Cồng chiêng Mường cần được cộng đồng bảo tồn
Văn hóa Cồng chiêng Mường là văn hóa cộng đồng của dân tộc Mường, do cộng đồng người Mường sáng tạo, giữ gìn, lưu truyền, và phát huy các giá trị vốn có của nó. Vì vậy, chủ nhân của văn hóa Cồng chiêng Mường là do chính nhân dân các làng, các bản, các mường tự giữ gìn, chính họ là những người quyết định sự tồn tại hay không tồn tại của loại hình văn hóa này.
Văn hóa Cồng chiêng Mường rất phong phú, đa dạng và hết sức độc đáo với sự đóng góp, đúc kết của nhiều thế hệ, các nghệ nhân và quần chúng lao động. Họ nâng niu, giữ gìn và truyền dạy từ đời này qua đời khác, từ đời ông sang đời cha, từ đời cha sang đời con, đời cháu ... công việc ấy, cứ thế, cứ thế trôi theo năm tháng một cách hết sức tự nhiên và không phải chịu sự áp đặt hay ràng buộc nào cả.
Trong những năm qua, xã hội có những đổi thay mạnh mẽ, trong xu hướng hội nhập toàn cầu và sự phát triển đi lên của đất nước, điều đó đã tác động khá nhiều vào đời sống, sinh hoạt của người dân các bản, các làng, các mường và chịu sự ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống sinh hoạt cộng đồng và từng cá thể. Văn hóa nói chung và trong văn hóa Cồng chiêng Mường nói riêng, cộng đồng người Mường cũng chịu sự tác động rất lớn từ các phương diện xã hội. Từ đó, các nghi lễ và sinh hoạt cộng đồng cũng dần bị thu hẹp lại và đơn điệu. Các bài bản Cồng chiêng mang đậm tính dân gian, các nguyên tắc trình diễn, các điều cấm kỵ cũng như phép ứng xử đã nhạt dần và lãng quên. Cồng chiêng của người Mường được coi là nhạc cụ thiêng liêng của dân tộc, người Mường sử dụng tiếng Cồng, tiếng chiêng để thông quan với thần linh, ông, bà, gia tiên của họ. Con người từ lúc còn trong bụng mẹ hay khi sinh ra, đến khi từ giã cõi đời đều được tiếng Cồng, tiếng chiêng nuôi dưỡng, an ủi vỗ về, động viên và đó chính là sự gắn kết mang tính sẻ chia và đồng cảm. Khi còn trong lòng mẹ, đã được người mẹ tắm tưới trong dòng chảy của âm nhạc Cồng chiêng, Cồng chiêng Mường luôn tồn tại trong sinh hoạt cộng đồng của dân tộc Mường. Sự thẩm thấu hết sức tự nhiên đó đã trở thành máu thịt và thấm sâu trong tâm hồn của mỗi con người dân tộc Mường, điều đó đã trở nên linh thiêng và gắn chặt với đời người, với mảnh đất nơi họ đã sản sinh ra. Cồng chiêng Mường còn là công cụ giao tiếp, là người bạn tri âm, biết nghe tiếng nói của con người. Do đó, trong những nghi lễ hay trong sinh hoạt cộng đồng thì Cồng chiêng luôn đóng một vai trò chủ đạo, Cồng chiêng là nguồn sống là món ăn tinh thần không thể thiếu được trong văn hóa cộng đồng dân tộc Mường.
Đứng trước thực trạng nạn chảy máu Cồng Chiêng, các lễ hội cũng thưa thớt không còn quy mô và đầy đủ như trước, các dàn Cồng chiêng quý hiếm đã mất dần hoặc trở thành đồng nát. Phần lớn các bài bản, nghi thức, phương cách trình tấu đã bị lãng quên trên chính mảnh đất sản sinh ra nó. Nguyên nhân sâu xa của những biến động trên là hệ quả của việc giao lưu, sự tác động của văn hóa phương Tây và cộng đồng các dân tộc khác đã và đang sống xen kẽ với người Mường. Dân tộc Mường chưa kịp có sự chọn lựa, tiếp biến tương thích và chưa có sự điều chỉnh cho hợp lý, chưa có thời gian để chọn lọc thì đã bị một số loại hình văn hóa khác tác động vào, từ đó, văn hóa Cồng chiêng Mường phần nào đã bị ảnh hưởng. Mặt khác, các thế hệ thù địch ra sức chống phá, chúng đánh trực diện vào văn hóa truyền thống của dân tộc bản địa. Họ dùng các phương thức để tuyên truyền, vận động làm cho Cồng chiêng Mường từ vật thiêng, từ một tài sản quý giá của ông bà, của làng, của xóm, của mường đã nhanh chóng trở thành sắt vụn. Từ một vật có giá trị cao và đã tồn tại với dân tộc Mường hàng mấy ngàn năm lịch sử nay đã và đang dần dần xa rời với đời sống, sinh hoạt cộng đồng của dân tộc Mường.
Chủ nhân của văn hóa Cồng chiêng Mường chính là cộng đồng của dân tộc Mường. Họ đã sáng tạo, lưu truyền hết thế hệ này sang thế hệ khác, sức sống của văn hóa Cồng chiêng là sức sống của cộng đồng, tồn tại với cộng đồng và không tách khỏi đời sống sinh hoạt của cộng đồng. Do đó, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ấy chính là cộng đồng, họ là chủ thể, là người quyết định sự tồn tại của loại hình văn hóa này. Việc phục hồi, giữ gìn và tồn tại văn hóa Cồng chiêng Mường là trách nhiệm của chính dân tộc Mường. Vì vậy dân tộc Mường có quyền lựa chọn phương cách để tham gia bảo tồn và không ai có thể làm thay hoặc thay thế nhiệm vụ, nghĩa vụ của chính dân tộc mình. Sự tham gia tích cực của cộng đồng là yếu tố then chốt để đưa công việc bảo tồn và phát huy Cồng chiêng Mường đi đến thành công. Cồng chiêng Mường luôn gắn chặt với sinh hoạt văn hóa cộng đồng của dân tộc Mường, nếu tách rời không gian sinh hoạt cộng đồng, Cồng chiêng sẽ bị lạc điệu. Phải trả Cồng chiêng về với môi trường diễn xướng của chính nó. Ngoài việc sáng tạo và sinh hoạt Cồng chiêng tại cộng đồng, nhân dân cần có các cuộc giao lưu để học hỏi kinh nghiệm của nhau. Trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng cần có sự kết nối văn hóa bằng chính việc giao lưu giữa các làng, các mường với nhau, cùng mời nhau tham gia lễ hội để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tham gia tích cực, chính trong các đợt tham gia này họ có điều kiện cọ sát và thẩm định lại bài vở, học hỏi thêm những cái hay cái sáng tạo, trong trình tấu Cồng chiêng của bản thân và cộng đồng. Chính điều này đã thúc đẩy mạnh mẽ sự hoàn thiện và phát triển về các kỹ thuật trình tấu Cồng chiêng, cũng như trong công việc bảo tồn và phát huy văn hóa Cồng chiêng.
Cộng đồng sáng tạo là cộng đồng đó lưu truyền và giữ gìn không ai có thể làm thay họ. Ngoài những việc làm tự phát vẫn đang diễn ra trong đời sống ở các làng, các mường. Thế hệ ông bà, cha mẹ truyền lại cho con, cho cháu qua các lễ hội, sinh hoạt hằng ngày không theo thời gian biểu cố định, không phụ thuộc vào không gian cụ thể. Đây là cách thức truyền dạy truyền thống của dân tộc Mường, công việc này nó đã được duy trì và tồn tại từ rất lâu đời. Không ai có thể thay thế việc bảo tồn, giữ gìn vốn văn hóa quý giá này bằng cộng đồng, bằng chính họ. Nhân dân sáng tạo ra và nhân dân phải giữ gìn, các thành quả sáng tạo đó đã được tổ tiên, ông bà giao cho thế hệ con, cháu và thế hệ con cháu phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn.
Cồng chiêng là tài sản quý giá của cả gia tộc, gia đình dòng họ và thường được đổi, mua bằng trâu, bằng bò, có bộ Cồng chiêng quý được mua hàng vài trăm triệu đồng. Cồng chiêng Mường là niềm tự hào và hãnh diện của gia tộc, mất Cồng chiêng là có tội với ông bà, tổ tiên. Do đó, trong mỗi làng, mỗi mường, mỗi gia đình và tự bản thân mỗi thành viên trong cộng đồng đều phải có ý thức, trách nhiệm bảo vệ và giữ gìn di sản quý giá mà ông cha để lại. Việc nhận thức đúng đắn về công tác giữ gìn văn hóa Cồng chiêng không phải là lưu giữ bằng cách cất giữ, niêm phong mà phải được khơi dậy, trình diễn trong sinh hoạt cộng đồng. Văn hoá Cồng chiêng Mường là văn hóa đang lưu dẫn trong đời sống sinh hoạt thường ngày và trong văn hóa dân gian, nó phải được sống trong môi trường dân gian, trong đời sống cộng đồng. Tiếng Cồng, tiếng chiêng phải được ngân vang, ngân xa và được lưu truyền mãi mãi trong sinh hoạt cộng đồng của dân tộc Mường.
Để bảo tồn và phát huy được văn hóa Cồng chiêng Mường, cần phải sử dụng bằng chính các phương tiện thông tin đại chúng, trong cộng đồng cho các làng, các mường cũng được nghe, được thấy và tiếp cận nhiều thông tin nói về giá trị của Cồng chiêng. Việc bảo tồn không gian văn hóa Cồng chiêng Mường, cộng đồng dân tộc Mường phải được cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin. Cộng đồng được quyền tiếp nhận thông tin từ các cấp chính quyền, từ ngành văn hóa thông tin để biết, hiểu và thực hiện, từ đó để cộng đồng biết, để tự hào, giữ gìn và tham gia tích cực vào việc giữ gìn, bảo tồn di sản văn hóa quý giá ấy, đồng thời để họ hiểu được quyền lợi, nghĩa vụ đến đâu và chính bản thân họ phải làm điều gì? tránh trường hợp có những nơi không còn quý trọng Cồng chiêng, bán tháo hay đổi chác kiếm tiền. Chính vì vậy mà việc tuyên truyền, quảng cáo thông tin về những giá trị của Cồng chiêng Mường là việc làm hết sức quan trọng, thông tin cũng phải thực hiện hai chiều, tiếp nhận và phản ánh đúng, kịp thời, chính xác đó là những yếu tố tiên quyết để công việc bảo tồn di sản văn hóa Cồng chiêng Mường đem đến hiệu quả cao. Mọi việc làm cần để cộng đồng tiếp nhận một cách đầy đủ không khiên cưỡng và nó phản ánh đúng, có như vậy công việc thông tin, quảng cáo, tuyên truyền mới đem lại kết quả tốt.
Giữ gìn văn hóa Cồng chiêng của dân tộc Mường, có một tầm quan trọng lớn lao cũng như việc nhận thức về sự tồn tại của Cồng chiêng Mường trong chính cộng đồng dân tộc Mường. Thực trạng đã cho ta thấy, nhiều dân tộc từ chỗ đánh mất đi ngôn ngữ của mình, đánh mất đi cái bản sắc riêng của mình, mất đi nền âm nhạc truyền thống dân tộc mình thì điều đó sẽ mau chóng dẫn đến bị xóa tên trên bản đồ cộng đồng các dân tộc. Một dân tộc cắt đứt quan hệ với truyền thống thì sẽ không thể tạo ra cơ sở cho bước tiến vào tương lai. Chính vì vậy mà tầm quan trọng về giữ gìn bản sắc truyền thống dân tộc nói chung và Cồng chiêng Mường nói riêng, điều đó, còn thể hiện ở việc thúc đẩy, thay đổi hoặc bồi dưỡng nhận thức về truyền thống văn hóa, đặc biệt là văn hóa Cồng chiêng cho cộng đồng dân tộc Mường, nhất là trong quá trình hội nhập và giao lưu quốc tế thời mở cửa, từ đó giúp cho cộng đồng các dân tộc nói chung, dân tộc Mường nói riêng có những nhận thức, ý thức nghiêm túc về văn hóa truyền thống Cồng chiêng của dân tộc Mường.
Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Cồng chiêng Mường trong xã hội hiện đại là một việc làm hết sức cần thiết, hết sức quan trọng, vì vậy cần phải có những giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Cồng chiêng của dân tộc Mường. Có một việc cần phải được làm ngay, làm triệt để, làm toàn diện đó là bảo tồn và phát huy vốn di sản âm nhạc cổ truyền nói chung và Cồng chiêng Mường nói riêng trong đời sống hôm nay, nếu không làm ngay, không làm triệt để thì đến một ngày không xa, chúng ta sẽ đánh mất dần, mai một dần rồi mất hẳn một phần ký ức của dân tộc và mất hẳn đi cái bản sắc riêng của dân tộc trong văn hóa âm nhạc Cồng chiêng Mường. Sự mất mát ấy cũng không thua kém gì sự mất đi tiếng nói, mất đi chủ quyền của một dân tộc. Muốn phát triển tính dân tộc và nghệ thuật truyền thống của dân tộc thì không những phải phát triển văn nghệ cũ của dân tộc mà còn phải học tập, tiếp thu vốn văn nghệ tiến bộ của thế giới.
Việc bảo tồn văn hóa Cồng chiêng Mường là một việc hết sức cần thiết, xong chúng ta cũng cần phải có sự phát triển để đáp ứng kịp với xã hội hiện đại, trong sự bảo tồn và phát triển ấy chúng ta cần phải chú trọng giữ lại cái phần hồn của âm nhạc truyền thống dân tộc. Việc phát triển là một việc làm hết sức cần thiết, nhưng cốt phải làm sao vẫn giữ được cái tâm của người Việt, cái hồn của người Mường trong âm nhạc Cồng chiêng Mường, một điều quan trọng hơn cả dù bảo tồn đến mấy, hay dù có phát triển đến mấy nhưng cái bảo tồn đó, cái phát triển đó phải được cộng đồng hưởng ứng và chấp nhận. Chính vì vậy, chúng ta có thể khẳng định rằng sự lựa chọn của cộng đồng là tiêu chuẩn tối cao trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị âm nhạc truyền thống nói chung và trong âm nhạc Cồng chiêng Mường nói riêng.
(Nguồn: Tạp chí Âm nhạc Việt Nam)