Các rạp hát trở thành "miếng mồi ngon" trong mùa COVID-19
Tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 lên toàn bộ nền kinh tế có thể khiến các rạp hát lâm vào cảnh đổi chủ.
Lisbeth R. Barron - giám đốc ngân hàng đầu tư của Broadway đồng thời là nhà môi giới thương vụ cho công ty của Anh Ambassador Theater Group nhằm thâu tóm 6 rạp tại Mỹ, cho biết tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 lên toàn bộ nền kinh tế có thể khiến các rạp hát lâm vào cảnh đổi chủ.
"Một số rạp hát nhỏ không được vốn hoá tốt, nhất lại ở các thị trường nhỏ lẻ, sẽ càng có khả năng bị rao bán. Người mua muốn sở hữu những rạp hát trong khu vực, bất kể chúng ở Mỹ, châu Âu hay thuộc khu vực châu Á" – Bà Lisbeth R. Barron cho biết.
"Không còn nghi ngờ gì nữa khi nói rằng địa điểm sẽ là nơi lưu giữ giá trị của các rạp hát. Trong bất kì hoàn cảnh kinh tế hay địa chính trị nào, chúng sẽ luôn mang tính biểu tượng, quý giá và nhu cầu đối với các rạp hát thì luôn hiện hữu"
Hai năm trước, một tỷ phú người Ukraine đã chi khoảng 45 triệu bảng Anh, tức 59,3 triệu USD để tiếp quản nhà hát Royal Haymarket tại West End, London. Đây được cho là thương vụ lớn nhất đối với một nhà hát ở Anh, vượt xa thương vụ của nhà sản xuất Cameron Mackintosh trị giá 26 triệu bảng Anh (4,1 triệu USD) đối với nhà hát Victoria Palace trước đó. Bà Barron cho rằng: "Nhu cầu đối với mọi nhà hát ở West End hay Broadway sẽ luôn cao bởi chúng tạo ra những giá trị lớn".
Nhà hát Majestic tại khu Main Street , Mỹ (Nguồn: Forbes)
Tuy nhiên, việc mua một rạp hát trong thời kỳ đại dịch có vẻ không phải món đầu tư hấp dẫn. Ngay cả khi vaccine ngừa COVID-19 được nghiên cứu thành công, cũng không chắc khi nào người dân thực sự cảm thấy an toàn và thoải mái để quay lại thưởng thức hình thức nghệ thuật này. Trong khi đó, chủ các rạp hát vẫn phải thanh toán mọi loại hoá đơn và chi phí bảo trì sau thời gian dài đóng băng vì các biện pháp phong toả.
Chủ những rạp hát nhỏ thừa nhận, họ đã bị dồn vào chân tường. Điều duy nhất họ có thể làm lúc này là cầu nguyện cho sự xuất hiện của một dự luật mới giúp các rạp hát tiếp tục tồn tại thông qua những gói cứu trợ liên bang.
"Chúng tôi không thể trụ vững lâu hơn nữa nếu không có doanh thu. Chúng tôi thực sự cần gấp các gói cứu trợ" - Bonnie Schock, giám đốc điều hành của Nhà hát Fox Tucson ở Arizona chia sẻ.
Tuy nhiên, Barron cho rằng, vẫn sẽ có những người tin vào tương lai tươi sáng. Sau khi làm việc cùng nhóm 10 nhân viên ngân hàng tại Barron International Group LLC, Barron tuyên bố công ty bà có thể "tìm ra những người mua không bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Họ quan tâm tới giá trị lâu dài của các rạp hát thay vì nguồn thu thiếu hụt trong năm nay, thậm chí có thể sang cả đầu năm 2021. Họ đánh giá cao những gì các rạp hát mang lại trong vòng 5-10 năm tới.
Các rạp hát tại Broadway đóng cửa vì đại dịch (Nguồn: Reuters)
Có một số quỹ hưu trí, quỹ cổ phần tư nhân lâu đời, công ty gia đình và một số nhà đầu tư thực sự nghĩ theo cách đó, khi mà họ sở hữu nguồn vốn ổn định để nắm bắt cơ hội tạo ra những rạp hát hàng đầu trong tương lai. Một số chủ rạp hát hiện đang muốn mở rộng danh mục đầu tư.
Bà Barron từ chối đề cập đến những công ty cụ thể đang tham vọng thực hiện điều này. Ambassador Theater Group – được tài trợ bởi vốn tư nhân - hiện đang nắm quyền kiểm soát đối với một số nhà hát lâu đời khác. Gần đây, tập đoàn này được tài trợ 160 triệu bảng Anh (203.9 triệu USD) để có thể vực dậy từ sự ảm đạm. Ngoài ra, Trafalgar Entertainment, nhờ dòng vốn hỗ trợ từ công ty quản lý đầu tư Barings, đã thực hiện một thỏa thuận vào tháng 5 nhằm thâu tóm Theater Royal – rạp hát với 1.100 ghế ngồi dự kiến sẽ nối lại hoạt động vào năm tới. Trước đó, hai nhà sản xuất người Anh là Cameron Mackintosh và Michael Cassel cũng đã để mắt đến nơi này.
Nederlander Organization, tổ chức điều hành 30 địa điểm trên khắp nước Mỹ, cũng đang trong kế hoạch "đi mua sắm". Hồi tháng 11 năm ngoái, Barron là người trung gian giúp Nederlander và Jam Theatricals bắt tay nhau trong cùng một thương vụ tạo ra một công ty mới quản lý việc đăng kí mua vé theo mùa ở 26 cụm rạp và quản lý Nhà hát quốc gia tại Washington, D.C.
Một rạp hát đóng cửa tại Los Angeles, California, Mỹ (Nguồn: Reuters)
Một người cho rằng Broadway Across America có thể sẽ bổ sung một số rạp vào "bộ sưu tập" của mình. Lauren Reid, giám đốc phụ trách hoạt động của công ty mẹ, trước đại dịch đã từng xác nhận sẽ mua lại các rạp chiếu bên ngoài New York và West End. Hiện Broadway Across America đang kiểm soát quyền đặt vé trước của hơn 45 rạp chiếu trên khắp nước Mỹ.
TEG, công ty bán vé của Australia, được một công ty cổ phần tư nhân mua lại vào năm ngoái, cũng nằm trong danh sách những cái tên được quan tâm. Do đại dịch, "sẽ có nhiều thương vong", CEO Geoff Jones cho biết. Tuy nhiên, ông lạc quan rằng có thể đây sẽ là cơ hội để các rạp hát được khoác lên chiếc áo mới.
"Nếu những nhà đầu tư bất chấp đại dịch để mua lại cổ phần từ các chủ sở hữu rạp hát, và cũng để phục vụ cho việc xây dựng trong tương lai, thì đó thực sự là một kịch bản tốt nhất" – Bà Barron chia sẻ.
Thế nhưng, trước khi viễn cảnh đó diễn ra, các rạp hát tại Anh vẫn đang chịu cảnh đìu hiu mùa dịch. West End – khu phố nằm ở phía tây thủ đô London – nơi hội tụ đầy đủ những nét văn hoá nghệ thuật của xứ sở sương mù đã từng là điểm đến yêu thích của cả người dân địa phương và khách tham quan. Dịch COVID-19 khiến loại hình nghệ thuật này buộc phải đóng cửa theo các quy định về giãn cách.
Thưởng thức nghệ thuật từ ô tô trong đại dịch (Nguồn: Reuters)
Những khu phố vốn tấp nập người qua lại, nay lại vắng vẻ hơn bao giờ hết. Việc người dân nước Anh không thể trực tiếp đến các nhà hát như trước, khiến các doanh nghiệp chỉ biết chờ vào các khoản hỗ trợ từ chính quyền để tiếp tục tồn tại. Theo Bộ trưởng Văn hoá Oliver Dowden, "nghệ thuật là trung tâm văn hoá của một quốc gia. Đến thưởng thức một buổi biểu diễn, là bạn đang xem một phần lịch sử. Chúng ta phải bảo tồn điều này".
Bởi lẽ đó mà nước Anh đã tuyên bố sẽ đầu tư 2 tỷ USD cho lĩnh vực nghệ thuật tại quốc gia này, đồng thời cho phép những buổi biểu diễn ngoài trời được diễn ra tại các địa điểm văn hoá, với điều kiện phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về khoảng cách. Đây là khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay đối với lĩnh vực văn hóa tại Anh.
Giám đốc nghệ thuật của rạp hát The Old Vic Theatre, ông Matthew Warchus chia sẻ: "Đây là một tin rất vui. Số tiền chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều cho ngành công nghiệp của chúng tôi. Các rạp hát có thể hoạt động trở lại với thật nhiều khán giả đến xem chúng tôi biểu diễn".
Royal Albert Hall - nhà hát lớn nhất và cũng là một trong những biểu tượng văn hóa, kiến trúc độc đáo ở Vương quốc Anh, là một trong số cái tên nhận được khoản hỗ trợ này. Trước đó, đại điện của Royal Albert Hall cho biết, rạp hát này có thể sẽ mất trắng vì thiếu đi thu nhập và phải hoàn lại vé. Khoản hỗ trợ từ phía chính phủ, theo đó, được coi như chiếc phao cứu sinh cứu họ khỏi bờ vực phá sản.
(Nguồn: https://vtv.vn/)