Có một mùa xuân vĩnh cửu trong âm nhạc

09/01/2014

Mùa xuân đến, hoa đào, hoa mai cùng các loài hoa khoe sắc muôn màu. Hương xuân hiện dần lung linh trong khung cảnh thiên nhiên huyền diệu của đất trời. Những ngày xuân ấm áp, tươi đẹp ấy là nguồn cảm hứng vô tận để các nhạc sĩ viết nên những bài ca giàu sức sống về tình yêu đối với quê hương , đất nước, con người…

Các tác phẩm viết về mùa xuân luôn là những tác phẩm có giai điệu đẹp trong sáng, chan chứa yêu thương, ngập tràn nhựa sống, dễ thấm sâu vào trái tim, tâm hồn người nghe…

Nhớ lại những năm tháng của một thời không xa, bài hát: “Xuân và tuổi trẻ” của nhạc sĩ La Hối đã để lại những âm hưởng, âm vang một thời. Tác phẩm được trình diễn lần đầu tại Hội An được giới trẻ nơi đây vô cùng yêu thích và nồng nhiệt đón nhận. Bài hát được một người bạn của ông là Điệp Truyền Hoa viết lời bằng tiếng Hoa, rồi nhà thơ Thế Lữ chuyển sang lời Việt. Đó là một ca khúc có dấu ấn đặc biệt trong những bài hát về mùa xuân của âm nhạc nước nhà.

 

Rồi những năm sau này, chúng ta không thể quên nhạc sĩ Đoàn Chuẩn - Từ Linh với bài: “Gửi người em gái miền Nam” đã lấy phong cảnh mùa xuân để nói lên nỗi lòng mình với người yêu bé nhỏ:

“Cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng

Cành đào phong kín cánh mong manh như hoa lòng

Hà nội chờ đón tết bước chân người đi liễu rủ mà chi”

Bài hát được sáng tác năm 1956 trong hoàn cảnh chia ly với lời thơ nồng nàn, da diết gửi tới người phương xa.

Hay với “Mộng chiều xuân” của Ngọc Bích là bản tân nhạc với giai điệu trữ tình, lãng mạn đưa ta tới giấc mơ đẹp của ngày xuân, hướng ta tới niềm tin , hy vọng vào ngày mai tươi sáng.

Nối tiếp sau đó là rất nhiều tác phẩm viết về mùa xuân… Có thể kể đến một số tác phẩm tiêu biểu như: “Mùa xuân quê hương” của nhạc sĩ Hoài Mai, “Tình Xuân” nhạc sĩ La Thăng, “Xuân chiến khu” của nhạc sĩ Xuân Hồng, “Mùa xuân đầu tiên” nhạc sĩ Văn Cao, “Em ơi mùa xuân đến rồi đó” nhạc sĩ Trần Chung, “Mùa xuân nho nhỏ” nhạc sĩ Trần Hoàn (thơ Thanh Hải), “Khúc xuân” của Võ Thiện Thanh, “Cung đàn mùa xuân” của Cao Việt Bách (thơ Lưu Trọng Lư), “Hơi thở mùa xuân”của Dương Thụ, “Mùa xuân làng lúa, làng hoa” nhạc sĩ Ngọc Khuê, “Mùa xuân gọi” của Trần Tiến, “Lời tỏ tình của mùa xuân” của Thanh Tùng, “Ngày tết quê em” của Từ Huy, “Hoa cỏ mùa xuân” của Bảo Chấn…

Và rất nhiều các ca khúc viết về mùa xuân của các nhạc sĩ trẻ với những màu sắc, giai điệu khác nhau. Các tác phẩm đều cuốn hút và mang lại cho người nghe cảm giác bâng khuâng, xao xuyến. Đó là: “Chiều xuân” của Ngọc Châu, “Điệp khúc mùa xuân” của Quốc Dũng, “Phút giao thừa lặng lẽ” của Anh Quân, “Đêm giao mùa” Minh Phương, “Khúc giao mùa” của Huy Tuấn “Về hát giữa mùa xuân” Quốc Bảo, “Giọt sương mùa xuân” Trường Huy…

Còn rất nhiều ca khúc khác mà ta không thể kể hết được viết về mùa xuân với muôn vàn màu sắc âm nhạc khác nhau, được sáng tác trong từng thời kỳ khác nhau. Những bài hát về mùa xuân như dòng chảy trong âm nhạc Việt nam từ những buổi đầu của tân nhạc, qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, cho đến hôm nay dòng chảy ấy vẫn tiếp tục ngang qua và ngưng động lại trong mỗi con người. Chắc chắn không có một ai yêu âm nhạc lại không có một giai điệu mùa xuân đọng lại trong mình. Giai điệu ấy trở thành ký ức, kỷ niệm in đậm và sâu như một mùa xuân vĩnh cửu trong mỗi con người chúng ta. Với tôi, những bài hát kể trên không chỉ là những kỷ niệm từ thời tuổi trẻ và cho đến nay mỗi dịp xuân về nó lại bùng lên tươi mới, háo hức lạ thường. Tôi luôn hiểu những bài hát về mùa xuân mới, có thể có những cấu trúc mới sáng tạo về ngôn ngữ âm nhạc và ca từ song chắc chắn những hình ảnh về mùa xuân vẫn nguyên vẹn, sự nguyên vẹn không chỉ trong tôi mà còn tồn đọng mãi trong mỗi chúng ta.

Từ nhiều năm nay Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức xét và trao giải thưởng hàng năm cho những tác phẩm âm nhạc có giá trị, nhằm động viên, khích lệ các nhạc sĩ trong hoạt động sáng tác, nghiên cứu, phê bình âm nhạc. Năm 2013 cũng là năm không ngoại lệ. Giải A ca khúc của năm đặc biệt lại là một sáng tác về mùa xuân: “Bản làng em mùa xuân” của nhạc sĩ Vũ Duy Cương. Với tác phẩm này, tác giả hướng người nghe vào không gian núi rừng Tây bắc hùng vĩ trong khung cảnh mùa xuân tươi đẹp:

Rừng mờ sương, núi thấp thoáng chân mây

Làng bản xa, gà rừng gáy vang xa

Xuân đã về, xuân đang về,

Những chồi non đang nhú trên nương đồi

Nhịp cồng chiêng rộn rã đón chào xuân.

Những cô gái người Khmú tươi trẻ, tràn đầy sức sống, khát khao, yêu đời giữa vùng núi rừng điệp trùng đang có nhiều đổi mới. Tác phẩm đã sử dụng chất liệu âm nhạc dân gian Khmú một cách nhuần nhuyễn, tinh tế, giàu sức biểu hiện, được đánh giá cao.

Mỗi con người chúng ta hàng năm dù đi đâu, làm gì nhưng mỗi khi mùa xuân về đều có mong muốn được đoàn tụ cùng gia đình, gặp nhau cùng mang đến cho nhau những lời chúc tụng tốt đẹp nhất. Và âm nhạc như cùng chúng ta cất cánh trong những tình cảm thiêng liêng ấy. Âm vang của những bài hát mùa xuân không chỉ vang lên trong những ngày vui này mà nó còn theo ta suốt bốn mùa, lưu lại trong tâm hồn mỗi người một mùa xuân vĩnh cửu.

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.