Có đáng lo ngại trước những cuộc đua tìm kiếm “tài năng nhí”?
Đã gần hết mùa hè thế nhưng nhiều chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc dành cho thiếu nhi mới bắt đầu khởi động. Nhiều nhà giáo dục đang lo ngại các chương trình thi thố nghệ thuật dành cho thiếu nhi đang tràn lan trên truyền hình, sẽ ảnh hưởng đến tâm lý học tập của các em.
Nở rộ trên truyền hình
Sau khi gameshow dành cho người lớn đã bão hòa những nhà sản xuất chương trình truyền hình liền quay sang khai thác thần tượng nhí. Chưa lúc nào, thị trường âm nhạc Việt có nhiều gameshow, chương trình âm nhạc dành cho trẻ như thời điểm hiện tại.
Không chỉ chiếm lĩnh giờ vàng trên VTV, các cuộc thi nghệ thuật của thiếu nhi còn đổ bộ sang các kênh khác. Lên sóng VTV3 có chương trình Giọng hát Việt nhí, Bước nhảy hoàn vũ nhí, Đồ Rê Mí (VTV)...
VTC có thêm Young hit Young beat - Nhí tài năng, còn Đài Truyền hình Vĩnh Long cũng dự phần bằng Little Giants - Người hùng tí hon... Những chương trình này đa phần đều thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả bởi tính mới mẻ, hấp dẫn, sự hồn nhiên, trong sáng.
Tuy nhiên, trước đây, những tài năng nhí đều được phát hiện và rèn luyện tài năng thông qua các hoạt động thân thiện của nhà thiếu nhi. Còn hiện nay, khi thị trường giải trí hình thành, thì những ngôi sao nhí lại trở thành guồng quay lợi nhuận.
Có thể nói, các cuộc thi âm nhạc là cánh cửa đầu tiên để đưa các em nhỏ đến với con đường chuyên nghiệp, nhưng con đường ấy rất dài và để tồn tại không phải ai cũng làm được.
Có thể các em nhỏ chưa thể nói nhiều hơn về con đường ca hát chuyên nghiệp trong tương lai, nhưng với số lượng thí sinh đông đảo, các cuộc thi đang ngày một nhiều, mỗi năm xuất hiện thêm bao nhiêu ca sĩ trẻ, nếu bản thân không cố gắng, cũng sẽ bị lãng quên nhanh chóng.
Đừng đánh mất tuổi thơ của trẻ
Bên cạnh chức năng giải trí, các chương trình truyền hình thực tế cho trẻ đang dần đẩy các em vào vòng xoáy lợi nhuận khi biến trẻ em thành công cụ kiếm tiền nhanh chóng cho nhà đài lẫn đơn vị hợp tác sản xuất.
Chúng ta từng gặp những trường hợp các em nhỏ ca hát những bài người lớn, với lối biểu diễn bắt chước các ca sĩ trên sân khấu, uốn éo ưỡn ẹo, mất đi tính hồn nhiên, ngây thơ của tuổi thiếu nhi.
Dư luận cảm thấy xót xa khi chính những sân chơi ấy dần bị thương mại hóa. Vì mục tiêu lợi nhuận, áp lực cạnh tranh, phụ huynh lẫn nhà sản xuất cố tình sắp đặt, dàn dựng làm mất đi tính ngây thơ, trong sáng, hồn nhiên của trẻ.
Khi sân chơi của trẻ nhỏ bị ám ảnh bởi áp lực tỏa sáng và giải thưởng, danh tiếng dành cho người lớn thì các em khó tránh khỏi bị đánh mất tuổi thơ.
Đứng ở góc độ chuyên môn, TS tâm lý Nguyễn Thị Huệ - Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - cho biết: “Trẻ phải thay đổi rất nhanh chóng để đáp ứng những yêu cầu của chương trình, như vậy sẽ bị áp lực.
Tâm lý của trẻ vẫn còn mỏng manh, thậm chí người lớn đi thi còn có áp lực, nhiều người không chịu nổi còn bỏ cuộc huống chi là trẻ em. Vì thế, trẻ dễ bị rơi vào trạng thái căng thẳng thần kinh dẫn đến stress”.
Chỉ khi nào nhà đài, đơn vị sản xuất, ban giám khảo và phụ huynh biết đặt lợi ích của các em lên hàng đầu và đứng ở vị thế của các em để xây dựng chương trình thì khi đó, truyền hình thực tế dành cho trẻ em mới thật sự trở thành món ăn tinh thần bổ ích và lành mạnh. Chương trình truyền hình thực tế lúc đó mới thực sự là sân chơi của các em.
(Nguồn: http://giaoducthoidai.vn)