Còn ai viết ca khúc trữ tình dân ca?
Đời sống âm nhạc đang thiếu dần những ca khúc mới về dòng trữ tình quê hương mang âm hưởng dân ca (gọi tắt trữ tình dân ca) từng làm say đắm lòng người nghe.
Nhạc sĩ Hồng Xương Long, một trong những tên tuổi của dòng trữ tình dân ca trước đây, với nhiều ca khúc nổi tiếng, như: "Chim trắng mồ côi" (Nhạc: Minh Vy, lời: Hồng Xương Long), "Đau xót lý con cua" (Nhạc: Minh Vy, lời: Hồng Xương Long), "Đừng trách sáo sang sông", "Mưa chiều miền Trung",… vừa cho ra mắt sản phẩm "Ước mơ của tôi". Đây là một trong những ca khúc nằm trong chuỗi sáng tác tình ca - một dòng nhạc mới mẻ đối với nhạc sĩ Hồng Xương Long.
Khoảng trống thế hệ
Theo bày tỏ của nhạc sĩ Hồng Xương Long, anh theo đuổi dòng nhạc tình ca như cách mà nhạc sĩ Phạm Duy từng làm nên tên tuổi của mình, "làm thay đổi chính tôi trong hành trình đi tìm bản ngã, chinh phục đỉnh cao khác mà mình mong muốn". Những ca khúc của anh không bị bó buộc trong hình thức hay chủ đề gì, là sự tâm đắc sau thời gian dài anh ấp ủ cho nó. Hồng Xương Long hoàn toàn khác trước, thậm chí nhiều người sẽ không tin đây chính là tác giả của hàng chục, thậm chí hàng trăm ca khúc trữ tình dân ca Nam Bộ, miền Trung.
Thực tế, việc đổi hướng sáng tác không chỉ có nhạc sĩ Hồng Xương Long. Không còn nhiều nhạc sĩ mặn mà với dòng trữ tình dân ca như trước. Ca sĩ Cẩm Ly cho biết khi thực hiện chuỗi live show online "Tuyệt phẩm trữ tình xưa và nay" trên trang YouTube cá nhân ở địa chỉ Cẩm Ly officel, chị bất ngờ với lượng bài mà chị cần phải có để chuẩn bị cho chương trình. Nhưng cũng từ đó, chị nhận ra số nhạc sĩ mới viết dòng nhạc này quả là hiếm hoi. Quanh đi quẩn lại vẫn là những cái tên quen thuộc đã gắn liền với dòng nhạc này từ xưa đến nay mà ai cũng biết.
Giới chuyên môn nhận định lượng ca khúc trữ tình dân ca sáng tác mới không xuất hiện nhiều trong đời sống một phần do nhạc sĩ thế hệ trước, những tên tuổi bảo chứng cho chất lượng ca khúc đã giảm khả năng sáng tác do nhiều lý do, trong đó có cả yếu tố sức khỏe và cảm xúc. Trong khi đó, nhiều nhạc sĩ trẻ cũng đã cố gắng thử sức nhưng ca từ, điệu thức không đặc sắc nên cũng chưa có nhiều ấn tượng với người nghe. Nhạc sĩ Minh Vy thừa nhận viết ca khúc nhạc trẻ còn chạy theo trào lưu, song nhạc trữ tình quê hương mang âm hưởng dân ca thì không thể. Do đó, cũng thật dễ hiểu khi không nhiều nhạc sĩ trẻ viết dòng nhạc này".
Ca sĩ Cẩm Ly trình diễn trong chương trình “Tự tình quê hương”. Ảnh: LEON
Bít cửa đầu ra?
Giới chuyên môn nhận định ở thị trường nhạc Việt đang tồn tại khái niệm "quá độ". Sau thời gian bùng nổ với nhiều thành tựu, nhạc trữ tình dân ca trở về vị trí của nó trước đây, nhường cho nhiều thể loại âm nhạc khác lên ngôi. Nhạc sĩ Hồng Xương Long khẳng định cách đây khoảng vài năm, nhạc trữ tình dân ca chiếm thế thượng phong ở thị trường nhạc Việt. "Không chỉ có sản phẩm âm nhạc mà hàng loạt những chương trình truyền hình cũng ra đời trở thành sân chơi của dòng nhạc này. Nhưng nghe hoài, xem hoài khán giả bỗng thấy "thèm" những gì mình ít được nghe. Vậy nên, đây chính là thời điểm khán giả tìm đến những gì mà họ đang muốn nghe. Đơn giản đó là quy luật vận hành của thị trường nhạc Việt. Khi thị trường không có nhu cầu thì người viết cũng ít dần đi" - nhạc sĩ Hồng Xương Long phân tích.
Theo giới chuyên môn, thực tế không hẳn là không còn ai viết ca khúc của dòng nhạc này nhưng chắc chắn không có nhiều bài hát được người hát mua. "Nhiều nhạc sĩ vẫn viết bài nhưng viết xong để đấy vì không bán được" - nhạc sĩ Minh Vy khẳng định thêm.
Nhạc sĩ Tiến Luân bày tỏ: "Nhạc sĩ thế hệ chúng tôi vẫn viết bài nhưng bây giờ các hãng băng đĩa gần như bị xóa sổ bởi nền tảng công nghệ số. Không có hãng đĩa thực hiện sản phẩm, ca khúc dòng nhạc này cũng gần như bị bít cửa đầu ra".
Thực tế, thị trường nhạc số hiện nay cho thấy lượng ca sĩ thực hiện các sản phẩm âm nhạc dòng trữ tình dân ca không nhiều, ca khúc được chọn chủ yếu vẫn là ca khúc đã quen thuộc với hàng triệu người yêu nhạc để tạo hiệu ứng tương tác của khán giả trên các nền tảng số, giúp làm nên thành công của sản phẩm, được tính bằng view. Chưa kể việc mua một ca khúc độc quyền cũng có giá ở mức vài chục triệu đồng, rồi phải tốn vài trăm triệu để thực hiện một sản phẩm MV để đưa lên cạnh tranh trên nền tảng công nghệ số mà khả năng mất trắng khoản đầu tư là rất cao đối với những MV dòng nhạc này.
Đúng như phân tích của giới chuyên môn, có cầu ắt có cung và ngược lại. Khi thị trường không có nhu cầu thì không kích thích được đội ngũ sáng tác.
Viết cho hay không dễ Nhạc sĩ Minh Vy khẳng định viết nhạc trữ tình dân ca thật ra rất khó khi đề tài của dòng nhạc này có phần hạn chế. "Chúng ta có thể viết nhiều ca khúc cùng một chủ đề nhưng nếu cứ lặp lại chính mình mà không có những hình tượng mới mẻ hơn cho một nhân vật, chủ đề cũ, chính người viết sẽ giết chết họ vì khán giả nghe nhạc không chấp nhận những điều cũ kỹ. Trong khi đó, người theo đuổi dòng nhạc này là những người chọn nước đi bền. Tức mọi thứ phải từ từ, dùng trải nghiệm của bản thân rồi đúc kết thành ca khúc. Không có chuyện "tức cảnh sinh tình", viết bài theo gợi ý hay đơn đặt hàng của người khác được. Đó chính là đặc thù khiến cho nhiều người viết trẻ không mấy hào hứng với dòng nhạc này" - nhạc sĩ Minh Vy lý giải. |
(Nguồn: https://nld.com.vn/)