Câu chuyện Nguyễn Ánh 9: Âm nhạc bị "ra rìa"

29/08/2013

Trăn trở của người nhạc sĩ đã 60 gắn bó với âm nhạc qua cái nhìn của một ca sĩ mới nổi chục năm nay, chỉ còn đúng một câu: Ông ấy chê tôi.

Bởi vì qua “trái tim rộng” và “cái đầu rộng” của đông đảo công chúng, những người thụ hưởng cả cái tốt và cái dở của nền âm nhạc đó, bài trả lời phỏng vấn của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 toát lên một thông điệp lớn: Các ca sĩ hãy hát bằng tâm hồn chứ đừng chỉ hát bằng kỹ thuật hay hình thức.

Đó là tâm nguyện của một người có thể coi là đại diện cho những nhạc sĩ viết ca khúc bằng cảm xúc thật. Đó cũng là điều người nghe mong đợi, những ca khúc khi vang lên có thể chạm đến trái tim họ.

Mỗi câu trả lời của ông đều là những nhận định thẳng thắn, cụ thể, chi tiết, hoàn toàn từ góc độ chuyên môn, không có chút ác ý. Nếu không nghe họ hát và nghe rất kỹ thì ông đã không đưa ra được những nhận xét xác đáng như vậy.

Mỗi lời “chê” của vị nhạc sĩ lão thành với từng ca sĩ là những chia sẻ mà họ không thể nhận được từ những người có ít kinh nghiệm sống, trình độ âm nhạc và tâm huyết với nghệ thuật. Và càng không thể từ những người đang tôn họ làm thần tượng, hàng ngày tung hô họ, thổi họ lên mây xanh bằng những danh xưng mỹ miều.

Họ không cần phải nghĩ rằng mình “may mắn” được nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 chê. Nhưng rõ ràng, họ vừa nhận được một bài học nghề nghiệp hoàn toàn "miễn phí" mà nếu thật yêu nghề họ sẽ rất trân trọng.

Nhưng một người trong số họ đã chọn cách phản ứng mà theo dân gian gọi là “xù lông nhím”.

Tâm thư hay nhát dao đâm vào tim?

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, một trong số rất nhiều ca sĩ nhận được bài học hào phóng đó, đã đáp trả trên trang Facebook của mình, chứ không phải qua trao đổi trực tiếp với nhạc sĩ hoặc qua báo chí. “Tâm thư” của anh làm công chúng “dậy sóng”, và thái độ của công chúng là hoàn toàn chính đáng.

Những người trẻ tuổi bây giờ có thể ít biết về nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, vì ông là người của nhiều thế hệ trước, và biết nhiều hơn về ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, vì anh là một cái tuổi có độ phủ sóng cao. Nhưng hãy nghĩ về họ đơn giản như một bậc cao niên trong gia đình, họ tộc, làng xóm và một người là hàng con cháu, hậu bối.

Khi ấy thì dù trong hoàn cảnh nào, người lớn tuổi có khiêm nhường đến đâu, người trẻ tuổi có thành đạt đến mấy, thì xẵng giọng với bề trên đều là điều khó có thể chấp nhận.

Cách ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đối đáp với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, bất cứ ai đọc lên cũng dễ dàng cảm nhận thái độ "mất khôn", thiếu tôn trọng bề trên dù được khỏa lấp dưới ngồn ngộn từ ngữ và câu cú phức tạp. Thậm chí, nó dễ khiến cho cho công chúng nghĩ, giữa hai người luôn chỉ là mâu thuẫn và ganh ghét.

Điều này không hề có trong cách nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nói về ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng hay bất cứ ca sĩ nào được nhắc đến trong bài phỏng vấn. Vậy đọc những lời tâm thư ấy, ông sẽ cảm thấy thế nào?

Rất có thể ông đã bị tổn thương. Một nhạc sĩ già, hay bất cứ người nào ở tuổi gần đất xa trời, đều không đáng nhận một sự tổn thương như vậy. Chính ông cũng nói mình không còn ở tuổi để đối chất, tranh giành.

Quên mất chuyện chính là âm nhạc

Về tình là vậy, về lý dường như Đàm Vĩnh Hưng đã vi phạm một nguyên tắc quan trọng trong tranh luận: không tấn công cá nhân.

Nói nôm na, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nhận xét anh về ca hát, anh hãy tranh luận lại với ông về ca hát. Đáng lẽ đã có thể có một cuộc tranh luận chất lượng về chủ đề âm nhạc mà nhạc sĩ đã gợi lên. Nhưng anh không nói gì về âm nhạc. Anh lại đặt câu hỏi về tính cách, phẩm chất của ông, anh dường như muốn vị tiền bối phải bẽ bàng khi nhắc lại những lần gặp gỡ, trao đổi thân thiết, anh đổi giọng mỉa mai khi nhại lại cách xưng bố, gọi con gần gũi mà nhạc sĩ dành cho anh…

Và khi anh cáo buộc nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 một cách là “ngụy quân tử”, “đeo mặt nạ”, thì anh đã đi quá xa, đến mức cái lý “lên tiếng vì các fan” của anh cũng không thể bào chữa.

Không phải người lớn luôn nói đúng, người trẻ luôn phải nghe theo. Ai cũng có thể trở nên thiếu chính xác hay phiến diện vì mỗi người chỉ đứng từ một góc độ để nhìn sự việc. Đó là lý do tại sao cần có phản hồi và tranh luận, để sự việc được nhìn nhận từ nhiều góc độ, nhờ thế càng trở nên sáng rõ.

Và tranh luận nói riêng, đối thoại nói chung, chính là để đạt mục đích ấy, chứ không phải để xác định kẻ thắng người thua, kẻ vinh quang, người khuất phục. Tranh luận, đối thoại vì thế có thể kéo dài mãi mãi, bổ sung thêm những góc nhìn mới, hóa giải đi những hiểu lầm cũ.

Tranh luận là một văn hóa và là nơi thể hiện rõ nhất văn hóa của mỗi cá nhân. Tranh luận có văn hóa thì dù bạn đúng hay sai, vẫn là người được lợi. Còn con nhím xù lông, đôi khi còn tự làm đau mình.

(Nguồnhttp://tiin.vn)

 

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...