Chuyện chưa kể về "Huyền thoại mẹ" của Trịnh Công Sơn

21/03/2014

"Huyền thoại mẹ" là tác phẩm của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trong đó khắc họa hình ảnh người mẹ Việt Nam anh hùng.

Cuối năm 1985 tôi đi công tác vào Huế, đúng dịp có cuộc họp ở Hội Văn học Nghệ thuật của tỉnh. Hôm đó Đài phát thanh và truyền hình còn tranh thủ phỏng vấn nhạc sĩ Trần Hữu Pháp về bài hát “Em bé Bảo Ninh” và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về bài hát “Huyền thoại mẹ”.

Cả hai ca khúc này đều có ý tưởng xuất phát từ đất Bảo Ninh, Quảng Bình. Sau khi hai tác giả kể về sự ra đời của tác phẩm, tôi vinh dự được giới thiệu làm nhiệm vụ bình luận – nói đúng hơn là cho vài cảm nhận về hai tác phẩm này, theo đề nghị của các đồng nghiệp.

Về ca khúc “Huyền thoại mẹ” – biết rằng đầu năm 1984 nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi thăm nhà bảo tàng ở Quảng Bình. Anh rất xúc động khi thấy tấm ảnh mẹ Suốt tóc bay trong gió, che cả một khoảng trời. Mẹ Suốt từng kiên cường chèo chiếc đò ngang dưới mưa bom bão đạn, đưa bộ đội qua sông trong những năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Từ tấm gương của mẹ Suốt anh hùng quê ở Bảo Ninh, bên bờ Nhật Lệ, để rồi anh “khái quát hóa”, nghĩ về các bà mẹ Việt Nam một đời đã vì chồng vì con, vì dân, vì nước mà thầm lặng hy sinh.


Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (Ảnh tư liệu)

Cách đây 2 tháng, khi về dự hội diễn văn nghệ của tỉnh Nghệ An, tôi đã được xem hoạt cảnh “Huyền thoại mẹ” vừa hát, vừa múa minh họa rất hoành tráng. Giai điệu bài hát nhẹ nhàng, ca từ gần gũi quen thuộc gợi lên những hình ảnh rất đỗi thân thương: “Mẹ về đứng dưới mưa che đàn con nằm ngủ”.

Chúng tôi ngồi nghe một cách chăm chú, dường như trước mắt đang hiện ra dáng một người mẹ hiền lành bình dị mà cao cả. Bởi ai mà không có một người mẹ. Tôi nhiều lần tiếp xúc với các bà, các mẹ anh hùng. Các mẹ hầu như tóc đã ngả màu. Có mẹ còn mang trong mình những mảnh kim loại, dấu tích của một thời bom đạn, những khi trái gió trở trời lại lên cơn đau buốt. Có mẹ chỉ sống một mình trong căn nhà tình nghĩa mà nhân dân trao tặng.

Những khi vui, các mẹ hồ hởi kể lại những tháng ngày oanh liệt năm nao, những tấm gương anh dũng của bác Ba, chị Út… trong suốt hai cuộc kháng chiến thần thánh. Những khi gặp các mẹ, trong tôi lại vang lên những bài ca về người phụ nữ Việt nam, trong đó có ca khúc của Trịnh Công Sơn: “Đêm chong đèn ngồi nhớ lại, từng câu chuyện ngày xưa”.

Người mẹ trước mặt tôi đây như bước ra từ lời ca đó bằng xương, bằng thịt. Chính người mẹ này đã từng “che từng căn hầm nhỏ, xóa sạch vết con về”. Người mẹ này đã là nguồn an ủi, động viên, chăm sóc cho biết bao người con anh hùng chiến sĩ “mẹ là nước chứa chan, trôi giùm con phiền muộn, cho đời mãi trong lành, mẹ chìm dưới gian nan”.

Người mẹ này cũng như bao bà mẹ việt Nam anh hùng, đã góp phần cho quê hương đất nước hôm nay, mẹ đã phải vượt qua bao thử thách hiểm nguy khi “lội qua con suối, dưới mưa bom không ngại”.

(Clip: Youtube)

Bài ca “Huyền thoại mẹ” nghe gần gũi quen thuộc mà thấm thía sâu xa. Mai sau, khi năm tháng qua đi, đời người thay đổi, những thế hệ đi sau chúng ta chỉ còn biết chiến tranh qua môn học lịch sử, khi nghe ca khúc này họ trân trọng và tôn vinh người mẹ Việt Nam với những đức tính cao đẹp, luôn chịu thương chịu khó. Bài ca là một đóa hoa thơm mà nhạc sĩ đã dâng tặng cho những người mẹ Việt Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang.

Hình ảnh cao đẹp ấy luôn luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận cho các tác phẩm văn học nghệ thuật. Trong lĩnh vực âm nhạc, có thể gặp hàng trăm ca khúc về đề tài này. Ví như Nguyễn Văn Tý có “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa”, Thuận Yến có “Người mẹ miền Nam tay không thắng giặc”, Xuân Hồng có “Người mẹ của tôi”, Lư Nhất Vũ và Lê Giang có “Hãy yên lòng, mẹ ơi”

Riêng Trịnh Công Sơn có loạt bài như “Lời mẹ ru”, “Ca dao mẹ”, “Bà mẹ Ô Ly”, “Ngủ đi con”… và đáng chú ý nhất theo tôi là “Huyền thoại mẹ”. Bởi trong bài hát, ta thấy thấp thoáng có bóng mẹ Suốt “trong đêm tối gió mưa, tóc che lối con đi” và bao nhiêu người mẹ khác “đứng dưới mưa, che đàn con nằm ngủ, canh từng bước quân thù”

Giai điệu “Huyền thoại mẹ” mang chất tự sự, sâu lắng, trầm hùng và mang đậm âm hưởng dân ca miền Trung, nơi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có được cảm xúc sáng tạo tác phẩm này. Câu cuối của ca khúc ta thấy được nhắc lại ba lần: “Cho đời mãi trong lành, mẹ chìm dưới gian nan…” như muốn khắc sâu, in đậm hỉnh ảnh người mẹ Việt Nam thân thương đang say sưa kể chuyện ngày xưa…/.

(Nguồn: http://vov.vn

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.