“Cover”: Năm người, mười ý

25/07/2014

Trong âm nhạc, “cover” có sáng tạo là hình thức “một ăn một thua”. Nếu làm mới lại ca khúc gốc và được chấp thuận, bạn sẽ chiến thắng. Ngược lại, bạn là kẻ phá hoại. Không nhiều nghệ sĩ có khả năng “cover” thành công là vậy.

Khi “cover”... không thành công

Bài hát “Đi học” là một ca khúc được sáng tác cho thiếu nhi, lứa tuổi “ô mai” hồn nhiên trong sáng, dựa trên nền thơ của Hoàng Minh Chính, mà nhạc sĩ Bùi Đình Thảo đã khéo léo vận dụng những giai điệu mang âm hưởng dân ca Tày, Nùng của vùng trung du Bắc bộ để phổ nhạc cho bài thơ này. “Đi học” đã được nhạc sĩ Quốc Trung mang hẳn một dàn nhạc dây, sang trọng, bề thế, thậm chí người ta còn thấy có cả sự góp mặt của nhạc công người nước ngoài, tham gia đệm cho Hải Bột, (vốn được biết đến như một ca sĩ khởi nghiệp từ nhạc Rock), ôm cây đàn guitare đứng trên sân khấu trình bày nhạc bản này, với tâm trạng hơi não nề, u ám, nắn nót cầu kỳ quá độ. Và bất ngờ nhất là việc chỉ trích bài phối khí cho ca khúc thiếu nhi “Đi học” của nhạc sĩ Quốc Trung lại diễn ra rất dễ dãi và rầm rộ trên các trang báo điện tử. Những chỉ trích gay gắt chưa từng có, đặc biệt đã được ghi nhận trên các trang mạng xã hội. Những cụm từ như: “bản phối tệ”, “phá nát”, “thảm họa”, “không chấp nhận được”… đã lần lượt không ngớt được bình luận trên Facebook khi nhận xét về cách dàn dựng tiết mục “Đi học” này.

Theo nhạc sĩ Tuấn Khanh, không phủ nhận được công việc của nhạc sĩ Quốc Trung là hết sức nghiêm túc và có tổ chức rất tốt cho tiết mục của chương trình Giai điệu tự hào trên VTV1. Việc “Đi học” không được khán giả đón nhận như ý muốn là do nhiều yếu tố khác nhau, nhưng không thể gọi là “phá nát” ca khúc đó. “Nếu một thể nghiệm sáng tạo thuần Việt, tử tế lại bị xem nhẹ hơn việc lắp ráp một beat nhạc ngoại cho sân khấu, thì hoặc là nền âm nhạc Việt - hay cả âm nhạc lẫn các nhà bình luận âm nhạc Việt - đều đang đứng trước một vực thẳm”. Nhạc sĩ Tuấn Khanh, bày tỏ quan điểm.

Trong khi một số bộ phận trẻ tỏ ra hào hứng đón nhận (đơn cử là trang web: www.facebook.com/cover.song.teen), thì số đông các nhạc sĩ có thâm niên và tên tuổi trong làng sáng tác lại dè dặt cho rằng, việc tìm kiếm phối khí theo phong cách mới trong âm nhạc, đôi khi giống như một con dao hai lưỡi, nếu vung quá đà sẽ bị đứt tay, không phải là chuyện đơn giản, bởi, không phải bài nào cũng có thể “thổi làn gió mới”. Sự thay đổi không phù hợp có thể sẽ làm “chết” bài hát.

“Người nghệ sĩ thật sự có thể thành công hay thất bại đó là chuyện rất bình thường và chỉ vậy thôi. Bài hát “Đi học” vẫn còn đó, không ai có thể “phá nát” được nó. Chỉ có bài hòa âm phối khí đã chưa thể chinh phục được đám đông do hoàn cảnh hay thời điểm của công việc. Thất bại có thể là tên gọi, nhưng gọi tên “phá nát” là một quy kết có tính kết án cho một nỗ lực chuyên môn tử tế”. Nhạc sĩ Tuấn Khanh, nhận xét.

Chuyện “cover” không thành công trong nhạc Việt là... bình thường. Cách đây khoảng gần chục năm, (2005), bộ đôi Thanh Lam - Lê Minh Sơn đã dồn dập tung ra hai album nhạc Trịnh, phá cách, đầy “chất Lam”, cũng đã khiến công chúng yêu nhạc Trịnh từ chỗ băn khoăn đã trở nên bức xúc mạnh mẽ, chê bai việc “phá cách một cách quá đà” nhạc Trịnh, khiến sau này, chính Thanh Lam cũng đã phải từ bỏ con đường đó.

“Đi học” qua nhiều bản phối “cover”

“Đi học”, sáng tác nhạc Bùi Đình Thảo, phổ thơ Hoàng Minh Chính là một ca khúc viết cho thiếu nhi không giống những ca khúc khác, có lẽ bởi vì bài thơ “Đi học” của Hoàng Minh Chính, từ suốt nhiều thập niên qua, đã được lựa chọn in trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2 trong chương trình tiểu học. Nhân vật chính trong bài hát là một em bé của miền đồi Trung Du, có lẽ mới bắt đầu chập chững vào tiểu học, bởi vì mẹ vẫn còn phải dìu em từng bước khi tới trường. Khi nghe ca sĩ Thanh Thảo trình bày, bỗng dưng ta có cảm giác như thể một người chị đang kể về những ngày đầu đến trường bỡ ngỡ của em gái mình. Tuy nhiên, ta thấy ngôi thứ của bài hát sẽ thay đổi, sẽ trở về hình ảnh của chính mình, nếu khi đó là một ca sĩ “tí hon” thể hiện, như trường hợp sau đây của ca sĩ “nhí” Xuân Mai. Mặc dù giờ đây Xuân Mai đã trưởng thành và không còn phát âm ngọng nghịu dễ thương như thời điểm em thâu thanh ca khúc này nữa, nhưng người nghe vẫn cảm nhận được một cách rõ rệt sự đồng trang đồng lứa của cô ca sĩ “nhí” với nhân vật “em bé” trong bài hát, và điều đó đem lại nhiều ấn tượng thú vị cho ca khúc.

Khi thay đổi các giọng ca khác nhau, cách thể hiện khác nhau, ở lứa tuổi khác nhau, thậm chí giới tính khác nhau, thì cũng ít nhiều làm thay đổi về cách hình dung và tưởng tượng ra chủ thể của nhân vật trong bài hát. “Đi học” với giọng hát chững chạc của Hồng Nhung lại đưa người nghe đến một sự liên tưởng khác, với cách xử lý ca khúc một cách trau chuốt và đầy đặn, người nghe có cảm giác như Hồng Nhung đã hóa thân thành cô giáo trẻ trong bài hát.

“Đi học” phiên bản đệm bằng guitar do cặp song ca Anh Khang và Quang Thắng thể hiện, được đánh giá góp phần làm cho bài hát thăng hoa một cách rất độc đáo Người nghe vừa có thể liên tưởng đến hình ảnh của hai anh trai kể về cô em gái của mình trong những ngày đầu tựu trường, nhưng đồng thời cũng thấy nó hơi hao hao giống dòng nhạc Celtique cổ điển của những nước thuộc vùng ven biển Đại Tây Dương, nhờ vào lối hòa âm sử dụng nhạc cụ accoustique.

Cho đến lúc này, mặc dù có nhiều ca sĩ thể hiện ca khúc “Đi học”, với nhiều cách hòa âm phối khí đa dạng, nhưng nhìn chung, phần nhạc dạo đầu của ca khúc, mang âm hưởng dân ca Tày, Nùng của vùng trung du bắc bộ, gần như vẫn được giữ nguyên vẹn, trừ phiên bản gần đây nhất của nhạc sĩ Quốc Trung với việc đổi nhịp của ca khúc từ 2/4 sang nhịp 3/4.

(Nguồn: Tạp chí Âm nhạc Việt Nam)

 

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...