cho ông nhiều kỷ niệm về một thời khoác áo lính, ông thấu hiểu và sẵn sàng chỉa sẽ, dành cho người lính đảo những tình cảm vô cùng cao đẹp. Lần này, ngoài một số đĩa ca khúc mang theo để làm quà, ông còn thì thầm với tôi: “Tao mang theo mấy gói Thăng Long, nhưng không giám để lộ, bởi quy định của đoàn không cho mang thuốc lá ra đảo”. Vì thế, nên ông giấu kỹ lắm, mỗi lần bước chân lên đảo muốn cho ai thì phải nhìn trước ngó sau, trông thật tội nghiệp. Đó cũng là một phần lý do để tự nhiên tôi cảm thấy càng quý mến ông vô cùng!
Có một sự trùng lặp ngẫu nhiên là khi đoàn chúng tôi đặt chân lên đảo Sinh Tồn cũng lại đúng vào ngày 30/4 kỷ niệm 39 năm giải phóng miền Nam, chúng tôi vui mừng được gặp các cháu học sinh tiểu học đang nô đùa hồn nhiên. Nhạc sĩ Vũ Trọng Tường được các em thuộc lứa tuổi thơ biết nhiều qua tác phẩm “Mùa thu ngày khai trường”, hôm nay lại có dịp ngồi tập hát cho các cháu và tranh thủ dàn dựng một tiết mục cho buổi giao lưu văn nghệ của các cháu vào với các chú bộ đội Hải quân và đoàn công tác.
Tôi không phải “Phó nháy” nhưng cũng tranh thủ chụp mấy kiểu ảnh các nhạc sĩ đang hồn nhiên chung vui cùng các cháu nhỏ mà không tả hết cảm xúc. Cứ thế, trong tiếng vỗ tay rộn ràng, tiếng đàn, tiếng hát say mê, cuộc vui như chẳng muốn dừng. Trong chuyến đi nhạc sĩ Vũ Trọng Tường đã viết “Người chiến sĩ đi trong lòng biển”, ca ngợi những chiến sĩ Hải quân tàu ngầm Việt Nam và “Trường Sa dây bí, dây bầu”, ca khúc viết cho thiếu nhi, rồi ông lại nhìn trước, ngó sau để ... phân phát thuốc lá Thăng Long.
Có lẽ người đào hoa nhất trong nhóm là nhạc sĩ Vũ Thiết! Ông được rất nhiều người biết đến qua các ca khúc nổi tiếng: “Nghe câu quan họ trên Cao Nguyên”. Nhìn cái chất nghệ sĩ nhuộm màu phong sương của ông trong cuộc không hẹn mà gặp này dường như ai cũng thán phục bởi “Văn kì thanh, bất kiến kì hình” về phong cách của ông. Cuộc giao lưu nào, ông cũng được mời lên cầm micro phát biểu cảm tưởng và hát. Ông được mọi người yêu mến, vì thế nhóm chúng tôi cũng được thơm lây. Ngay trong ngày thứ ba của chuyến đi ông đã phổ thơ của đồng chí Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Định cùng đi trong đoàn ca khúc: “Về với Trường Sa”, một giai điệu sôi nổi đầy nhiệt huyết.
Tham gia chuyến đi còn có nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tĩnh, nguyên Hiệu trường Trường VHNT&DL Bắc Ninh. Ông mang theo cây đàn ghi ta, và suốt thời gian thăm đảo bất cứ chỗ nào ông cũng bập bùng với những ca khúc ông viết như “Ở hai đầu con sóng” phổ thơ của Thượng Tá Hà Đăng Doanh, “Yêu anh trên đảo Trường Sa”... và đặc biệt, mọi người thường quây tròn xung quanh ông khi nghe giai điệu “Người ơi người ở đừng về...” đầy xúc động.
Trưởng nhóm là nhạc sĩ Lê Xuân Hoan, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Gia Lai. Nhạc sĩ Lê Xuân Hoan có dáng đậm chắc, gương mặt luôn hồn hậu, tính tình vui vẻ! Người nhạc sĩ từ núi rừng về với biển cả bao la, phút cảm hứng bớt chợt trong buổi giao lưu, khi nghe bài thơ của Thượng tá Hà Đức Doanh ông đã phổ nhạc ca khúc “Lính Trường Sa” viết cho tốp nam với tiết tấu sôi nổi, trẻ trung, mạnh mẽ và ba ngày sau ông viết tiếp “Khúc hát từ những Nhà giàn” phổ thơ Trần Đăng Khoa” chất liệu dân ca Nghệ -Tĩnh ngọt ngào đằm thắm.
Nhiều đêm trên tàu HQ 996 ông thức trắng, có lần ông nói với anh em nhạc sĩ rằng, đến với biển đảo quê hương nơi đầu sóng ngọn gió này là dịp rất hiếm hoi, thời gian ở đây quý hơn vàng đấy, đừng để trôi đi lãng phí, hãy dành trọn tình yêu để thức với Trường Sa. Những gì chúng ta hiểu biết về biển đảo quê hương chỉ có thể qua thông tin đại chúng, lần này có dịp được chứng kiến người thật, việc thật, những chứng cứ lịch sử, được nghe tiếng chuông Chùa ngân nga giữa biển cả bao la, tiếng đánh vần bi bô trong lớp của trẻ thơ, được thấy cây Phong ba vững vàng trong giông bão, hay những bông hoa muống biển màu tím thuỷ chung rung rinh trước gió... mới thấy được sự gian khổ hy sinh vô cùng lớn lao của biết bao nhiêu thế hệ ông cha từ hàng ngàn đời nay đã giữ gìn từng mảnh đất chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc, chính thiên nhiên và con người nơi đây sẽ là nguồn cảm hứng vô tận cho chúng ta viết nên những giai điệu tuyệt vời.
Trong nhóm, còn có nhạc sĩ trẻ Xuân Thuỷ quê Vĩnh Phúc và tôi. Xuân Thuỷ thường ít nói, nhưng luôn nở nụ cười tươi! Thủy ấp ủ một chủ đề từ lâu, mãi đến hôm nay mới có dịp để viết nên bằng cả tình cảm tha thiết của mình, đó là ca khúc “Tiếng chuông chùa trên đảo Trường Sa” với chất liệu dân gian. Xuân Thuỷ chia sẻ cảm nhận của mình khi nghe tiếng chuông trên đảo Trường Sa giữa sóng gió dữ dằn, giữa cái nắng như thiêu đốt, tiếng chuông chùa rất đỗi thiêng liêng ấy đã lắng vào sâu thẳm tâm hồn mỗi người con dân Việt, tiếng chuông thức tỉnh mỗi con người để luôn sống có ý nghĩa giữa cuộc đời này.
Còn với tôi, chuyến đi như đền bù những mơ ước khát khao bấy lâu mong mỏi, tựa như người vừa được trả nợ, để rồi sau chuyến đi món nợ lại lớn hơn nhiều. Tôi đã viết "Biển đảo quê hương" một ca khúc phổ thơ của Lê Quang Thắng và sẽ viết tiếp về khoảng trời quê hương thân thương nơi đầu sóng, ngọn gió, về những con người ngày đêm đã từng chiến đấu và sinh anh dũng để bảo vệ biển đảo quê hương, mảnh đất chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc.
Trước thềm năm mới có thể quên đi bộn bề công việc giữa cuộc sống khốn khó này để đón một mùa xuân trọn vẹn với bao niềm vui - bởi mùa xuân là quà tặng chung của đất trời cho tất cả mọi người, nhưng những kỷ niệm da diết về chuyến đi Trường Sa lần ấy cứ hiện lên trong tôi, nhất là chuyến đi đó nằm trong thời điểm Trung Quốc đang ngang nhiên cho đặt giàn khoan 981 trên lãnh hải Việt Nam thiêng liêng của chúng ta, điều này càng thôi thúc anh em nhạc sĩ chúng tôi phải ra sức cống hiến, viết thêm nhiều tác phẩm, hoặc làm những điều thật có ý nghĩa hơn nữa để xứng với niềm tự hào của đất nước, của quê hương.
Khắp mọi miền quê trên tổ quốc ta, mọi người con đất Việt đang chờ đón khoảng khắc thiêng liêng của đêm giao thừa, phút giao thừa cũng sẽ đến trên biển đảo khơi xa và tiếng Chuông Chùa lại ngân lên, nơi ấy một phần máu thịt của đất liền./.
Xuân Ất Mùi 2015