Cân bằng giữa uy tín và thị hiếu

23/04/2015

Nếu có dịp xem qua danh sách Giải thưởng âm nhạc năm 2014 của Hội Nhạc sĩ VN, chắc hẳn giống như người viết, đa số ai quan tâm sẽ thấy xa lạ với 90% các tác phẩm được giải.


Nhạc sĩ Trần Xuân Tiến cùng tốp ca thể hiện bài hát Hát cho dân tôi nghe trong chương trình Giai
điệu tự hào chủ đề Những ca khúc xuống đường. đây là chương trình có sự tương tác cao với
khán giả. Giai điệu tự hào vừa nhận giải Chuỗi chương trình của năm tại giải Cống hiến
- Ảnh: Gia Tiến

Ở đây không bàn tới chất lượng tác phẩm mà vấn đề đặt ra là tại sao một giải thưởng có thể coi là đảm bảo nhất về mặt uy tín và chuyên môn, nhiều năm qua lại “đứng xa” với công chúng và thị trường âm nhạc? Ðây là một hiện tượng có thể coi là khá khác thường.

Nghịch lý giữa “rừng” giải thưởng

Trong cơ cấu giải thưởng của hội hằng năm, mặc dù có riêng phần Ca khúc - hạng mục đáng ra gần gũi nhất với thị trường và thị hiếu nói chung của công chúng, các ca khúc được giải hằng năm thực tế lại hiếm có tác phẩm nào được đại chúng biết đến.

Chẳng hạn như các giải B của mùa giải năm ngoái, tìm các ca khúc như Ngày hội giã bánh dày vùng cao của nhạc sĩ Mạnh Cường (Ðiện Biên) hay Cây đàn tính và người chiến sĩ của nhạc sĩ Ngọc Khuê (Hà Nội) trên Internet chỉ có đường link từ trang web Hội Nhạc sĩ. Ðiều này ít nhiều cũng nói lên sự ít phổ biến của ca khúc...

Có lẽ với những người ít nhiều có sự quan tâm sâu hơn về âm nhạc trong nước sẽ chú ý tới hạng mục Khí nhạc với mảng tác phẩm giao hưởng, thính phòng hay hợp xướng của Giải thưởng âm nhạc do hội bình chọn. Ðiều này nhìn trên một phương diện nào đó là thế mạnh riêng của giải thưởng hội.

Nhiều nhạc sĩ và tác phẩm đã được trao giải và ghi nhận những đóng góp về các thể loại có phần kén người nghe ở trên.

Ðiển hình như nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng - người đã bốn lần nhận giải thưởng của hội ở hạng mục Khí nhạc, với những tác phẩm được đánh giá cao bởi giới chuyên môn và người yêu dòng nhạc cổ điển trong và ngoài nước.

Không thể phủ nhận giải thưởng được xét chọn bởi hội đồng có chuyên môn như giải âm nhạc của Hội Nhạc sĩ VN đã có những đóng góp nhất định cho đời sống âm nhạc.

Nhưng nghịch lý đặt ra là giữa một “rừng” giải thưởng với những tiêu chí có vẻ lỏng lẻo nhưng lại chạm ngay tới công chúng, tại sao một giải thưởng tưởng chừng đảm bảo uy tín lại không thể tác động nhất định tới người nghe?

Để không mất hút...

Có lẽ gạch nối còn thiếu giữa giải thưởng và thị hiếu chính là sự hài hòa giữa đánh giá chuyên môn và độ phổ biến của sản phẩm âm nhạc. Một vị nhạc sĩ từng ngồi hội đồng chấm giải âm nhạc của hội cho biết không ít lần ông đã đặt vấn đề thực hiện một cuộc “cải tổ” giải thưởng của hội từ tiêu chí tới khâu truyền thông.

“Nhiều hội viên của hội vẫn có những ca khúc “ăn khách” nhưng tại sao họ không gửi tác phẩm tranh giải? Tôi cho rằng sự biết đến rộng rãi cũng là một phần của uy tín. Và vấn đề là làm sao để khuyến khích các tác giả có những tác phẩm tốt mà hợp thị hiếu tham dự giải thưởng chính là điều cần làm...” - vị nhạc sĩ này lý giải.

Nhạc sĩ Ðỗ Hồng Quân, chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN, cũng nhiều lần thở dài với báo giới về chất lượng giải của hội khi mà các tác phẩm gửi về nhiều năm “thất thu” cả số lượng và chất lượng. Ðiều này dẫn đến tác phẩm được trao giải xong thì cũng mất hút...

Một giải thưởng của hội chuyên ngành uy tín nhất cả nước nhưng vẫn có sự tiếp cận gần gũi thị trường và thị hiếu sẽ tạo nên cán cân cần thiết trong sự bùng nổ các giải thưởng âm nhạc trong nước hiện nay.

Nên chăng trong các tiêu chí xét giải, hội có những điều chỉnh tiếp cận người nghe nhiều hơn.

Chẳng hạn có riêng một hạng mục cho ca khúc của năm dựa trên các tiêu chí về độ phủ sóng và chất lượng nghệ thuật của tác phẩm. Khâu quảng bá và tổ chức cũng cần có những điều chỉnh để xứng đáng với uy tín của giải thưởng và của một hội những người sáng tạo âm nhạc VN.

Thậm chí khi tác phẩm đã được giải, hội cũng cần có những động thái hỗ trợ nghệ sĩ đưa tác phẩm đến với công chúng nhiều hơn.

Những động thái cần thiết để kéo gần giải thưởng của Hội Nhạc sĩ VN với công chúng hẳn sẽ không chỉ tạo cán cân với các giải thưởng khác mà còn có thể định vị lại các giải thưởng theo hướng tích cực và chất lượng hơn.

Nhiều năm vừa qua, trong thời kỳ đổi mới, đã nảy sinh một cuộc chia dòng rõ rệt khiến người thưởng thức âm nhạc lâm vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”, không biết đâu là thật, đâu là hư và đâu là đóng góp có giá trị đích thực.

 

Trong khi giới trẻ rất hâm mộ những ca khúc được các giải thưởng của phương tiện truyền thông, thì giới trung niên trở lên lại chê không hết lời.

 

Một thực tế nữa là các tác phẩm âm nhạc được giải thưởng Hội Nhạc sĩ VN hằng năm lại chưa được lan tỏa ra đời sống.

 

Vậy nó có đóng góp không? Và nó đi về đâu? Đó là điều nhiều người không biết tới mà sự thật đóng góp của nó để tạo dựng vị thế âm nhạc VN với thế giới là rất quan trọng.

 

1. Về mặt nghiên cứu, phê bình, lý luận, đóng góp của các tác phẩm nghiên cứu như Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên, Quan họ Bắc Ninh, Nghệ thuật hát ca trù, Hát xoan, Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ, Dân ca ví - giặm Nghệ Tĩnh được giải thưởng hằng năm Hội Nhạc sĩ VN đã góp phần quan trọng trong việc giới thiệu để UNESCO công nhận những loại hình âm nhạc dân gian, truyền thống VN nói trên trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

 

Điều đó lớn lao lắm chứ. Đi theo tôn vinh này, các nhóm biểu diễn đã mang nó tới biểu diễn và được hoan nghênh ở nhiều nước trên thế giới. Đóng góp ấy đâu có nhỏ?

 

2. Về mặt khí nhạc, nhiều tác phẩm của các nhạc sĩ như Nguyễn Văn Nam, Lân Tuất, Doãn Nho, Nguyễn Thiện Đạo, Trần Trọng Hùng, Võ Đăng Tín, Đặng Hữu Phúc, Đỗ Hồng Quân, Trần Trọng Hùng, Việt Anh... vừa được giải thưởng hằng năm Hội Nhạc sĩ VN, vừa được trình tấu tại nhiều nước trên thế giới là một bước tiến đáng tự hào của nền khí nhạc VN non trẻ.

 

Nhờ điều này mà năm vừa qua, Hội Nhạc sĩ VN đã tổ chức thành công Liên hoan âm nhạc quốc tế tại VN, thu hút nhiều tài năng và tác phẩm âm nhạc của các tác giả âm nhạc nhiều nước về hội tụ tại Hà Nội mùa thu 2014. Đấy là một sự kiện trọng đại của giới âm nhạc chuyên nghiệp VN.

 

3. Về mặt hợp xướng và ca khúc, ngoài các tác phẩm được giải thưởng hằng năm của Hội Nhạc sĩ VN, còn có những tác phẩm âm nhạc được giải thưởng của các kỳ liên hoan âm nhạc khu vực được tổ chức trong nhiều năm qua. Các tác phẩm này đã gây được tiếng vang trong nhiều sự kiện lớn tại các địa phương của cả nước.

 

Ví dụ Bài ca Sea games 2013 của Quang Vinh, Về quê của Phó Đức Phương, Khúc hát sông quê của Nguyễn Trọng Tạo, Chiều phủ Tây hồ của Phú Quang, Đôi mắt Pleiku của Nguyễn Cường, Sao em nỡ vội lấy chồng của Trần Tiến, Tổ quốc nhìn từ biển của Quỳnh Hợp (thơ Nguyễn Việt Chiến), Tổ quốc gọi tên mình của Đinh Trung Cẩn (thơ Nguyễn Phan Quế Mai)...

 

Đấy là chưa kể đến những tác giả hội viên Hội Nhạc sĩ VN, tuy không tham gia dự thi ở hội nhưng tham gia các cuộc thi khác và cũng để lại dấu ấn không phai mờ trong công chúng như Lê Minh Sơn, Giáng Son, Đỗ Bảo, Lê Quang, Thế Hiển, Đình Thậm, Vũ Nhật Tân, Kim Ngọc... Dòng chảy chính thống này đem tới rất nhiều kết quả tốt đẹp song do quá chuyên nghiệp nên đã không được giới truyền thông mặn mà.

(Nguồn: http://tuoitre.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...