Chỉ huy âm nhạc ở Việt Nam là một "nghề chông gai"

18/06/2020

1. Khái quát chung về ngành Chỉ huy âm nhạc tại Việt Nam

Người nhạc trưởng thường được gọi là conductor, khác với music director. Conductor là người không chỉ đóng vai trò chỉ huy các buổi hòa nhạc, mà còn lãnh đạo và quản lý, thuê hoặc sa thải nhạc công và nguồn tìm tài trợ cho dàn nhạc... Ngoài ra, có một “danh xưng đặc biệt” khác để bày tỏ lòng tôn kính cũng như sự ngưỡng mộ tài năng dành cho nhạc trưởng, đó là maestro.

Từ những năm 1956 - 1960 của Thế kỷ trước, nhà nước đã cử ba sinh viên đầu tiên của Việt Nam qua Liên Xô học chuyên ngành Chỉ huy giao hưởng ở các Nhạc Viện danh tiếng thời bấy giờ là Tchaikovsky và Leningrad: Trọng Bằng, Trần Quý và Quang Hải. Sau khi trở về nước, trước 1975, dù là những nhà quản lý khác nhau nhưng họ vẫn luôn gắn bó với nghề chỉ huy trong việc giảng dạy và tham gia các chương trình lớn nhỏ mang tính hàn lâm tại Hà Nội.

Từ trái sang phải: Nhạc trưởng Quang Hải - Trọng Bằng - Trần Quý thời sinh viên tại Liên Xô

Sau 1975, GS-NSND Trọng Bằng từng giữ chức vụ Giám đốc Nhạc viện Hà Nội và Tổng thư ký của Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa V và khóa VI; NSND Trần Quý từng giữa chức vụ Giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc Trung ương; GS.TS-NSND Quang Hải khi đang là Giám đốc Nhà hát Giao hưởng - Hợp xướng - Nhạc Vũ Kịch Việt Nam được điều về làm Giám đốc Nhạc Viện TP.HCM từ 1975 đến 1997. Cả ba “cánh chim đầu đàn” của ngành chỉ huy giao hưởng của Việt Nam đều được những danh hiệu và giải thưởng cao  quý của Nhà nước phong tặng.

GS.TS-NSND Quang Hải

Vào những năm 1970, còn xuất hiện nữ nhạc trưởng đầu tiên của Việt Nam: NSƯT Bình Trang, tốt nghiệp Nhạc viện Tchaikovsky chuyên ngành Chỉ huy Hợp xướng; rồi đến nữ nhạc trưởng Minh Cầm, tốt nghiệp Nhạc Viện Sofia (Bulgaria) chuyên ngành Chỉ huy Hợp xướng. Cả hai nữ nhạc trưởng này sau đó đều học thêm về chỉ huy dàn nhạc và từng giảng dạy tại Nhạc Viện Hà Nội, sau đó chuyển vô giảng dạy tại Nhạc Viện TP.HCM. Họ cũng thường xuyên tham gia các chương trình lớn của Nhạc Viện và TP.HCM.

 

PGS.NSƯT Minh Cầm
 

NGƯT - NSƯT Bình Trang 

Cùng với những cống hiến của các nhạc trưởng tiền bối ở cả hai miền, từ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Nhạc viện TP.HCM đã có nhiều tên tuổi thành danh được xem như “Thế hệ thứ II và III” là: TS.NSND Nguyễn Thiếu Hoa; ThS.NSƯT Hoàng Điệp, ThS.NSƯT Trần Vương Thạch, ThS Trần Nhật Minh, NSƯT Đặng Châu Anh, Đồng Quang Vinh, Lê Ha My…

ThS.NSƯT Trần Vương Thạch Giám đốc Nhà hát GH-NVK TP.HCM

TS.NSƯT Thiếu Hoa

Nhạc trưởng Trần Nhật Minh

 

2. Thực trạng đầu vào và đầu ra trong đào tạo của chuyên ngành Chỉ huy âm nhạc

Ở Việt Nam, chỉ huy âm nhạc là một “nghề chông gai”, bởi vì: hàng năm, số thí sinh đăng ký thi vào chuyên ngành Chỉ huy (Dàn nhạc và Hợp xướng) thường ít hơn so với các chuyên ngành Âm nhạc học và Sáng tác, có lẽ do đặc thù với những yêu cầu đầu vào như: thí sinh phải phối hợp nhiều kỹ năng. Ngoài việc cần nắm vững nhạc lý, thấu cảm âm nhạc qua tác phẩm dự thi, phong thái tự tin..., thí sinh phải đáp ứng được các yêu cầu như: chỉ huy hợp xướng phải chỉ huy hai tác phẩm khác nhau về tính chất (nhanh và chậm) và sơ đồ nhịp; chỉ huy dàn nhạc phải chỉ huy một chương giao hưởng (được diễn tấu trên hai đàn piano) cộng với phần thi vấn đáp về kiến thức âm nhạc tổng hợp khác khiến thí sinh gặp nhiều áp lực hơn các chuyên ngành khác(?!).

Nói về đầu vào: sinh viên chuyên ngành Chỉ huy (Dàn nhạc và Hợp xướng) luôn phải “đối mặt” với áp lực của gần 10 môn học phải cần đến đàn piano, như Piano phổ thông, Thanh nhạc và Đàn tổng phổ Hợp xướng (đối với chuyên ngành Chỉ huy hợp xướng), Ký xướng âm, Hòa âm, Đọc tổng phổ dàn nhạc, Phối âm cho hợp xướng, Hòa âm trên đàn… Nếu học chỉ huy theo đúng chuẩn quốc tế, họ sẽ phải mất thời gian tập đàn gần như sinh viên chuyên ngành Piano, vậy liệu sinh viên học chỉ huy âm nhạc tại Việt Nam có đủ đam mê, ý thức, kiến thức, thời gian dành cho môn học mà họ đã chọn hay chỉ học để “đối phó” cho có bằng cấp?  

Đối với đầu ra: học đã vất vả mà khi sắp tốt nghiệp, mỗi sinh viên luôn phải lo lắng với việc làm sao có thể được thi với hợp xướng và dàn nhạc để được trải nghiệm với “ngưởi thật - việc thật”. Một thời gian dài, tại Nhạc Viện TP.HCM từng duy trì được “tinh thần đồng đội” khi sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Chỉ huy Hợp xướng vẫn có được hợp xướng “hoành tráng” để thi mà không phải tốn kém nhiều. Tuy nhiên, những năm gần đây thì việc “huy động miễn phí” đang là nỗi ám ảnh của sinh viên hai chuyên ngành Chỉ huy Hợp xướng và Chỉ huy Dàn nhạc.

Trước đây, tại Nhạc viện Tchaikovsky và các nhạc viện khác trên thế giới, những thí sinh thi vào học chỉ huy thường đã tốt nghiệp một chuyên ngành khác như Piano, Violon, Thanh nhạc, và là nhạc công đã chơi lâu năm trong dàn nhạc. Mỗi năm, các nhạc viện đó chỉ tuyển hai hoặc tối đa là ba sinh viên khoa Chỉ huy Dàn nhạc (người bản xứ), đối với Chỉ huy Hợp xướng có thể đông hơn một chút. Các sinh viên mỗi năm được làm việc với dàn nhạc một tuần miễn phí với dàn nhạc hoặc hợp xướng của sinh viên, ngoài ra họ có thể tham dự Masterclass và các buổi tập của các chỉ huy nổi tiếng trong và ngoài nước.

Ở Việt Nam, do môi trường và điều kiện sống, mục tiêu chọn ngành học và đối tượng học chỉ huy âm nhạc luôn khác nhau nên ý thức học nghề - làm nghề cũng khác nhau. Công việc giáo dục và đào tạo chỉ huy âm nhạc đòi hỏi phải phát triển song hành, học để có bằng cấp và học để có kiến thức làm nghề là hai “phạm trù” hoàn toàn khác nhau. Nhìn lại các tiền bối của chuyên ngành Chỉ huy âm nhạc của Việt Nam, đa phần họ đều được đào tạo từ nước ngoài, nơi có những nền tảng về học hành và làm nghề. Vậy đối với những sinh viên học trong nước thì sao? Đâu phải học trong nước là không thể làm được nghề?

Trước những thực trạng trên, nên chăng, mỗi sinh viên cần phải tìm hiểu kỹ hơn trước khi chọn ngành học về những yêu cầu đặc thù, đó là: phải hiểu “nhạc trưởng là một nghề” góp phần cho sự thành công hay thất bại của tác phẩm âm nhạc; một nghề “vừa là đạo diễn, vừa là diễn viên” nên cần những tố chất và điều kiện sau đây: được đào tạo chính quy với những kiến thức âm nhạc tổng hợp vững vàng; biết đàn ít nhất một nhạc cụ và bắt buộc phải biết chơi piano và biết hát đúng giọng; cần có sự độc lập,  năng động, sáng tạo, bản lĩnh, đam mê và có sức khỏe; biết tận dụng tối đa cơ hội khi được học trực tiếp với các chuyên gia trong và ngoài nước; tham gia những chương trình của các giảng viên - nhạc trưởng mà bạn đang theo học; đặc biệt, phải thông thạo ít nhất một ngoại ngữ để có thể học hỏi và tra cứu tư liệu online; phát huy tốt các kỹ năng tự học, quản lý thời gian và làm việc nhóm…

Từ những tố chất trên, mỗi sinh viên chuyên ngành Chỉ huy âm nhạc cần xác định cho bản thân những công việc mà họ có thể đảm nhận khi ra trường như: giảng viên dạy môn Chỉ huy Hợp xướng bậc Trung học 4 năm, giảng viên dạy các môn kiến thức tại các trường đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp, các trường phổ thông; làm biên tập viên cho các báo, đài phát thanh và truyền hình; phóng viên chuyên mục văn hóa - nghệ thuật; làm “Ca trưởng chuyên nghiệp” trong các cộng đoàn giáo dân; làm người chuyên dàn dựng các chương trình và tiết mục cho các đơn vị không chuyên… Từ đó, mỗi sinh viên sẽ tìm cho bản thân một hướng đi chủ động hơn…

3. Những giải pháp tạm thời

Những năm gần đây, tại Hà Nội và TP.HCM luôn có rất nhiều chương trình hòa nhạc giao hưởng của Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam và Nhà hát Giao hưởng - Nhạc Vũ kịch TP.HCM do nhạc trưởng Honna Tetsuji (Nhật Bản - người đã có 17 năm sinh sống và gắn bó với Việt Nam) và nhạc trưởng Lê Phi Phi (chỉ huy Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia cộng hòa Macedonia) và các nhạc trưởng đến từ các nước Na-Uy, Pháp, Nga… Đây là một giải pháp mở rộng thời hội nhập nhưng thiếu tính bền vững do tính bất ổn định về ngân sách đầu tư cho hoạt động của các chương trình này. Các chương trình biểu diễn định kỳ của Nhà hát Giao hưởng - Nhạc Vũ kịch TP.HCM là tín hiệu đáng mừng nhưng vẫn chưa thật khả thi đối với một thành phố lớn hơn 10 triệu dân mà mỗi tháng chỉ hoạt động hai lần là quá ít!

Nhạc trưởng Lê Phi Phi 

Nhạc trưởng Honna Tetsuji (Nhật Bản)

Nhạc trưởng Andrian Tan (Singapore)

Nhạc trưởng David Gomez (Tây Ban Nha)

Kết luận

Nghề nhạc trưởng - chỉ huy âm nhạc là một trong những nghề khó đối với cả nam lẫn nữ, vì vậy, rèn luyện khả năng chịu đựng áp lực là tiêu chí đầu tiên mà người chọn nghề này cần phải có nếu muốn làm nhạc trưởng.

Trong thời hội nhập thế giới, học chỉ huy âm nhạc không còn là vấn đề quá khó khăn đối với những ai yêu thích và đam mê chuyên ngành này. Tuy nhiên, xã hội hiện đại có nhiều cám dỗ vật chất, nhiều bạn trẻ chưa hình dung được hết những khổ luyện của nghề và muốn trụ được với nghề phải vượt qua được những khó khăn gì.

 

Việc thi đậu Nhạc viện mới chỉ là điểm khởi ban đầu của một “cuộc leo núi” mà không phải lên đến đỉnh vẫn còn nguyên đội hình. Đó là quy luật tất yếu của sự “tự đào thải” trong nghệ thuật. Tất nhiên, ngoài yếu tố đam mê, còn nhiều yếu tố cần và đủ khác mới có thể sống được với nghề. Những gì học được trong trường chỉ là nền tảng, còn phần lớn phụ thuộc vào sự năng động, sáng tạo riêng của mỗi sinh viên khi ra trường… Mặt khác, các trường đào tạo chuyên nghiệp cũng cần tạo thêm nhiều cơ hội được trải nghiệm nghề và sự hướng nghiệp rõ ràng hơn cho các bạn trẻ, tạo động lực làm nghề cho các bạn tốt hơn…, đặc biệt đối với ngành Chỉ huy âm nhạc.

Tóm lại, việc đào tạo chỉ huy âm nhạc đạt chuẩn tại Việt Nam vẫn luôn là bài toán khó chưa có lời giải thỏa đáng nếu cả người dạy và người học đều chưa tìm được câu trả lời thiết thực như: “Học chỉ huy để làm gì? Ra trường sẽ làm gì? Môi trường làm việc sẽ ra sao?”. Đặc biệt là khi cả đôi bên đều chưa tìm được “tiếng nói chung” trong việc Dạy và Học.


Tác giả bài viết: ThS - NSƯT Hoàng Điệp

[1]- Nguyên Giám đốc Trung tâm biểu diễn & Đối ngoại Nhạc Viện TP.HCM.

 - Nguyên Q. Trưởng khoa Nhạc nhẹ & Âm nhạc công nghệ Nhạc Viện TP.HCM

 - Hiện đang là: Trưởng Khoa kiến thức Âm nhạc tổng hợp của Trường nhạc MPU TP.HCM; Trưởng Bộ môn nghệ thuật của Trường Quốc tế Tương Lai (Cao Lãnh - Đồng Tháp); Từ 2015 đến nay là Giám đốc Dự Án - Âm Nhạc & Phong cách sống tại Công ty HNP International; từ 2019 là Trưởng điều phối của “Dự án Chicago/Mỹ” và “Dự án Asia Pacific Arts Festival” tại Việt Nam; cố vấn chuyên môn tại Công ty Piano Nhât Tâm Việt Nam; giảng viên thỉnh giảng tại Nhạc Viện TP.HCM, Trường VHNT Quân đội - CS2 TP.HCM  và các trường Đại học trong & ngoài công lập.

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...