Câu trả lời phỏng vấn hay nhất thời đại
Câu trả lời phỏng vấn hay nhất mọi thời đại, có lẽ thuộc về Socrates, triết gia Hy Lạp sinh ra vào năm 469 trước Công nguyên. Tôi cứ mặc định sự bình chọn của mình như thế, nếu chưa có ai phản bác tôi để đưa ra một câu trả lời thông minh hơn.
Có lần Socrates cũng được hỏi một câu phổ biến và cũ rích mà tận 2500 năm sau, các phóng viên vẫn thích áp dụng để tra tấn nhân vật: Ông có coi mình là người thông thái nhất trong tất cả các nhà thông thái không? Đây là dạng câu hỏi đóng chỉ có thể trả lời “Có” hoặc “Không”.
Các phóng viên đặc biệt rất ưa hỏi những người vừa giành ngôi vị cao nhất trong một cuộc thi nhan sắc: Cô có cho rằng mình là người đẹp nhất hay không?, hoặc một nhân vật nổi tiếng khác: Anh/chị tự xếp mình ở vị trí/thứ hạng nào trong làng showbiz? Đáp lại câu hỏi cũ mèm luôn là một câu trả lời cũ mèm và tẻ ngắt: Điều đó hãy để cho công chúng tự đánh giá. Công chúng luôn là những ban giám khảo công tâm hơn cả. Các nhà văn thì khôn ngoan hơn một chút, dù cũng “cũ” không kém, họ không bắt độc giả phải trả lời thay mà lẩn tránh câu hỏi bằng cách: Hãy để thời gian trả lời. Thời gian chính là vị giám khảo công bằng nhất để định vị một tác phẩm và tác giả.
Socrates thì không đợi đến công chúng đánh giá, ông bảo “Tôi chỉ biết mỗi một điều là tôi chẳng biết gì cả. Nhưng có nhiều nhà thông thái ngay cả đến điều đó họ cũng không biết. Tôi biết điều đó hơn họ, vậy là tôi thông minh hơn họ.”
Có những câu hỏi mang tính lựa chọn hoặc tự nhận xét muôn thuở thường bị nhân vật đùn cho công chúng trả lời hộ. Trong khi công chúng cũng đã có câu trả lời từ trước khi được nghe câu trả lời từ họ. Điều mà công chúng muốn nghe không phải mức độ tự xếp thứ hạng của nhân vật, mà họ chỉ muốn thử thách trí tuệ, sự thông minh và tài đối đáp của nhân vật mà thôi. Từ Khổng Tử, Đức Phật cho đến Chúa Jesus đều dạy chúng ta đức tính khiêm tốn. Nhưng trong trường hợp này, không có “nhân” nào khiêm tốn đến mức tự nhận mình là kẻ kém nhan sắc nhất, và “chẳng qua chỉ vì may mắn mà tôi được trao vương miện”. Cũng không có “sao” nào tự nhận mình ở hạng ba cho dù họ đang đứng vững chắc ở hạng đó thật. Nhưng người ta cũng không thể ngang nhiên tự xếp mình lên trên những người khác.
Khi trả lời phỏng vấn (dù là phỏng vấn báo chí hay phỏng vấn tuyển dụng), sự khiêm tốn thái quá sẽ đôi khi khiến người trả lời tự biến mình trở thành kẻ mặc cảm, tự ti và đôi phần còn làm những người chưa hiểu rõ bạn nghĩ rằng bạn kém cỏi thật sự. Nhưng sự kiêu hãnh hay kiêu căng cũng hóa thành ngạo mạn và gây ra khó chịu, phản cảm hơn nữa. Cha mẹ chúng ta cũng dạy chúng ta nết thật thà. Nhưng cũng chỉ có kẻ ngu ngốc mới thật thà đến mức nghĩ gì nói nấy. Đâm ra, khi trả lời phỏng vấn, sự thật thà quá đáng có thể biến thành thảm họa phát ngôn của năm. Nhưng sự khôn khéo quá mức cũng sẽ biến thành công thức, giả tạo, sáo rỗng, nhàm chán và khiến người trả lời bị xóa nhòa hết cá tính riêng, điều tối cần thiết cho một câu chuyện phỏng vấn thú vị.
Người trả lời phỏng vấn, lúc nào cũng giống như một nghệ sĩ làm xiếc thăng bằng trên dây, mà ngó sang bên này miệng vực là sự thật thà ngu ngốc hoặc sự khiêm tốn ngờ nghệch, ngó sang bên kia miệng vực là sự hợm mình kiêu ngạo hoặc lối hô khẩu hiệu sáo mòn và giả tạo. Không cẩn thận thế nào cũng rơi tõm sang một bên. Mà sảy miệng trước công chúng, phóng viên đã ghi chép vào rồi, giấy trắng mực đen 1/1000 giây đã được “tái bản” trên khắp các trang mạng, cũng không khác gì bị rơi tõm xuống vực vì một cú sảy chân, khó mà còn thời gian để hối hận. Vì thế nên tôi mới cho rằng Socrates có câu trả lời thông minh nhất mọi thời đại khi vừa khiêm nhường, vừa tự tôn vinh bằng chính sự khiêm tốn, thông minh tuyệt đỉnh và hài hước của mình. Xét ra, nhà hiền triết còn kiêu ngạo hơn mọi nhà thông thái khác trên đời, nhưng là một sự kiêu ngạo đáng yêu, đáng nể và không thể bắt bẻ. Nếu là một người làm xiếc thì có vẻ như Socrates luôn đứng thăng bằng trên sợi dây nhỏ xíu với nụ cười thanh thản trên môi./
Ban nhạc huyền thoại The Beatles đã từng bị vạ miệng vì nam ca sĩ chính John Lennon dám tuyên bố “Chúng tôi còn nổi tiếng hơn cả Chúa Trời” khiến dấy lên một làn sóng phản đối và phẫn nộ không chỉ ở Mỹ mà còn lan sang cả Mexico, Nam Phi và Tây Ban Nha. Một phong trào “anti-Beatles” ra đời. Các tour lưu diễn quốc tế của họ bị cắt, các bài hát của họ bị cấm trên sóng phát thanh của nhiều nước. Sự ngạo mạn của John Lennon khiến cả ban nhạc của họ bị vạ lây. Ở nước mình thì không ai tự coi mình hơn Chúa Trời, nhưng sự kiện cái miệng làm vạ cái thân cũng liên tục xảy ra. |
(Nguồn: http://thegioidienanh.vn)