Ching Trum và vai trò của nó trong dàn cồng chiêng Jrai
Căn cứ vào các chứng cứ lịch sử và kết quả nghiên cứu thực địa trong vùng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đều thống nhất khẳng định: cồng chiêng Tây Nguyên không phải do các cư dân bản địa ở đây sản xuất mà là sản phẩm của quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên với các dân tộc trong khu vực Đông Nam Á (kể cả Trung quốc) trong quá trình phát triển của lịch sử.
Như vậy, đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, Jrai nói riêng không phải là chủ thể đã sản xuất ra cồng chiêng, nhưng cho đến nay, không ở đâu cồng chiêng lại có số lượng nhiều và được sử dụng rộng rãi như ở Tây Nguyên.
Riêng ở tỉnh Gia Lai, theo số liệu điều tra mới nhất của Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch, năm 2008, toàn tỉnh Gia Lai, có 5.655 bộ cồng chiêng các loại. Trong đó, người Bahnar có 2.282 bộ và người Jrai có 3.373 bộ.
Để phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc của mỗi dân tộc, chắc chắn cồng chiêng đã được nhiều thế hệ nghệ nhân các dân tộc Tây Nguyên cải tiến nhiều lần trong lịch sử. Nhưng, ai là người đầu tiên mua cồng chiêng và mua từ lúc nào, ở đâu, từ người Kinh, người Lào hay người Campuchia? Ai là người Tây Nguyên đầu tiên “cải tiến” cồng chiêng?... Những câu hỏi ấy, đến nay vẫn chưa có lời giải đáp!
Người viết bài này không có tham vọng đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi trên, mà chỉ xin mạo mạo giới thiệu vài nét về bộ Ching Trum và vai trò của nó trong dàn cồng chiêng của người Jrai.
1. Cồng chiêng là gì?
Câu hỏi tưởng chừng như ngớ ngẩn, nhưng lại không phải là điều đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ.
Cần nói ngay rằng, cồng chiêng là một thuật ngữ được dùng phổ biến trên sách báo và các phương tiện thông tin truyền thông cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Tuy vậy, mỗi dân tộc, mỗi vùng dân tộc cồng chiêng được người ta gọi bằng nhiều danh từ khác nhau.
Theo ông Rơ Chăm Yơn (Y Yơn): “Cái mà ta gọi là cồng chiêng thì người Jrai và người Êđê, Hrê gọi là CHINH, dân tộc Bana gọi là CHINH CHIÊNG, dân tộc Sê đăng gọi là GOONG CHIENG”. Còn tác giả Rơ mah Del, lại viết: “Người Jrai ở huyện Ayunpa, Krôngpa, Pleiku gọi cồng chiêng là CHINH và nếu tròn một bộ cũng gọi là CHINH. Còn người Jrai ở huyện Chưprông, Chưpah và một số nơi khác thì gọi khác hẳn. Bộ cồng gồm 3 cái hoặc 6 cái (Ania, mung, mong) dùng để đệm gọi CHIÊNG. Loại này có núm. Còn loại bằng không có núm gồm 7 - 9 cái (có 3 cái là nốt chủ chốt: DÔT, PƠYƠNG, DUÔl) dùng để thực hiện giai điệu 1.
Đề cập vấn đề này - vấn đề tên gọi - tác giả Rơ Chăm Yơn viết: “Một tiêu chuẩn quan trọng nữa để đặt tên bộ chiêng là căn cứ vào chức năng âm nhạc của nó. Đó là trường hợp bộ chiêng Mnhum, trong bộ này người ta chia làm hai bộ nhỏ, một gồm các chiêng có núm, làm chức năng đi đệm gọi là chiêng KĐọ. Một bộ khác gồm các chiêng không có núm (tức chiêng bằng) làm chức năng đi giai điệu, gọi là Knah Khoc” 2. Như vậy, cồng chiêng được người Jrai Chor, Jrai M’Thud và Jrai H’Drung (Pleiku) gọi là CHING, còn người Jrai Arap, Jrai T’Buăn gọi là CHING CHÊNG.
Trong dân gian, cồng chiêng được đồng bào phân ra nhiều loại: có lúc họ căn cứ vào nhiệm vụ xã hội của bộ chiêng, có lúc họ lại căn cứ vào hình thức của từng bộ chiêng, có người lại căn cứ vào nguồn gốc của các bộ chiêng để phân loại..., nên có các loại: Ching Trum, Ching Mơnhum, Ching Arap hoặc Ching Yuăn, Ching Lào, Ching Kur v.v...
Xét về chức năng xã hội và chức năng âm nhạc của các bộ cồng chiêng Jrai, chúng tôi thấy, có hai loại biên chế khác nhau khá phổ biến hiện nay: loại có núm và loại không có núm (chiêng bằng). Loại có núm là CỒNG, loại không có núm CHIÊNG. Thực ra, đây cũng chỉ là “quy ước” hoàn toàn mang tính tương đối, bởi, trong thực tế, tùy thuộc vào văn cảnh mà người ta có thể nói/đọc/viết CỒNG hoặc CHIÊNG. Ví dụ, khi nghệ nhân nhân chỉnh âm thanh cho cồng chiêng thì người Jrai gọi là tul ching, còn người Bahnar gọi là chik chêng (chỉnh chiêng, “lên giây” chiêng); hoặc cũng có lúc người ta viết “nhạc chiêng đám ma, chiêng đâm trâu, chiêng bỏ mả, chiêng Mường, cồng Mường, chiêng Lào, chiêng cải tiến, chiêng Miến Điện v.v…
2. Ching Trum: là tên gọi theo tiếng Jrai để chỉ một loại nhạc cụ được đúc bằng đồng thuộc họ nhạc cụ tự thân vang, chi gõ (có thể được gõ bằng dùi hoặc bằng phần mềm của bàn tay phải) mà người Việt (Kinh) gọi là cồng chiêng, thuật ngữ âm nhạc gọi là gong. Ching Trum là loại cồng chiêng cổ xưa nhất, gồm ba chiếc cồng có núm và một hoặc hai chiếc trống - Hơgơ Pah. Ching TRUM, có nơi người ta gọi là Ching Kđọ (vùng Ayunpa), người Jrai vùng Chư Prông, Đức cơ, Ia Grai, Chư Păh gọi là CHÊNG, người Xơ đăng gọi là Chiêng Acheo, người Bahnar gọi là Chêng So. Ba chiếc cồng có núm của bộ Ching Trum thể hiện ba âm: Ania - Mung - Mong hoặc Na - Môông - Mong (rê-la-rế, đô-xon-đố, mi-xi-mí).
Việc đặt tên cho mỗi chiếc cồng trong bộ Ching Trum ở mỗi làng tuy khác nhau nhưng cấu tạo hàng âm thì hoàn toàn giống nhau, kể cả Chêng So của người Bahnar cũng như Chêng Acheo của người Xơ Đăng.
Điều lý thú là, kiểu biên chế này rất phổ biến trong các dàn cồng chiêng của các dân tộc thiểu số sống ở vùng Bắc Tây Nguyên. Tất nhiên việc xác định âm chuẩn cho bộ Ching Trum nói riêng, các bộ cồng chiêng nói chung hoàn toàn mang tính tương đối. Bởi, trong thực tế, do đường kính của các bộ cồng chiêng khác nhau, nên cao độ của chúng cũng khác nhau. Điều đặc biệt mà lâu nay chưa thấy ai đề cập tới là, ở ây Nguyên có rất nhiều cồng chiêng nhưng không có bộ nào giống bộ nào về mặt kích thước cũng như số lượng. Điều đó chứng tỏ, cồng chiêng là một loại nhạc cụ được sản xuất từ nhiều nơi khác nhau và được đúc bằng nhiều “khuôn” khác nhau. Về nguyên tắc, cồng càng lớn âm càng trầm, cồng càng bé âm càng cao. Người Jrai và người Bahnar đều có bài ca nói về âm thanh của loại cồng chiêng này. Chẳng hạn, trong bài Hoa trang hét - dân ca Jrai, có câu: Ngân nga như tiếng ching Dai. Còn người Bahnar có bài Chêng Dur tôn vang/Chêng chrang tôn đar (tạm dịch: Chiêng trầm vòng to/ Chiêng cao vòng nhỏ)... Ching Dai của người Jrai và Chêng Dur của người Bahnar cũng là một trong những loại chiêng cổ, biên chế gồm hai loại: loại có núm và loại không có núm, trong đó, loại có núm có nguồn gốc từ bộ Ching Trum hoặc Chêng So và vẫn giữ vai trò “tổ đệm” với âm nền trì tục.
Qua nhiều năm điền dã trong các buôn làng các dân tộc Bắc Tây Nguyên, chúng tôi thấy, đồng bào Jrai Mthur ở huyện Krông Pa và đồng bào Jrai Chor vùng Ayun Pa, Ia Pa và người Bahnar ở tỉnh Gia Lai cũng như đồng bào Xơ Đăng ở tỉnh Kon Tum hiện vẫn đang còn sử dụng bộ Ching Trum với tính chất nguyên sơ của nó. Tuy nhiên do đặc điểm tâm lý, thẩm mỹ, phong tục tập quán của mỗi tộc người khác nhau, nên tính chất âm nhạc cũng khác nhau. Sự khác nhau ấy, chủ yếu thông qua âm điệu đặc trưng của mỗi dân tộc và hình thức trình diễn...
Người Jrai Mthur ở huyện Krông Pa và người Jrai Chor ở huyện Ayun Pa và Ia Pa sử dụng bộ Ching Trum trong lễ dựng cột đâm trâu. Tuy được biên chế ba chiếc cồng có núm, nhưng thực chất Ching Trum chỉ có/cho hai âm như vừa nêu trên. Bài Ching Trum trong Lễ dựng cột đâm trâu - xoay trâu ở Ayun Pa chúng tôi ghi được như sau:
Đặc biệt, trong những ngày tổ chức Lễ hội đâm trâu, chúng tôi thấy người Jrai Mthur ở xã Đắc Bằng huyện Krông Pa thường tổ chức múa trống rất nhộn nhịp, trong đó điệu múa T’Mlia là điệu múa không thể thiếu. Khi diễn tấu, ba chiếc cồng thể hiện theo một âm điệu - tiết tấu cố định, còn hai chiếc trống thì diễn tấu kiểu tùy hứng , nhưng vẫn phải bảo đảm tính nhịp điệu của nó. Và, theo ông Kpă Ngun, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Krông Pa cho biết: “Trước đây, mỗi khi dân làng làm Lễ ăn trâu (Trum kơbao) bao giờ mọi người cũng được nghe cồng chiêng và trống (hơgơ). Đặc biệt, trước lúc đâm trâu, đồng bào thường thổi kypă (một loại kèn làm bằng sừng trâu). Nghe tiếng kypă có con trâu đã chảy nước mắt!” 3.
Nghiên cứu cồng chiêng các dân tộc thiểu số Bắc Tây Nguyên, chúng tôi thấy người Bahnar ở các huyện Kông Ch’ro, An Khê, K’Bang, Đăk Pơ hiện vẫn còn sử dụng bộ Chêng So (chiêng cổ) trong đám cưới (Et ong mai) và trong lễ cúng sân (Sơmah kơcham) với tư cách là một bộ cồng/chiêng độc lập. Những chiếc cồng mà người Jrai gọi là: Ania - Mung - Mong hoặc Na - Môông - Mong thì người Bahnar gọi là: Yong - Mong - Pơpết hoặc Gluø - Cheâcheâ - Pơpeàt, có nơi lại gọi là: Dơhu - Chichi - Pêtnơng. Như vậy, tên gọi của ba chiếc cồng có núm này không thống nhất cho cả tộc người và nhóm tộc người Jrai cũng như Bahnar. Dù được gọi bằng những danh từ khác nhau nhưng cấu trúc của hàng âm thanh của Ching Trum và Chêng So, về cơ bản là giống nhau.
Để có cái nhìn rộng hơn, chúng tôi xin giới thiệu bản tổng phổ bài: Et ong mai (Đám cưới) của người Bahnar ở huyện K’Bang, thể hiện như sau:
3. Vai trò của Ching Trum trong dàn cồng chiêng Jrai
Nguyên cứu vai trò của Ching Trum trong các dàn cồng chiêng Jrai, chúng tôi thấy: “ Trong sử liệu của Việt Nam thế kỷ XVIII, XIX đã bắt đầu có những ghi chép khá chi tiết về vùng đất vua Lửa và vua Nước (Hỏa Xá và Thủy Xá) ở vùng đất bằng phẳng hiện nay của người Giarai (...). Theo sử liệu cổ của Việt Nam (Đại Nam thực lục tiền biên và chính sử của Quốc sử quán thế kỷ XIX). Về nhạc khí, dùng chiêng đồng lớn nhỏ năm cái, thanh la một cái, trống một cái, đám hỷ đám hiếu đều dùng nhạc khí ấy” 4.
Rất tiếc, các tác giả trong Đại Nam thực lục không mô tả cụ thể năm cái chiêng đồng ghi trên, nhưng ít nhiều ta cũng hiểu được lúc bấy giờ (thế kỷ XIX) cồng chiêng Jrai nói riêng, Tây Nguyên nói chung chỉ có một loại, đó là loại năm chiếc. Tuy sách không ghi rõ năm chiếc chiêng đồng lớn nhỏ ấy là loại có núm hay không có núm, nhưng về logic, chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng, đó là loại có núm và nó chính là bộ Ching Trum được tăng cường/bổ sung thêm hai chiếc chiêng núm nữa. Như vậy, rõ ràng Ching Trum là một bộ chiêng cổ đã được người Jrai sử dụng từ lâu, đến nay nó vẫn đóng vai trò rất quan trọng trong đồi sống tinh thần của người Jrai. Điều lý thú là các danh từ Ania - Mung - Mong (Na - Mông - Mung ) của bộ Ching Trum cũng được người Jrai đặt tên cho những chiếc ống nứa/lồ ô trong nhạc cụ Teh Đing. Thực tế hiện nay, người Bahnar Roh ở xã Glar, huyện Đak Đoa vẫn đang sử dụng dàn Ching Đing/ Ching Kram (Chiêng ống/Chiêng tre) trong đời sống tinh thần của họ. Loại chiêng này có từ có từ 9 đến 11, thậm chí 12, 13 ống nứa, hoặc lồ ô. Cấu tạo hàng âm của nó chẳng khác gì dàn cồng chiêng Arap (chúng tôi sẽ giới thiệu Ching Đing ở một bài viết khác).
Người Jrai ở Gia Lai, như trên vừa nói, Ching Trum hiện chỉ có nhóm Jrai Mthur và nhóm Jrai Chor ở các huyện Đông Nam của tỉnh sử dụng mang tính độc lập, các huyện còn lại chủ yếu dùng Ching Aráp. Nói như vậy không có nghĩa là người Jrai ở các huyện Đông Nam của tỉnh Gia Lai chỉ dùng một loại cồng chiêng - Ching Trum. Ching Arap là loại phổ biến nhất hiện nay trong vùng đồng bào các dân tộc Jrai và Bahnar. Loại này gồm năm đến tám chiếc cồng có núm và từ sáu đến chín chiếc chiêng bằng cộng với một chiếc trống vừa, một chũm chọe (rang rai). Đáng chú ý của dàn công chiêng này là, bộ cồng ba chiếc, tức Ching Trum, được tăng thêm hai chiếc nữa, có nơi như vùng Chư Prông, đồng bào tăng thêm bốn chiếc, thậm chí có lúc tăng lên đến chín chiếc nhưng cao độ của các nốt cũng chỉ có hai hoặc ba âm cách nhau một quãng 5 và một quãng 4 đúng và một quảng 2. Đó là các nốt: đô-xon-đố-xón-đố-rế hoặc rề-la-rê-lá-rế-mí.
Nhìn vào hàng âm trên ta thấy, các âm đô-xon cách nhau một quãng 5Đ, xon-đố cách nhau một quãng 4Đ, đố-rế cách nhau một quãng 2T. Thực chất hàng âm trên chí có ba âm: đồ-xon-rế. Đây là một dạng thể hiện của luật “ngũ độ tương sinh” hay còn gọi là vòng tuần hoàn quãng 5, tức các bậc âm lần lượt theo quãng 5 từ thấp lên cao mà Pythagore (582-493 trước CN) đã phát hiện ra từ thời cổ đại.
Như nhiều người đã biết, bộ cồng có núm luôn luôn giữ vai trò thể hiện bè/tổ đệm cùng với trống và rang rai giữ nhịp. Còn những chiếc chiêng không có núm giữ vai trò thể hiện giai điệu. Theo chúng tôi, cao hơn thế, hầu hết bài bản cồng chiêng của người Jrai hiện đang sử dụng, bộ Ching Trum còn đóng vai trò xác định tính chất điệu tính của cả bài chiêng, nếu thiếu sự tham gia của Ching Trum thì không còn linh hồn của bản nhạc. Chẳng hạn trong bài Trum Kơbao (Đâm trâu) dưới đây, nếu ta “bóc” phần giai điệu ra diễn tấu độc lập như một số dàn cồng chiêng “cải tiến” thường biểu diễn thì có lẽ không ai có thể xác định được điệu tính của bản nhạc.
Đối với người Jrai, điều đó cũng không quan trọng lắm, bởi trong tâm thức của họ cũng như người Bahnar và các dân tộc thiểu số Tây Nguyên không có khái niệm điệu tính hay thang âm, điệu thức, nhưng linh hồn (m ngăt - pơngol, ai) thì vô cùng quan trọng. Linh hồn của bài chiêng được thể hiện thông qua nhịp điệu trì tục và âm thanh trầm hùng của những chiếc chiêng có núm. Do đó, Ching Trum (Ania - Mung - Mong tức Na - Môông - Mong) là linh hồn của hầu hết các bộ cồng chiêng Jrai nói riêng, Tây Nguyên nói chung. Đánh giá vai trò của những chiếc chiêng có núm/ cồng, trong đó có bộ Ching Trum/ Chêng So trong dàn các dàn công chiêng Tây Nguyên nói chung, trong bài chiêng Grong kapô (Đâm trâu) của người Bahnar nói riêng, chúng tôi cũng đã viết: “Như chúng ta đã biết, cồng chiêng Bahnar và Jrai là loại nhạc cụ đa âm chứ không phải nhạc cụ đơn âm như cây sáo alal/ t’lia. Cái hay tức là cái hồn, cái vía của bài chiêng không chỉ dừng lại ở giai điệu đơn thuần. Hoặc nói cách khác, giai điệu bài Grong kapô không mang tính độc lập như giai điệu của một bài dân ca, mà nó là sự kết hợp một cách hài hòa giữa giai điệu và phần đệm. Ở đây giai điệu chỉ là một câu nhạc ngắn, gồm có ba âm như sau: pha1 thăng-xon1-la1 (thang ba âm). Chỉ có một câu nhạc ngắn được tạo bởi hai tiết nhạc, nằm trong khuôn khổ của 2 nhịp 4/4, hoặc 2/4 (...) nhưng nó được thể hiện tổng hợp các thủ pháp nghệ thuật, như: đảo nốt, chuyển dịch độ cao theo hình thức “lợp ngói”, hỏi đáp... tạo cho giai điệu có một nét độc đáo. Hơn thế nữa, giai điệu lại được hòa vang trong một phức thể âm thanh đồ sộ của những chiếc cồng có núm và tiếng bì bạch của chiếc trống (sơgơ), tiếng rong reng của chiếc vòng lục lạc (greng neng), tiếng lách cách của những chiếc chũm chọe (rang rai) và cả những tiếng hò reo phấn chấn của những người dự lễ. Trong âm nhạc, nhiều người thường nói giai điệu là linh hồn của tác phẩm. Điều đó hoàn toàn chính xác đối với âm nhạc kinh điển và loại âm nhạc một bè, còn trong âm nhạc cồng chiêng nói chung và chiêng đâm trâu nói riêng thì hoàn toàn không chính xác. (...). Bởi như trên đã trình bày, âm nhạc cồng chiêng chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó được vang lên đầy đủ biên chế của nó (bè đệm và bè giai điệu)” 5.
Chiêng Arap của người Jrai
Như vậy, Ching Trum không chỉ diễn tấu độc lập trong Lễ dựng cột trâm trâu của người Jrai ở các huyện Đông Nam của tỉnh Gia Lai mà còn thể hiện bè/tổ đệm, “giữ nhịp”, vai trò xác định tính chất điệu tính của cả bài chiêng và là linh hồn của các loại cồng chiêng của người Jrai ở Gia Lai, để mỗi lần được nghe cồng chiêng vang lên ở đâu đó, ta lại có cảm giác như đang lạc vào một không gian huyền thoại của mùa lễ hội Tây Nguyên.
__________________________________________________________________________
1 Nhiều tác giả: Nghệ thuật cồng chiêng. Sở VHTT Gia Lai - Kon Tum. Pleiku, 1986, tr 134.
2 Nhiều tác giả: Giữ gìn, phát huy vốn văn hóa truyền thống các dân tộc. Ty VHTT Gia Lai - Kon tum. Pleiku, 1981, tr 112.
3 Lê Xuân Hoan: Một số đặc trưng cơ bản của âm nhạc dân gian Jrai. Nxb.Văn hóa dân tộc. H, 2007, Tr 124.
4 Ngô Văn Doanh: Lễ hội bỏ mả Bắc Tây Nguyên. Văn hóa các dân tộc. H. 1995, tr 188-189.
5 Lê Xuân Hoan: Tìm hiểu thang âm - điệu thức trong âm nhạc dân gian Bahnar. Nxb. Âm nhạc. H, 2014, Tr 78 - 79.