CUNG VĂN

24/08/2017

Trong diễn xướng Hầu bóng, tôi quan tâm nhất và cũng yêu mến nhất đó là các nhạc sĩ Cung văn. Tôi dành bài viết sau đây để nói về họ. 

Vào những ngày đản tiệc, những buổi hầu đồng, nơi điện thờ Tứ Phủ không khi nào thiếu vắng nhóm nhạc sĩ dân gian của bản đền. Họ ngồi khiêm tốn, lại có chút kín đáo bên trái điện thờ, đàn hát cho các ông/bà đồng múa may, phán xét mỗi khi thánh nhập. Họ là những nhạc sĩ sùng tín, là những nhạc sĩ chuyên nghiệp, chuyên ngành của tín ngưỡng Tứ Phủ (mới đây gọi lại là Tam Phủ nhưng tôi vẫn giữ tên gọi cũ: Tứ Phủ). Họ hiểu biết thấu đáo mọi ngóc ngách các phương thức tổ chức đền, phủ, các cách thức tiến hành nghi lễ hầu thánh từ khởi đầu cho đến kết thúc. Họ không lên đồng. Họ chỉ dùng nghệ thuật âm nhạc của mình tác động vào tinh thần của những người lên đồng. Nhờ họ, những người lên đồng được đẩy vào thế giới mộng mị, họ cảm thấy, nhận biết thánh đã nhập vào mình. Không chỉ thế, âm nhạc và lời ca còn làm cho ông/bà đồng, các con nhang đệ tử, cùng các vị khách dự lễ hầu, nhận biết vị thánh nào đang giáng, quyền năng của những vị thánh đó ra sao. Chả thể, trong các buổi hầu đồng người ta thường nghe thấy tiếng xuýt xoa: Lạy thánh! Lạy thánh!

Đến đây, ta có thể đặt câu hỏi: Vậy thiếu vắng âm nhạc của các nhạc sĩ Tứ Phủ, thiếu vắng sự trình diễn những tác phẩm âm nhạc Tứ Phủ, thánh có thể giáng xuống và nhập vào thân xác các ông/bà đồng trong một đêm hầu đồng được không?

Gilbert Rouget, khi ông cho rằng "trong shaman giáo, âm nhạc có vai trò giống như câu thần chú (incantatory) vì nó “mở ra một thế giới vô hình” và “mang đến phép thuật”. Nếu quả như vậy, thì người đọc câu thần chú mời thánh về lại không phải là các ông/bà đồng mà là người nhạc sĩ của tín ngưỡng Tứ Phủ. Theo chúng tôi, câu "thần chú" đó có hai tác dụng: thứ nhất, nó làm cho hồn vía ông/bà đồng xuất đi khỏi thân xác, nhường chỗ cho thánh nhập vào; thứ hai, nó giúp cho vị thánh giáng thể hiện quyền năng của mình thông qua hành vi của các ông/bà đồng. Quá trình thể hiện hành vi ấy chỉ có thể diễn ra trong thời gian của những cung đàn câu văn mô tả chân dung và quyền năng của vị thánh giáng đồng. 

Chúng tôi chưa có dịp để thể nghiệm sự chấm dứt đột ngột cung đàn câu văn khi các ông/bà đồng đang nhập thánh để xem hành vi của họ thế nào. Nhưng chúng tôi tin rằng sự chấm dứt đột ngột cung đàn câu văn giữa lúc thánh nhập, cũng đồng nghĩa với sự chấm dứt hành vi thánh nhập của các ông/bà đồng. 
Có thể ví cung đàn câu văn của các nhạc sĩ Tứ Phủ là loại "nhiên liệu rắn" có lực tác động mạnh mẽ vào tinh thần của các ông/bà đồng làm cho các ông/bà đồng bay vào trạng thái hư ảo. Cái "nhiên liệu rắn" ấy được Phan Kế Bính gọi là ốp đồng, ông viết: "bọn cung văn đánh trống gõ phách đọc bài văn sai để ốp đồng một lúc thì người ngồi đồng lảo đảo, tà ma nhập vào mình". 

Từ những phút giây được ốp đồng ấy, nội dung những câu văn và giọng ca của các nhạc sĩ là "sợi dây" dẫn hướng cho các ông /bà đồng thể hiện những quyền năng của vị thánh nhập. Sợi dây ấy khi căng, khi trùng, khi rộn lên, khi êm đềm, lời ca luôn được bổ sung thêm những ý đẹp, lời hay, tán dương công đức và tài năng siêu phàm của các vị thánh, làm cho các ông/bà đồng nhảy nhót, hò reo, ý á, múa máy, thể hiện dung dáng, quyền uy của vị thánh với tất cả nhiệt huyết của mình.

Hành động này của các ông/bà đồng đã được Délétie mô tả khi các bà đồng nhập thánh trong Lễ rước sắc thần Thiên Y-A-Na. Délétie viết: "Thân hình uyển chuyển xoay quanh đôi háng, tóc xòe ra khỏi vành khăn đóng, người đàn bà nhảy một lúc một nhanh thêm trong khi giọng hát chầu văn mỗi lúc một rối lên, tiếng sáo mỗi lúc một ngân cao cái tiếng ngân đơn điệu, tiếng mõ gõ to càng thêm cốc cốc để điểm nhịp bắt đầu và chấm dứt cho mỗi động tác uốn éo" .

Mô tả cung cấp cho ta cái kết quả kì diệu của "sợi dây" dẫn hướng tác động sâu sắc đến hành vi của các ông/bà đồng như thế nào.
Vậy người nhạc sĩ ấy là ai ? Nhân xưng nghề nghiệp của họ là gì? 

Người Việt, từ xa xưa đã có những tên gọi dành riêng cho giới làm nghệ thuật biểu diễn. Với nghệ sĩ là nữ thường được gọi là Đào, Ả đào, Đào nương, Nữ nhạc, Con hát, Cô đầu; những nghệ sĩ là nam được gọi là Kép; những nghệ sĩ chơi đàn hoặc hát trong các dàn nhạc được gọi là Nhạc công, Ca công, Nhạc sinh. Tuy nhiên, người nghệ sĩ của tín ngưỡng Tứ phủ lại được người đời gọi là Cung văn - tên gọi không giống hoặc không tựa giống với bất cứ tên gọi nào của truyền thống. Tại sao lại như vậy?

Cho đến nay những tài liệu viết về âm nhạc, về tín ngưỡng Tứ Phủ mà chúng tôi có dịp nghiên cứu, hầu hết mới chỉ đề cập đến chức năng của Cung văn trong tín ngưỡng Tứ Phủ, mà chưa có tác giả nào cắt nghĩa, hoặc chiết tự danh từ Cung văn, để tìm lí do vì sao lại sinh ra tên gọi riêng biệt này. Tên gọi chỉ dành cho các nghệ sĩ nơi tín ngưỡng Tứ Phủ.

Theo chúng tôi, danh từ Cung văn hàm chứa hai nội dung: Cung là âm nhạc, Văn là lời ca (ca từ). Những người nghệ sĩ của tín ngưỡng Tứ phủ trước đây phải là những người có chức năng kép là cung và văn, họ vừa là nhạc sĩ - nghệ sĩ biểu diễn, vừa là tác giả lời ca (văn). Nhờ chức năng hai trong một của họ đã làm cho họ trở thành người nghệ sĩ có khả năng sáng tạo vượt trội, đưa nghề nghiệp của họ lên tới đỉnh cao, mà nếu không phải người trong nghề không thể bén mảng tới được. Xin bàn về từng chức năng. 

Chức năng thứ nhất: nghệ sĩ sáng tác văn (lời ca về các vị thánh).

Sáng tác văn là đặc quyền của Cung văn. Bởi vì Cung văn mới là người am hiểu tường tận quy trình, luật lệ, tổ chức cúng lễ; hiểu tường tận tâm lí ông/bà đồng, tâm lí các con nhang đệ tử khi tham gia các buổi cúng lễ lên đồng. Họ biết rõ chân dung của từng vị thánh trong tín ngưỡng này. Và hơn thế, họ còn biết khắc họa những điểm mạnh, yếu khác thường của từng vị thánh để xây dựng ví thánh đó thành siêu phàm, có quyền năng to lớn, có ảnh hưởng trực tiếp tới sinh mệnh của mỗi con người nơi trần thế.

Lời trong các bản văn thường rất dung dị, gần gũi với cách thể hiện của dân ca. Khi viết, họ vẫn sử dụng thể thơ lục bát và song thất lục bát, lục bát biến thể. Song họ còn biết kết hợp rất khôn khéo nhiều hình thức thơ ca khác như thơ Đường luật, thể phú, thơ Hát nói, thơ 4, 5 chữ vào trong một bản văn. Đây là sự vận dụng khôn khéo các thể thơ sẵn có, để tạo ra một bản văn, một liên khúc âm nhạc có giai điệu phong phú, tiết tấu thay đổi, đủ thời lượng, có nội dung mô tả sâu sắc chân dung một vị thánh giáng đồng. 

Nghiên cứu kĩ lưỡng cách bố cục các điệu hát trong các bản văn trên đây, chúng ta có thể đưa ra một nhận định: nếu không phải là người am hiểu tường tận sự tích các thánh, là người sành nhạc, am hiểu nhạc, am hiểu tường tận tính chất của từng điệu nhạc, để bố cục chúng một cách logique (giọng đối giọng - giọng nối giọng) trong một bản văn, sẽ không thể viết được các bản văn thờ và văn hầu đúng quy cách, được giới con nhang đệ tử của tín ngưỡng Tứ Phủ chấp nhận. Tính chuyên nghiệp của người sáng tác văn chỉ có thể là Cung văn nhờ ở đặc điểm này.

Chức năng thứ hai: nhạc sĩ - nghệ sĩ biểu diễn.

Nhạc sĩ - nghệ sĩ biểu diễn của tín ngưỡng Tứ Phủ trước hết và có tính tiên quyết, phải là người có giọng hát hay. Không có giọng hát hay không thể trở thành Cung văn đích thực (nghệ sĩ bậc thầy). Bởi giọng hát hay của Cung văn là chìa khóa mở cánh cửa cảm xúc, nối sợi dây rung cảm giữa người trình diễn (dâng văn) đến với người ngồi đồng. Giọng hát hay là lực đẩy mạnh mẽ, nhanh chóng đưa người ngồi đồng vào trạng thái nhập đồng.

Câu chuyện kể của bác Bùi Trọng Đang cho chúng ta biết rõ hơn về hiện tượng này: "Hồi ấy tôi còn trẻ lắm, độ 17 tuổi. Một hôm đi lễ trên một đền dưới tỉnh. Trong lúc tôi ngồi nghỉ, có một bà đồng vào làm lễ, bà ấy phải giàu lắm vì mang theo cả hầu dâng và cung văn. Bà ấy bắt đầu làm lễ. Lúc Chầu Bát giáng, tôi nghe mấy người Cung văn hát như cơm nguội, tôi bèn cầm đàn và hát chầu. Tất cả cử tọa đều lặng đi. Chầu Bát ra hiệu cho tôi ngồi vào chiếu hầu và tôi hát đến cuối buổi cùng với một Cung văn của họ đảm nhận phần gõ. Tôi chưa bao giờ có nhiều lộc như thế. Các Cung văn khác không nói năng được gì, tôi hát hay hơn hẳn..." .
Tuy nhiên, nếu chỉ có giọng hát, còn nhạc cụ đệm phải nhờ vào người khác cũng không đủ tiêu chuẩn của một nhạc sĩ - nghệ sĩ hát văn. Như một luật, muốn trở thành Cung văn, người nghệ sĩ phải hội đủ hai yếu tố cung và văn. Văn là nội dung tư tưởng dâng trình thánh, cung là biểu diễn các nội dung đó bằng âm nhạc (đàn hát). 

Bản thân Cung văn khi hát dâng văn, chầu văn là biến người ngồi đồng trở thành một "địa chỉ" để thánh về ngự. Khi thánh về (thánh giáng), thánh hành động, Cung văn lại bị cuốn hút ngược lại vào quá trình hành động của thánh đang diễn ra trên thân xác người hầu. Sự kích hoạt này làm cho cách hát của Cung văn thay đổi tempo (nhịp độ, nồng độ) liên tục theo hành vi của vị thánh khi đã giáng nhập vào ông/bà đồng. Sự thay đổi tempo là nguyên nhân khiến các Cung văn phải tự đàn khi hát mới thực sự thỏa mãn được sự hứng khởi cực thịnh của mình. Vì thế, không tay đàn nào có thể theo kịp một cách hoàn hảo sự thay đổi tempo của Cung văn khi trình văn. Mặt khác, khi đàn hát cho người ngồi đồng, Cung văn còn phải "đảo văn", "nới văn", "biến điệu" để tạo thêm sự phong phú của văn - nhạc gây thêm hưng phấn cho người lên đồng. Sự sáng tạo ngẫu hứng ngay trong lúc hầu thánh đó buộc họ phải cùng lúc vừa làm nhạc công vừa làm ca sĩ (vừa đệm đàn vừa hát) mới có thể đáp ứng kịp nhu cầu sáng tạo ngẫu hứng tức thì của họ khi hát chầu.

Cùng tham gia đàn hát với Cung văn còn có đôi ba nhạc công. Họ có thể chơi sáo, nhị, đàn bầu và bộ gõ. Đôi khi họ cũng tham gia hát đỡ giọng hoặc hát xướng xô cùng với Cung văn. Tuy nhiên, vai trò chính của họ vẫn là tham gia chơi bộ gõ. 

Bộ gõ gồm có phách, trống nhỏ, trống lớn, mõ, bập beng, tiu, cảnh là những nhạc cụ đóng vai trò chỉ thị thời gian và không gian, vai trò đệm tiết tấu một cách linh hoạt trên cơ sở nhịp điệu đàn hát của Cung văn. Cái sáng tạo âm nhạc của các Cung văn là họ tạo ra những bản nhạc có giai điệu hát mượt mà, ngọt nhẹ, êm tai, nhưng lại ẩn chứa một sức công phá tiết tấu rất mãnh liệt. Nhưng kẻ làm cho sức công phá tiết tấu ẩn chứa trong giai điệu đàn hát đó bùng nổ chính là bộ gõ. Bộ gõ đã làm cho âm hình tiết tấu của mỗi điệu hát được bộc lộ một cách mạch lạc, nổi trội trên nền giai điệu hát mềm mỏng, giầu chất thi ca. Sự kết hợp một cách khéo léo và nhuần nhuyễn giữa đàn - hát - bộ gõ, các nhạc sĩ - nghệ sĩ nơi tín ngưỡng Tứ Phủ đã tạo ra một bản nhạc, một liên khúc âm nhạc hoàn chỉnh có sức lôi cuốn và kích thích sự hưng phấn đến tột độ của các ông/bà đồng trong mỗi giá đồng. 

Nếu so sánh âm nhạc của tín ngưỡng Tứ Phủ với các hình thức âm nhạc cổ truyền khác của Việt Nam như Quan họ, Ca trù, Ca Huế, Đờn ca tài tử, Ví - Dặm Nghệ Tĩnh v.v... ta sẽ nhận thấy âm nhạc của tín ngưỡng Tứ phủ nghiêng về "âm nhạc tiết tấu". 

Trong nghệ thuật âm nhạc, tiết tấu bao giờ cũng kích động vào thần kinh con người nhanh nhất, mạnh nhất. Để ốp đồng, giúp các ông/bà đồng nhanh nhập đồng, các nhạc sĩ Tứ Phủ đã lựa chọn phương pháp "âm nhạc tiết tấu" làm nòng cốt cho toàn hệ thống nhạc mục của mình. "Âm nhạc tiết tấu" ấy được bộ gõ thể hiện rất mạch lạc và lôi cuốn.

Một quá trình sáng tạo âm nhạc và lời ca của lớp lớp các thế hệ Cung văn xưa và nay đã để lại một gia tài to lớn văn - nhạc cho tín ngưỡng Tứ Phủ. Một gia tài đồ sộ về kĩ năng ca hát, kĩ năng diễn tấu nhạc cụ. Tất cả những điều đó làm cho âm nhạc của tín ngưỡng của tín ngưỡng Tứ phủ trở thành kiệt tác nghệ thuật âm nhạc bất hủ.

Âm nhạc trong tín ngưỡng tứ phủ công đồng

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...