Cái nhìn khác cho bolero
Dòng nhạc bolero đã có sức sống, sức lan tỏa mạnh mẽ trong lòng công chúng nhiều chục năm qua. Những năm gần đây, khi phong trào hát nhạc bolero lại rộ lên, những tranh luận dường như không có hồi kết quanh dòng nhạc này cũng được châm ngòi. Vậy, nên nhìn nhận bolero như thế nào? Và nó có giá trị đối với đời sống nghệ thuật hay không?
Một dòng nhạc Việt hóa!
Tâm điểm của những tranh luận, theo người viết, xuất phát chính từ cái tên nghe rất “Tây”: bolero. Mà bolero là một điệu nhảy có nhịp điệu uyển chuyển có xuất xứ từ châu Âu và một thời rất phổ biến ở một số nước Âu - Mỹ. Nó theo chân những người ở khu vực này tới Việt Nam có lẽ cũng trên một thế kỷ rồi. Nhưng đó là một bolero rất khác. Bolero của những bước nhảy trên nền nhịp điệu 2/4 và đôi khi là 4/4. Cũng có khi tiết nhịp của vũ điệu này được những nhà soạn nhạc khai thác vào các tác phẩm giao hưởng thính phòng trở thành một bản nhạc gắn liền với tên gọi bolero. Những điều này rất khác, thậm chí có thể nói khác biệt gần như hoàn toàn so với những giai điệu trong những ca khúc được gọi là bolero trong đời sống âm nhạc bình dân của Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua. Chính sự khác biệt này đã góp phần tạo nên những luồng ý kiến khác nhau về bolero.
Du nhập vào và rất phát triển ở miền nam Việt Nam, nhất là trong giai đoạn 1954 - 1975, tuy nhiên, để phù hợp với thẩm mỹ nghệ thuật của người Việt, bolero đã được Việt hóa gần như toàn bộ và có chăng hiện nay bóng dáng còn lại từ điệu bolero cổ ngoại nhập chỉ còn ở cái tên. Những yếu tố Việt hóa được thể hiện ở gần như tất cả các điểm phù hợp với đặc điểm âm nhạc của người Việt. Chẳng hạn thay vì tiết tấu uyển chuyển, có phần nhanh gọn của một vũ điệu quyến rũ vùng Tây Ban Nha và châu Mỹ la-tinh bằng tiết tấu chậm, trữ tình, dàn trải dù vẫn trên nền nhịp 2/4 và 4/4. Theo thời gian cùng sự lan tỏa của những ca khúc bolero, nhiều ca khúc được sáng tác trên các nhịp điệu khác như rumba, slow, habanerat… cũng được coi là những ca khúc bolero. Nhiều nhạc sĩ còn khai thác chất dân gian miền nam vào trong những sáng tác của mình. Khiến cho ca khúc bolero vừa phong phú về nhịp điệu cũng như tính chất âm nhạc. Nhưng tất cả vẫn toát lên một điểm chung đó là dàn trải, trữ tình và lặp đi lặp lại đều đặn.
Vì thế, bolero không đơn thuần là một điệu, mà phải coi nó là một dòng nhạc. Một dòng nhạc dù có nguồn gốc từ nước ngoài nhưng đã được Việt hóa một cách hết sức tài tình để rồi nó hoàn toàn mang tinh thần, không gian âm nhạc phù hợp với thói quen và nhu cầu thưởng thức của người Việt.
Lan tỏa rộng khắp
Bolero nghĩa là gì? Trong một buổi chiều Sài Gòn cách đây chưa lâu khi người viết ngồi cà-phê với “ông vua nhạc sến” Vinh Sử đã hỏi ông câu hỏi đó. Thật bất ngờ, câu trả lời chẳng có một từ liên quan đến châu Âu hay châu Mỹ, cũng chẳng có những thông tin mang tính chính thống mà chỉ là câu nói hết sức bình dân. Vị nhạc sĩ của Nhẫn cỏ trao em đã trả lời rằng: “Bolero có nghĩa là bổ lại rẻ”. Ngẫm nghĩ thấy cũng có lý. Bổ, có nghĩa là nó thật sự đáp ứng nhu cầu trong đời sống tâm hồn của một bộ phận người không nhỏ trong xã hội. Rẻ là vì nó gần gũi, ai cũng có thể cất lên tiếng hát, ở đâu cũng có thể bắt gặp người hát nhạc bolero. Nói ngắn gọn hơn, bolero - bổ lại rẻ - có nghĩa là âm nhạc bình dân. Và chính yếu tố bình dân mới là điều giúp cho dòng nhạc này có sức lan tỏa một cách rộng khắp. Trong khi đó, yếu tố bình dân, gần gũi được tạo nên bởi âm nhạc mang hơi hướng trữ tình, tự sự một trong những đặc trưng của người Việt, đôi khi phảng phất chất dân gian. Đồng thời, bình dân còn được tạo nên bởi nội dung ca từ.
Có thể nói, giống như những câu hát xẩm trong âm nhạc truyền thống dân tộc, những bài hát thuộc dòng nhạc bolero thường có nội dung ca từ gắn với những thân phận, những kiếp người có cuộc sống khó khăn, có những mong ước bình dị vào một tương lai tốt đẹp, đôi khi còn là những tiếng than trách cho số phận, cho kiếp người không may mắn. Ca từ của Bolero đơn giản như kể một câu chuyện vẫn diễn ra hằng ngày trong đời sống. Nhiều khi nó như lời tâm sự. Cũng có khi tựa như người trong cuộc kể về chính câu chuyện tình của mình. Như chuyện của một chàng nhạc sĩ lãng mạn bắt gặp hình ảnh của cô gái thôn quê bán chôm chôm vườn nhà trong Tình đẹp mùa chôm chôm, hay câu chuyện của chàng nghệ sĩ nghèo với cô gái nhà bên trong Cô hàng xóm…
Cách hát như kể một câu chuyện làm cho ca khúc trở nên gần gũi. Những câu chuyện tình đẹp mà dân dã, hát mà như nói, nói mà lại như hát chính là một điểm thú vị khiến cho những ca khúc bolero trở nên gần gũi và phổ biến. Khá phổ biến là những ca khúc mang nội dung thất tình, hoặc chia ly, những câu chuyện tình dang dở bao giờ cũng đẹp, và khiến cho người trong cuộc phải nhớ mãi.
Có thể nói, bolero cần được nhìn nhận một cách khái quát hơn trong vị thế một dòng nhạc có nguồn gốc từ nước ngoài nhưng âm nhạc đã có những thay đổi cơ bản sau khi được Việt hóa. Bolero là dòng nhạc bình dân, đề cập tới mọi khía cạnh, tâm tư, tình cảm của một bộ phận công chúng yêu nhạc.
(Nguồn: http://www.nhandan.com.vn)