Chân dung nhạc sĩ qua lăng kính truyền hình

25/04/2017

Phim về chân dung danh nhân, nghệ sĩ, nhạc sĩ vốn là một thể tài quen thuộc trong phóng sự truyền hình. Nó giúp người xem có thể hình dung được phần nào những công việc đặc thù trong từng ngành nghề, qua đó hiện lên chân dung mỗi cá nhân dưới góc nhìn truyền hình. Song, bộ công cụ nào cũng có giới hạn của nó, đồng thời không thiếu tình huống đi chệch khỏi mục tiêu, như nhiều phóng sự về nhạc sĩ ở nước ta. Nếu ai từng xem qua một vài phóng sự về chân dung nhạc sĩ trên truyền hình có thể đoán biết được kết cục của từng bộ phim, thậm chí có thể rút ra cho mình một kịch bản chung.

Phim luôn mở đầu với những hình ảnh về tuổi thơ nhạc sĩ, thời thanh niên sôi nổi, những tấm hình kỷ niệm… Tất cả diễn ra theo tiến trình thời gian, đan xen với những hình ảnh đặc tả nhân vật, từ góc độ cá nhân cho đến các mối quan hệ, người thân, bạn bè, đồng nghiệp thông qua phương pháp phỏng vấn … 

Tính chất sống động, đa chiều ở từng cá nhân thường được đơn giản hóa, đóng khuôn vào một kịch bản cố định. Người làm truyền hình có khuynh hướng đặt nhân vật vào bố cục kịch bản, triển khai tình huống theo tư duy tuyến tính, từ đó biến “Kịch bản truyền hình” thành bản “Cáo phó” về nhân vật. Các tình huống sắp đặt không những không soi rọi, chỉ ra góc khuất mà còn làm khuất đi những ngã rẽ mà lẽ ra cần phải lột tả, như khía cạnh liên quan đến hoạt động sáng tạo, tính cách cá nhân, trạng thái biểu cảm dưới các lát cắt… Dưới sự chỉ đạo sáng suốt của người làm truyền hình, nhạc sĩ bị đưa đi giam cầm trong những kịch bản tù túng, khô khan, nghèo nàn, cứng nhắc, chẳng hạn, như lúc đặc tả công việc sáng tác: tình huống thường là cảnh nhân vật ngồi trước biển, nhìn về xa xăm, trên tay chuẩn bị một tập chép nhạc, một tay cầm bút, thỉnh thoảng hí hoáy viết. Nhạc sĩ bỗng hóa thân thành họa sĩ đi vẽ ngoại cảnh. Thay vì chụp “cắt lớp” hiện thực, nhạc sĩ chộp bắt cảnh quan bỏ vào chiếc “hồ lô” là bản nhạc. Dưới một lát cắt khác, tình huống có thể diễn ra tại tư gia, người nhạc sĩ của chúng ta đặt bản nhạc trên cây đàn piano, thỉnh thoảng đàn thử một vài hợp âm rồi lại hí hoáy viết.

Phỏng vấn đồng nghiệp cũng là điểm nhấn thường được khai thác trong phim. Nhân vật về thăm quê hương, chốn cũ, chiến khu, cơ quan, đoàn thể, gặp người thân, bạn bè. Đến một đứa trẻ chắc cũng biết đó là những tình huống sắp đặt. Trong hoạt động sáng tạo, ý tưởng đến một cách bất chợt. Nó rình rập người sáng tạo mọi lúc, mọi nơi, như người khách lạ không hẹn mà đến, rồi ra đi mang theo những bí ẩn. Có người cấu tứ, âm thanh thường xuyên nhảy nhót trong tai, trong đầu. Có người vắt óc mãi tìm kiến cũng chẳng thấy được âm thanh hay ho ở đâu. Căn duyên mỗi người một khác, không thể miễn cưỡng được. Người ta có quyền chọn nghề, nhưng nghiệp có chọn hay không lại là một chuyện khác. Trong sáng tạo, mong muốn chủ quan không làm nên được xúc cảm thẩm mỹ. Chẳng phải đợi tới khi nhạc sĩ ra đứng, ngồi trước biển hay nhìn về chân trời xa xăm thì ý tưởng âm nhạc mới xảy ra. Chưa kể, người ta chỉ thấy họa sĩ vẽ ngoại cảnh, chứ nhạc sĩ làm công việc của mình trong thế giới khép kín của mình. Cây đàn piano cũng không nhất thiết phải là dụng cụ sáng tác hay dùng để thử âm thanh như các bộ phim truyền hình thường làm. Chưa kể, rất nhiều nhạc sĩ ở ta không hề sử dụng thành thạo cây đàn này. Trong khi, nhân viên truyền hình cứ muốn sắp đặt cây đàn bên nhân vật, một tình huống vô cùng khiên cưỡng. Ngay cả những nhà soạn nhạc lẫy lừng đi vào lịch sử âm nhạc thế giới, như: Georges Bize người Pháp, Nicolo Paganini người Ý đâu biết đánh đàn piano? Lịch sử không vì thế mà không ghi nhận sự vĩ đại ở họ. Nguyên lý tổng kết bởi người làm truyền hình xem ra có khả năng “ám sát” nhạc sĩ hơn là tôn vinh. Chưa kể Kịch bản, lời dẫn thường viết theo phong cách “Cáo phó”, hết nguyên làm cái này đến nguyên làm chức nọ… 

Nhớ ngày trước có đoàn làm phim Nhật Bản tới quay phóng sự về nghệ nhân Bá Phước (chuyên chế tác nhạc cụ truyền thống). Họ ăn trực, nằm chờ ở nhà nghệ nhân. Nhất cử nhất động của nhân vật đều bị camera “giám sát”, cả lúc đi chợ, về nhà, chui vào xưởng gỗ, rúc đầu vào đống đồ đầy mạng nhện, rồi đục đẽo, quát mắng vợ con, vui, buồn, nhậu xỉn… tất cả đều bị máy ghi hình lưu giữ. Còn như nhạc sĩ Rachmaninov thuở xưa khi được một họa sĩ trẻ xin vẽ chân dung. Ông trả lời thẳng thừ: “Tôi rất bận, không thể rời khỏi nhà. Nếu anh muốn vẽ chân dung hãy đến nhà tôi”. Thế là họa sĩ phải hì hục mang đồ vẽ lỉnh kỉnh đến nhà nhạc sĩ. Trong thời gian làm việc, mgười nào làm công việc của người ấy, không ai chi phối ai. Nhạc sĩ làm công việc của mình, họa sĩ làm công việc của mình, chẳng có đạo diễn, diễn viên, không người chỉ đạo nghệ thuật, kịch bản soạn sẵn... Tác phẩm hoàn thành đong đầy tính chất tả thực, sống động.

Trở lại câu chuyện chân dung nhạc sĩ truyền hình ở ta, nó như một món quà ban tặng cho nhạc sĩ, thường rơi vào những năm cuối đời. Nhiều phim thực hiện giống như Liên quân “không kích” sa mạc, diễn ra nhanh chóng dưới một lịch trình, kịch bản soạn sẵn. Xét về tính chất tả thực, loại phim này còn thua xa những clip được quay lén bằng smart phone phổ biến hiện nay. Và chúng toát lên một vẻ giả dối, nhợt nhạt, hời hợt, nhìn chung đều đem đến cho người xem cảm giác buồn tẻ, ngán ngẩm.

Bằng cách làm trên, sản phẩm trở thành món quà với bức chân dung về một người xa lạ. Nhiều bộ phim có thời lượng khá dài, nhưng không gói ghém nổi tâm trạng nhân vật. Bởi vậy, đa số phim chân dung về nhạc sĩ có đời sống vất vưởng, chóng vánh, đoản mệnh, chết trước cả nhân vật.

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...