Chuyện ít biết về ca khúc “Thuyền và biển” nhạc sĩ Hữu Xuân, phổ thơ Xuân Quỳnh
Tôi là người yêu nhạc và yêu thơ, nhất là những bài thơ tình của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh.
“Thuyền và biển” là một bài thơ mà tôi có tình cảm đặc biệt, bởi với tôi cảm xúc về biển luôn trào dâng những khát vọng sống mãnh liệt. Và cả 2 tác phẩm của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và nhạc sĩ Hữu Xuân, được phổ từ “Thuyền và biển” của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh đều là những tác phẩm tôi thích. Song tôi dành những tình cảm đặc biệt cho bản nhạc của nhạc sĩ Hữu Xuân, bởi tác phẩm được ông viết ở giọng trưởng, tính chất âm nhạc tươi sáng, thể hiện khát vọng yêu và sống mãnh liệt.
Có một “Thuyền và biển” chất chứa nỗi niềm đồng cảm của người nhạc sĩ
Bài hát “Thuyền và biển” được nhạc sĩ Hữu Xuân phổ từ thơ Xuân Quỳnh ra đời từ những năm 1970 của thế kỷ trước. Nhạc sĩ Hữu Xuân cho biết: Ngày ấy, ông công tác tại đoàn Ca múa TW (sau này là Nhà hát ca múa Nhạc Việt Nam) cùng với Xuân Quỳnh (diễn viên múa ) và anh Lưu Tuấn (diễn viên Violon(chồng trước của thi sĩ Xuân Quỳnh). Khi Xuân Quỳnh đưa tặng ông bài thơ “Thuyền và biển”, ông đã cảm nhận được hồn nhạc ẩn chứa trong mỗi câu thơ một khát vọng sống mãnh liệt, sự giằng xé của trái tim yêu đến tận cùng và ông đã viết “Thuyền và biển” như những gì hiện hữu.
Mỗi tác phẩm ra đời đều có một ngọn nguồn riêng, và đôi khi còn cần một sự may mắn để lan tỏa đến trái tim người yêu nhạc.
Mặc dù ra đời trước khá lâu so với “Thuyền và biển” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, song, “Thuyền và biển”của nhạc sĩ Hữu Xuân đã không may mắn bởi thời điểm tác phẩm đến với công chúng yêu nhạc.
Nhạc sĩ Hữu Xuân
Nhạc sĩ Hữu Xuân nhớ lại: Tác phẩm ra đời từ những năm 1970, song lúc ấy, người ta chú ý đến tình hình chính trị và những ca khúc cách mạng, nên những bài hát về tình yêu dường như ít được phổ biên. Khi viết xong, tôi gửi đến Đài tiếng nói Việt Nam (lúc ấy chưa có truyền hình), nhạc sĩ Vũ Thanh (đã mất) là biên tập âm nhạc của Đài đã trao đổi với tôi rằng: Mình thích bài hát này, nhưng Xuân thêm lời vào bài hát. Tôi hỏi thêm nội dung thế nào? nhạc sĩ Vũ Thanh gợi ý: ví dụ như thêm cụm từ theo ý anh là chiến sĩ biển đảo, em ở lại hậu phương sản xuất chẳng hạn! Tôi trả lời: Theo tôi, bài thơ này hay vì nó chỉ nói tới thuyền và biển mà toát lên được tình yêu con người, ngay câu:"Nếu phải cách xa anh, em chỉ còn bão tố" tôi cũng không dùng (chị Xuân Quỳnh lúc ấy cũng nhất trí với tôi về việc này), nên không thể thêm được! và thế là bài hát tạm thời bỏ ngỏ...
Khá lâu sau này, khi đời sống xã hội có nhiều thay đổi, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam đã dựng bài này cho nghệ sĩ Ái Vân làm tiết mục biểu diễn đơn ca của Nhà hát, từ đấy, bài hát mới được biết tới.
Cùng một bài thơ, nhưng nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã phổ nhạc ở giọng thứ với giai điệu trữ tình, mang tính tự sự đầy nữ tính, còn bản phổ nhạc của nhạc sĩ Hữu Xuân lại trái ngược khi tác phẩm được viết ở giọng trưởng, thể hiện sự khỏe khoắn, tươi sáng nhưng vẫn có độ đằm chín trong cảm xúc. Tác phẩm thể hiện được sự giằng xé những khát vọng yêu đầy nội tâm của nhà thơ khi dùng hình tượng của Thuyền và Biển để giãi bầy tâm sự với những khát khao yêu đương mãnh liệt như biển sóng trào dâng, nhưng cũng thật dịu êm khi biển chiều hiền hòa. Trong phần phổ nhạc của nhạc sĩ Hữu Xuân, với tôi đó là một sự đồng điệu của thơ và nhạc, nó cho người nghe ngập tràn trong cảm xúc về một tình yêu, cho dù có trải qua sóng gió, bão tố thì vượt lên tất cả vẫn là khát vọng sống và niềm tin vào tương lai tươi sáng...
Thơ mang hồn nhạc và thấm đẫm tính nhân văn
Với nhạc sĩ Hữu Xuân, cái cảm đầu tiên của ông khi tiếp cận bài thơ là bởi ngôn từ đã nói lên tình yêu con người thông qua hình tượng của thuyền và biển. Bài thơ gọn gàng, khúc triết, lời thơ chân thật, không cầu kỳ nhưng khiến người đọc rung lên những xúc cảm sâu sắc qua ý tưởng tình yêu của người con gái chân thành.
Nhạc sĩ Hữu Xuân cho biết: “Khi đọc xong bài thơ, một đợt sóng trào dâng trong lòng tôi về ý tưởng trong thơ Xuân Quỳnh, vì thế nên trong bài hát tôi sử dụng những khoảng âm rộng (quãng 7, quãng 8 ), như đợt sóng dâng trào”.
Ca sĩ Minh Thu, Tùng Dương, Lê Ánh Tuyết với Mash-up Thuyền và biển trong chương trình "Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh: Tình yêu ở lại"
Cách đây cũng khá lâu, trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam, có lần Nhà lý luận phê bình âm nhạc - nhạc sĩ Vũ Tự Lân từng trả lời phỏng vấn về 2 tác phẩm “Thuyền và biển” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và Hữu Xuân, ông nói: “Cả hai tác phẩm phổ thơ của 2 nhạc sĩ đều cho công chúng những ca khúc. Mỗi bài xử lý thơ đều tốt trên những cung bậc âm thanh khác nhau, phong cách khác nhau.”
Mới đây, trong chương trình kỷ niệm 30 năm ngày mất 2 tác giả Lưu Quang Vũ –Xuân Quỳnh “Tình yêu ở lại”, một bản mash-up “Thuyền và biển” qua giọng hát của ca sĩ Tùng Dương, Lê Ánh Tuyết, Minh Thu đã khiến người xem ngỡ ngàng và ngay chính bản thân tác giả - nhạc sĩ Hữu Xuân cũng đã xúc động khi xem phần biểu diễn này.
Nhạc sĩ Hữu Xuân chia sẻ: “Đây là một sự phát hiện thông minh của người biên tập chương trình. Theo tôi, một nhạc phẩm cho khí nhạc, tạo cho người ta sự tưởng tượng về ngôn ngữ âm nhạc, nhưng khi có lời ca vào thì tác phẩm ấy định hình rõ nét hơn. Đặc biệt, khi lời ca ấy lại là 1 bài thơ như "Thuyền và biển" thì lời thơ chắp cánh cho âm nhạc nhiều lắm”.
Đã là sáng tác thì phải có cái mới mang dấu ấn tác giả
Nhạc sĩ Hữu Xuân, tên thật là Nguyễn Hữu Xuân, sinh ngày 23 tháng 2 năm 1941. Từ một nhạc công Violoncelle tốt nghiệp Trường Âm nhạc Việt Nam năm 1963, ông trở thành nhạc sĩ với nhiều ca khúc được yêu thích. Bên cạnh đó, ông còn là tác giả của nhiều bản hòa tấu cho dàn nhạc dân tộc, nhạc phim, âm nhạc cho múa.
Nhạc sĩ Hữu Xuân cùng con trai là nhạc sĩ Nhật Trung
Gần 30 năm công tác tại Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, ông đã qua nhiều cương vị: chỉ đạo nghệ thuật, dàn dựng, hòa âm, phối khí, chỉ huy dàn nhạc và là cán bộ phụ trách dẫn đoàn đi biểu diễn nhiều nơi trong nước từ những ngày gian khổ nhất của cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến những năm tháng hòa bình sau đó. Từ năm 1989, ông chuyển về công tác tại Công ty Du lịch Đường Sắt Sài Gòn. |
Với ông, đã là người nhạc sĩ, khi sáng tác, dù ở bất cứ thể tài nào cũng cần phải có những dấu ấn riêng. Ông cho rằng: “Quan điểm của tôi là một sáng tác khi ra đời phải có cái gì mới trong đó, kể cả so với những tác phẩm trước đó của mình, bởi vậy người ta mới gọi là sáng tác. Tôi viết khá phong phú về thể lọai, đề tài như viết về tình yêu, về đất nước, viết khí nhạc... đặc biệt là viết cho các nhạc cụ dân tộc. Tôi cũng phổ thơ khá nhiều, có thể là một nửa trong mảng thanh nhạc là những ca khúc phổ thơ. Có cả những bài bằng tiếng Anh (The pair flower), Tiếng Nga (Tôi đã yêu em- thơ Puskin). Tôi quan niệm: thà có một sáng tác hay còn hơn là có 20 tác phẩm bình thường. Song thực tế, một tác phẩm ra đời cũng có số phận của nó…”.
Nhạc sĩ Hữu Xuân sáng tác nhiều và đa dạng, nhiều tác phẩm của ông để lại dấu ấn sâu đậm trọng lòng bạn yêu nhạc bốn phương như: Hát về Tổ quốc tôi, Thuyền và biển (thơ Xuân Quỳnh), Hoa tím ngày xưa, Tiếng thu (thơ Lưu Trọng Lư), Hà Nội mùa lá bay, Gửi Huế thương yêu, Mùa thu viết cho em, Mùa xuân đến (klông-pút và dàn nhạc), Mùa hái quả (t’rưng và dàn nhạc), Nhà rông trên buôn mới, Vũ hội Hơ Rê, Mùa xuân Tây Nguyên... ông đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba, Huy chương Vì sự nghiệp Văn hóa và nhiều Huy chương Vàng, Huy chương Bạc, Bằng khen... trong các Hội diễn Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc.
(Nguồn: http://m.danviet.vn/)