Cảm nhận ca khúc: Chị tôi - Nhạc sĩ Trọng Đài

27/05/2013

Thi thoảng đi trên những con phố nhỏ vắng người giữa lòng thành phố, tôi hay miên man trong cảm giác buồn xa xứ. Đã gần trọn hai mùa ở miền Bắc tôi xa quê hương, hai mùa mưa nắng ở đất Sài thành, tôi nhớ hoài làn gió mơn man của mùa thu. Ngoài đó, một mùa lá vàng rụng rơi đã về trước thềm nhà. Mỗi bước chân đi dọc con phố lặng lẽ và đìu hiu, và thả mình trong tiếng nhạc dặt dìu, tôi thường chọn nghe những tiết tấu chậm buồn mà sâu lắng giữa độ tháng 10....

 

NGHE VÀ XEM VIDEO CA KHÚC "CHỊ TÔI" TẠI ĐÂY

Thật vô tình, "thế là chị ơi, rụng bông hoa gạo..." cứ dịu dàng, ngân nga cùng nhịp cảm xúc...

Tôi nghe "Chị tôi" từ thời nào xa lắc, tôi cũng chẳng nhớ nữa. Chỉ biết vào thời điểm tôi ngẫm ra hình ảnh chị gái mình trong lời bài hát, tôi như chợt hiểu thêm nỗi buồn phảng phất nơi đuôi mắt của chị. Chất chứa trong tâm tư giấu kín như nỗi niềm chung của nhiều người phụ nữ Việt: khép lòng tự trở trăn...

 

Hoa gạo (Ảnh: Internet)

 
"Thế là.." bao năm rồi, chị theo chồng và cũng là từng ấy năm tôi xa chị. Đôi ba lần chị về nhà, mang theo những lời thăm hỏi ba và dì, những quà bánh cho sắp em, theo cùng chị về là đôi mắt dịu dàng ươn ướt ... Chị như đẹp hơn với nét hiền thảo trong tà áo dài, đoan trang những cử chỉ ân cần, cái gật đầu rất khẽ và đâu đó thêm vào nét hao gầy nơi nét mặt... Nơi chị, cứ thảng lên nỗi buồn không nói, nhưng sao rất đỗi trầm tư .. Ấy là khi, những nhịp nhàng của âm nhạc cất lên tiếng lòng sâu lắng. Chị cho tôi nghe bản nhạc "Chị tôi". Chị bảo, bài hát rất hay và chỉ có những rung cảm rất riêng người phụ nữ mới hát lên giai điệu lắng đọng và sâu xa ấy. Và tôi đã nghe "Chị tôi" lần đầu tiên với giọng ca của Mỹ Linh như thế!

Thế là chị ơi, rụng bông hoa gạo
Ô hay, trời không nín gió cho ngày chị sinh
Ngày chị sinh, trời cho làm thơ
Cho nét buồn vui bốn mùa trăn trở
Cho làm câu hát để người lý lơi

Hình ảnh chịu thương chịu khó, trải bao vất vả với tấm lòng nhân hậu đã in sâu vào tư tưởng, tâm hồn người phụ nữ Việt những lối mòn truân chuyên. Cứ như số trời đã định đoạt trước, ngoài tấm lòng dễ cảm thương, từ thời con gái mà người phụ nữ thường an phận với tất cả bước ngoặt cuộc đời. Trong lời bài hát "Chị Tôi" của Trọng Đài, cái ý thức ấy hững hờ và đành chịu ở mỗi từ bắt đầu bài hát :" Thế là .." Dễ khiến cho ta cái cảm giác mọi chuyện "đã rồi", từ cả trong ngày chị sinh đã định đoạt là ngày nổi gió, đến cả nét trầm tư trăn trở rồi cũng sẽ hằn in lên hình hài của chị.. Chẳng bao giờ tôi tin vào định mệnh, nhưng cũng thật ngỡ ngàng với cách ví von rằng, cuộc đời chị sẽ như một bài thơ buồn, như câu hát dài "để người lý lơi"…

Ngày chị sinh, trời cho làm thơ
Vấn vương với sợi tơ trời
Tình riêng bỏ chợ
Tình người đa đoan.

Một đời người khá dài và khó dự đoán trước mai này sẽ ra sao. Nhưng dường như, hình ảnh mẫu mực nhất cho loài người có lẽ là người mẹ và người chị. Rất nhiều trong các tác phẩm thi ca, nhạc họa hình ảnh người phụ nữ trở nên gần gũi và dễ chia sẻ. Có thể do chị là gạch nối giữa mẹ và ta, là tượng trưng cho sự giản dị và dễ đồng cảm. Có thể, chị còn là người mẹ trong tương lai. Mà ngay trong lời bài hát này, nơi chị đã nhiều nỗi "vấn vương". Do vậy mà một đời chị sẽ còn bươn chải và âu lo nhiều hơn, vất vả nhiều hơn cho dù cái đẹp ở chị có dịu dàng mà lan tỏa. Chị cứ như thế mà đằm thắm, nết na, đến cả đất trời cũng "làm thơ" mà ngẩn ngơ buồn cho cuộc đời ấy. Và dù trời báo trước một bi kịch cuộc đời sóng gió, chị còn biết gì hơn là phải chấp nhận cúi đầu bước tới.

Nơi khóe mắt của mẹ từng có giọt nước mắt thương con, còn ở đuôi mắt chị chất chứa cả tủi phận tình riêng. Giữa dòng đời xuôi ngược, những mảnh tình đi khắp bốn phương tìm kiếm thì riêng mình chị đành chịu một mối tình hẩm hiu, đem "bỏ chợ". Cái tình ấy, dù đã ngấm, đã say và vương vấn mà sao lại nấc nghẹn trong chữ "đa đoan". Và rồi, hình ảnh người phụ nữ lại cứ âm thầm đi theo một lối mòn xưa cũ, rằng số phận an bài, rằng nào biết gì hơn là chấp nhận. Cuộc đời ấy, sao u uẩn, bị lu mờ và ngang trái...

Ca khúc này không quá khó để cảm nhận được cái hồn thắm thiết và đa đoan của hình ảnh người chị trong đó. Nhưng quả thật, khi tiếng lòng nghẹn ngào được thả bỗng lên trời, để đọng lại chỉ là lời ca dịu dàng thắm đượm chút thứ tha.

Tôi biết bài hát này là ca khúc trong một bộ phim truyền hình, và chất trữ tình trong nó không phủ nhận vai trò của nhà thơ Đoàn Thị Tảo. Nhưng nếu để nghe độc lập một tác phẩm âm nhạc như thế này, tôi dám chắc rằng nhiều thế hệ sẽ vẫn cảm nhận được nỗi niềm riêng của người con gái "đa đoan" trong bài hát. Hình ảnh ấy, cách nhìn nhận ấy tuy rằng khá cổ điển nhưng trong cuộc sống thời hiện đại và hội nhập bây giờ,nhưng không phải là không tồn tại. Chất thơ và điệu nhạc trong bài hát như cùng hòa quyện và cùng tạo nên nỗi lòng cảm thông, sự nhỏ bé mà vô cùng đời người con gái.. Nếu bạn không có một buổi chiều đi dạo trên những con phố nhỏ, vắng người giữa lòng thành phố nhộn nhịp, để cảm nhận một nỗi buồn nào đó tha hương và lần nào đó chống chếnh trong cuộc đời, chỉ cần nghe "Chị tôi" và dường như thế là đủ...

Nguồn: Nhacvietplus

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.