Công chúng nghệ thuật ở đâu?: Yêu ca sĩ chứ chẳng vì nghệ thuật

22/01/2015

Ca sĩ nào đó được nhiều người yêu mến thì tác phẩm bất kỳ mà họ thể hiện cũng trở thành đỉnh cao. Đó là một sai lầm tai hại trong thẩm mỹ thưởng thức

Không khó để nhận diện công chúng của thị trường ca nhạc Việt Nam hiện nay dựa trên số người chịu mua album, mua vé đến sân khấu và số người ủng hộ các giọng ca đang ăn khách.

“Ăn khách” nhưng chuyên môn kém

Nếu phần lớn công chúng âm nhạc là khách hàng đang mang lại nguồn lợi béo bở cho thị phần nhạc chuông, nhạc chờ thì một lượng đông đảo khán giả trẻ khác lại tin theo các bảng xếp hạng âm nhạc để lựa chọn thần tượng cho mình. Bảng xếp hạng trên các kênh truyền hình, chuyên trang âm nhạc trực tuyến trong nước trở thành “chuẩn” xác định độ “hot” của nhiều giọng ca và ca khúc.


Giọng ca được nhiều người kỳ vọng Hương Tràm (quán quân Giọng hát Việt
mùa đầu) không xây dựng hình ảnh bằng chất lượng chuyên môn mà câu
khách bằng cách tạo xì-căng-đan Ảnh: LEON TRẦN

Thế nhưng, không phải lúc nào tốp đầu trong danh sách những ca khúc mà khán giả yêu thích nhất cũng được giới chuyên môn thừa nhận về chất lượng. Thực tế, khá nhiều ca khúc dẫn đầu các bảng xếp hạng âm nhạc trong nước nhưng người trong giới lại đánh giá rất tầm thường về mặt chuyên môn.

Nhiều chuyên trang âm nhạc trực tuyến tham gia showbiz bằng việc đầu tư sản xuất sản phẩm âm nhạc theo phương thức độc quyền. Với tư cách chủ đầu tư, không có lý do gì để trang âm nhạc đó không đưa sản phẩm nhà lên tốp đầu bằng mọi “chiêu” kinh doanh và tiếp thị với mục đích cuối cùng là thu lợi nhuận.

Những nhân vật được chọn mặt gửi vàng bao giờ cũng là các giọng ca trẻ có nhiều người hâm mộ, bất kể họ hát gì. Chính vì thế, những Minh Hằng, Bảo Thy, Đông Nhi, Sơn Tùng M-TP, Khởi My… luôn được các đơn vị kinh doanh như chuyên trang âm nhạc săn đón, “chiều chuộng”. Hơn nữa, việc dẫn đầu các bảng xếp hạng kỹ thuật số hoàn toàn có thể chỉ là những hợp đồng hợp tác được ký kết với đơn vị phát hành online. Vậy nên, danh sách “top” của các bảng xếp hạng thực chất chỉ để… cho vui, mang tính tham khảo.

Cuồng tín thần tượng

Hiện nay, người yêu nhạc đúng nghĩa thì ít mà thành phần cuồng tín thần tượng thì nhiều. Khi yêu thích ca sĩ nào đó, người ta chỉ biết “tôn thờ” và không cho phép ai được đụng đến thần tượng của mình. Có những nhóm người hâm mộ của vài ca sĩ hiện được giới chuyên môn liệt vào dạng cuồng tín. Đối với họ, ai chạm đến thần tượng đều trở thành “kẻ thù không đội trời chung”.

Các nhận xét chuyên môn về thần tượng của những người này, dù đúng hay sai, theo họ, cũng là đố kỵ, “dìm hàng”, thậm chí hãm hại. Yêu thích thần tượng đến vậy thì đương nhiên, mọi sản phẩm của thần tượng đều được họ đón nhận vô điều kiện. Vì thế, giới chuyên môn chẳng mong có được sự phân chia rõ ràng trong các bảng xếp hạng do công chúng bình chọn để tạo nên những phân khúc âm nhạc theo phong cách của ca sĩ cũng như dòng nhạc mà họ thể hiện.

Với nhiều người nghe nhạc hiện nay, ca khúc nào lọt tai, dễ thuộc, dễ hát theo mới dễ sống. Điều này lý giải vì sao các giọng ca: Khánh Phương, Akira Phan, Hồ Quang Hiếu, Khắc Việt, Tuấn Hưng… vẫn luôn là những ngôi sao khó thay thế ở thị trường âm nhạc bình dân. Ngay cả những ca khúc nổi trội dù chỉ được sao chép, đạo nhạc vẫn thu hút hàng triệu lượt nghe chỉ sau vài ngày công bố.

Ca sĩ - nhạc sĩ Thanh Bùi cho biết giọng ca quán quân ở một cuộc thi ca hát đã tìm đến trường dạy nhạc Soul Academy của anh với đề nghị hợp tác. Khi Thanh Bùi yêu cầu phải dành thời gian học nhạc trước, cho đến lúc nào tự phân biệt được phong cách âm nhạc trong mỗi ca khúc thì giọng ca này từ chối vì lý do “không cần thiết”. Ca sĩ mù nhạc là tình trạng phổ biến trong thị trường âm nhạc chuyên nghiệp hiện nay.

“Nếu phần đông khán, thính giả trước đây yêu mến tác phẩm rồi mới yêu mến giọng ca thì hiện nay có tình trạng ngược lại, người ta mê ca sĩ nên tác phẩm nào của ca sĩ ấy thể hiện cũng trở thành đỉnh cao. Đó là một sai lầm tai hại trong thẩm mỹ thưởng thức bởi nghệ thuật nếu bị tình cảm của người hâm mộ chi phối thì có thể đi sai hướng” - Thanh Bùi nhìn nhận.

Thay đổi, nâng cấp tư duy thưởng thức

 

Hiện là hiệu trưởng một trường nhạc, nhạc sĩ Đức Trí cho rằng khán giả góp phần quan trọng trong việc tạo nên môi trường âm nhạc lành mạnh. Vì vậy, bên cạnh những lớp nâng cấp chuyên môn cho người làm nghề, anh thường xuyên tổ chức các lớp học dành cho truyền thông để bình luận đúng về âm nhạc và cả những lớp học dành cho khán giả “để họ có sự lựa chọn đúng đắn khi nghe”.

 

Giảng viên âm nhạc Hoàng Điệp, Nhạc viện TP HCM, nhận xét: “Khán giả dễ dãi đón nhận sẽ là cơ hội cho những sản phẩm âm nhạc kém chất lượng bùng nổ. Thế nhưng, điều đó là khó tránh bởi giáo dục âm nhạc trong nhà trường hầu như vẫn bằng không. Để có thể phân loại được âm nhạc, người nghe cũng cần phải có kiến thức chuyên sâu. Theo tôi, giáo dục âm nhạc trong trường học cần có những cải thiện, từ đó mới mong thay đổi hay nâng cấp tư duy thưởng thức của công chúng”.

(Nguồn: http://nld.com.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...