"Con út" trong dàn nhạc tài tử
Ghi ta phím lõm có mặt trong dàn nhạc tài tử Nam Bộ là một trong những sáng tạo tài tình của cha ông ta trong việc “đồng hóa” yếu tố ngoại vào cổ nhạc dân tộc. Xin mạn bàn đôi điều về đứa “con út” trong gia đình nhạc cụ dân tộc đầy thú vị này.
Nhạc sĩ khiếm thị Văn Giỏi |
1. Sài Gòn cuối thập niên 70 xuất hiện cặp “sóng thần” trong hòa đàn tài tử: Văn Giỏi, tay ghi ta phím lõm trẻ tuy khiếm thị nhưng tiếng đàn rất điệu nghệ nổi tiếng khắp Nam Bộ và Thanh Hải là văn công gốc Bắc của Đài Phát thanh giải phóng, biết chơi cả tranh, bầu, sáo, nhị, ghi ta phím lõm… một cách tài ba. Mối cơ duyên khiến hai người gặp nhau chỉ có thể nói là do âm nhạc tạo nên. NSND Thanh Hải nhớ lại: “Trước khi tôi vô Sài Gòn ở trong này bác Bảy Bá (NSND Bảy Bá tức soạn giả Viễn Châu) đã rất nổi tiếng với cây đàn tranh, lúc đó cũng vì mê tiếng đàn của bác mà tôi theo đàn này. Khi có cơ hội tiếp xúc với bác và bác Năm Cơ, Văn Vỹ cùng anh Văn Giỏi mọi người đều thích tôi đàn. Cho đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in câu nói của bác Năm Cơ: Mày đàn tốt, cách đánh của mày nó mới”.
“Cách đánh mới”, Thanh Hải cắt nghĩa có thể do tài tử vốn chỉ xuất hiện ở Nam Bộ, những vùng khác chỉ có cải lương, trong khi anh lại là dân Bắc, chơi cải lương trong đoàn văn công, nên khi đó Thanh Hải đàn tài tử theo cách của một người trẻ từ bên ngoài nhìn vào. Thực ra để ra phong cách tài tử không dễ, Thanh Hải đã học rất kỹ, dù chỉ theo cách tự học, nhưng hầu như những bài đàn của các nghệ sĩ bậc thầy như Năm Cơ, Hai Thơm, Bảy Bá, Văn Vỹ anh đều tìm hiểu. Nhất là với bác Bảy Bá, Thanh Hải coi như người thầy từ xa. Cho nên khi hòa đàn mới nhanh chóng bắt nhập được tâm hồn. Ngay bữa đầu gặp ấy sau khi nghe tiếng đàn, nhạc sĩ Văn Giỏi đã nói: “Vậy thì anh em ta sẽ cùng hòa tấu”. Lời đề nghị dường như không thể bởi cả đàn tranh và ghi ta phím lõm đều là dây sắt. Các cụ có câu “tiếng tơ tiếng trúc tiếng đồng” nói về nguyên tắc phối màu nhạc cụ. Vậy mà cả hai đều là “tiếng đồng” quá khó để hòa với nhau. Không ngờ khi hai nhạc sĩ trẻ ấy cùng hòa đàn lập tức thu hút sự chú ý mạnh mẽ từ công chúng, thậm chí lúc ấy người ta còn mệnh danh hai anh là một “cặp sóng thần” và được xuất hiện thường xuyên trên Đài Tiếng nói Việt Nam 2 (nay là cơ quan thường trú VOV tại TP.HCM), Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM và truyền hình thành phố.
Sự yêu mến dành cho “cặp sóng thần” còn kéo dài tới hết thập niên 80, nhiều bản đàn đã gắn liền với tên tuổi họ. Đặc biệt, trong số những bài đàn hai nhạc sĩ từng thể hiện có 3 bài vọng cổ Đoản khúc Nam Giang và Phi Vân điệp khúc sáng tác của Văn Giỏi, cùng với Vọng Kim Lang do một bản nhạc gốc Bài Chòi được Thanh Hải và Văn Giỏi chuyển soạn qua vọng cổ, “bây giờ đã 25 năm nay rồi nhưng trên sân khấu cải lương từ Bắc chí Nam bất cứ vở nào, kịch bản nào cũng đều sử dụng âm nhạc của mấy bản này”, NSND Thanh Hải cho biết.
Đờn ca tài tử (từ trái sang): NSND Bảy Bá (tranh), NSƯT Văn Giỏi (nguyệt),
NSND Thanh Hải (ghi ta phím lõm) và nghệ sĩ Anh Chàng (ca) Ảnh: Nguyễn Văn Quế
Nhìn lại lịch sử nhạc cụ dân tộc, thực ra trước đây hơn 1.000 năm dân tộc ta đã có một cuộc chinh phục các nhạc cụ nước ngoài du nhập, lúc ấy là những tranh, kìm, cò, tỳ bà… Cuộc chinh phục cây đàn ghi ta có thể coi là lần đáng kể thứ hai. |
2. Không chỉ riêng Văn Giỏi, có rất nhiều nhạc sĩ chơi ghi ta trong dàn nhạc tài tử được biết đến như những bậc thầy của nghệ thuật hòa đàn đặc sắc này. Tài tử xuất hiện đầu thế kỷ XX, khoảng năm 1918, chỉ chừng 3-4 năm sau ghi ta có mặt. Như thế có nghĩa là ngay điểm đầu các nhạc sĩ tài tử đã hào hứng tham gia cuộc chinh phục cây đàn phương Tây này. Nhưng, dường như nó vẫn là con ngựa bất kham. Phải chừng hơn hai chục năm sau đó mới nổi lên những tên tuổi, bấy giờ tài tử mới thực sự thuần hóa được cây ghi ta. Một trong số nhạc sĩ chinh phục thành công ghi ta phím lõm cho tới bây giờ vẫn luôn được nhắc tới là ông Năm Cơ, thuộc thế hệ sau của cụ Sáu Tửng. NSND Thanh Hải cho biết: “Bác Năm Cơ nếu còn năm nay khoảng 100 tuổi, thời điểm đó khoảng thập niên 50-60, so với bây giờ thì kỹ thuật đơn giản nhưng nó lại rất quan trọng đánh dấu sự xuất hiện hoàn toàn thuyết phục của cây đàn ghi ta vào tài tử. Ngoài ra, chữ đàn của nhạc sĩ Năm Cơ đã trở thành kinh điển, như câu mẫu đối với ghi ta phím lõm, bất cứ nhạc sĩ nào sau này cầm ghi ta cũng phải đàn những giai điệu đó. Kể cả anh Văn Giỏi và tôi bây giờ vẫn đàn những câu của bác Năm Cơ”.
Tiếp sau nhạc sĩ Năm Cơ là sự xuất hiện của Văn Vỹ nếu còn năm nay nhạc sĩ cũng gần 90 tuổi. “Qua thế hệ chú Văn Vỹ là một trang mới về ghi ta phím lõm, lúc bác Năm Cơ chưa có đàn điện, qua chú Văn Vỹ thì mới có. Có điện tử rồi thì kỹ thuật và sự kết hợp giữa điện tử với các nhạc cụ khác trong dàn nhạc mà chú Văn Vỹ đã làm quá hay”, NSND Thanh Hải ghi nhận. Khi Văn Vỹ nổi như cồn với cây ghi ta phím lõm điện tử thì nhạc sĩ Năm Cơ lại chuyển qua chơi đàn kìm, đàn sến. Cùng với các nhạc sĩ Bảy Bá, Hai Hưng, sau này thêm Văn Giỏi, Thanh Hải… họ là một nhóm tài tử nức tiếng Sài Gòn suốt một thời gian dài.
“Cặp sóng thần” nhạc sĩ Văn Giỏi (ghi ta phím lõm) Thanh Hải (tranh) hòa đàn
Cây ghi ta phím lõm đã có gần trọn một thế kỷ được sinh ra lần thứ hai trong ngôi nhà âm nhạc dân tộc. Vậy nên, cho tới thời điểm này, nó xứng đáng là thành viên chính thức, đồng thời là nhạc cụ trẻ nhất trong ngôi nhà âm nhạc truyền thống Việt Nam |
3. Tại sao xuất hiện ngay ngày đầu của tài tử nhưng phải vài chục năm sau ghi ta mới được chấp nhận như một thành viên? Đó là cả chặng đường sáng tạo đầy thú vị trong việc chinh phục tiếng đàn phương Tây vào cổ nhạc Việt. Cái hay khi ghi ta được đưa vào tài tử là các cụ ta đã không áp dụng một cách máy móc, rập khuôn. Việc đầu tiên là khoét sâu những phím đàn để có thể nhấn nhá, luyến láy cho ra chất tài tử. Có thể nói đây là một sáng tạo tuyệt vời. Kể từ đó người ta không đơn thuần gọi nó là guitar mà luôn gắn theo cụm từ ghi ta phím lõm. Nhưng ngay cả khi đã khoét lõm phím rồi thì những người chơi ghi ta vẫn còn phải giải quyết mâu thuẫn trong cao độ giữa nhạc cụ này với dàn nhạc.
Nghe một lần để nhớ một đời Bao lâu rồi, lại về miền sông rạch Về với quê em mùa nước nổi muộn màng Ghé Thới Sơn nghe đờn ca tài tử Tiếng đàn kìm xao sóng, gió mênh mang Ôi tiếng đờn có chi nghe tức tưởi Riêng giọng em ca ngọt lịm, chết… lòng tôi Chỉ một thoáng cùng Tiền Giang thân thiết Một lần thôi, đủ để nhớ một đời… Tân Linh |
Bản thân âm nhạc tài tử là ngũ cung, cây ghi ta vô nói theo bên nhạc ngũ cung thì hơi cứng. Ví dụ nốt si hay si giáng ở ghi ta khác, bên ngũ cung lại thấp hơn nốt si và cao hơn si giáng, “bởi thế khi mới tiếp thu cây ghi ta người sử dụng chưa cân đối được vấn đề này. Thậm chí nhiều nốt khác nữa, nên khi nghe cảm thấy nó không cùng mạch”.
Đây cũng chính là vấn đề gây nhiều tranh cãi trong việc nên hay không nên sử dụng ghi ta trong dàn nhạc tài tử. Song, “sau một thời gian ngắn, từng người cầm đàn ghi ta cân đối được vấn đề này thành ra hòa âm được” (NSND Thanh Hải nói). Tất nhiên đánh hay hay dở còn tùy vào mỗi người sử dụng nhưng sở dĩ các nghệ sĩ tài tử thích đưa ghi ta vào dàn nhạc là bởi ưu thế của cây đàn này rất lớn.
Về màu sắc, nó thuộc đàn dây sắt, dù trong dàn nhạc đã có đàn tranh, song ghi ta vẫn rất cần thiết bởi khả năng về quãng âm của cây đàn phát ra rộng; quan trọng hơn, khi không có nó thì âm nhạc tài tử thiếu mất phần trầm, vì đàn kìm và tranh đều từ trung trở lên; đàn cò cũng cao nên không có trầm. Cũng theo NSND Thanh Hải: “Nhìn thấy sự bổ sung cần thiết để đi đến quyết định đưa bằng được ghi ta vào tài tử của thế hệ trước phải nói là rất giỏi”.
Hơn nữa, cây đàn này lại có thể hòa hợp được với tất cả các tiết tấu, màu sắc của tài tử. Sự phổ cập của ghi ta phím lõm ngày càng rộng. Thậm chí cây đàn đã trở thành nhạc cụ chủ lực cho dàn nhạc tài tử và cả vọng cổ, cải lương. Nó có thể “bao thầu” tất cả, làm cho người ca cảm thấy yên tâm. Ngày nay, cây ghi ta phím lõm còn góp phần tạo sức hút kéo giới trẻ tới loại hình cổ nhạc độc đáo này của dân tộc. NSND Thanh Hải đánh giá: “Cứ 10 bạn thích đến với tài tử cải lương thì cả 10 nghĩ tới cây đàn ghi ta chứ không phải cái khác”.
Nhìn lại lịch sử nhạc cụ dân tộc, thực ra trước đây hơn 1.000 năm dân tộc ta đã có một cuộc chinh phục các nhạc cụ nước ngoài du nhập, lúc ấy là những tranh, kìm, cò, tỳ bà… Cuộc chinh phục cây đàn ghi ta có thể coi là lần đáng kể thứ hai. Cây đàn ghi ta phím lõm độc đáo là thế, hội đủ yếu tố sáng tạo, khai thác chất liệu ngoại lai và biến đổi trở thành thành tố dân tộc, nó đã thể hiện sự tiếp nối truyền thống đầy tài tình nhưng đâu đó vẫn có những hoài nghi về độ “dân tộc” của cây đàn này. Nói như một nhà khoa học ở Viện Hán Nôm: Một cuốn sách từ 80 năm trở lên thì được coi là sách cổ. Cây ghi ta phím lõm đã có gần trọn một thế kỷ được sinh ra lần thứ hai trong ngôi nhà âm nhạc dân tộc. Vậy nên, cho tới thời điểm này, nó xứng đáng là thành viên chính thức, đồng thời là nhạc cụ trẻ nhất trong ngôi nhà âm nhạc truyền thống Việt Nam.
(Nguồn: http://www.baovanhoa.vn)