Có cần phải tìm giọng ca nhí?

04/11/2019

Khi phải tồn tại quá lâu như "Giọng hát Việt nhí", nội dung ngày càng nhạt dần, chưa kể ban tổ chức và ê-kíp thực hiện phải đối mặt với quá nhiều khó khăn như thiếu thí sinh tài năng thực sự, thiếu ca khúc phù hợp cho các em trình diễn, thiếu ý tưởng dàn dựng,... việc dừng lại là điều cần thiết.

Cuộc thi "Giọng hát Việt nhí" ("The Voice Kids" Việt Nam) 2019 vừa kết thúc để lại dư âm ồn ào với đủ ý kiến nghi ngờ chiêu trò của ban tổ chức từ việc MC công bố nhầm tên thí sinh giải quán quân; lên án hành động gây tổn thương cho trẻ nhỏ của người lớn có trách nhiệm trong chương trình, dù cố tình hay vô ý.

Nước mắt các em đã rơi, lời xin lỗi của MC, của ban tổ chức cũng được đưa ra kịp thời nhưng ký ức buồn, tâm hồn ít nhiều bị tổn thương của một đứa trẻ không dễ xóa nhòa trong thời gian ngắn.

"Giọng hát Việt nhí" từng bị công luận lên tiếng chỉ trích nhiều lần bởi những cách thức tổ chức gây áp lực và làm tổn thương các em khi máu thắng thua của người lớn chi phối. Sau nhiều mùa diễn ra, chương trình này cho thấy không còn nhiều sức hút như ban đầu. Có nhận định cho rằng: Không có xì-căng-đan công bố nhầm tên thí sinh giải quán quân, cũng sẽ không nhiều khán giả biết cuộc thi này còn tồn tại. Dù nhận định này có hơi quá lời nhưng thực tế "Giọng hát Việt nhí" mùa giải 2019 đã cho thấy nhiều vấn đề về chất lượng chuyên môn. Trước tiên là chất lượng thí sinh không đạt như những mùa trước. Ca khúc khan hiếm nên chương trình dùng đến những ca khúc quen thuộc của người lớn, như bài "Ngọn lửa cao nguyên" của Trần Tiến, trong đó có đoạn: "... giữa ngọn lửa, em trao bầu rượu, em trao lời nói. Lời nói lửa cháy rượu đắng ngày nào… Anh còn thương em, còn yêu em mãi người ơi…", phải sửa lời cho phù hợp với người hát là thiếu nhi. Điều này dẫn đến việc làm thay đổi sự toàn vẹn của tác phẩm, tạo ra những dị bản ảnh hưởng đến nội dung ý nghĩa của bài hát trên không gian mạng. Chưa hết, ca khúc "Tự nguyện" của nhạc sĩ Trương Quốc Khánh bị thí sinh của đội Lưu Thiên Hương và Ali Hoàng Dương hát sai lời ở đoạn: "Cùng muôn trái tim đắp xây hòa bình" hát thành "ngất ngây hòa bình" làm cho ý nghĩa câu hát bị sai lệch.

Cảnh tượng sân khấu “Giọng hát Việt nhí 2019” khi công bố nhầm tên quán quân. (Ảnh do chương trình cung cấp)

Không thể phủ nhận sức hấp dẫn của chương trình "Giọng hát Việt nhí" có được từ những mùa đầu tiên. Nhưng, khi phải tồn tại quá lâu, nội dung ngày càng nhạt dần, chưa kể ban tổ chức và ê-kíp thực hiện phải đối mặt với quá nhiều khó khăn như thiếu thí sinh tài năng thực sự, thiếu ca khúc phù hợp cho các em trình diễn, thiếu ý tưởng dàn dựng,... việc dừng lại là điều cần thiết. Những nhân danh "tìm kiếm tài năng cho âm nhạc Việt Nam" hay "tạo sân chơi ý nghĩa cho các em vào dịp hè" không còn thuyết phục, bởi nó chỉ là một game show trẻ con mua vui cho người lớn không hơn không kém.

(Nguồn: https://nld.com.vn/)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...