Cuộc chơi giao hưởng 'ngoài nhà hát'

06/05/2019

Lâu nay, nhắc đến giao hưởng, VN thường được biết đến với các dàn nhạc giao hưởng công lập. Song gần đây, có những dàn nhạc mang tính hợp tác, “ngoài nhà hát” được thành lập, mang đến sự trẻ trung lẫn đa dạng hơn trong các chương trình biểu diễn.

Dàn nhạc Maius Philharmonic biểu diễn ngoài phố Hà Nội - ẢNH: T.L

Người trẻ truyền cảm hứng âm nhạc cổ điển

Vừa ra mắt đầu năm nay là Dàn nhạc giao hưởng Trẻ Sài Gòn (SPYO), do nghệ sĩ Nguyễn Bảo Anh (Giám đốc nghệ thuật của Dàn nhạc giao hưởng Sài Gòn - SPO), Nhạc viện TP.HCM và Amberstone Media thành lập, với mục tiêu trẻ hóa âm nhạc giao hưởng và đưa thể loại vốn bị cho là “đóng khung trong nhà hát” đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là lớp khán giả trẻ yêu thích trải nghiệm và luôn sẵn sàng tiếp nhận văn hóa mới. SPYO quy tụ các bạn trẻ từ 18 - 25 tuổi yêu thích nhạc cổ điển, liên tục được trau dồi kinh nghiệm thực tế qua từng buổi biểu diễn cùng các nghệ sĩ quốc tế, cũng như nhận được sự hướng dẫn trực tiếp từ thầy cô là các thành viên đầy nhiệt huyết của SPO và các nhạc trưởng nhiều kinh nghiệm trong và ngoài nước. Sau chương trình Once Upon a Spring - The Very Best of Tchaikovsky, Đêm nhạc phim, các nghệ sĩ của SPYO sẽ mang đến đêm Dấu ấn - The modern classics vào 11.5 tại Soul Live Project (216 Pasteur, Q.3, TP.HCM) với các tuyệt tác âm nhạc VN của Trịnh Công Sơn, Thanh Tùng, Dương Thụ, Quốc Bảo, Bảo Chấn, Anh Quân, Ngọc Lễ.

“Việc thành lập một dàn nhạc nhẹ hay dàn nhạc nào khác có thể nhìn thấy khía cạnh lợi nhuận. Còn việc thành lập dàn nhạc giao hưởng đòi hỏi công sức lớn và không phải dành cho đối tượng đại chúng nên khó kiếm được lợi nhuận”, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nhìn nhận. Anh cho rằng: “Việc xuất hiện những dàn nhạc trẻ hay của tư nhân đã làm phong phú đời sống âm nhạc, thẩm mỹ âm nhạc. Bên cạnh đó, nhìn vào sự phát triển nền nghệ thuật của một nước, nghệ thuật giao hưởng, thính phòng chính là một trong những điều người ta chú ý đầu tiên”.

Theo nghệ sĩ Nguyễn Bảo Anh, cách hiệu quả nhất để giới trẻ VN dễ dàng tiếp cận, cảm nhận dòng nhạc giao hưởng là nên có những chương trình âm nhạc cộng đồng để các nghệ sĩ trẻ chủ động chuyện trò, giới thiệu và truyền cảm hứng âm nhạc cổ điển đến những người trẻ cùng trang lứa. “Nhiệm vụ của chúng tôi là tổ chức các buổi trình diễn, tiếp đón các nghệ sĩ, nhạc trưởng quốc tế đến đào tạo và giúp các em ngày một hoàn thiện hơn”, anh nói. Với định hướng phát triển nhằm ngày càng đến gần hơn với khán giả, nhất là người trẻ, SPYO sẽ không chỉ có những buổi trình diễn ở các sân khấu trong khán phòng hay nhà hát, mà sẽ trình diễn trong những không gian “mở” như đại sảnh Nhà hát TP.HCM và tiếp cận rộng rãi với công chúng. PGS-TS Tạ Quang Đông, Giám đốc Nhạc viện TP.HCM, cho biết từng có không ít sự nghi ngại vì các em trẻ quá, liệu có đảm đương được những tác phẩm cần nhiều kỹ thuật trình diễn hay không. Song, ông đã đặt niềm tin vào hoạt động tương lai của SPYO, bởi: “Về mặt chuyên môn, với tư cách là giám đốc nhạc viện, cơ sở trực tiếp đào tạo các em, tôi có thể đảm bảo tính chuyên nghiệp và chất lượng âm nhạc của SPYO sẽ càng nâng cao sau mỗi buổi công diễn”.

Đa dạng lựa chọn cho công chúng

Dàn nhạc giao hưởng Mặt trời (SSO) vừa có buổi biểu diễn với nghệ sĩ violin đến từ Hàn Quốc Hyeyoon Park vào tối 26.4 tại Nhà hát Lớn (Hà Nội). Đây là một trong số những buổi biểu diễn định kỳ hằng tháng của Dàn nhạc giao hưởng Mặt trời, dàn nhạc tư nhân được xây dựng theo mô hình quốc tế với những tài năng trẻ của VN và nhạc công đến từ các dàn nhạc danh tiếng của thế giới, kể từ khi chính thức ra mắt công chúng vào tháng 5.2018. Hiện nay, hầu hết các chương trình đều không bán vé mà tặng vé mời cho khán giả. Giám đốc âm nhạc, nhạc trưởng người Pháp của SSO Olivier Ochaine cho biết, dàn nhạc hoạt động phi lợi nhuận, hướng đến việc đưa âm nhạc hàn lâm đến gần hơn với công chúng.

Trước đó, dàn nhạc Maius Philharmonic (ban đầu có tên Rhapsody Philharmonic) được nhạc trưởng Lưu Quang Minh thành lập, được coi là dàn nhạc giao hưởng tư nhân đầu tiên tại Hà Nội. Maius Philharmonic biểu diễn ở nhiều không gian khác nhau, từ nhà hát cho đến công viên, trung tâm thương mại, quảng trường… Các nghệ sĩ chơi những tác phẩm đương đại, gần gũi với khán giả trẻ như các bản nhạc phim, nhạc game, hay các bản nhạc hit của các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới như Eminem, Rihanna, Michael Jackson... được chuyển thể cho dàn nhạc giao hưởng, cùng với đó là những tác phẩm kinh điển của những nhà soạn nhạc như Bach, Beethoven, Mozart… phối lại theo phong cách dương đại. “Đầu tiên, chúng tôi chơi những gì mọi người thích nghe, nhưng không dễ dãi, sau đó chúng tôi sẽ đưa những gì mà chúng tôi muốn chơi đến khán giả”, nhạc trưởng Lưu Quang Minh chia sẻ. Anh cho hay, việc biểu diễn của dàn nhạc giao hưởng tại những địa điểm công cộng là nhằm thay đổi nhận thức của khán giả. “Nhiều khi khán giả nghĩ nhạc giao hưởng là khó nghe, bác học hay dành cho tầng lớp giàu sang. Chúng tôi muốn thay đổi nhận thức đó, gắn kết nhạc giao hưởng với cộng đồng”, nhạc trưởng Lưu Quang Minh nói.

(Nguồn: https://thanhnien.vn/)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...