Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Đồng Nai: Đại hội lần thứ II (nhiệm kỳ 2015-2020)

20/07/2015

Đại hội diễn ra ngày 17 tháng 7 năm 2015, tại trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Đại hội đã đánh giá lại các hoạt động của chi hội trong 5 năm qua, đề ra phương hướng hoạt động cho nhiệm kỳ 2015-2020 và bầu ra ban điều hành mới. nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện thay mặt BCH Hội Nhạc sĩVN đã tới dự.

hoinhacsi.org xin giới thiệu một số hình ảnh từ đại hội và toàn văn báo cáo tổng kết của chi hội.


Đoàn chủ tịch điều hành đại hội (các nhạc sĩ: Khánh Hòa, Tống Duy Hòa, Cao Hồng Sơn)


Nhạc sĩ Tống Duy Hòa trình bày báo cáo tổng kết nhiệm kỳ.


Nhạc sĩ Khánh Hòa, chủ tịch Hội VHNT tỉnh Đồng Nai phát biểu.


Các nhạc sĩ thảo luận tại đại hội.


Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện thay mặt BCH Hội Nhạc sĩ VN tới dự và phát biểu tại Đại hội.


Bỏ phiếu bầu Ban điều hành nhiệm kỳ 2015-2020


Ban điều hành Nhiệm kỳ mới ra mắt. Từ trái qua phải: nhạc sĩ Khánh Hòa chi hội trưởng,
nhạc sĩ Cao Hồng Sơn chi hội phó, nhạc sĩ Nguyễn Phương Ủy viên.

 

BÁO CÁO KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM KỲ I (2009-2015) VÀ PHƯƠNG HƯỚNG NHIÊM KỲ II (2015-2020)

Chi Hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Đồng Nai, từ Đại hội thành lập Chi hội vào năm 2009 đến nay đã được 6 tuổi. 6 năm tuy ngắn ngủi, nhưng Chi hội đã cùng với các nhạc sĩ hội viên luôn hoạt động trong sự chỉ đạo của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và tinh thần nghị quyết của Đảng bộ Tỉnh nhà trong công cuộc xây dựng 1 nền âm nhạc Việt Nam “tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc”. “Đoàn kết, đổi mới, sáng tạo vì Đồng Nai phát triển bền vững”.

Theo tinh thần Chỉ thị của Ban Bí thư Trung Ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương về các hội văn học – nghệ thuật và điều lệ của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Chi Hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Đồng Nai tổ chức Đại hội lần II để khẳng định những thành tựu trong sáng tác và các hoạt động âm nhạc khác đã đạt được. Đồng thời trên tinh thần thẳng thắn, xây dựng, cùng nhau chỉ ra những ưu – khuyết điêm, những hạn chế còn tồn tại trong quá trình hoạt động để từ đó rút ra những kinh nghiêm, những bài học từ thực tế và cùng nhau xác định phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp hiệu quả cho những hoạt đông trong nhiệm kỳ mới của Chi hội.

Trên tinh thần đó, tôi xin trình bày trước Đại hội những hoạt động của chi hội trong nhiệm kỳ qua và phác thảo phương hướng cho nhiệm kỳ tới để các hội viên, các đại biểu góp ý và thảo luận.

Phần I
KẾT QUẢ THƯC HIÊN NHIỆM KỲ I (2009-2015)

1. Khái quát đặc điểm và tình hình chung

Đồng Nai là 1 tỉnh lớn, đông dân (2,4 triệu) và nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với nhiều khu công nghiệp lớn, nhiều vùng cây công nghiệp. Đồng Nai cũng là miền “đất lành chim đậu”, là điểm đến của rất nhiều cư dân các tỉnh thành trong cả nước đến đây lao động, sinh cơ lập nghiệp. Do đó, các hoạt động văn hóa nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng rất đa dạng, phong phú và nhiều màu sắc. Kề cận với TP Hồ Chí Minh, trung tâm kinh té – văn hóa lớn, Đồng Nai cũng nhanh chóng tiếp thu những cái hay và cả những cái chưa hay của đời sống âm nhạc hiện nay. Lực lượng hoạt động âm nhạc của tỉnh nhà do đó cũng rất đông đảo và có nhiều tiềm năng.

Trước năm 2002, Đồng Nai chỉ có 2 nhạc sĩ lão thành (Nhạc sĩ Nguyễn Văn Vy và nhạc sĩ Trần Viết Bính) là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Nhưng từ 2002 đến 2009, hàng loạt các nhạc sĩ Đồng Nai đã được kết nạp vào Hội trung ương, tao cơ sở để thành lập chi hội tại Đồng Nai. Đến nay số hội viên đã là 11 (tính cả nhạc sĩ Vũ Đan Huyền) và tiềm năng phát triển vẫn còn nhiều.

Điểm đáng quí là phần lớn các hội viên là những cán bộ phụ trách các ngành, cán bộ quản lý và giảng viên các trường chuyên nghiệp nên có nhiều điều kiện để hoạt động. Các hội viên cũng đều là những người luôn say mê với nghề nghiệp và có tâm huyết, nhiệt tình với 1 nền âm nhạc Việt Nam trong sáng, lành mạnh và có bản sắc; dị ứng với những yếu tố ngoại lại, phản cảm trong đời sống âm nhạc hiện nay. Điều này đã giúp các tác phẩm, các công trình nghiên cứu cũng như các hoạt động khác của các nhac sĩ trong chi hội luôn đi đúng hướng; các nhạc sĩ luôn thể hiện được sự tìm tòi, sáng tạo những cái hay, cái mới và phù hợp với tính nhân văn và thẩm mỹ mác xít.

Một thuận lợi rất quan trọng nữa, là các hoạt động của chi hội luôn gắn bó và đươc sự hỗ trợ rất thiết thực, cụ thể từ Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Văn phòng Hội phía Nam và đặc biệt là từ Hội Văn học – Nghệ thuật Đồng Nai. Từ chuyến xe cho anh chị em đi dự Liên hoan Âm nhạc đến chiếc vé mấy bay cho các đại biểu đi dự Đại hội toàn quốc đều có sự hỗ trợ của Hội Văn học – Nghệ thuật. Ngay trước mắt chúng ta đây: để tổ chức Đại hội Chi hội lần này, Hội VH-NT đã giúp chúng ta từ chuẩn bị kinh phí, phát hành vé mời, trang trí hội trường, đón các đại biểu và cả cô nhạc sĩ xinh đẹp Lệ Hằng đang giúp chúng ta làm thư ký cho Đại hội. Thay mặt toàn thể các nhạc sĩ trong chi hội, tôi xin chân thành tri ân sự hỗ trợ vô tư và rất nhiệt tình của Ban Chấp hành và các cán bộ, nhân viên văn phòng Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Văn phòng phia Nam của hội và nhất là của Ban Chấp hành, các cán bộ, nhân viên văn phòng Hội Văn học – Nghệ thuật Đồng Nai và các anh chị em trong Ban Âm nhạc Hội Văn học – Nghệ thuật Đồng Nai đã luôn đồng hành cùng chúng tôi trong suốt thời gian qua.

Bên cạnh những thuân lợi cơ bản nêu trên, Chi hội cũng gặp nhiều khó khăn. Trước hết, là lực lượng hội viên vẫn còn khá mỏng. 11 hội viên trong 40 hội viên của Ban Âm nhạc Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh, trong số hàng trăm, hàng ngàn các nghệ sĩ đang hoạt động chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp trong tỉnh là 1 con số khá nhỏ nhoi, khó mà tạo được những dấu ấn đáng kể, những cú hích lớn để thúc đẩy và định hướng sinh hoạt âm nhạc trong tỉnh.

Là nhiệm kỳ đầu tiên, Ban điều hành Chi hội còn chưa có nhiều kinh nghiệm nên còn loay hoay, chưa tạo ra được nhiều hoạt động thiết thực cho các hội viên.

Một điều nữa, là Điều lệ và cơ chế cũ của Hội Nhạc sĩ Việt Nam chưa tạo điều kiện thuân lợi cho hoạt động của các chi hội địa phương. Không pháp danh chính thức, không tài khoản, không con dấu, không địa chỉ – nên Chi hội rất khó chủ động trong các kế hoạch của mình, nhất là trong việc hợp đồng, phối hợp với các ngành, các đơn vị, các đối tác để tạo ra các hoạt động thiết thưc cho các hội viên.

Vượt qua những khó khăn trên, các nhạc sĩ trong Chi hội vẫn hăng say lao động nghệ thuật và sáng tạo nên nhiều tác phẩm hay, nhiều công trình có giá trị phục vụ cho đời sống âm nhạc của tỉnh nhà và góp phần vào sự nghiệp âm nhạc chung của cả nước.

2. Các thành quả đã đạt được

- Thể hiện vai trò nòng cốt, đầu tàu trong các hoạt động âm nhạc tại tỉnh nhà

Bằng các tác phẩm âm nhạc, các công trình nghiên cứu, sưu tầm; các nhạc sĩ trong Chi hội luôn thể hiện được vai trò nồng cốt, đầu tàu trong các hoạt động âm nhạc của tỉnh nhà. Thể hiên rõ nhất là trong hầu hết các cuộc vân động sáng tác tại địa phương, các nhạc sĩ đều có tác phẩm có chất lượng và đạt nhiều giải thưởng. Rất nhiều tác phẩm được Đoàn Ca múa nhạc Đồng Nai, Đài PT-TH Đồng Nai và các đơn vị nghệ thuật khác và cả phong trào văn nghệ không chuyên ở các đơn vị, địa phương tổ chức dàn dựng, biểu diễn. Sáng tác nhiều, có chất lượng và được sử dụng nhiều nhất phải kể đến tác phẩm của các nhac sĩ Trần Viết Bính, Khánh Hòa, Cao Hồng Sơn, Nguyễn Phương, Điểu Được v.v… (Các đại biểu có thể tham khảo các tác phẩm đạt các giải thưởng trong phần phụ lục phía sau)

Bên cạnh đó, các nhạc sĩ trong Chi hội, qua quá trình sinh hoạt chung với các nhạc sĩ trong Ban Âm nhạc Hội Văn học – Nghệ thuật Đồng Nai luôn rất nhiệt tình trong việc hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm, dẫn dắt các nhạc sĩ trẻ trong ban nâng cao chất lượng chuyên môn, góp phần xây dựng nên 1 đội ngũ sáng tác trẻ ở Đồng Nai khá đông đảo và có chất lượng.

Trong các lĩnh vực khác, các công trình sưu tầm dân ca, dân nhạc các dân tộc thiểu số bản địa ở Đồng Nai của nhạc sĩ Trần Viết Bính; công trình khoa học “Liệu pháp âm nhạc trong điều trị bệnh nhân của nhạc sĩ – Bs Nguyễn Thọ; công trình “Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giảng dạy âm nhạc ở bậc phổ thông” của nhạc sĩ – thạc sĩ Lê Minh Phước đều là những công trình có giá trị và được các nhà chuyên môn đánh giá cao. Các nhạc sĩ là nhà giáo tại Đại học Đồng Nai và Trường Văn hóa – Nghệ thuật Đồng Nai vẫn thể hiện được uy tín trong lĩnh vực chuyên môn của minh.

- Gắn kết tốt với các hoạt động Văn hóa văn nghệ của tỉnh nhà:

Trong lĩnh vực sáng tác: các nhạc sĩ sáng tác thường xuyên cho ra đời nhiều tác phẩm có nội dung tốt, chất lượng nghệ thuật cao phục vụ cho yêu cầu chính trị của tỉnh. Trong các đợt kỷ niệm lớn như “1000 năm Thăng Long – Hà Nội”, “40 năm ngày Thống nhất đất nước” và các đợt vân động lớn như cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, các mảng đề tài như: “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa”; “Nông nghiệp, nông dân và nông thôn”, “Vùng đất và con người Đồng Nai v.v…, các nhạc sĩ trong chi hội rất nhiệt tình tham gia và đã cho ra đời nhiều tác phẩm tốt. Các ngành, các địa phương trong tỉnh có nhu cầu về tác phẩm âm nhạc, các nhạc sĩ trong chi hội cũng là những người đầu tiên tham gia và sáng tác những tác phẩm có chất lượng. Một số ca khuc đã trở thành những bài hát truyền thống của các ngành, các địa phương. Thí dụ nhạc sĩ Cao Hồng Sơn với “Bài ca Đại học Lạc Hồng” cho trường ĐH Lạc Hồng, “Trảng Bom miền đát yêu thương” cho huyện Trảng Bom; nhạc sĩ Khánh Hòa với hợp xướng “ Nhà thiếu nhi Đồng Nai” cho Nhà thiếu nhi và nhiều bài cho ngành Cao su, nhạc sĩ Nguyễn Phương với “Đập tan cánh cửa thép” và nhiều tác phẩm khác cho thị xã Long Khánh v.v… Chính việc gắn kết với địa phương giúp các nhạc sĩ có điều kiên thâm nhập thực tế, tìm thêm cảm hứng, chất liệu và đề tài mang tính chất thực tiễn cho các tác phẩm của mình.

- Gắn kết với các hoạt động của Hội Nhạc sĩ Việt Nam

Là một tổ chức của Hội Nhạc sĩ Việt Nam hoạt động tại địa phương, Chi hội Đồng Nai luôn nhận sự chỉ đạo và gắn kết hoạt động của mình với các hoạt động của hôi trung ương.

Các trại sáng tác, các lớp bồi dưỡng sáng tác do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức có giấy mời, Chi hội đều cử nhạc sĩ tham gia, như nhạc sĩ Điểu Được với trại sáng tác ở Đà Lạt, nhạc sĩ Tống Duy Hòa với trại sáng tác Vũng Tàu và 2 nhạc sĩ tham gia lớp bồi dưỡng sáng tác âm nhạc do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức tại Đồng Tháp. Các đợt vận động sáng tác theo chuyên đề do Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với các ngành tổ chức cũng có sự hưởng ứng của các nhac sĩ Đồng Nai, như nhạc sĩ Cao Hồng Sơn với tác phẩm “Tình yêu xanh” trong cuộc thi: Tuổi trẻ và môi trường do Trung ương Đoàn phối hợi với Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức. Trong các đợt xét giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam hàng năm, nhiều tác phẩm của các nhạc sĩ Đồng Nai cũng được đánh giá cao. Thí dụ nhạc sĩ Khánh Hòa, giải 3 với tác phẩm “Tiếng cồng”, nhạc sĩ Trần Viết Bính, giải B với công trình sưu tầm “Dân ca Mạ, Chơ Ro, S’Tiêng, Kơ Ho”, nhạc sĩ – BS Nguyễn Thọ với giải riêng của Hội Nhạc sĩVN cho công trình khoa học “Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý – âm nhạc trong điều trị bênh nhân” v.v… Liên hoan Âm nhạc khu vực phía Nam do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chưc hàng năm, chi hội cũng tham gia khá đầy đủ. Trừ liên hoan tổ chức năm 2012 tại Bình Định, do nhiều khó khăn nên Chi hội không tham gia được; còn các năm khác, chi hội đều có cử đoàn nhạc sĩ và diễn viên tham gia. Trong đó có nhiều tác phẩm được đánh giá cao như “Lởi ru” của nhạc sĩ Trần Viết Bính – Giải A, “Đàn Chinh K’la ở tuổi thơ tôi” của nhạc sĩ Điểu Được – Giải A, “Về hội chùa quê” của nhạc sĩ Cao Hồng Sơn – Giải B, “Chiều tím Trường Sơn” của nhạc sĩ Tống Duy Hòa – Giải B v.v…

Một trong những hoạt động lớn của Hội Nhạc sĩ Việt Nam là tổ chưc ngày Âm nhạc Việt Nam, Chi hội Đồng Nai đã hưởng ứng rất nhiệt tình. Đến nay, Chi hội phối hợp với Hội Văn học – Nghệ thuật Đồng Nai và các ngành đã tổ chưc được 3 lần ngày Âm nhạc Việt Nam với chất lượng và hiệu quả ngày càng tốt trong các năm 2012, 2013 và 2014. Đến năm 2014, Ngoài Chi Hội Nhạc sĩ và Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh, việc tổ chức Ngày Âm nhạc Việt Nam tại Đồng Nai có thêm sự hưởng ứng tích cực và tham gia tổ chức của Sở Văn hoa – Thể thao & Du lịch và các đơn vị trưc thuộc, Đài PT-TH Đồng Nai. Các tác phẩm thể hiện trong các chương trình này phần lớn là tác phẩm của các nhạc sĩ địa phương, và đã tạo được hiệu ứng xã hội khá tốt.

3. Điểm qua thành tích cụ thể của một số hội viên tiêu biểu trong chi hội

Trong số 11 hội viên của Chi hội, một nửa đã nghỉ hưu. Nửa còn lại cũng không còn trẻ nữa. Tuy nhiên phần lớn các hội viên đều đang hoạt đông khá tích cực và hiệu quả, từ các nhạc sĩ đã có hơn nửa thế kỷ tuổi hội cho đến những nhạc sĩ mới được kết nạp trong mấy năm gần đây.

+ Nhạc sĩ lão thành, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Văn Vy, do tuổi cao sức yếu nên không còn tham gia giảng dạy nữa, nhưng nhạc sĩ vẫn rất nhiệt tình tham gia các hoạt động của chi hội. nhạc sĩ đã dành cho lớp nhạc sĩ đàn em nhiều lời khuyên, chỉ đẫn bổ ích về các hoạt động của hội. Và chi hội vẫn luôn kính trọng, xem nhạc sĩ là cố vấn, là chỗ dựa tinh thần của chi hội.

+ Nhạc sĩ lão thành Trần Viết Bính năm nay đã ngoài 80, nhưng là tấm gương cho lớp đàn em về sự nhiệt thành và hiệu quả trong lao động nghệ thuật. Ở độ tuổi mà nhiều người khác chỉ còn nằm nhà cho con cháu chăm sóc, nhạc sĩ vẫn ấp ủ những kế hoạch cho các chuyến đi điền dã sưu tầm dân ca ở các vùng sâu, vùng xa. Trong sáng tác, càng nhiều tuổi, nhạc sĩ viết càng khỏe và đặc biệt là rất nhạy bén với những đề tài mang tính thời sự, những vấn đề bưc xúc đang được xã hội quan tâm. Chỉ trong mấy năm vừa qua, các giải thưởng nhạc sĩ nhận được đã là niềm mơ ước của các nhạc sĩ trẻ đang độ sung sức nhât: Giải B của Hôi nhạc sĩVN cho công trình sưu tầm dân ca, Giải A trong Liên hoan Âm nhạc khu vực phía Nam, Giải A Giải thưởng Trịnh Hòa Đức v.v…

+ Nhạc sĩ Khánh Hòa, hiện là Chủ tịch BCH Hội Văn học – Nghệ thuật Đồng Nai. Bận trăm công nghìn việc nên số lượng tác phẩm không nhiều, nhưng mỗi tác phẩm của nhạc sĩ Khánh Hòa đều có chất lương cao về nội dung và nghệ thuật. nhạc sĩ Khánh Hòa hiện là nhạc sĩ nhận được nhiều giải thưởng nhất từ Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1B,1C, 1 KK). Với cương vị hiên tại, nhạc sĩ rất ưu ái và có nhiều hỗ trợ hiệu quả cho các hoạt động của chi hội.

+ Nhạc sĩ Cao Hồng Sơn, vừa là 1 nghệ sĩ, vừa là giảng viên Guitar của trường Văn hóa – Nghệ thuật Đồng Nai. Nhưng những năm qua, Cao Hồng Sơn nổi lên là 1 nhạc sĩ sáng tác chuyên nghiệp và đang độ sung sức. Là Chi hội phó Chi hội Nhạc sĩ, mới đây lại được bầu làm Trưởng ban Âm nhạc Hội Văn học – Nghệ thuật Đồng Nai, nhạc sĩ Cao Hồng Sơn đang đại diện cho thế hệ kế cận tiếp tục gánh vác những trọng trách các thầy, các chú, các anh trao lại. Về sáng tác, mỗi tác phẩm của nhạc sĩ đều được ấp ủ, nâng niu, trau chuốt từ lời ca đến nét nhạc và được các đồng nghiệp cũng như các bạn yêu nhạc đánh giá cao. nhạc sĩ đang sở hữu khá nhiều các giải thưởng từ trung ương đến địa phương và cả từ các tỉnh thành bạn. Và mới nhất là giải C cuộc thi “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Ban Tuyên Giáo Trung Ương Đảng tổ chức với tác phẩm “Tổ quốc và người lính”.

+ Nhạc sĩ Điểu Được: Là nhạc sĩ người dân tộc Chơ Ro, gốc gác nông dân và hiện cũng là nông dân ở huyên Định Quán, nhà nghèo con đông nhưng rất say mê nghiệp ca hát. Là người con của núi rừng, Điểu Được bằng sáng tác và giọng hát đã đem đén cho âm nhạc Đồng Nai 1 nét rất riêng, độc đáo và đáng trân trọng. Anh luôn ý thức được sự quan trọng trong việc sưu tầm và gìn giữ những bài ca, những bài chiêng mà người già trong làng truyền lại cho anh. Đó chính là những chất liệu quí giá mà anh dùng để tạo nên những tác phẩm đọc đáo của riêng mình. Tuy mới được kết nạp vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam trong mấy năm gần đây, nhưng nhạc sĩ Điểu Được đã nhanh chóng giành được những giải thưởng đáng quí: Giải A trong Liên hoan âm nhạc khu vực phía Nam với tác phẩm “Đàn Chinh K’la ở tuổi thơ tôi”, Giải B Giải thưởng Trịnh Hoài Đức năm 2013 với tác phẩm “Người Chơ Ro nhớ ơn Bác Hồ”. Hàng ngày vật lộn với cuộc sống mưu sinh; nhưng hễ có ai gọi là anh lại xách chiêng, đóng khố và cùng mấy người bạn trong làng đi hát. Tháng 5 vừa qua, anh lại mới đem về cho Đồng Nai 1 tấm huy chương vàng quý giá trong Liên hoan “Tiếng hát Làng Sen 2015)” bằng chính tác phẩm và giọng hát của mình.

Các nhạc sĩ hội viên khác như nhạc sĩ Nguyễn Phương, nhạc sĩ – Bs Nguyễn Thọ, nhạc sĩ Lê Minh Phước, nhạc sĩ Nguyễn Đức Đổi v.v… mỗi ngươi 1 vẻ, đều có những thành tích đáng để tự hào, nhiều chuyện hay để có thể kể; nhưng do thời gian có hạn, tôi xin phép hẹn quí đại biểu vào các dịp khác.

4. Công tác xây dựng Chi hội:

Qua phần báo cáo trên, chúng ta đã biết Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Đồng Nai được thành lập vào năm 2009 với 8 hội viên. Trong bối cảnh chung của âm nhạc Đồng Nai và với 1 lực lượng hoạt động trên lĩnh vực âm nhạc khá dồi dào và có tiềm năng, chi hội luôn chú trọng đến việc phát triển hội viên, đồng thời tích cực nâng cao chất lượng hội viên trong chi hội về phẩm chất và năng lực chuyên môn.

- Về số lượng, trong nhiệm kỳ qua, chi hội đã bồi dưỡng và giới thiệu để Hội Nhạc sĩ Việt Nam xét kết nạp thêm được 3 hội viên mới. Đến năm 2011, chi hội đã có tổng số 11 hội viên bao gồm 7 nhạc sĩ chuyên ngành sáng tác, 3 nhạc sĩ chuyên ngành đào tạo và 1 nhac sĩ chuyên ngành lý luận. Chuyên ngành biểu diễn chưa có nhạc sĩ nào. Cũng chưa có hội viên là nũ. Về chất lượng chính trị, có 4 hội viên là Đảng viên. Về học vấn có 1 hội viên là Tiến sĩ, 1 hội viên là thạc sĩ, 7 hội viên đã tốt nghiệp bậc Đại học chuyên ngành âm nhạc và các chuyên ngành khác. Sau khi nhạc sĩ Vũ Đan Huyền mất vào đầu năm nay, số lượng hội viên của chi hội hiện nay còn lai là 10.

- Về phẩm chất đạo đức nghề nghiệp và chuyên môn, thông qua các tác phẩm và các công trình, các hoạt động âm nhạc, các hội viên đều thể hiên 1 phẩm chất tốt và chuyên môn khá.

- Về tình đoàn kết trong chi hội, Chi hội Đồng Nai trong nhiệm kỳ qua thể hiên được tình đoàn kết tốt, sự nhất trí cao trong các hoạt động của chi hội và quan tâm đến cuộc sống của nhau. Chi hội có 2 nhạc sĩ lão thành luôn nhận được sự kính trọng của anh em hội viên. Hội viên có cuộc sống khó khăn như nhạc sĩ Điểu Được cũng thường xuyên nhân đươc sự động viên khích lệ của anh em trong chi hội. Riêng với nhạc sĩ Vũ Đan Huyền, nay đã qua đời vì trọng bệnh; trong những năm nhạc sĩ nghỉ bệnh tại nhà; các hội viên theo nhóm hoặc cá nhân, thường xuyên đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ nhạc sĩ cả về tinh thần lẫn vật chất. Khi nhạc sĩ ra đi, anh em trong chi hội đã đến viếng và tiễn đưa nhạc sĩ trong niềm tiếc thương vô hạn. Khi sinh thời, Vũ Đan Huyền là 1 nhạc sĩ tài hoa và rất năng động. Thông qua các cương vị công tác như: Đội trưởng đội nhạc Đoàn ca múa nhac Đồng Nai, Cán bộ Nhà Thiếu nhi Đồng Nai, Cán bộ Trung tâm VHTT TP Biên Hòa, Trưởng đoàn Ca múa nhạc Đồng Nai, Phó Giám Đốc TT Văn Hóa – Thông tin Đồng Nai, nhạc sĩ đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ nhạc công, ca sĩ, nhạc sĩ ở Đồng Nai. nhạc sĩ ra đi để lại hàng trăm tác phẩm âm nhạc mà nhiều bài vẫn đang được sử dụng trên Đài PT-TH, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp cũng như trong phong trào văn nghệ quần chúng của các ngành, các địa phương.

5. Đánh giá khái quát về những hoạt động của Chi hội

a. Ưu điểm:

- Các nhạc sĩ trong chi hội cơ bản có lập trường tư tưởng và bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm bắt kịp thời những vấn đề cơ bản về kinh tế, xã hội và hiện thực của Đồng Nai cũng như của đất nước. Từ đó, các tác phẩm cũng như những công trình âm nhạc đều có dịnh hướng đúng đắn và thể hiện, đáp ứng được yêu cầu chính trị của địa phương.

- Đội ngũ các nhạc sĩ trong chi hội tiếp tục phát triển tốt về chất lượng và số lượng. Các nhạc sĩ khá đều tay trong các hoạt động âm nhạc. Đoàn kết, hỗ trợ nhau để cho ra đời những tác phẩm ngày càng tốt hơn

- Số lượng các tác phẩm và công trình âm nhạc của hội viên trong nhiêm kỳ qua là khá lớn và đa dạng. Nhiều tác phẩm trong đó có chất lượng cao và đạt được những giải thưởng lớn từ cấp toàn quốc đến địa phương.

- Đối nội, Chi hội là 1 tập thể đoàn kết tốt và gắn bó với nhau. Về đối ngoại, Chi hội đã nhận đươc sự quan tâm hỗ trợ khá tích cực của các ngành, các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là mối quan hệ với Ngành Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Hội Văn học – Nghệ thuật Đồng Nai.

b. Những hạn chế, tồn tại:

- Tuy tác phẩm sáng tác nhiều và chất lượng khá, nhưng chi hội vẫn chưa quan tâm đúng mưc tới việc quảng bá tác phẩm. Những tác phẩm được Đài PTTH và các đoàn nghệ thuật sử dụng chưa nhiều và chưa đạt được sự kỳ vọng của hội viên. Chi hội cũng chưa có kế hoạch cụ thể trong việc đưa các tác phẩm đến với phong trào văn nghệ quần chúng tai các địa phương, các ngành. Do đó hiệu ứng xã hội rất hạn chế.

- Các tác phẩm của Chi hội trong thời gian qua chủ yếu vẫn là các ca khúc phổ thông. Các nhạc sĩ vẫn chưa quan tâm lắm đến việc nâng tầm các tác phẩm và đầu tư cho những thể loại cao cấp hơn như hợp xướng, romance hoặc các thể loại khí nhạc. Điều này có thể do nhu cầu của xã hội, nhưng cũng thể hiện việc các hội viên chưa tự nâng cao tay nghề để vươn tới những tác phẩm lớn hơn về qui mô và sâu hơn về chất lượng nghệ thuật.

- Việc phát triển hội viên tuy có quan tâm nhưng tốc độ là còn chậm so với tiềm năng của tỉnh nhà. Chúng ta vẫn còn quá quan tâm đén việc phát triển các hội viên chuyên ngành sáng tác mà chưa có sư quan tâm đúng mức tới các chuyên ngành khác, đăc biệt là ngành biểu diễn và lý luận.

Phần II
PHƯƠNG HƯỚNG NHIÊM KỲ II (2015-2020)

Qua những việc đã làm được và chưa làm được trong nhiệm kỳ qua, dựa vào những đổi mới của Hội Nhạc sĩ Việt Nam trong Đai hội vừa qua, chi hội đề ra phương hướng hoạt động của Chi hội trong nhiệm kỳ tới như sau:

- Tiếp tục ổn dịnh, củng cố và nâng cao chất lượng hội viên về lập trường, quan điểm và tư thưởng chính trị cũng như năng lực chuyên môn. Từ đó cho ra đời những tác phẩm, công trình và nhưng hoạt động âm nhạc có định hướng đúng đắn và đáp ứng được yêu cầu chính trị của tỉnh nhà cũng như của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

- Tiếp tục phát triển tổ chức của Chi hội về chất lượng cũng như số lượng với tốc độ cao hơn. Phấn đấu trong nhiêm kỳ 2, Chi hội sẽ có khoảng 15 hội viên. Quan tâm hơn tới việc phát triển hội viên các chuyên ngành biểu diễn và lý luận. Tiếp tục thể hiên vai trò là đầu tàu, là nòng cốt trong các hoạt động âm nhạc của tỉnh nhà bằng việc tham gia mạnh mẽ hơn và có chất lượng hơn vào các hoạt đọng văn hóa – Nghệ thuạt của tỉnh và của các địa phương, các ngành trong tỉnh. Phát triển mối liên hệ mật thiết với lực lượng sáng tác và biểu diễn của Ban Âm nhạc Hội Văn học – Nghệ thuật Đồng Nai, để cùng nhau xây dựng 1 đọi ngũ hoạt động âm nhạc đông đảo và có chất lượng. Đây cũng là tiền đề tốt cho việc phát triển tổ chức của chi hội.

- Tập trung đẩy mạnh việc quảng bá tác phẩm. Tận dụng mọi phương tiện có thể có cho việc này. Có kế hoạch cụ thể và mối quan hệ mật thiết hơn với Đài PH-TH và các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của tỉnh nhà trong việc dàn dựng, biểu diễn, giới thiệu các tác phẩm của chi hội đến với đông đảo khán giả với chất lượng cao hơn và số lượng nhiều hơn. Bên cạnh đó, Chi hội cũng cần tìm ra những giải pháp hiệu quả để đưa các tác phẩm âm nhạc đến với phong trào văn nghệ quần chúng tại các địa phương, các cơ sở.

- Nâng cao hơn nữa chất lượng các tác phẩm, các công trình âm nhạc. Phấn đấu có giải A trong các giải thưởng âm nhạc hàng năm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và nhiều giải A hơn nữa trong các Liên hoan âm nhạc khu vực. Trong đó có các tác phẩm có tầm lớn hơn như ca khúc nghệ thuật, hợp xướng và các loại hình khí nhạc.

- Củng cố tình đoàn kết của các nhạc sĩ trong Chi hội. Bên cạnh đó, phát triển mạnh mẽ hơn nữa mối quan hệ với các ngành, các địa phương. Từ đó có sự hỗ trợ lẫn nhau tốt hơn trong các hoạt động âm nhạc trong tỉnh.

- Đối với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Chi hội cần có sự găn bó mật thiết hơn, tranh thủ sự chỉ đạo của hội trung ương, thực hiên tốt các nhiệm vụ mà hội giao cho, tham gia đầy đủ và có chất lượng vào các hoạt động của hội. Chế độ báo cáo cũng như các nghĩa vụ khác với Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng cần được thực hiện nghiêm túc. Qua đó Chi hội và các hội viên chắc chắn sẽ nhân được sự chỉ đạo và sự đầu tư thích đáng từ phía Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

KẾT LUẬN

Trên đây là báo cáo khái quát về những hoạt động của Chi Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ đầu tiên và những hướng đi của chi hội trong nhiêm kỳ mới. Là một chi hội còn non trẻ, 6 năm qua, tuy còn nhiều bỡ ngỡ, nhiều sai sót nhưng Chi hội đã từng bước lớn mạnh và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Hy vọng vào nhiệm kỳ mới, Chi hội sẽ tăng tốc và phát triển thành 1 chi hội mạnh, có nhiều đóng góp cho đời sống âm nhạc của địa phương cũng như trong cả nước, xứng tầm với quê hương Đồng Nai, một địa phương đang có nhưng bước đi mạnh mẽ trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 

 

Tin liên quan

06/03/2021
Tối 5 tháng 10 năm 2020, tại Nhà hát Chèo Việt Nam, Hà Nội, đã diễn ra Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020, do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du ...
18/02/2021
Tất cả Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam có quyền gửi tác phẩm, công trình dự xét Giải  thưởng Âm nhạc 2021. Tác giả, nhóm tác giả tham dự 01 tác phẩm duy nhất thuộc một trong các chuyên ngành sau: Lý luận phê bình, Sáng tác, Biểu diễn ...
18/02/2021
Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 8 tháng 9 năm 2020, tại Hà Nội, Đảng bộ Liên hiệp các ...
17/02/2021
Chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ XI (3/9/2010 – 3/9/2020), chào mừng thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ X (2020-2025), Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tổ ...