Cách nào đẩy lùi sự nhiễu loạn trong nhạc Việt hiện nay?
Kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Âm nhạc TP.HCM, Hội Âm nhạc kết hợp với Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật Thành Phố, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Đài truyền hình và Nhạc viện TP.HCM đã tổ chức Hội thảo: “Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh- Thực trạng và giải pháp” với sự tham dự của đông đảo các nhạc sĩ, giáo sư, tiến sĩ và các nhà lý luận phê bình âm nhạc.
Có 15 bản tham luận đã được trình bày với những nhận định khá sắc bén và sâu sát tình hình âm nhạc hiện nay của Thành phố. Đó là thực trạng đáng buồn của sự xuất hiện tràn lan những “phế phẩm nghệ thuật”, tình trạng nghiệp dư hóa trong sáng tác, biểu diễn nhưng vẫn được sự ủng hộ nồng nhiệt của các phương tiện truyền thông đại chúng, gây nên sự nhiễu loạn, làm lệch chuẩn, làm đảo lộn giá trị thẩm mỹ nghệ thuật…
Nhưng bên cạnh những góc tối ấy, vẫn lóe lên tia sáng của niềm tin và hy vọng bằng nhiều giải pháp và kiến nghị hết sức tâm huyết của những nghệ sĩ luôn đau đáu với nghề, và trách nhiệm xã hội. Chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến…
1/ MỘT CHÚT TẢN MẠN VỀ ĐỜI SỐNG CA NHẠC HIỆN NAY - Nhà báo Vũ Duy Giang.
Ai cũng biết những năm gần đây, các nhà xuất bản âm nhạc, các hãng băng đĩa đang hụt hơi vì tệ nạn băng đĩa lậu, hoành hành nhiều năm không ai dẹp được… Các ca sĩ có tiếng tăm thì họ đều có công ty riêng, phòng thu riêng và tự biên tập album. Tất nhiên khi thực hiện album, họ tìm các nhạc phẩm của các nhạc sĩ trẻ đang “hít” trên thị trường, nên các nhạc sĩ chính thống khó mà chen chân vô chuyện làm ăn này được.
Có hai chỗ dựa để các nhạc sĩ có thể quảng bá tác phẩm của mình, đó là đài phát thanh và đài truyền hình. Thế nhưng, những nơi này vẫn cứ bị cơ chế thị trường chi phối. Nếu không có tài trợ, lấy đâu ra tiền để làm băng đĩa, dàn dựng chương trình để giới thiệu, quảng bá các tác phẩm mới? Các chương trình ca nhạc của nhà đài thường được giao cho các công ty tư nhân có khả năng kiếm được tài trợ từ các nhãn hàng.
Những nhà tài trợ thì lúc nào cũng muốn đưa hình ảnh sản phẩm mình đến với công chúng càng nhiều càng tốt. Họ tài trợ cho nhà đài ở các chương trình trò chơi (games show), biểu diễn ca nhạc, các cuộc thi âm nhạc… chỉ với tiêu chí duy nhất là các hoạt động đó có thu hút được đông đảo khán giả không? Vì thế, chuyện quảng bá tác phẩm mới của các nhạc sĩ xem ra khó mà thuyết phục được các nhà tài trợ…
2/ ĐÀO TẠO… NGƯỜI NGHE – ĐIỂM "XUẤT PHÁT" HAY "ĐÍCH ĐẾN" CỦA ÂM NHẠC - TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm (Nhạc viện TP.HCM)
* Người nghe, “điểm xuất phát” và “đích đến” của âm nhạc
…Một cô học sinh Nhạc viện, đã từng “ghét cay ghét đắng” và “khinh bỉ” ra mặt loại âm nhạc thị trường với những âm thanh không giai điệu, những lời ca tình yêu sáo rỗng và nhạt nhẽo pha tạp tiếng Anh...” (như lời cô bé tâm sự) Nhưng rồi, vì ở gần bên nhà người ta nghe chính loại nhạc cô ta ghét và khinh ấy, cho nên từ chỗ “bị nghe” cô bé ấy tò mò tìm hiểu và dần dần... “chấp nhận” nó mà bớt “dị ứng” hơn so với trước...
Một nét phản cảm trên sân khấu ca nhạc Việt
Điều này cho thấy, thói quen cũng đáng lưu ý trong việc tạo thị hiếu.
Ngày trước, trong kinh doanh người ta chạy theo thị hiếu. Ngày nay, người ta sáng tạo những “gout”, những “mode”, những “xu hướng” để hướng người tiêu thụ theo nhà sản xuất…
Như vậy, nếu vì những giá trị muôn đời của âm nhạc, vì âm nhạc còn có chức năng giáo dục và thẩm mỹ, chúng ta hãy tính đến việc đem loại âm nhạc nào đến với người nghe? Và, chính chúng ta chứ không ai khác, là người có thể sáng tạo ra cái mới, tạo xu hướng – hướng người nghe đến với những giá trị thực của âm nhạc.
Nói cách khác, chính chúng ta có thể tạo ra “mode”, những ”gout”, những xu hướng nghe nhạc nếu điều đó được định hướng, tập trung, đầu tư... Chúng ta có thể “đào tạo” người nghe, không vì “đích đến” như những nhà kinh doanh, mà vì điểm “xuất phát”, vì chính “con người”.
…Trong xã hội hiện nay, trong nền kinh tế thị trường, người nghe là “đích đến”, nhưng với âm nhạc, người nghe phải được xem là điểm xuất phát” để sáng tạo…
* Người nghe và những vấn đề của âm nhạc hiện nay
Thực trạng thưởng thức âm nhạc hiện nay ở TP.HCM rất đa dạng. Mỗi lứa tuổi, mỗi giới, mỗi ngành nghề, mỗi môi trường... đều có những thị hiếu thưởng thức riêng. Một bộ phận thanh thiếu niên chỉ thích nghe nhạc Pop, Rock, Hip hop, hoàn toàn không có một kiến thức về âm nhạc hàn lâm và tệ hơn nữa, là không có một kiến thức về âm nhạc dân tộc cổ truyền. Giới trẻ ngày nay xa lạ với nghệ thuật của cha ông, chỉ biết thưởng thức, ưa chuộng nghệ thuật, âm nhạc nước ngoài…
Một hệ quả khác nữa là để chạy theo thị hiếu, hiện tượng nhạc nhái, nhạc cover, sao chép nhạc nước ngoài… trở nên phổ biến! Ngoài vấn đề đạo đức nghề nghiệp của nhạc sĩ, còn cho thấy một điểm đáng lo khác là tư tưởng vọng ngoại đang dần phát triển trong công chúng, nhất là trong thanh thiếu niên. Công chúng thích nghe nhạc Hàn, Nhật, Hoa… hơn là thứ ngôn ngữ âm nhạc của chính dân tộc mình. Đó là chưa kể từ đó dẫn đến sự ngộ nhận trong tư tưởng và lối sống, xem trọng những nền văn hoá khác, âm nhạc các nước khác ngoại trừ văn hoá – âm nhạc cua dân tộc mình…
* Đào tạo người nghe, vấn đề của âm nhạc
Cần đào tạo lực lượng khán giả cho âm nhạc hàn lâm, âm nhạc dân tộc. Điều này bắt đầu từ chương trình giáo dục âm nhạc cho phổ thông, từ nhà trẻ đến đại học. Cần dạy cho thế hệ trẻ biết thưởng thức, biết nghe âm nhạc hàn lâm, nhạc dân tộc thay vì bắt các em xướng âm, dịch giọng, chuyển điệu… như chương trình Mỹ thuật – Âm nhạc hiện nay…
Bên cạnh đàn orgue điện tử, chương trình đào tạo Đại học Sư Phạm Âm nhạc “đòi” sinh viên, các cử nhân, nhà giáo âm nhạc tương lai phải biết chơi một nhạc cụ dân tộc, nhạc khí trong âm nhạc hàn lâm (với điều kiện, nhu cầu phù hợp với địa phương). Hiệu quả dây chuyền sẽ có thể là: thầy dạy trò biết, hiểu, thưởng thức nhạc hàn lâm, nhạc dân tộc; học sinh phổ thông, thế hệ trẻ có nhiều điệu kiện tìm hiểu, thưởng thức, yêu thích âm nhạc dân tộc, nhạc hàn lâm.
Với yêu cầu phục vụ cho đối tượng phổ thông, cần có những mô hình, hoạt động hỗ trợ cho việc thưởng thức âm nhạc hàn lâm, nhạc dân tộc. Cần ủng hộ những đội nhóm biểu diễn âm nhạc hàn lâm, nhạc dân tộc về vật chất cũng như tinh thần. Tổ chức thường xuyên những cuộc biểu diễn ở các trường phổ thông để giới thiệu nhạc hàn lâm, nhạc dân tộc .
...Âm nhạc dân tộc còn là cơ sở để giáo dục lòng yêu nước, tinh thần dân tộc. Không chỉ là những giai điệu, chất liệu dân ca được sử dụng trong các ca khúc hoặc tái hiện trong các chương khí nhạc… mà vẫn phải có những nhà hát, những nhà bảo tàng âm nhạc giữ gìn những tài sản của cha ông. Cần bảo tồn “sống” bằng sự trao truyền cho thế hệ sau, để những nghệ sĩ giỏi nghề này trở thành người kế thừa, phát huy, phát triển âm nhạc cổ truyền. Bảo tồn sống nền âm nhạc dân tộc cổ truyền còn trong cả hoạch định cho chương trình giáo dục quốc gia về âm nhạc…
Những nhà quản lý nhà nước cần nhìn thấy vai trò của văn hoá, âm nhạc trong đời sống xã hội, cần thấy âm nhạc là một trận địa mà cái thắng – thua, lợi – hại không “nhãn tiền”. Nếu đứng ở góc độ kinh tế, âm nhạc là công nghệ giải trí thì có thể chỉ vì thu nhập cao nhưng hệ quả về đạo đức, lối sống, văn hoá dân tộc thì khó có thể lường hết được và nó mang tính lâu dài, không bộc lộ ngay, không dễ được nhận thấy ngay…
Những chương trình ca nhạc truyền thống cần được phát huy.
3/ THỰC TRẠNG ÂM NHẠC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP - Nhạc sĩ Trần Long Ẩn
Chúng tôi xin nêu một số kiến nghị đối với Ban Tuyên giáo Trung Ương và Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch và Bộ Thông tin Truyền thông:
* Cần tập trung công tác xét duyệt tác phẩm âm nhạc về một cơ quan duy nhất, đó là Bộ VHTH & DL. Những tác phẩm nào được Bộ duyệt rồi thì được phép lưu hành trong cả nước dưới mọi hình thức. Còn những tác phẩm nào chưa xét duyệt thì không được phép phổ biến.
* Cần xem xét, điều chỉnh lại vấn đề nhạc chuông, nhạc chờ trên điện thoại. Có hai khía cạnh cần chấn chỉnh:
- Chỉ cho sử dụng những tác phẩm kinh điển của thế giới và những tác phẩm âm nhạc của Việt Nam có giá trị thẩm mỹ, giá trị nghệ thuật cao, được đông đảo nhân dân ưa thích và phải được Bộ VHTH & DL cho phép. Nếu không, những sản phẩm kém chất lượng hoặc “những phế phẩm của nghệ thuật” cũng đem ra sử dụng để làm nhạc chuông, nhạc chờ là hoàn toàn không thể chấp nhận được, là vi phạm quyền tự do của con người trong cảm thụ cái đẹp trong âm nhạc.
- Sẽ là vi phạm nguyên tắc ứng xử trong giao tiếp văn hóa giữa con người với con người, đặc biệt là ứng xử một cách có văn hóa trên điện thoại. Chúng ta không thể và không nỡ lòng nào mời một số vị khách đáng kính về tuổi tác đi nghe một chương trình ca nhạc toàn những sản phẩm độc hại, kém chất lượng, thì tại sao trên điện thoại mình lại buộc người ta phải chịu đựng với những loại nhạc phế phẩm này?
Đề nghị các công ty dịch vụ, các hãng kinh doanh thuê bao cước phí điện thoại, Bộ Thông tin Truyền thông xem xét lại vấn đề vừa nêu. Nếu không môi trường âm nhạc của chúng ta ngày một ô nhiễm thêm trầm trọng. Và những ai gây ra thảm trạng này thì chúng ta đã rõ…
(Nguồn: http://honvietquochoc.com.vn)