Cái bi trong ca khúc Biết ơn chị Võ Thị Sáu
“Hơn bốn mươi lăm năm hình thành và phát triển, ca khúc cách mạng Việt Nam đã đóng góp một phần không nhỏ trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và giải phóng dân tộc. Cũng trên con đường ấy, nó đã để lại nhiều giá trị mang tính nhân văn, trong đó có cách thức tiếp cận cái bi dựa trên cơ sở của truyền thống văn hóa dân tộc; đề cao tính giáo dục và đặt tầng nền cho sự phát triển của ca khúc trong thời kỳ đổi mới hiện nay...” (Theo Nguyễn Đăng Nghị - “Bay lên từ truyền thống”).
Dòng ca khúc cách mạng Việt Nam là sản phẩm văn hóa của một thời đại mới - thời đại mà cả dân tộc ta đã cống hiến, hy sinh trong hai cuộc kháng chiến, nhằm dành lại sự thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện cho được chân lý không có gì quý hơn độc lập tự do. Chính vì thế mà âm hưởng chủ đạo của ca khúc cách mạng là khúc hùng ca hào sảng, ngợi ca những chiến công, những kỳ tích anh hùng của dân tộc. Nhưng, không chỉ có vậy, khi nhìn kỹ vào chiều sâu thẳm, nhiều ca khúc cách mạng vẫn chứa đựng cái bi: bi hùng, bi tráng. Vấn đề ở đây là cách nhìn nhận của các nhạc sĩ, và họ thể hiện cách nhìn ấy như thế nào để đáp ứng được nhu cầu của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ cả nước có chiến tranh.
Nói đến tác phẩm “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” làm say đắm lòng người thì ta không thể không nhắc đến họa sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn. Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn thuộc lớp tiền bối của nền âm nhạc Cách mạng Việt Nam. Tên tuổi của ông gắn liền với những bài ca đi cùng năm tháng như: Quê em, Nguyễn Viết Xuân cả nước yêu thương, Biết ơn chị Võ Thị Sáu, Tình em biển cả, Chiều trên bến cảng, Hà Nội trái tim hồng… Đấy cũng là những ca khúc đã mang lại cho ông giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2000. Là bậc thầy của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, nhưng ít ai biết rằng Nguyễn Đức Toàn đến với âm nhạc chỉ như sự tình cờ rồi mới trở thành một duyên phận, thành cái “nghiệp” để người nghệ sĩ tài hoa ấy gắn bó, đeo đẳng suốt cuộc đời.
Nguyễn Đức Toàn sinh năm 1929 trong một gia đình có truyền thống hội họa, được thừa hưởng “gen” vẽ của cha và người anh họ. Sự nghiệp âm nhạc của Nguyễn Đức Toàn gắn liền với những bước thăng trầm của Cách mạng Việt Nam. Ca khúc đầu tay của nhạc sĩ có tên “Ngợi ca đời sống mới”, sáng tác năm 1945 đã được công chúng đón nhận nồng nhiệt, ít ai ngờ tác giả của ca khúc đi cùng năm tháng ấy là một chàng trai mới vào tuổi 16. Cũng từ đó hàng loạt các ca khúc làm nên tên tuổi một Nguyễn Đức Toàn trong làng âm nhạc cách mạng Việt Nam.
Thành công ở lĩnh vực mới, nhưng niềm đam mê cũ vẫn chảy mãi trong con người nghệ sĩ tài hoa của ông để cùng hòa quyện trong một tác phẩm, dù đó là âm nhạc hay hội họa. Cũng bởi thế nói Nguyễn Đức Toàn thiên về âm nhạc hơn hội họa, hay thiên về hội họa hơn âm nhạc đều không thỏa đáng. Bởi giữa hai loại hình nghệ thuật ông đã theo đuổi thì dù là người rất sành sỏi, rất am hiểu cả về nhạc và họa cũng khó có thể nhận ra đâu là tay phải, đâu là tay trái của người nghệ sĩ. Với âm nhạc, ông lại thật hạnh phúc bởi rất nhiều tác phẩm đi vào lòng người và sống với thời gian. Trong đó tác phẩm nổi tiếng nhất đã làm lay động triệu triệu trái tim Việt các thế hệ chính là ca khúc “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” sáng tác 1958.
Ông hồi nhớ lại: “Năm 1958 chế độ độc tài Ngô Đình Diệm bắt đầu đàn áp cách mạng, hưởng ứng cuộc thi sáng tác đề tài về người con gái miền Nam anh hùng để cổ vũ, hầu như ngày nào tôi cũng phải ghi lại những nét nhạc vừa nghĩ ra nhưng chọn mãi không vừa ý. Tình cờ một hôm tôi đọc được cuốn sách có nhắc tới Võ Thị Sáu và trái Lê ki ma, tôi thấy có thể lấy trái Lê ki ma làm hình tượng cho sự trẻ đẹp của Võ Thị Sáu. Vì Sáu đã hy sinh cho những mùa Lêkima nở rộ, tôi nghĩ như vậy mà bắt đầu viết… Tôi cũng không ngờ rằng, khi ca khúc ra đời lại có sức lan tỏa lớn lao đến vậy”.
Vậy, ca khúc Biết ơn Võ Thị Sáu có sức mạnh như thế nào mà lại có sức lan tỏa như vậy, ta đi tìm cái hình hài của nó qua cái bi kết hợp với cái anh hùng, cái bi hòa với quy luật sinh sôi và cái nhìn lạc quan về cái bi trong tác phẩm bất hủ này.
Võ Thị Sáu tên thật là Nguyễn Thị Sáu có cha là ông Võ Văn Hợi và mẹ là Nguyễn Thị Đậu, người ở xã Phước Thọ, quận Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa nay thuộc xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Giống như các anh mình, cô đã tham gia vào các hoạt động bí mật ở địa phương.
Mới 14 tuổi, cô đã đi theo anh trai tham gia hoạt động cách mạng trốn lên ở trên chiến khu. Năm 1949, cô tham gia đội Công an xung phong Đất Đỏ làm liên lạc, tiếp tế. Năm 1950 cô bị chính quyền Pháp bắt và bị tòa án binh Pháp kết án tử hình vào tháng 4 năm 1951 vì đã ném lựu đạn tại chợ Đất Đỏ, giết chết cai tổng Tòng và gây thương tích cho 20 tên lính Pháp. Sau gần ba năm tra tấn, giam cầm, quân Pháp đưa cô ra giam ở Côn Đảo. Dù các luật sư biện hộ cho cô đã phản đối án tuyên này với lý do cô chưa đủ 18 tuổi. Trước khi bị đưa ra hành án, cô bị đày qua các nhà tù Chí Hòa, Bà Rịa và Côn Đảo. Vì quân Pháp không dám công khai thi hành bản án đối với cô, họ đã lén lút đem cô đi thủ tiêu.
Người anh hùng đã chết cho mùa lêkima nở. Chị Sáu đã hy sinh rồi...
Người con gái 16 tuổi đời bước ra pháp trường Côn Đảo trong ánh nắng nhập nhoạng lành lạnh một sớm còn đầy rẫy sắc xuân nam Nhâm Thìn, với bộ quần áo trắng tinh, mái tóc vừa gội thơm mùi hương lá bồ xõa ngang lưng, trên cài một bông hoa tươi thắm. Gió biển trong mát thổi trên cồn cát Côn Đảo nǎm ấy, thổi bay làn tóc thề của chị, như muốn tiếp thêm sức mạnh trên con đường chị đi và tiếng hát của chị còn lan tỏa theo làn sóng gửi vào gió đưa đến cho từng người dân bị áp bức một tinh thần quyết tử, tâm điểm là khu nghĩa trang Hoàng Dương, ngày nay đã trở thành khu di tích bảo tồn của lịch sử cách mạng hiện đại Việt Nam.
Có cái chết hóa thành bất tử
Có những lời hơn mọi lời ca
Có con người như chân lý sinh ra...
Đúng như vậy, về mặt một ý nghĩa nào đó chị Võ Thị Sáu của chúng ta không chết. Chị sẽ sống cùng lịch sử cách mạng Việt Nam. Chị đã làm rạng rỡ cho non sông đất nước này, tô điểm cho khuôn mặt tuổi trẻ Việt Nam dám ngẩng cao sánh vai cùng tuổi trẻ nǎm châu trong lịch sử chống phát xít và đế quốc thực dân trên hành tinh trái đất. Cái chết của chị đi vào tiềm thức, thức tỉnh mọi người dân Việt Nam đứng lên kiên cường bất khuất, sự hy sinh của chị Sáu được nhạc sĩ Đức Toàn thổi vào một luồng sinh khí mới, thổi mạnh và niềm tin cháy bỏng và sự khát khao về cuộc sống hòa bình của người dân Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. Bởi vậy, sự hy sinh của chị trở thành cái cao cả, lời ca ngân lên theo giai điệu, hòa vào sự ngọt ngào lắng sâu, cay cay khóe mắt cho nhiều người thưởng thức, thức tỉnh tính chiến đấu xả thân vì cách mạng và sự nghiệp cách mạng vẻ vang.
Sự hy sinh của chị là một trạng thái, một hành động nhưng lại ẩn chứa hai phạm trù, cái chết là điều tất yếu không có gì phải bàn cãi nhưng sự hy sinh là cao cả đến vậy, sự hy sinh này không phải ai cũng làm được, đặc biệt là sự hy sinh khi tuổi còn non trẻ, một ý chí sắt son, một lý tưởng cao đẹp. Khi đưa vào tác phẩm Nguyễn Đức Toàn đã viết “chị Sáu đã hy sinh rồi” chứ không viết, “chị Sáu đã chết rồi” (theo Nguyễn Đăng Nghị). Nguyễn Đức Toàn với sự hiểu biết sâu rộng, tìm tòi sáng tạo, biết chan hòa tác phẩm với thời đại, biết sự hy sinh gắn liền với mùa hoa Lê ki ma của miền đất đỏ. Cách tiếp cận đó của nhạc sĩ đưa cái bi, cái thiện, cái thực vào trong ca khúc. Phản ánh sự hòa hợp, chan chứa trong lòng khán giả với tác giả làm nên nó.
Gắn liền hình ảnh cái chết của chị với loài hoa lê ki ma lúc nở rộ, chị mất vào khoảng mùa xuân, là mùa cây cối đua nhau nở hoa, cái chết của chị cho mùa hoa để đem lại mùa xuân cho đất nước, nơi miền đất đỏ. Hình ảnh chị được khắc họa một cách rõ rệt: dâng trọn cuộc đời, chiến đấu với niềm tin, dù chết không lùi bước, một nữ anh hùng dân tộc. Lời bài hát lúc trầm lúc bổng, đặc biệt đoạn cuối như thúc giục như kêu gọi chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Qua bài hát có thể thấy được chất trữ tình sâu lắng và cái chết, cái đau thương, cái bi trong tác phẩm này được che lấp bởi một màu sắc tươi đẹp, màu của anh hùng, màu của chiến thắng quật cường, vui tươi lạc quan mà cái chết của chị Sáu càng tô thêm màu sắc đẹp cho nó. Điều tài tình mà Nguyễn Đức Toàn mang đến đó là lấy hình ảnh đẹp trong âm thanh, phản ánh thực tế bằng nghệ thuật, mang đến cho người nghe cái cảm xúc tha thiết, sự lựa chọn ngôn ngoan này làm cho tác phẩm chứa chan, đi mãi cùng năm tháng với sự trường tồn của nó.
Và bây giờ tuổi trẻ Việt Nam sau chiến tranh nghĩ gì và làm gì? Trước những khó khǎn về kinh tế, trước những biểu hiện tiêu cực của cuộc sống, có khi nào chúng ta đã chán nản, thiếu lòng tin, thất vọng, bi quan, nếu có giây phút nào như thế, bạn hãy nghĩ đến Võ Thị Sáu. Chị Sáu sẽ kể với bạn rằng, lúc nào chị cũng lạc quan, cũng tin tưởng vào thắng lợi, ngay cả lúc phải trả giá cho tương lai bằng cái sinh mạng duy nhất của chính mình.
“Nhìn những người đang đào huyệt cho chị, chị dừng lại hỏi họ:
Huyệt của tôi?
Những người tù đào huyệt nghẹn ngào không dám trả lời.
Chị rút bông hoa gài trên mái tóc, đưa cho mấy người tù.
Tặng mấy anh bông hoa này. Cảm ơn mấy anh đã đào huyệt cho tôi. Hôm nay mấy anh mới đào một cái nhỏ. Nhưng ngày mai, mấy anh cần đào một cái huyệt thật to...
Những người tù ngơ ngác nhìn nhau. Chị Sáu nháy mắt, hất hất về phía bọn Pháp:
Một cái huyệt thật to để chôn những kẻ bắn tôi hôm nay...”
Cuộc sống mới ngày càng tươi đẹp ở vùng đất đỏ quê hương của Võ Thị Sáu. Tấm bia ghi tên chị vẫn ngàn thu còn đó. Bài hát viết về chị của Nguyễn Đức Toàn như một lời tri ân của lớp lớp người hậu thế, đang vun trồng cuộc sống hôm nay. Nghe bài hát, ta thấy một âm điệu thâm trầm nhưng không buồn bã, thống thiết nhưng không bi lụy. Giai điệu mềm mại, uyển chuyển như vẻ duyên dáng của cô thôn nữ 16 tuổi trước khi chết vẫn hát hồn nhiên, yêu đời.
Tài liệu tham khảo
1. TS Nguyễn Đăng Nghị Bay lên từ truyền thống, Văn hóa thông tin Xb, Hà Nội, 2011, tr.187
2. Vov.vn online, tác giả Biết ơn chị Võ Thị Sáu trải lòng về nghề.
3. Baicadicungnamthang.net, Biết ơn Võ Thị Sáu
4. PGS Dương Viết Á, Theo dòng âm thanh cái đẹp sải cánh, Nhạc viện Hà Nội – Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội Xb, Hà Nội 1996.