Chuyện "mạnh ai nấy đi" ở phòng thu âm Hà Nội
Tự trang bị phòng thu âm giúp ca sĩ Trọng Tấn chủ động hơn trong các dự án âm nhạc của mình. |
Thu âm - một hoạt động âm thầm trong đời sống âm nhạc vốn sôi động bậc nhất làng nghệ thuật. Tuy nhiên, đi sâu tìm hiểu thì hoạt động phòng thu hiện nay cũng rất phong phú.
Nở rộ
Có thể nói chưa bao giờ phòng thu lại nở rộ như hiện nay. Khách hàng của phòng thu đa dạng, có thể là nghệ sĩ chuyên nghiệp hoặc nghiệp dư, thu âm để phục vụ nghề nghiệp hoặc cũng có thể chỉ để chơi. Nghệ sĩ Phạm Trường Linh, phụ trách phòng thu Dihavina - NXB Âm nhạc chia sẻ: "Nếu như trước đây, phòng thu ở Hà Nội tính trên đầu ngón tay thì bây giờ chỉ kể những phòng thu chuyên nghiệp cũng không thể thống kê ngay được". Quả thực hiện nay, gần như mỗi nhạc sĩ sáng tác, hòa âm sẽ tự trang bị một phòng thu. Và từ chính những phòng thu này, họ sẽ chủ động trong việc hòa âm, thu âm trong các dự án âm nhạc.
Tạo dấu ấn sớm nhất phải kể tới phòng thu của Mỹ Linh - Anh Quân. Từ những năm 90, khi cặp đôi này tung ra thị trường album "Tóc ngắn" tạo một làn sóng mới trong đời sống âm nhạc đại chúng, cũng từ đó đánh dấu sự xuất hiện phòng thu âm "đẳng cấp" của nhạc sĩ Anh Quân. Những năm qua, khán giả liên tiếp đón nhận những sản phẩm âm nhạc của các ca sĩ như Lưu Hương Giang, Hà Anh Tuấn, hay Trần Thu Hà, Nguyễn Ngọc Anh, Tấn Minh... Đó chính là những sản phẩm được sản xuất tại những phòng thu cá nhân của nhạc sĩ Hồ Hoài Anh hay Đỗ Bảo.
Không tự khuôn vào một vài ca sĩ mà chọn hướng hoạt động mở, phục vụ nhu cầu của các ca sĩ phải kể tới phòng thu Kiên Quyết, phòng thu của nhạc sĩ Minh Đạo. Trong hơn 5 năm qua hai phòng thu này luôn được xếp vào hàng uy tín tại Hà Nội. Gần đây, nổi lên phòng thu của các nhạc sĩ trẻ như Minh Vương, Đức Nghĩa, Huy Sơn... Bên cạnh đó còn các phòng thu của cặp đôi ca sĩ, giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam Phương Nga - Nguyên Vũ, phòng thu của ca sĩ Trọng Tấn...
Tuy nhiên, đó là dạng phòng thu cá nhân (studio home), hầu hết có quy mô và diện tích nhỏ, chỉ có thể thực hiện thu âm cho cùng lúc khoảng 4-5 nghệ sĩ là cùng. Các phòng thu lớn, có thể thu được dàn nhạc có biên chế vài chục nghệ sĩ ở Hà Nội hiện nay chủ yếu vẫn thuộc về các cơ quan lớn như phòng thu của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam. Ngoài ra, phòng thu của các hãng như Dihavina, Hồ Gươm Audio, Thăng Long Audio vẫn đang hoạt động đều đặn. Góp thêm vào hoạt động thu âm ở Hà Nội còn phải kể tới lượng phòng thu thuộc các trường, đoàn nghệ thuật như: Đại học Nghệ thuật Quân đội, Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, Nhà hát Chèo Quân đội, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Đoàn Nghệ thuật Quân khu 2...
Cần thêm tính chuyên nghiệp
Một trong những lý do khiến phòng thu mọc lên nhiều như vậy có lẽ bởi "đời sống ngày càng cao, sự cập nhật các trang thiết bị cũng như công nghệ thông tin ngày càng dễ dàng hơn" -nghệ sĩ Phạm Trường Linh chia sẻ. Anh cho biết thêm, sự đầu tư về vật chất cho phòng thu cũng rất đa dạng, có thể hàng chục tỷ nhưng cũng có thể chỉ vài ba chục triệu. Tuy nhiên, quan trọng hơn, không phải cứ có tài chính và hiểu biết âm nhạc là có thể trở thành một người thu âm chuyên nghiệp. Và đó chính là điểm yếu của nhiều phòng thu âm ở Hà Nội hiện nay. Nhìn vào các sản phẩm album là rõ nhất, bên cạnh không nhiều album có chất lượng của Mỹ Linh, Đỗ Bảo... thì một số lượng không ít album khi đã phát hành rồi vẫn có vấn đề về âm thanh, khiến cho giọng hát của ca sĩ trở nên nhạt hoặc mất mầu. Nguyên nhân có thể do người thu âm đặt sai chế độ ngay từ lúc thu hoặc trong quá trình mix.
Theo quy trình thu âm của một phòng thu phổ biến trên thế giới, trước hết người thu âm phải được đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp, hiểu biết tính năng các loại nhạc cụ và giọng hát; sau đó phải học một lớp đào tạo chuyên ngành về thu âm âm nhạc. Ngay cả khi đã học một cách chuyên nghiệp như vậy, thì cũng chưa thể trở thành một người thu âm chính (còn gọi là đạo diễn âm thanh) mà người học phải thực tập nhiều ở phòng thu với vai trò là người quan sát, rồi phụ thu trong một thời gian. Như vậy, ở một góc độ nào đó thì người thu âm chính còn đòi hỏi trình độ cao hơn cả với một nghệ sĩ âm nhạc chuyên nghiệp. Tuy nhiên, quy trình này hiện... không được áp dụng ở Hà Nội. Phần nhiều thao tác thu âm là tự học hay học qua phương pháp truyền nghề, người đi trước chỉ bảo cho người đi sau. Điều này một phần có lẽ vì việc đào tạo nghề âm thanh chưa thật sự được coi trọng trong công tác đào tạo tại các trường nghệ thuật, đồng thời cũng chưa thu hút được người học. Trước đây, Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội có đào tạo hệ cao đẳng kỹ thuật âm thanh. Song, người học không nhiều. Ngoài ra, đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội cũng đào tạo âm thanh nhưng chủ yếu chỉ thu hút học viên những khóa học bổ trợ kiểu cấp bằng chứng chỉ.
Sự phát triển của hệ thống phòng thu giúp cho nghệ sĩ chủ động hơn trong việc phát triển các sản phẩm âm nhạc, cũng giúp cho ước mơ trở thành ca sĩ của nhiều người dễ dàng được hiện thực hóa, nhất là các ca sĩ thành danh trên mạng. Tuy nhiên, lạm dụng công nghệ đang là "con dao hai lưỡi" khi xóa nhòa ranh giới giữa năng lực thật sự và sự can thiệp của kỹ thuật, nhiều khi, tạo nên những sản phẩm ảo đánh lừa cả công chúng và chính các nghệ sĩ chưa vững vàng bản lĩnh.
(Nguồn: http://www.nhandan.org.vn)